Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 3: Sống rất gần với gỗ, cây, núi rừng và với đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Điểm du lịch Avocado Farm kết nối nông dân làm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh.

Trong “Thư tình gửi một người” 60 năm trước, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cảm nhận về vùng đất Đơn Dương với “cuộc sống ở đây an bình dễ chịu. Có lẽ rồi anh cũng kiếm cách về đây, làm đồn điền và xa lánh những chen đua vô ích. Tìm một hạnh phúc nào nhỏ nhất cho vừa đời mình. Làm một căn nhà sàn với bàn ghế bằng những gốc thông ghép lại, sống rất gần với gỗ với cây với núi rừng với đất...”.

t3-01-20241028202352.jpg
Bốn mùa cây trái sum suê trong quần thể Điểm du lịch canh nông Avocado Đơn Dương

BỐN MÙA HOA TRÁI THƠM THO

Và 60 năm sau với huyện Đơn Dương đã được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận Điểm du lịch canh nông Avocado Farm tại xã Quảng Lập do cử nhân công nghệ thông tin Phan Thanh Nhân trở về đất quê xây dựng hơn 10 ha đất trồng hoa, trái theo chuỗi liên kết gắn với du lịch làng văn hóa, làng nghề truyền thống ở địa phương.

Phóng viên trở lại Điểm du lịch Avocado Farmcó độ cao 1.000 m so với mặt nước biển lần này trong ánh nắng vàng dịu mát. Đang vào thời điểm cuối thu, khách du lịch thưởng thức bơ Booth của Mỹ thuần hóa tại nông trại 100 cây thu hoạch năm thứ 2 trái tròn căng, phần thịt vàng ươm, béo thơm. Cùng với đó sản phẩm mãng cầu gốc giống Đài Loan 100 cây cũng bước vào chính vụ gặt hái mỗi cây từ 5-10 kg. Lần trước, phóng viên đến đây vào cuối xuân vụ mùa ổi ruột đỏ giống Đài Loan 200 cây, vỏ mỏng, mềm, phần cơm ngọt thanh khó quên.

“Nông trại du lịch chúng tôi định canh cây trồng nhiều chủng loại, chủ lực cây ăn trái giống gốc nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau về chọn tạo, ghép trồng theo kỹ thuật sinh trưởng thích nghi trên đất Đơn Dương. Nhờ vậy mùa nào thức nấy, với mùa xuân có ổi ruột đỏ, vú sữa Hoàng kim; mùa hạ có bơ 034 Lâm Đồng, bơ Ông Tĩnh OCOP 3 sao; mùa thu có bơ Booth Mỹ cùng với mùa hồng ăn trái; mùa đông với nhiều loại rau, củ, quả như súp lơ, cải bắp, khoai tây, cà rốt. Riêng các loại rau ăn lá, cà chua, cà tím đều có hoa lợi hàng năm và hoa cỏ muôn sắc thay phiên đua nở hàng ngày trên mỗi lối đi...”, chủ nông trại du lịch Phan Thanh Nhân cho hay.

Phóng viên bước lên một căn gác gỗ lưu trú của Avocado Farm thu về trong tầm mắt những dãy núi trập trùng bao bọc một vùng cây trái, rau, hoa xanh mát của nông trại. Theo hướng xung quanh đồi núi, rừng cây thẫm xanh, Điểm du lịch Avocado Farm kết nối thành tuyến tham quan các điểm du lịch nổi tiếng trên đất Đơn Dương như: Samten Hills, nhà thờ gỗ thông Ka Đơn, Làng Văn hóa Churu, làng nghề gốm xã Pró. Còn tại khuôn viên Avocado Farm thấp thoáng bên những tán cây xanh và giữa những cụm hoa rực rỡ muôn sắc màu với gần 10 căn nhà sàn gỗ dành riêng nghỉ dưỡng cho khách du lịch, công suất lưu trú từ 45-50 người. Lần trước vào một ngày cuối xuân, ngồi trước hiên nhà gỗ này, phóng viên trò chuyện với khách du lịch tuổi 9X Mai Xuân Nhựt Phúc đến từ xứ cát nóng Phan Rang.

Qua đó mới biết chàng thanh niên này đã chọn nghỉ lại trong căn nhà gỗ giữa đất trời, cây trái tốt tươi, hoa nở thắm sắc của Avocado Farm rồi theo từng tuyến đường nhựa trong huyện nông thôn mới Đơn Dương trải nghiệm trên các cánh đồng rau, hoa của thị trấn Thạnh Mỹ, thị trấn D’ran; các xã Ka Đô, Ka Đơn, Tu Tra, Lạc Xuân, khám phá những quy trình canh tác kỹ thuật cao của người nông dân xứ này. Chủ nhân Phan Thanh Nhân xác nhận lời bình luận của khách du lich 9X Mai Xuân Nhựt Phúc rằng: Avocado Farm giữ vai trò kết nối với nông dân làm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; các chủ thể OCOP, dịch vụ ẩm thực, dịch vụ lưu trú, đơn vị quản lý di sản văn hoá nhà thờ, nhà rông; các danh lam thắng cảnh, làng nghề làm nhẫn bạc...”.

