Một cõi "chiến tranh và hòa bình"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Biết bao hình tượng văn chương neo đậu vào tâm hồn, đó là sự khai mở cho những chân trời khát vọng, là chất liệu làm nên lý tưởng và ước mơ, trong đó văn học Nga mà tiêu biểu Lev Tolstoy là đỉnh cao chói lọi.

Điền trang Yasnaya Polyana của đại văn hào Lev Tolstoy ở Tula, nơi ông đã sống và viết nên những kiệt tác: Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina... Ảnh: Tư liệu

Điền trang Yasnaya Polyana của đại văn hào Lev Tolstoy ở Tula, nơi ông đã sống và viết nên những kiệt tác: Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina... Ảnh: Tư liệu

Thế hệ chúng tôi những người vào khoa Văn đại học Tổng hợp những năm đầu thập niên 80, được nghe những giáo sư hàng đầu về văn học phương Tây, những thầy giáo vốn “tây học”, kiến thức uyên bác và đầy nhiệt tâm giảng bài là một may mắn. Cùng với các buổi lên lớp chúng tôi có dịp đọc một cách hệ thống những tác phẩm văn chương kinh điển, là hành trang định hướng suy nghĩ và một đời làm việc cho chúng tôi.

Định hình giá trị văn chương thế giới

Nói đến văn học Nga là nói đến những tác giả góp phần định hình giá trị văn chương thế giới, đặc biệt giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX. Họ là những đại thụ đứng riêng một góc trời làm nên sự phong phú và niềm kiêu hãnh. Những Pushkin, Lermontov, Esenin, Turgenev, Dostoyevsky, Tolstoy, Chekhov và cả Maksim Gorky nữa… là những tác giả làm nên giá trị nhân văn cho văn chương, bất cứ một dân tộc nào chỉ cần có một trong số những tên tuổi ấy cũng đủ làm nên sự tự hào và ngưỡng mộ.

Có thể bạn không thể đọc hết tác phẩm của các tác giả, nhưng để gọi là người có đọc sách thì dứt khoát bạn phải nghiền ngẫm từng trang của Lev Tolstoy, bởi “Không có ông, nền văn học của chúng ta sẽ biến thành một bầy gia súc không người chăn dắt” (Chekhov). Đúng vậy, Lev Tolstoy là người mà chính cuộc sống của ông, sự thông thái, lý tưởng cao đẹp về một xã hội công bằng, nhất là tầm cao văn chương đã như một vị mục tử tỏa hào quang cho tất cả.

Lịch sử thường có những giai đoạn độc đáo, trong vòng mười năm nước Nga bao la và đau khổ sinh ra tới ba người lừng lẫy: Turgenev (1818), Dostoyevsky (1821) và Tolstoy (1828). Và cả ba người này hình như để bổ sung cho nhau, dĩ nhiên phong cách và cá tính rất khác nhau, nhưng họ là những ngọn hải đăng tỏa sáng chân trời hy vọng và thức tỉnh lương tâm con người. Với Turgenev đó là những câu văn trong sáng mẫu mực, những rung động nhẹ nhàng nhưng đằng sau đó là thông điệp về một khát vọng của chân-thiện-mỹ, “Mối tình đầu” và nhất là “Cha và con” thấm đẫm niềm tin về sự hướng thiện, về một tình yêu đẹp đẽ, về một sự cao thượng tâm hồn.

Những ngày đọc Dostoyevsky là những ngày im lặng. Cái ngột ngạt phân thân trong “Tội ác và trừng phạt” như nung cháy lòng ta, chưa có ai mô tả diễn biến tâm lý của một người bế tắc, của một kẻ giết người, của một thực tế tráng lệ và bi thương như Dostoyevsky. Dĩ nhiên cái bế tắc, cái buộc phải giết người ấy không chỉ là trạng thái của một cá nhân mà đó là sự dằn vặt trong bế tắc của một thế hệ, của một đất nước, mà nói như các nhà phê bình hay dùng là sự bế tắc của xã hội, là những “hồi ký viết dưới hầm”.

