Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 2: Tiệm đồ ngọt có bao nhiêu vị?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Lạc lối ở Chợ Lớn, tôi tự hỏi trăm năm qua, những 'tiệm đồ ngọt' người Hoa thực ra có bao nhiêu vị?

Lúc mặt trời chưa ló dạng, đường Trần Hưng Đạo (Q.5, TP.HCM) vốn nườm nượp xe vào ban ngày, còn rất vắng lặng. Những dãy nhà lầu có kiến trúc từ thời Pháp với các cửa chớp bằng gỗ cũ kỹ, thờ ơ với lớp bụi phủ trên từng khe cửa, nhìn ra phố như những con mắt màu xanh đã chứng kiến bao cuộc đổi vần thời cuộc. Đây cũng là con đường có rất nhiều tiệm đồ ngọt trăm tuổi của Chợ Lớn. Lạc lối ở Chợ Lớn, tôi tự hỏi trăm năm qua, những "tiệm đồ ngọt" người Hoa thực ra có bao nhiêu vị?

Xe đồ ngọt ông Sấm, ngày bán vài trăm chén chè

Cuối đường Trần Hưng Đạo là nơi có tiệm chè nổi tiếng, còn được gọi là "chè Nhà đèn, chè Năm Ngọn". Kế đó, ở góc đường Châu Văn Liêm - Hùng Vương có tiệm chè Hà Ký cũng được nhiều thực khách ưa chuộng. Đường An Điềm, một con đường nhỏ trong Chợ Lớn, cũng nổi danh với tiệm chè tàu Tường Phong. Có thể nói, nếu là một tín đồ của "chè đạo", bạn sẽ dễ dàng tìm cho mình một quán quen ở Chợ Lớn.

Ông La Khổng Sấm và xe đồ ngọt gia truyền. ẢNH: LÊ VÂN
Ông La Khổng Sấm và xe đồ ngọt gia truyền. ẢNH: LÊ VÂN

Nhưng với nhiều người Hoa cố cựu ở TP.HCM, họ vẫn thích tìm về nét hoài niệm xưa ở xe đồ ngọt của một ông già người Tiều dù bị cạnh tranh bởi nhiều quán nổi tiếng khác vẫn túc tắc bán đều mỗi ngày vài trăm chén chè. Ông La Khổng Sấm, 79 tuổi, chủ xe đồ ngọt này cho hay gia đình ông bán chè từ năm 1976.

"Ba chú hơn 50 tuổi mới mở bán chè. Xưa, trước năm 1975, ông già bán cà phê kho, không có bảng hiệu. Ba ở Triều Châu, qua Sài Gòn từ thời Pháp. Nhưng sau 1975, cà phê bị coi là xa xí phẩm, không được bán rộng rãi, ba mới tìm tòi cách nấu chè. Nấu nhiều thì biết. Chú phụ ba làm, hồi đó chú cũng 30 tuổi mới làm nghề chè. Khách quen nhiều nên xe chè dần bán đều hơn, tới giờ vẫn bán bằng cái xe hồi xưa ba làm cà phê", ông Sấm nhớ lại.

Ông La Khổng Sấm, chủ xe chè gần Chợ Thiếc, Q.11. ẢNH: LÊ VÂN
Ông La Khổng Sấm, chủ xe chè gần Chợ Thiếc, Q.11. ẢNH: LÊ VÂN

Chiếc bảng hiệu "Tiệm đồ ngọt nóng - lạnh" cũng là thực đơn của quán, ghi bằng 2 thứ tiếng Việt - Hoa treo bên hông xe chè ông Sấm. Chiếc bảng hiệu mang dấu tích hơn 4 thập niên, chứng kiến xe chè qua 2 thế hệ. Ông Sấm vẫn giữ nguyên thực đơn từ thời cha ông mới nấu chè để bán: tàu hủ ky bo bo, đu đủ tiềm, chè đậu xanh, đậu đỏ, nhãn nhục, hạt sen, sâm bổ lượng. "Hồi đó món tàu hủ ky bo bo người Hoa thích ăn lắm, vừa mát trong người vừa ấm bụng. Xưa người Tàu thích ăn chè nóng, giờ giới trẻ lại có phần nghiêng về chè lạnh - có chút đá. Nhưng các bô lão người Hoa tới giờ vẫn ưa chè nóng hơn", ông Sấm nói.

Đu đủ tiềm và chè hột gà - món cũ vị xưa ở xe chè ông Sấm. ẢNH: LÊ VÂN
Đu đủ tiềm và chè hột gà - món cũ vị xưa ở xe chè ông Sấm. ẢNH: LÊ VÂN

Tiệm đồ ngọt ông Sấm mở bán từ 15 - 22 giờ hằng ngày, nằm gần Chợ Thiếc (đường Phó Cơ Điều, Q.11). Vợ ông, bà Lệ Hoa (68 tuổi) cũng phụ chồng buôn bán. Ông bà có 2 người con nhưng không theo nghề chè nữa. Ông tâm sự: "Nghề này cực lắm, con cái không thích. Nhà chú có 6 anh em, cũng chỉ có chú còn giữ nghề của ba mà thôi. Giờ thì với chú coi như niềm vui tuổi già. Mình bán mỗi ngày, gặp khách quen như gặp lại bạn bè xưa, quý lắm".

