Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Việc phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã góp phần khơi thông những nút thắt trong quá trình thực hiện các chương trình, chính sách lớn nêu trên.

khoi-day-y-chi-khat-vong-thoat-ngheo-dd.jpg
Mở đường giao thông nông thôn ở xã khó khăn miền núi phía bắc. Ảnh: K.MINH

Xây dựng nông thôn mới, để có thể phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy sức mạnh cộng đồng, luôn cần có vai trò hạt nhân của tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên. Đó là những “đốm lửa hồng”, giúp nhen lên động lực, kết nối khối đoàn kết, làm bùng lên sức mạnh nội sinh.

“Bám” hộ nghèo mà giảm nghèo

Chúng tôi tới nhà ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Tôm, xã Ái Thượng, huyện Bá Thước, Thanh Hóa khi chiều đã chạng vạng. Đang dọn vườn, nghe có khách tới liền dừng việc nhà lên ngõ đón, đồng chí bí thư đã 57 tuổi, từng công tác trong quân đội vẫn giữ nếp nhà binh nghiêm chỉnh, dứt khoát lại chuyên nghiệp. Gian nhà nhỏ treo nhiều ảnh từ thời ông Nghị còn công tác. Chúng tôi ấn tượng nhất là những tập sổ ghi chép bìa cứng đỏ rực, xếp thành mấy chồng trên giá sách. Ông mở những cuốn sổ ghi chép cẩn thận nội dung từng cuộc họp, những công việc cần triển khai, kế hoạch, nhiệm vụ từng năm.

“Các năm giảm bao nhiêu hộ nghèo tôi đều cập nhật ra đây hết”, ông lật giở cho chúng tôi một cuốn sổ có dán nhãn trên bìa từ năm 2010, số liệu vẫn còn rõ có bao nhiêu hộ nghèo, cận nghèo, đến từng hộ đã thoát nghèo trong thôn. Mỗi nhiệm vụ, tình hình hoạt động, công tác làm được hay chưa làm được, ông đều ghi lại cẩn thận. Thôn Tôm có địa bàn rộng, chủ yếu là đồi núi dốc, dân cư không tập trung, đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn, là một trong ba thôn đặc biệt khó khăn ở xã Ái Thượng. Theo chân ông Nghị tới “mấy cụm dân cư ở bên này quả đồi, một cụm bên kia quả đồi” mới thấm thía nỗi nhọc nhằn.

Mặc dù vậy, những năm qua, nhờ các CTMTQG xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cùng nhiều chính sách khác, thôn đã dần đổi thay. Rõ nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn đã thành hình, đi lại dễ dàng hơn trước. Năm ngoái, nhà văn hóa thôn xây dựng xong, bà con sôi nổi tham gia các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao. Điều mà ông Nghị tự hào, một tiêu chí mang tính kỹ thuật nhưng lại rất cụ thể, đó là toàn bộ hộ gia đình trong thôn xây dựng được nhà vệ sinh hợp quy chuẩn. Thậm chí, ông phải “ứng” tiền riêng để cho bà con vay mua mới thiết bị vệ sinh. Ông chia sẻ: “Hằng năm xã đều đặt ra mục tiêu phát triển. Nhưng bài toán thực tế sao cho phù hợp điều kiện mỗi hộ mới giải quyết được. Chúng tôi 12 bí thư, trưởng thôn đi họp về rồi phải triển khai thành hành động cụ thể, bắt tay vào làm ngay”. Hiện, thôn Tôm đã không còn tình trạng hộ nghèo thiếu hụt về nhà ở, không còn hộ nghèo phải ở nhà tranh tre, nứa lá tạm bợ, đang cùng xã phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm nay.

Ông Nghị tiết lộ cho chúng tôi, hiệu quả gói trong 7 chữ “Đảng viên nêu gương trong việc khó”. “Bây giờ mình có cơm ăn áo mặc rồi, cứ suy nghĩ giờ làm cách nào để giúp được người dân. Bản thân chúng tôi là những người đứng đầu chi bộ cơ sở phải vững vàng về kinh tế, có khả năng đầu tư thời gian, sức lực. Xã giao chỉ tiêu, chúng tôi họp và soạn ra những hộ nghèo, giao cho tất cả cán bộ, đảng viên, các ban, ngành phải tập trung vào đây. Bám theo người ta, kiên trì thực hiện, làm mọi cách quyết tâm bằng được”.

2ps.jpg
Định hướng phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch.Ảnh: THANH TÂM

Sức mạnh của đoàn kết

Xây dựng NTM tại xã Ái Thượng phải có sự đồng thuận của người dân. “Khi cán bộ sâu sát đến cơ sở, bà con càng đồng lòng ủng hộ, việc giải phóng mặt bằng để mở rộng đường giao thông, xây nhà văn hóa hoặc các công trình thay đổi bộ mặt nông thôn đều được bà con nhiệt tình tham gia. Như thôn Tôm, có những hộ xây tường bao rồi nhưng khi có chủ trương chỉnh trang giao thông nông thôn, các hộ đều chủ động tháo dỡ, trong đó có cả diện tích đất vườn hay đất ở dù chưa có cơ chế hỗ trợ”, bà Võ Thị Lý, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ái Thượng, hiện là Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Bá Thước cho biết.

