Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh - Bài 5: Hồi sinh quạt cổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Qua bàn tay khéo léo, kiên trì của người thợ lão luyện, những chiếc quạt cổ sáng bóng trở lại và chạy êm ru.

Quạt cổ phả ra làn gió nhẹ, mơn man khiến chủ nhân như đang được ngồi giữa cánh đồng bát ngát. Trong thời buổi con người vật lộn, sống gấp như hiện nay thì ai cũng muốn có được những giây phút thư thái như thế…

Nghề cha truyền con nối

Chiếc biển hiệu “Antique Fan Shop Phúc Đức” (tạm dịch là cửa hàng quạt cổ Phúc Đức) được thiết kế rất Tây, nổi bật trên con phố giải trí Tạ Hiện ở khu phố cổ Hà Nội. Cửa hàng trước đây do ông Trần Công Phúc gây dựng, nay con trai Trần Hồng Đức nối nghiệp cha, tiếp tục hồi sinh những chiếc quạt cổ. Giữa những ồn ã, náo nhiệt của quán xá, bar, box club, ngôi nhà nhỏ độc lạ này treo hàng trăm chiếc quạt cổ. “Quạt của các hãng như Marelli của Ý, Emi Hà Lan, Calor Pháp hay quạt tai voi của Nga. Những chiếc quạt này có giá vài chục triệu đồng, cao nữa thì lên đến vài trăm triệu”, anh Trần Hồng Đức giới thiệu.

nghedd.jpg
Những người thợ hồi sinh quạt cổ tại cửa hàng của anh Đức

Năm 2017, ông Phúc mất, anh Đức tiếp quản hoàn toàn cửa hàng. Ngày thường, có 2 thợ thường trực sửa, phục chế quạt cho khách. Anh Đức chỉ có mặt khi gặp những ca khó; hoặc khi tan sở, anh tranh thủ làm và hướng dẫn anh em thợ sửa chữa. Tôi hỏi: “Vì sao giữa con phố du lịch toàn khách Tây mà ông Phúc rồi đến anh lại chọn trưng bày, sửa quạt?”. Anh Đức bảo: “Đấy là quyết định của bố tôi, ông chọn vì đam mê và nó cũng là nghề làm cho kinh tế của gia đình vững hơn. Đây là nghề truyền thống của gia đình, chẳng cần học nó cũng ngấm sâu vào mình và nay tôi tiếp nối truyền thống đó”.

Từ những năm 1960, khi kinh tế còn khó khăn, đồ điện không có nhiều, không có linh kiện thay thế, ông Trần Công Phúc đã sưu tầm, sửa chữa quạt cổ như một thú chơi. Ông Phúc vốn dĩ là thợ máy của nhà máy xe lửa, rồi học thêm điện, hàn. Năm 22 tuổi, ông đã có bằng thợ hàn áp lực cao.

“Năm 1990, khi nghỉ hưu, bố tôi mới tiếp tục sưu tầm, sửa chữa quạt cổ. Miền Bắc khí hậu nhiệt đới nên có lẽ, từ khi người Pháp vào nước ta đã mang theo quạt. Và quạt mà ông sưu tầm, sửa chữa ở những khu biệt thự Pháp cổ, nhà máy, các công trình mà Pháp xây dựng. Và đúng thời điểm mở cửa hàng, khách du lịch châu Âu qua phố Tạ Hiện rất nhiều. Người Tây đi qua nhìn thích, hỏi mua. Thỉnh thoảng bán được một vài cái, ông lại tích dần, mua sưu tầm. Khách sửa chữa hay mua chủ yếu là người nước ngoài đến ta làm việc tại các sứ quán. Lúc đó, gia đình còn nghèo, lương ông bà chỉ ba cọc ba đồng mà mua lại cái quạt cổ đã 50-60 nghìn đồng/chiếc. Nhưng khi khôi phục lại, có cái bán được 500 nghìn đồng, lãi gấp 10 lần. Rồi ông cứ dùng vốn đó để quay vòng, đi mua quạt về sửa chữa, trưng bày, rồi bán”, anh Đức kể.

Cửa hàng của anh Đức hiện nay là một trong những cơ sở hiếm hoi tại Hà Nội vừa sưu tầm, vừa phục hồi và chế tác lại quạt cổ. Thợ ở đây có thể thay thế phụ tùng từ cái này sang cái kia để đưa quạt về đúng nguyên bản hoặc áp dụng công nghệ mới để làm các chi tiết bị hỏng.

