Làng Nủ, chuyện chưa kể - Kỳ 2: Phút bật khóc của người lính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chính trong lúc khó khăn, nguy hiểm nhất, các chiến sĩ Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316, Quân khu 2) đã thể hiện rõ bản lĩnh, phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”; là điểm tựa vững chắc cho bà con Làng Nủ trong những lúc tột cùng đau thương.

Tinh thần vượt qua khó khăn của những người lính như một “liều thuốc” giúp những người ở lại ấm lòng hơn, phần nào vơi đi những mất mát.

“Em cứ yên tâm đi viện điều trị”

Các chiến sĩ Trung đoàn 98 đã lao vào tâm lũ, dầm mình dưới hố bùn lầy, những lạch nước chảy xiết, rồi lật từng lùm cây, ngóc ngách để tìm kiếm người bị lũ cuốn trôi. Trong lớp bùn dày quyện với rác và đủ các loại, mùi xác động vật, mùi thi thể bốc lên nồng nặc.

Những người lính mặc áo phao, đeo găng tay, chân đi ủng, mang trên mình dây kéo, bình tông, áo mưa, cầm gậy xông xáo tiến về phía sạt lở như bước vào trận chiến đấu vô cùng gian nan.

Binh nhất Hà Mạnh Cường, Tiểu đoàn 7 nhớ lại, các chiến sĩ được chỉ huy giao nhiệm vụ tìm kiếm từ một khu vực rộng lớn kéo dài gần 10 cây số. Anh và đồng đội men theo con suối dưới thời tiết nắng nóng gần 40 độ C. Con suối chảy xiết, nhiều ghềnh thác, dốc cao luôn tiềm ẩn nguy hiểm lũ quét.

“Mặc dù khó khăn như vậy, nhưng chúng tôi vẫn không hề nản chí, sờn lòng, quyết tâm cao nhất để tìm những người bị mất tích cho bà con nơi đây được an lòng”, anh Cường nói.

lang-nu-chuyen-chua-ke-ky-2-dd.jpg
Các chiến sĩ Trung đoàn 98 dầm mình dưới bùn nhiều ngày tìm kiếm người mất tích tại Làng Nủ.

Trong cuốn nhật ký của Binh nhất Vàng Gở Xa, Tiểu đoàn 8 viết: “Tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh người đồng đội dũng cảm Thào Mí Lình, trong quá trình tìm kiếm nạn nhân anh bị đinh sắt xuyên vào lòng bàn chân, máu chảy rất nhiều, nhưng anh vẫn cố gắng chịu đựng đau đớn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Cho đến khi vết thương quá nặng, buộc phải về điều trị tại Bệnh viện Quân y 109, anh đã bật khóc vì không được cùng đồng đội giúp dân tìm kiếm người mất tích”.

Vàng Gở Xa kể, trước khi Thào Mí Lình lên xe đi cấp cứu, đồng chí Trung đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Ba nghẹn ngào: “Em cứ yên tâm đi viện điều trị, ở đây đã có anh và đồng đội làm thay em. Đồng đội sẽ làm hết mình vì nhân dân Làng Nủ”.

langnu-2.jpg
Thào Mí Lình bị thương phải đi điều trị, anh đã khóc vì không được giúp dân tìm người mất tích

Cũng như Thào Mí Lình, Binh nhất Triệu Văn Phúc trong khi đang tìm kiếm người bị nạn cũng gặp tai nạn, anh chia sẻ:

“Thật buồn khi bản thân không thể tham gia tìm kiếm nạn nhân được nữa, đành phải nhờ cậy vào đồng đội. Mong đồng đội giúp tôi tìm kiếm thêm nạn nhân còn nằm lại dưới đống bùn đất”, Binh nhất Triệu Văn Phúc bộc bạch.

Bất chấp hiểm nguy

Mảnh đất Làng Nủ đã thấm mồ hôi, nước mắt và cả máu của những chiến sĩ. Vất vả, hiểm nguy luôn thường trực khi điều kiện địa hình, thời tiết không ủng hộ. Ban ngày trời nắng như rang, nhưng đêm xuống lại sầm sập đổ mưa giông.

Theo Binh nhất Thào A Phử, Tiểu đoàn 8, lực lượng tìm kiếm được thủ trưởng giao nhiệm vụ phải tuyệt đối an toàn về mọi mặt, đi đủ, về đủ, khi có tín hiệu lập tức cơ động lên cao.

