Ký ức trận lụt lịch sử năm Thìn 1964

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ bao đời nay, đối với người dân ở dải đất miền Trung, những cơn bão, cơn lũ hằng năm dường như đã trở thành “câu chuyện thường ngày” trong con mắt của mọi người.

Nhưng với vô vàn “câu chuyện thường ngày” ấy, đây đó vẫn có những trận cuồng phong, những cơn nước dữ khổng lồ ập đến một cách kinh hoàng và trở thành dấu ấn không bao giờ quên trong ký ức của hàng triệu triệu con người từng sống, từng gắn bó với vùng đất đầy cam go thử thách này.

Năm 2024 - năm Giáp Thìn - được nhiều người dân miền Trung nói chung, Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng, với độ tuổi “xưa nay hiếm”, trong đó có tôi, một cậu bé cách đây 60 năm, khi đó mới tròn 10 tuổi, đều nhớ như in và nhắc đến ký ức kinh hoàng về trận đại hồng thủy mà mình đã từng tận mắt chứng kiến. Bởi đây là trận lũ đã vượt xa sức tưởng tượng của những người dân vốn đã bao đời nay từng đối diện với sự hung dữ của thiên nhiên.

kyuc.jpg
Trận lụt năm Thìn 1964 ở Hội An (tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Internet

Đó là vào ngày 4-11-1964, trời bắt đầu đổ những cơn mưa nặng hạt, tầm tã kéo dài suốt ngày đêm từ vùng núi cao đến đồng bằng ven biển các tỉnh ven biển miền Trung từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, mà Quảng Nam - Đà Nẵng là tâm điểm mãi cho đến ngày 10-11-1964. Đặc biệt, ngày 7-11-1964 (tức mồng 5-10 âm lịch) lại diễn ra hiện tượng nhật thực toàn phần càng làm cho bầu trời giữa ban ngày trở nên tối mịt mù, hòa cùng những cơn mưa khủng khiếp như trút nước làm cho ban ngày trở thành đêm tối đen.

Mưa to kéo dài không ngớt nhanh chóng tạo ra những cơn lũ ống, lũ quét từ trên các núi cao, các sườn đồi đổ xuống ngập tràn các con sông, dòng suối. Nước lũ chảy xiết dữ dội, đổ xuống từ núi cao ầm ầm như thác, tàn phá tất cả những vật cản nơi có dòng nước đi qua. Nước mạnh đến nỗi xé toạc từng cụm, từng mảng núi, từng sườn đồi, rồi cuốn theo những tảng đá to như cái nhà, những cây cổ thụ cao to nhiều người ôm không xuể cũng phải bị bật gốc trôi theo dòng nước lũ.

Trong tiểu thuyết “Gia đình má Bảy” mà nhà văn Phan Tứ đã mô tả là những trận lở đất trong cơn lũ lịch sử năm Thìn 1964 ở vùng đất Núi Thành, Tam Kỳ của Quảng Tín năm ấy đã tạo nên những cơn địa chấn kinh hoàng vì tiếng ầm ầm núi lở vang động cả một vùng trời làm át cả tiếng sấm chớp, mưa to gào thét.

Còn trong hồi ký “Dấu ấn thời gian”, ông Phạm Thanh Ba - nguyên Chánh Văn phòng Đặc khu ủy Quảng Đà lúc bấy giờ, có đoạn nói về trận lụt lịch sử này: “Mưa. Trời mưa không ngớt, mỗi ngày càng mưa nặng hạt hơn, kéo dài 9, 10 ngày liền. Nước cuồn cuộn đổ về các sông suối, tràn ngập các xóm làng. Có những thôn chỉ còn thấy thấp thỏm một vài ngọn tre trên mặt nước. Dọc vùng ranh và dọc các suối lớn sâu trong núi, một số núi lở vùi lấp nhiều kho tàng của cách mạng và một số thôn của đồng bào...”.

Nước lũ ngập tràn sông Tranh, đổ cuồn cuộn về sông Thu Bồn và biến vùng đồng bằng rộng lớn của Quảng Nam - Đà Nẵng từ Núi Thành ra đến Hòa Vang thành một biển nước trắng xóa, mênh mông vô cùng khủng khiếp. Lũ dữ làm cho vùng hạ lưu mở thêm hai cửa biển và làm thay đổi cả dòng chảy của các sông; đồng thời tạo ra nhiều vùng đất bồi khác…

Trong ký ức, tôi vẫn còn nhớ như in, ngôi nhà lá dừa của hai má con tôi ở thôn 2, xã Cẩm Thanh (Hội An) nằm ở ven sông Thu Bồn, gần Cửa Đại (Hội An). Nước lũ tràn về dâng cao làm cho ngôi nhà khá cao của má con tôi cũng ngập gần tới nóc. Má tôi phải lấy mấy tấm ván của chiếc ghe hằng ngày đi buôn bán cá gác lên xà nhà để hai má con ngồi chống lũ suốt ngày đêm. Cẩn thận hơn, má tôi phải tốc một tấm tranh dừa của mái nhà để phòng khi nước tiếp tục dâng cao có thể leo lên nóc nhà ngồi. Không những vậy, trong cơn mưa tầm tã thi thoảng lại có những cơn gió chướng làm cho ngôi nhà đung đưa như chiếc võng đến ghê sợ. Mau mà phía bên trên nhà tôi có hàng tre và hàng dương liễu vững chãi cản lại chứ không nước lũ chảy mạnh có thể cuốn ngôi nhà và hai má con tôi trôi ra biển cả bất cứ lúc nào.

