Làng Nủ, chuyện chưa kể - Kỳ cuối: Đằm sâu tình 'cá nước'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ngày thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Làng Nủ để lại trong mỗi cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316, Quân khu 2) nhiều ký ức, đặc biệt là tình quân với dân.

Ngày chia tay Làng Nủ khiến bao người lính rắn rỏi, bản lĩnh, ý chí không màng hiểm nguy, nhưng đã phải rơi nước mắt trước tình cảm của người dân.

Tình cảm quân dân thắm thiết
Tình cảm quân dân thắm thiết

Ký ức không phai mờ

Trong ký ức của người lính của Trung đoàn 98, vẫn không thể quên được hình ảnh những người mẹ, người chị dân tộc trên gò má hốc hác đẫm nước mắt, đôi tay gầy guộc, cài những tấm bánh, gói xôi lên ba lô để các “con” ăn trên đường hành quân về đơn vị. Những hình ảnh đó sẽ không thể phai mờ trong trái tim mỗi chiến sĩ.

Bước trên con đường bê tông trong khuôn viên của Trung đoàn 98 rợp bóng cây xanh, Trung tá Lương Vĩnh Phúc - Phó Chính ủy Trung đoàn 98 nhớ lại, dọc con đường từ trung tâm nhà văn hóa thôn Làng Nủ, đồng bào đứng chật hai bên đường. Những người đàn ông nắm chặt tay bộ đội; các bà, các mẹ ôm vai chiến sĩ rồi khóc. Nước mắt của sự mến thương, cảm phục và lòng biết ơn. Cứ thế tay nắm tay, nước mắt lại rưng rưng không nói nên lời.

Trong câu chuyện của cán bộ, chiến sĩ trở về từ Làng Nủ, đều nói rằng, đó là khoảng thời gian khó phai mờ trong trái tim họ. Bởi khi những người lính lên Làng Nủ, họ gặp những ánh mắt bi thương, hoang mang. Ánh mắt người dân như cầu xin sự giúp đỡ để tìm lại người thân bị đất, đá vùi lấp.

“Đã một tháng trở về đơn vị, nhưng tôi vẫn không quên giây phút một người phụ nữ tiều tụy, tiến đến bên tôi và nói không nên lời. “Em cố gắng tìm anh ấy cho chị! Chị chỉ cần nhìn anh ấy lần cuối thôi”! Lúc đó tôi cũng không nói nên lời, nhưng tự nhủ với bản thân sẽ cố gắng tìm kiếm những người mất tích”, binh nhất Hoàng Văn Hùng, Tiểu đoàn 8 ngậm ngùi.

Binh nhất Hùng chia sẻ rằng, khi anh và đồng đội chia tay bà con, về đơn vị, Làng Nủ vẫn còn đó sự đau thương, nhưng trong đó đã có hơi ấm của tình người, tình quân dân. Tình cảm người dân đã làm cho bản thân mỗi người lính phải nghẹn ngào, rơm rớm nơi khóe mắt. “Thực sự chúng tôi không muốn rời xa mảnh đất đó, vì dưới những lớp bùn kia vẫn còn nạn nhân nằm lại”, anh Hùng chia sẻ.

Binh nhất Vàng Seo Chư, Tiểu đoàn 8 viết trong lưu bút ở Làng Nủ: “Những chiếc bánh chưng, những gói cơm nắm, chai nước lọc là tình cảm mà người dân nơi đây gửi gắm, khi công tác hậu cần của đơn vị chưa triển khai kịp. Trước khi về đơn vị, tôi đã rơi nước mắt bởi tình cảm mà bà con dành cho mình. Đó là những ký ức khó quên trong đời quân ngũ. Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, “đi dân nhớ, ở dân thương”, mọi cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98 luôn nêu cao tinh thần không ngại gian khổ trong thực hiện nhiệm vụ”.

“Chứng kiến tận mắt sự tàn khốc của thiên tai để tự hào về sức mạnh, ý chí, tinh thần vượt khó của người lính Trung đoàn 98 Anh hùng. Chính trong lúc khó khăn nhất, nguy hiểm nhất các chiến sĩ đã thể hiện rõ bản lĩnh, phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”, đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, giúp đỡ nhân dân vô điều kiện”.