Cuộc sống sung túc, hạnh phúc

Khi ông Phúc mở cửa hàng, anh Đức đã 11 tuổi. Ông Phúc không cần phải dạy, anh chỉ ngồi cạnh xem ông làm, rồi bắt chước. Học lên cấp 2, được học thêm lý thuyết ở trường cộng với cách thức phục chế của cha, anh càng tinh thông hơn.

Anh Trần Hồng Đức và những chiếc quạt cổ.
Anh Trần Hồng Đức và những chiếc quạt cổ.

“Đầu tiên, chưa biết, tôi phụ ông ngồi cạo gỉ để sơn lại quạt, đánh bóng cho quạt nó sáng trưng lên. Sau đó, tôi dần sửa linh kiện như sửa trục bạc, quấn dây đồng. Bố tôi chỉ cách quấn như thế nào, quấn bao nhiêu vòng, rồi cách vào dây điện. Xong ông mới phân tích vì sao phải làm như thế. Ông giải thích, khi tháo động cơ ra, quạt có bao nhiêu dây đồng phải quấn lại bằng bấy nhiêu vòng; sau đó ông giải thích vì sao loại quạt này lại có số vòng dây như thế. Ông còn dạy cách đo, nhận diện tiết diện của dây. Hay như quạt sử dụng điện 110V muốn chuyển sang điện 220V thì sẽ phải thay đổi về số vòng, chủng loại dây”, anh Đức kể. Những chiếc quạt cổ đều được phục chế thủ công nên đòi hỏi sự khéo léo và chính xác, không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để ngồi nhiều giờ đồng hồ bên những chiếc quạt hỏng. Có những ca khó, bố con anh cũng ngồi lỳ hàng tiếng đồng hồ quyết tìm ra phương án để sửa.

Năm 2012, ông Trần Công Phúc được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là người có bộ sưu tập quạt cổ nhiều nhất Việt Nam.

Với công việc đó, cuộc sống của gia đình anh Đức cũng khá sung túc. “Khi học cấp 3, có lúc, tôi sửa một chiếc quạt cũng kiếm khoảng 20 nghìn đồng, ăn được 10 bát phở. Tôi chỉ làm trong khoảng 2 giờ thôi bằng cả ngày công của người khác rồi. Có ngày, sau giờ học, tôi làm khoảng 3 cái, kiếm 60-70 nghìn đồng là bình thường. Còn bố tôi làm nhiều nên gia đình cũng có của ăn, của để”, anh Đức cho biết.

Những chiếc quạt đang treo trong cửa hàng đa phần được thiết kế theo phong cách cổ điển của châu Âu, chắc nịch nhưng mềm mại. Anh Đức cho hay, động cơ của những chiếc quạt này là động cơ vĩnh cửu, vật liệu hoàn toàn bằng kim loại như gang, đồng, thép, bạc nên rất nặng. Nếu không bị va đập mạnh, những chiếc quạt này gần như vĩnh cửu. Thêm nữa, quạt không dùng tụ như quạt hiện nay nên rất ít khi bị cháy, hỏng vặt. Quạt chạy đầm, chắc; gió nhiều nhưng phả từng đợt nhẹ nhàng, không “dữ”, “sắc” như gió quạt hiện đại. Vì thế, ngồi trước chiếc quạt cổ trong thời gian dài vẫn thấy khoan khoái, không bị mệt, khô da như quạt mới.

“Việc phục chế một chiếc quạt tưởng như bỏ đi khiến nó sống lại gần như nguyên bản đó là một việc làm vô cùng thích thú. Nó đem lại cho tôi cảm giác chinh phục và say mê. Khi gặp những ca khó, hai bố con tôi có thể ngồi lì cả ngày để tìm tòi, quyết sửa quạt hoàn hảo nhất” - Anh Trần Hồng Đức

Theo anh Đức, những chiếc quạt trong cửa hàng rất có giá trị, có cái lên tới vài trăm triệu nên chỉ những người dư dả mới mua được. Mấy năm nay, kinh tế khó khăn, thú chơi này có giảm đi nhưng khách đến sửa thì vẫn có đều. Mỗi tháng, gia đình cũng thu vài chục triệu đồng, đủ trả công thợ, mua nguyên liệu và gia đình có thêm thu nhập.

Với tay bật chiếc quạt treo tường hiệu Marelli của Ý, anh Đức giới thiệu: “Anh nhìn thấy tốc độ và cảm nhận tiếng gió đi. Gió rất êm như đang ngồi trên cánh đồng. Trước đây, khi con phố này còn yên tĩnh, nghe tiếng gió quạt vào buổi trưa hè cùng với tiếng ve kêu thấy yên bình lắm.

(Còn nữa)

Theo ĐỨC ANH (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.