Di sản tinh thần vô giá cho hậu thế

Lịch sử thường có những giai đoạn độc đáo, trong vòng mười năm nước Nga bao la và đau khổ sinh ra tới ba người lừng lẫy: Turgenev (1818), Dostoyevsky (1821) và Tolstoy (1828). Và cả ba người này hình như để bổ sung cho nhau, dĩ nhiên phong cách và cá tính rất khác nhau, nhưng họ là những ngọn hải đăng tỏa sáng chân trời hy vọng và thức tỉnh lương tâm con người.

Tùy theo người đọc mà có cái gu thích tác giả khác nhau, với tôi thì dành hết lòng ngưỡng mộ Lev Tolstoy. Đây là bậc con người nhất. Sống thọ (82 tuổi), lớn lên trong một gia đình quý tộc nhưng đến giai đoạn khánh kiệt, muốn trở thành bậc thuyết giáo về đạo đức, giáo dục, Lev Tolstoy luôn tự vấn và chẳng hề giấu giếm điều gì dẫu thầm kín, riêng tư nhất (xem “Tự thú”), “L. Tolstoi là người trung thực nhất thời đại mình” (M. Gandhi). Hơn sáu mươi ông vẫn có con mà nếu tính cả đứa con rơi với người quản gia nữa là tới 14 người.

Nhà của Lev Tolstoy là một điền trang nhưng cuối đời ông phải chết tại một ga xép trong tuyết giá. Ông là lương tâm của nước Nga, ông yêu nước Nga và ông làm cho người khác cũng yêu nước Nga. Ông là mùi hương ngược gió, ông ghét chế độ Sa hoàng nhưng Sa hoàng không dám coi thường ông. Nhưng hơn tất cả Lev Tolstoy là người viết nhiều, ông đại diện cho lương tâm thời ông sống và ông để lại di sản tinh thần vô giá cho hậu thế.

Có lẽ ít người đọc hết số tác phẩm đồ sộ của Lev Tolstoy, đa dạng và thường là khá dày dặn, tuy nhiên nếu phải chọn để đọc thì theo Charles Van Doren (xem “Thú đọc sách”) ta nên đọc hai tác phẩm “Chiến tranh và hòa bình” và truyện ngắn “Cái chết của Ivan Ilyich”. Cuốn trên là trường thiên tiểu thuyết, viết về cuộc chiến tranh chống quân Pháp xâm lược do Napoleon tiến hành. Sau khi lên ngôi hoàng đế nước Pháp, Napoleon khuấy đảo cả châu Âu (cả châu Phi), năm 1812 đội quân viễn chinh của Pháp chiếm Moskva, và ngòi bút thiên tài của Lev Tolstoy đã tái hiện tinh thần anh dũng chống quân xâm lược của nước Nga. Song nếu chỉ đơn giản mô tả chiến trận, lòng căm thù hay sự hy sinh của nhân dân thì có lẽ “Chiến tranh và hòa bình” không được cả thế giới ngưỡng mộ đến vậy.

Nhiều người buộc phải gấp sách lại để lòng mình miên man suy nghĩ sau khi đọc đoạn Pierre giữa một đêm chiến trận, nằm nhìn lên bầu trời đầy sao, anh ta tự hỏi về sự phi lý vì sao con người phải đem quân đi đánh nhau. Bầu trời thì đẹp, quê hương thì đẹp, lính Nga thì anh dũng nhưng những tính toán của những mệnh phụ ở các phòng khách thượng lưu vẫn bàn chuyện chạy chọt, yêu đương, đau khổ… Lev Tolstoy tả Napoleon, người mà đến nay có gần ba trăm ngàn tác phẩm viết về ông ta một cách nhỏ bé, tầm thường.

Ngược lại Lev Tolstoy viết về nhân dân Nga, về sự chịu đựng và lạc quan của nhân dân. Ai đọc cũng đều cúi đầu trước một Kutuzov, vị tướng già tổng tư lệnh phía Nga, người có vẻ lười biếng, lúc nào cũng chực ngủ gục trong các cuộc họp tham mưu, nhưng đấy là một lò lửa, một tượng đài bất diệt về sự thông minh, về thiên tài cầm quân.