Chè hạnh nhân tiệm Hà Ký. ẢNH: LÊ VÂN
Chè hạnh nhân tiệm Hà Ký. ẢNH: LÊ VÂN

60 năm "bán chơi mà ăn thiệt"

Có lẽ quý độc giả sẽ hơi thắc mắc khi thấy tôi kể tên nhiều tiệm chè tàu như vậy mà lại chỉ dẫn ra đây 2 xe đồ ngọt của 2 ông già Chợ Lớn. Là bởi, những cái tên chè Hà Ký, Tường Phong, Nhà đèn đã quá quen thuộc và trở nên phát đạt. Với thực đơn phong phú, các tiệm chè kể trên đã nổi danh và đắt đỏ không thua kém các món tráng miệng sang trọng trong nhà hàng. Trung bình, chè ở Hà Ký, Tường Phong, Nhà đèn có giá từ 40.000 - 60.000 đồng/chén tùy loại. Hà Ký bây giờ còn bán thêm cả đồ ăn xế, ăn vặt để thu hút khách trẻ.

Nhưng có những xe đồ ngọt dù hàng thập niên trôi qua, họ vẫn giữ nguyên thực đơn giản dị, đôi khi chỉ một vài món có giá tăng chút đỉnh ở mức bình dân để ai cũng có thể ghé ăn mà không "xót" túi tiền trong thời vật giá leo thang.

Ông già sương sáo Lâm Đệ. ẢNH: LÊ VÂN
Ông già sương sáo Lâm Đệ. ẢNH: LÊ VÂN

Ở đường Gia Phú (Q.8), có một xe đồ ngọt không tên nhưng khách thường gọi là "xe sương sáo ông già Gia Phú" cho dễ nhớ. Chủ quán là ông Lâm Đệ năm nay 70 tuổi. Xưa, cha ông thường theo mẹ đẩy xe sương sáo đi bán khắp Chợ Lớn. Người Hoa vốn mê món sương sáo nước đường vì vị thanh, ngọt nhẹ, giải nhiệt trong những ngày nóng bức. Cha ông Đệ là người Triều Châu, qua Sài Gòn từ năm mới hơn 10 tuổi cùng gia đình. Sau này khi khách đông hơn, họ thuê một góc sân nhỏ trước số 61 Gia Phú để xe bán một chỗ, tiện cho khách ghé hơn đẩy rong như trước.

Món đồ ngọt đơn giản được tiếp nối 3 thế hệ gia đình ông Lâm Đệ. ẢNH: LÊ VÂN
Món đồ ngọt đơn giản được tiếp nối 3 thế hệ gia đình ông Lâm Đệ. ẢNH: LÊ VÂN

"Ổng thường tự mua dây sương sáo khô về nấu, đổ khuôn và bán trong ngày. Khi ông già còn sống, ổng chia làm hai buổi, sáng thì ông già bán, chiều là tôi bán. Khi nào hết thì đẩy xe về. Trước chỉ có một món sương sáo với chút nước đường thôi, sau này theo ý khách thì có thêm sương sáo sữa, hạt é", ông Đệ kể. Dù chỉ có một món duy nhất là sương sáo nóng - lạnh nhưng 2 cha con ông Đệ đã tiếp nhau giữ xe chè suốt hơn 60 năm nay.

Hằng ngày, khoảng 9 - 10 giờ, ông Đệ sẽ đẩy xe sương sáo từ nhà ở đường Trần Hưng Đạo B (Q.5, TP.HCM) đến đường Gia Phú bán, khi nào hết thì về. Giá một ly sương sáo mang về là 15.000 đồng, chén ăn tại chỗ 10.000 đồng. Đặc trưng sương sáo ông Đệ là chỉ ướp lạnh rồi dùng, không ăn kèm đá.

Ông nói: "Người biết ăn món này thường ăn không lạnh, vì nó thơm hơn. Mấy người lớn tuổi mới biết cách ăn xưa, còn giới trẻ họ ăn lạnh rồi còn cho đá nữa. Giờ bán cũng ế, có khi bán được có khi không. Hai chục năm trước 2 cha con thay phiên sáng chiều mà bán được lắm. Túc tắc bán khi nào hết sức thì nghỉ thôi. Món ăn chơi này vậy mà cũng là kế sinh nhai của gia đình tôi suốt chừng ấy năm rồi". (còn tiếp)

Ông Lâm Đệ bật mí: "Làm sương sáo nói khó cũng đúng mà dễ cũng không sai. Vì cách nấu chỉ là dây sương sáo nấu lên rồi nêm đường, nước sao cho nó vừa miệng, ai cũng nấu được. Nhưng khó là làm cách nào mà sương sáo thơm, ăn không lẫn tạp chất, sạch miệng. Nguồn gốc cây sương sáo là đặc sản của người Triều Châu, khi họ qua Sài Gòn định cư thì mang theo để ăn và buôn bán".

Theo Lê Vân (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.