Đến thôn Thung Tâm, một thôn mới sáp nhập năm 2018 giữa thôn Thung vốn là thôn nghèo, với thôn Trung Tâm có điều kiện kinh tế tốt hơn, chúng tôi đi thăm con đường liên xã đang thành hình. Nhiều gia đình trong thôn đã tình nguyện hiến hàng trăm m2 đất làm đường. Gia đình ông Trần Minh Chiến là một trong những hộ tiên phong đã hai lần hiến đất với tinh thần tự giác, chân thành. Ông bộc bạch: “Chương trình nông thôn mới gia đình cũng được hưởng thụ, hiến đất làm đường để mình đi thôi mà”.

Trước đây, con đường đi qua đồi keo của gia đình ông Chiến lầy lội khó đi, lại càng không dễ vận chuyển được cây keo tới điểm thu mua. Nay đường mới tiện lợi, dù cắt đi hàng trăm mét đất, nhưng đổi lại là: “Nhà trồng cây luồng, cây nứa, hàng hóa lưu thông rất tiện. Cho nên mình cũng không nghĩ ngợi đất đai gì, làng xóm làm đến đâu thì hiến tới đó”, ông tâm sự.

Ông Chiến (áo vàng) ở thôn Thung Tâm hiến hàng trăm m2 đất làm đường. Ảnh: TÂM THANH
Ông Chiến (áo vàng) ở thôn Thung Tâm hiến hàng trăm m2 đất làm đường. Ảnh: TÂM THANH

Bà Hà Thị Ngọc, người dân tộc Thái, Bí thư kiêm Trưởng ban công tác mặt trận thôn Thung Tâm, đã nhiều năm là “gương mặt thân quen” có tiếng nói thuyết phục với bà con, cho hay: “Các cuộc vận động, phát động gắn với xây dựng NTM được đông đảo bà con hưởng ứng, đem lại hiệu quả thiết thực”.

Điểm khác biệt ở Ái Thượng

Những năm qua, từ các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020, đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 cùng nhiều chính sách khác, xã Ái Thượng đã xây dựng được 11/11 nhà văn hóa thôn; 100% dân cư được sử dụng nước hợp vệ sinh; gần 5.100 lượt người thuộc hộ nghèo được cấp thẻ BHYT; hỗ trợ 82 nhà ở cho hộ nghèo; 152 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn tín dụng ưu đãi.

Trao đổi với Thời Nay, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Nhờ thực hiện các chương trình, chính sách lớn mà chúng ta đã phát huy được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế rất cao, kinh tế của nước ta trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt tới 6,2 %, là một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao nhất của khu vực và thế giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế như thế, đời sống nhân dân về mọi mặt được nâng cao cả về vật chất, tinh thần. Mọi quyền tự do, dân chủ được bảo đảm, chính trị xã hội ổn định, an sinh xã hội được thực hiện tốt, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Lý giải cho mối quan hệ tương hỗ giữa sức mạnh đoàn kết với việc xây dựng NTM, then chốt còn là ở tính linh hoạt khi thực hiện những cách nghĩ, nếp làm mới. “Năm nào cũng vậy, ngay đầu năm, Đảng bộ xã ban hành nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Sau đó, giao cho các chi bộ và tổ chức thực hiện đúng theo tinh thần nghị quyết. Ngoài ra, phân công cho các ủy viên ban chấp hành phụ trách các thôn, hằng tháng sinh hoạt cùng chi bộ để nắm tình hình, có đề xuất, kiến nghị hoặc khó khăn, vướng mắc, các đồng chí đó vừa có trách nhiệm chỉ đạo, vừa báo cáo lại với đảng ủy. Qua đó, có chỉ đạo kịp thời”, bà Võ Thị Lý phân tích. Điều mang lại hiệu quả cho mô hình “chi bộ nắm thôn, đảng viên nắm hộ” của Ái Thượng chính là ở nhân tố con người, sự tận tâm, quyết liệt trong chính những người thực hiện.

Một thí dụ, chủ đề năm 2023 là “Nâng cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội”. Do đó, thời gian qua, việc cập nhật chủ trương, chính sách ở xã luôn kịp thời, rút ngắn khoảng cách và độ trễ thực thi chính sách. Cuối năm nay, Ái Thượng phấn đấu về đích NTM thêm hai thôn “135” và toàn xã về đích NTM.

(Còn nữa)

Theo THANH TÂM, HÀ DUNG (NDO)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Sông Mê Kông đang ngày càng cạn kiệt về các loài cá quý hiếm. Ông Bảy Bon - lão nông ở Cần Thơ trên dòng sông Hậu dành gần cả đời sưu tầm và bảo tồn các loài cá quý với hy vọng chúng sẽ không biến mất. Kết hợp du lịch, ông đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn mỗi khi khách đến cồn Sơn của TP Cần Thơ.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.