Nhưng có điều cho mãi đến bây giờ tôi vẫn ám ảnh không sao quên được là suốt mấy ngày đêm liền dòng sông trước nhà tôi thi thoảng lại chứng kiến cảnh ai oán khi có tiếng người kêu cứu vọng lại đến thê lương. Do nước ngập bất ngờ không kịp chống đỡ, không còn lối thoát họ đã làm mọi cách để bấu víu với hy vọng sẽ được cứu khi phải trôi theo dòng nước lũ ra biển. Nhìn thấy cảnh tượng khi thì có người bám hoặc cột tay bên những cái tủ, cái bàn và cả trên những con thuyền nhỏ trôi từ Nông Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn... xuôi về Cửa Đại thật đau đớn biết nhường nào. Nhưng tất cả những người có mặt ở trên bờ lúc đó cũng đều bất lực nhìn ra dòng sông hung dữ, cuồn cuộn nước đục ngầu cuốn theo mọi vật từ cây cối, bàn, ghế, căn nhà, trâu, bò, lợn, gà và cả những con người xấu số... vì không có phương tiện nào để có thể đi ra cứu vớt được cả.

Khi nước lũ bắt đầu rút từ từ, hàng tre ở bờ sông xóm tôi trồi lên phát hiện có một phụ nữ tóc dài quấn lại treo lơ lửng trên lùm tre. Mọi người trong thôn chặt cây tre, đưa xác người phụ nữ xuống. Do nhiều ngày ngâm trong nước xác phình to, với lại không có quan tài nên người phụ nữ được bà con trong thôn chôn ở nghĩa địa gần nhà tôi bằng cách lấy tre bó lại và đặt tên bà Bốn. Dường như các cụ trong thôn coi cái chết của người phụ nữ xảy ra vào năm Thìn 1964, nên lấy con số cuối cùng của năm đặt tên cho người phụ nữ ấy là bà Bốn.

Để ghi lại ký ức kinh hoàng của trận lũ năm Thìn 1964, tôi cũng đi tìm tư liệu được nhiều phương tiện truyền thông những năm gần đây công bố cho thấy, “đại họa năm Thìn” đã làm cho hàng nghìn làng mạc dọc theo sông Tranh, sông Thu Bồn và sông Vu Gia gần như bị xóa sổ hoàn toàn. Đại tướng Chu Huy Mân, lúc đó là Tư lệnh Quân khu 5, chứng kiến trận lụt này đã ghi lại những thiệt hại nặng nề của lực lượng vũ trang: “Núi sạt lở từng mảng kéo theo một số buôn làng của đồng bào dân tộc và một số bệnh xá, cơ quan, đơn vị. Riêng bộ đội đã có 70 cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp... Trận lụt đã gây ra nạn đói nghiêm trọng, đe dọa khắp vùng ven biển miền Trung, tác động sâu sắc đến nhiều mặt của cuộc kháng chiến”.

Trong khi đó, huyện Nông Sơn là địa phương bị thiệt hại nặng nhất về người và của. Riêng làng Đông An (xã Quế Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) là nơi hứng chịu tang thương nhiều nhất khi lũ đã cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, san bằng làng mạc và đớn đau nhất là cuốn đi gần hết người trong làng, tổng cộng 1.481 người chết, chỉ còn sống sót được 19 người. Tại huyện Đại Lộc, hơn 1.200 nhà bị trôi, 253 người chết, hơn 45.000 ang lúa, bắp và vô số của cải, gia súc bị trôi. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là các xã Lộc Quý, Lộc Sơn, Lộc Phước, Lộc Hòa, Lộc Vĩnh. Ở huyện Quế Sơn, các thôn An Toàn (xã Hiệp Thuận), Bình Kiều (nay thuộc xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức), Thạch Bích bị trôi toàn bộ nhà cửa, tài sản, hoa màu, 5.000 người chết và mất tích.

Trận lũ kinh hoàng này làm cho nhiều địa phương miền Trung từ Huế đến Bình Định thiệt hại vô cùng nghiêm trọng. Riêng Quảng Nam tổng số người chết và mất tích là khoảng 6.000 người, một sự mất mát không sao kể xiết.

Nhớ lại trận lũ năm Thìn 1964 và cơn bão số 3 (Yagi) mới xảy ra ở các địa phương phía Bắc, đúng 60 năm sau, với những tàn phá kinh hoàng của nó làm cho tất cả những ai chứng kiến cũng phải thốt lên những từ khủng khiếp và đớn đau đến tột cùng khi nó gây ra thiệt hại cho con người không sao bù đắp được. Bởi vậy, việc chung tay bảo vệ môi trường sống, chủ động ứng phó kịp thời trước những cơn cuồng nộ của thiên nhiên luôn luôn là một câu chuyện không bao giờ thừa trong mỗi chúng ta.

Theo TUYẾT MINH (baodanang.vn)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.