KHÁM PHÁ 30 SẢN PHẨM OCOP 3-4 SAO

Để xác tín lần nữa, phóng viên trải nghiệm với hoạt động của Hợp tác xã (HTX) Phụ nữ Trùn quế Đơn Dương tọa lạc trên 1.500 m2 đất liền kề với Avocado Farm. Ở đây hệ thống nhà nuôi trùn quế được bố trí theo dây chuyền sản xuất tuần hoàn từ phế phẩm cây trồng, phân chuồng tươi đầu vào đến các dòng sản phẩm phân bón đầu ra trở thành vật tư đầu vào trở lại chăm sóc cây trồng. Trong năm 2024, HTX sản xuất theo nhu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn trong và ngoài huyện Đơn Dương với khối lượng phân trùn quế hữu cơ từ 170-180 tấn bột, 1 tấn trà đậm đặc, 5 tấn ép viên, 1.500 lít dung dịch. Tương ứng với nguyên liệu đầu vào 220-300 tấn phụ phẩm cây trồng, gần 330 tấn phân bò tươi. “Đến nay HTX chúng tôi tập hợp 21 nông hộ liên kết trong huyện Đơn Dương, sử dụng khoảng 30% lượng phân bón trùn quế phục vụ sản xuất hơn 20 ha rau, hoa theo quy trình tuần hoàn, qua đó bổ sung dưỡng chất và tái sinh vi sinh vật có lợi trong đất…”, chị Phạm Thi Thanh Tuyền - Giám đốc HTX Phụ nữ Trùn quế Đơn Dương cho biết thêm.

Trên đồng đất 2.200 m2 trồng hoa cát tường sử dụng phân bón trùn quế tại xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương, phóng viên tham quan giữa màu xanh thắm của cây lá tăm tắp, không gian trong lành. Nữ chủ vườn Lê Hoài Duyên (sinh năm 1987) dẫn phóng viên đến từng luống hoa cát tường bám rễ trên mô đất đắp lên cao rồi tiết lộ bí kíp trồng mật độ 85.000 cây trên tổng diện tích 2.200 m2. Trước khi xuống giống trồng hoa cát tường, toàn bộ diện tích đất cày xới tơi xốp, bón lót 2,2 tấn phân bột trùn quế. Trong tuần đầu tiên tưới dung dịch trùn quế cho cây hoa bung ngọn, xanh lá. Rồi cứ nửa tháng một lần tưới tiếp dịch trùn quế cho đến trước ngày thu hoạch khoảng một tuần. Chủ vườn Lê Hoài Duyên chia sẻ thêm: “Hoa cát tường đa dạng sắc màu xanh, tím, trắng, đỏ..., cánh hoa mỏng xếp từng lớp bung nở, thu hoạch sau hơn 90 ngày chăm sóc. Năng suất trên diện tích 2.200 m2 khoảng 10 tấn hoa cát tường, nếu giá thị trường giữ mức 80.000 đồng/kg thì tổng doanh thu đạt khoảng 800 triệu đồng…”.

Tương tự tai vườn dâu tây Nhật 2.500 m2 trồng hơn 90 ngày bên hồ nước sinh thái xã Pró, huyện Đơn Dương, chị Thảo Nguyên (sinh năm 1994), chủ vườn cho biết, tỷ lệ phân trùn quế chiếm hơn 30% giá thể cho cây dâu tây giống Nhật sinh trưởng. Tất cả 17.000 cây dâu chăm sóc hơn 3 tháng đón khách du lịch trải nghiệm thu hái liên tục gần một năm sau đó. “Phân trùn quế hữu cơ tuyệt đối sạch bệnh, giúp cây phát triển mạnh mẽ, kết trái ngọt thơm, khách hàng rất ưa chuộng khi đặt mua ship tận nơi hoặc đến tận vườn tận tay hái xuống cân mua…”, chủ vườn Thảo Nguyên chia sẻ. Theo đó, mùa thu hoạch dâu tây Nhật bón phân trùn quế kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau, thu hoạch bán ra ngày cao điểm 150-250 kg; ngày ít nhất 20 kg…

Anh Phan Thanh Nhân cho biết thêm, sản xuất nông nghiệp xanh - sạch - đẹp toàn huyện Đơn Dương đang kết nối với Điểm du lịch canh nông Avocado Farm cho du khách khám phá gần 30 sản phẩm OCOP 3-4 sao như cam Cara xã Lạc Xuân, rau thủy canh xã Quảng Lập, bánh tráng xã Lạc Lâm, củ năng xã Pró... Và đây cũng là kết quả của cử nhân công nghệ thông tin Phan Thanh Nhân sau 23 năm học tập, làm việc từ phương Nam trở về đất quê Quảng Lập, Đơn Dương chuyển đổi đặc tính cây trồng, tạo nên bản đồ du lịch canh nông hài hòa sinh thái cây trồng với đất, nhấp nhô những căn nhà sàn gỗ thân thiện núi rừng như mong ước của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn 60 năm trước…

(CÒN NỮA)

Theo VĂN VIỆT (LĐ online)

https://baolamdong.vn/kinh-te/202410/khoi-sang-nhung-mien-que-dang-song-bai-3-07a2bfa/

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.