Đại tá Nguyễn Ngọc Ngân - Phó Chủ nhiệm chính trị Quân Khu 2

Các chiến sĩ Trung đoàn 98 hướng về bãi bùn thôn Làng Nủ chào vĩnh biệt những nạn nhân chưa tìm thấy
Các chiến sĩ Trung đoàn 98 hướng về bãi bùn thôn Làng Nủ chào vĩnh biệt những nạn nhân chưa tìm thấy

Ấm tình quân dân

Những khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ tại Làng Nủ đã chạm đến trái tim của người dân. Trong câu chuyện của mình, Trung tá Đào Xuân Trình, Phó Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật Trung đoàn 98 nói rằng, càng rơi vào hoàn cảnh khó khăn thì tình quân dân lại bền chặt, thắm thiết và tinh thần “xe chưa qua, nhà không tiếc” trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước lại tái hiện.

“Thực hiện nhiệm vụ tại thôn Làng Nủ, nguồn thực phẩm chủ yếu được khai thác tại chỗ. Đến nhiều gia đình hỏi mua lợn để thịt, làm thực phẩm phục vụ bộ đội, tôi nhận được câu trả lời: “Lũ cuốn trôi hết rồi, không còn lợn để bán đâu. Gia đình em còn con bò cho các chú bộ đội. Để tôi dắt sang cho các chú thịt”. Nghe những câu đó mà cổ tôi nghẹn cứng, cố giải thích với chị ấy rằng, bộ đội có chế độ, tiêu chuẩn của quân đội rồi, chị để con bò lại làm kế sinh nhai” trung tá Đào Xuân Trình kể.

Trung tá Lương Vĩnh Phúc - Phó Chính ủy Trung đoàn 98 cho biết, ngày chia tay, đồng chí Bí thư Huyện ủy huyện Bảo Yên trao cho cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 lá cờ Tổ quốc in dòng chữ “LÀNG NỦ (10-24/9/2024)”. Nhận lá cờ chúng tôi rơm rớm nước mắt, đây không chỉ là tình cảm, tấm lòng, sự tri ân sâu sắc của nhân dân Làng Nủ, mà là niềm tin, chỗ dựa tinh thần, “thế trận lòng dân” vững chắc của nhân dân cả nước đối với Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Những cái ôm người dân dành tặng cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98
Những cái ôm người dân dành tặng cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98

Còn Binh nhất Trần Minh Thảo, Tiểu đoàn 8 nghẹn ngào nói, sau 2 tuần thực hiện nhiệm vụ cứu nạn tại Làng Nủ, anh được trải qua nhiều câu chuyện cảm động về tình cảm người dân dành cho bộ đội. Đó là hình ảnh người dân chăm chút từng hớp nước, phơi phóng quần áo, chuẩn bị từng suất cơm cho bộ đội...

“Tình cảm của nhân dân làm cho chúng tôi ấm hơn rất nhiều giữa những đêm mưa rừng lạnh lẽo. Bao nỗi khó khăn, vất vả của bộ đội đã để lại trong tâm trí người dân, được người dân ghi nhận”, anh Trần Minh Thảo chia sẻ.

Nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn là cao cả, quá trình tìm kiếm, tuy có gian nan, có cả sự lo sợ, nhưng mỗi chiến sĩ đều đặt trách nhiệm lên trên hết. Đối với binh nhất Trần Văn Phúc, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn ở Làng Nủ đã trở thành ký ức mà Phúc không bao giờ quên trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự của mình.

“Thực hiện nhiệm vụ tại Làng Nủ, tôi thực sự cảm nhận đầy đủ các cung bậc tình cảm người dân dành cho mình. Tình cảm quân dân thật thiêng liêng, son sắt đúng như lời Bác Hồ dạy: Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, binh nhất Trần Văn Phúc tâm sự.

Công việc tìm kiếm người mất tích, tại khu vực bị lũ quét đi qua bùn đất lầy lội, nhiều chỗ sâu đến đùi, đến bụng và không có nước để tắm rửa, nhưng có hề gì, họ luôn đinh ninh vì nhân dân phục vụ...

Theo Viết Hà (TPO)

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...