Lúc nào với vị tướng này cũng “bình yên”, vì sao? Vì trong sâu xa ông có niềm tin mãnh liệt vào chính nghĩa, vào nhân dân Nga anh hùng. Sẽ khó mà quên hình ảnh một Kutuzov lặng lẽ khóc khi nghe tin Moskva được giải phóng. Lev Tolstoy và chỉ có một Lev Tolstoy mới khắc họa được cái phi lý, tàn bạo của chiến tranh và niềm tin chiến thắng và khát vọng của hòa bình đạt đến tầm vóc sử thi, mà bất cứ ai trên thế giới hôm qua, và nhiều năm sau nữa vẫn phải đọc, cảm phục về sự sáng tạo phi thường, đọc để biết niềm vui cao thượng của văn chương.

Người ta gọi Lev Tolstoy là thiên tài mô tả tâm lý nhân vật và thời đại. Nếu với “Chiến tranh và hòa bình” là “tâm lý” của một đất nước, những xu hướng và vận động của thời đại mà chỉ với ông mới khái quát một cách tài tình, để mà sau này các nhà phê bình gọi là “phép biện chứng của tâm hồn”, thì trong “Cái chết của Ivan Ilyich” là tâm lý của một con người, cá nhân nhưng là chung cho tất cả. Công chức mỏi mòn, đạt và không đạt những tính toán công việc, gia đình… nhưng rồi cũng phải chết.

Thiên tài của Lev Tolstoy là diễn tả tâm trạng, “kinh nghiệm” của cái chết, sự thật mà trừ “đương sự” ra thì trên đời này chưa ai có kinh nghiệm. Chết dành cho tất cả nhưng không ai có thể kể về cái chết của chính mình. Có thể đây là một đề tài không lớn, nhưng với Tolstoy là sự khám phá. Chân trời sáng tạo là giá trị của sự đi tìm.

Tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” của Lev Tolstoy in tại Moskva năm 1914. Ảnh: Tư liệu

Tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” của Lev Tolstoy in tại Moskva năm 1914. Ảnh: Tư liệu

Tác phẩm tuyệt diệu nhất của thời đại

Như đề cập, “Chiến tranh và hòa bình” là bộ trường thiên, dài hơn 2.000 trang (tùy ấn bản), hơn 550 nhân vật và tên các nhân vật ấy cũng khó đọc, khó nhớ, vô số các địa danh và bất tận các chi tiết. Theo Nguyễn Hiến Lê ngoài Truyện Kiều, thì “Chiến tranh và hòa bình” là tác phẩm duy nhất ông đọc tới ba lần, không kể lần đóng cửa hai năm dịch (1967, 1968). Dĩ nhiên là bằng tiếng Pháp và mỗi lần đều cảm thấy thú vị sâu sắc.

Đọc Nguyên Ngọc kể rằng, hồi chiến tranh chống Mỹ, trong ba lô vào Nam của tướng Chu Huy Mân, tư lệnh Khu 5 có bộ “Chiến tranh và hòa bình” và khi rảnh vị tướng ấy thường hay nói chuyện về Lev Tolstoy. Tôi hiểu và kính trọng ông hơn, khi Mỹ đưa quân vào miền Nam và Khu 5 thành chiến trường ác liệt nhưng ông vẫn đọc sách, vẫn nghiền ngẫm về sức mạnh của nhân dân, vẫn say sưa chiến công Borodino trong “Chiến tranh và hòa bình”.

Bài viết này cũng chỉ dám nói với bạn một điều: Hãy đọc ngay “Chiến tranh và hòa bình”, nếu đã đọc rồi thì hãy đọc lại. Bởi nếu không đọc là một mất mát cuộc đời, vì đấy là những trang văn chương vào loại hay nhất mà con người có thể viết được, “Chiến tranh và hòa bình” là “một trong ít những tác phẩm tuyệt diệu nhất của thời đại chúng ta” (Ivan Turgenev).