“Tôi nhớ lần đang tìm kiếm ở dưới thung lũng, bỗng từ phía chân núi có tiếng nổ lớn và nước từ con suối đột nhiên ùa ra rầm rầm. Tiếng kẻng vang lên cùng lời hô hoán “nước lũ... nước lũ...”. Chúng tôi lao nhanh lên bờ và may mắn thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”, Thào A Phử nhớ lại.

3langnu.jpg
Các chiến sĩ Trung đoàn 98 lật từng ngóc ngách để tìm kiếm nạn nhân

Cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhớ lại buổi đầu tiên tổ chức tìm kiếm nạn nhân mất tích tại thôn Làng Nủ, với Binh nhất Triệu Văn Tiến, Tiểu đoàn 8 trống ngực đập thình thịch khi anh cùng đồng đội thoát hiểm trong gang tấc.

“Sau hai tuần thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại Làng Nủ, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 98, cùng với các lực lượng đã tìm kiếm được 55 nạn nhân. Chia tay Làng Nủ trở về đơn vị khi còn đó 11 người đang mất tích. Chúng tôi xếp từng hàng dài quay mặt xuống bãi bùn đất chào vĩnh biệt những nạn nhân xấu số mà bứt rứt, áy náy trong tim vì không thể tìm hết các nạn nhân” Thượng úy Hán Văn Tài, Trung đoàn 98.

Tiến kể, khi đang thực hiện nhiệm vụ, đột nhiên từ trên đỉnh đồi tiếng kẻng của lực lượng cảnh giới vang lên liên tục và tiếng bà con hét toáng lên “chạy đi, lũ về”… Được lệnh của chỉ huy, Tiến và đồng đội vội chạy thật nhanh, có người bò lổm ngổm trên bùn lầy, rồi cố bò lên sườn đồi đến vị trí an toàn. Ngay sau đó, dòng nước xiết ào ào chảy qua vị trí các anh em chiến sĩ vừa tìm kiếm. Thật may mắn mọi người đều an toàn.

Bao nhiêu gian khó, hiểm nguy luôn rình rập, nhưng những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” không chùn bước. Các chiến sĩ tâm sự rằng, họ được tiếp thêm động lực, sức mạnh rất lớn, đó chính là ngày 12/9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đích thân vào tận Làng Nủ để chia sẻ với nhân dân và động viên cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ nơi đây.

Binh nhất Triệu La Cáo, Tiểu đoàn 8, xúc động bày tỏ: “Trước đây, tôi không bao giờ nghĩ có ngày được gặp Thủ tướng Chính phủ. Khi thấy chúng tôi, Thủ tướng bước chân nhanh hơn, chống gậy lội xuống bùn sâu vào tận vị trí tìm kiếm để chỉ đạo, truyền thụ kinh nghiệm và động viên, dặn dò cán bộ, chiến sĩ từng ly, từng tý để đảm bảo an toàn”.

Binh nhất Âu Nguyễn Sỹ Sơn, Tiểu đoàn 8 chia sẻ, anh được phân công vào Tổ cơ động, khi bộ phận tìm kiếm trên các hướng tìm được nạn nhân, Sơn cùng đồng đội có nhiệm vụ khiêng thi thể về bàn giao cho địa phương.

“Lần đầu tiên đến một vùng sạt lở nghiêm trọng, lúc đầu chúng tôi rất sợ. Nhưng trước sự đau thương mất mát của người dân, chúng tôi coi những nạn nhân như người thân của mình, nên chúng tôi đã gạt bỏ được sự sợ hãi, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Sơn bộc bạch.

Quá trình tìm kiếm những nạn nhân mất tích, những chiến sĩ sử dụng những chiếc gậy bằng tre nhỏ để tìm kiếm thi thể, khi có dấu hiệu của nạn nhân nằm sâu dưới lớp bùn đất, họ dùng cào, cuốc, xẻng để đào và bới nhẹ từng lớp bùn đất mỏng. “Khi phát hiện nạn nhân, chúng tôi lại bảo nhau cùng nhẹ tay, vì không muốn làm họ đau thêm lần nữa. Nạn nhân đã bị đất đá chà xát quá đau rồi”, Binh nhất Triệu La Cáo chia sẻ thêm.

Mỗi khi tìm thấy thi thể mang về có rất nhiều người dân chạy đến để xác nhận danh tính xem có phải người thân của mình không. Những thời khắc này, người tìm được thân nhân thì khóc ôm những người chưa tìm được. Vì lúc đó, họ đồng cảm với nỗi mất mát của nhau, động viên nhau, hi vọng sớm tìm được người thân đang mất tích của mình.

(Còn nữa)

Theo Viết Hà (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.