Hiện có hai bản dịch, một của nhà Lá Bối (Sàigon) được tái bản nhiều lần, và một bản của NXB Văn học mà người dịch là những cao thủ văn chương chữ nghĩa như Cao Xuân Hạo, Nhữ Thành, Hoàng Thiếu Sơn và Thường Xuyên cũng được tái bản nhiều lần.

Kinh nghiệm mách cho một mẹo nhỏ rằng, đừng bận tâm về sự đồ sộ của tác phẩm, sự cố nhớ nhân vật, địa danh… cứ im lặng đọc, sau khoảng 50 trang là quen và có “trớn” không dứt ra được, tự nó sẽ nhớ hết nhân vật chính, phụ, tình tiết… và nhất là sẽ sướng vô cùng với những trang bất hủ của Lev Tolstoy.

Trong các cái thú cuộc đời, chẳng có cái thú nào hơn được đọc một quyển sách hay. Có người nói rằng, họ ghen với những ai chưa đọc “Chiến tranh và hòa bình” bởi họ ước có cái lần đầu đến với một trong những quyển sách hay nhất. Hãy dành một tuần chỉ với một việc là đọc “Chiến tranh và hòa bình”, khi đọc xong tự ta cấp cho mình một giấy chứng nhận “Tôi là người có đọc sách”.

Theo MAI LANG (Báo Đà Nẵng)

Có thể bạn quan tâm

Hai lần trinh sát Trường Sa

Hai lần trinh sát Trường Sa

Trong chiến dịch giải phóng Trường Sa năm 1975, những người lính đặc công Đoàn 126 nói, họ tin tưởng hoàn toàn việc chuyên chở cho những con tàu của Đoàn 125, vốn nhiều năm dày dạn trên hành trình đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Ở rìa TP.Hội An (Quảng Nam) có một xóm nhỏ với cái tên thật lạ: xóm Mồ Côi. Xóm chỉ mấy nóc nhà nhưng có tới 12 liệt sĩ, bao gồm 2 Anh hùng LLVT nhân dân, hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

(GLO)- Ở một “sân khấu” nhỏ trong căn nhà tại tổ 2 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), những bài ca cổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước vẫn thường xuyên được cất lên bởi những người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ.

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

(GLO)- Nói đến thung lũng Ia Drăng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nơi ghi dấu trận thắng Mỹ đầu tiên của quân và dân ta ở Tây Nguyên. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng chiến địa năm xưa đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

50 năm vẹn nguyên ký ức

50 năm vẹn nguyên ký ức

Ở tuổi 83, cơ thể chằng chịt vết thương của những trận đánh sinh tử, nhưng ký ức về trận đánh cuối cùng tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn vẹn nguyên trong trái tim, mãi mãi khắc ghi trong máu thịt Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh....

Những người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

E-magazineNhững người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

(GLO)- Đồng hành cùng sự sáng tạo, đổi mới của người trẻ, các tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ là điểm tựa vững chắc mà còn trở thành bệ phóng, giúp họ tự tin bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc sâu rộng trong cộng đồng.

Kỳ tích cao su vươn mình trên xứ sở Angko - Kampong Thom: Kỳ cuối-Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

Cao su vươn mình trên xứ sở Angkor - Kampong Thom: Kỳ cuối - Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

(GLO)- Bên cạnh xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, phát triển sản xuất kinh doanh, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Chư Sê - Kampong Thom luôn quan tâm cải thiện đời sống cho hơn 3.300 lao động tại Campuchia với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng.

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Về miền trong đã lâu nhưng thói quen uống trà từ ngày trên đất bắc, ông Hồ Bút vẫn còn giữ. Bên ấm trà nghi ngút khói, qua lời kể của mình, ông đưa tôi về lại làng Tam Hải, huyện Núi Thành (Quảng Nam), nơi ông sinh ra và lớn lên những ngày tháng tươi đẹp đầu đời, những ngày được ở bên ba mẹ.