Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh - Bài 3: Trầy vi, trốc vảy mới thành ông chủ sửa đồ da

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nghề sửa chữa, phục chế đồ hiệu đang ngày càng được nhiều bạn trẻ quan tâm vì mức thu nhập “khủng”có thể lên đến trăm triệu đồng mỗi tháng. Nhưng điều đó phải được đánh đổi bằng sự khổ luyện và học hành không ngừng nghỉ suốt nhiều năm trời.

Một góc trong xưởng sửa chữa, phục chế đồ da hàng hiệu của anh Nguyễn Trọng Nghĩa
Một góc trong xưởng sửa chữa, phục chế đồ da hàng hiệu của anh Nguyễn Trọng Nghĩa

Đi khắp nơi để học nghề

Dân chơi đồ hiệu tại Thủ đô có lẽ không lạ gì chuỗi hệ thống Morino của ông chủ Nguyễn Trọng Nghĩa. Suốt một thập kỷ qua, Morino luôn là “ông lớn” trong lĩnh vực chăm sóc, sửa chữa, phục chế đồ da hàng hiệu tại Việt Nam với 7 cơ sở trên toàn quốc. Tò mò về bí quyết thành công của người làm nghề sửa chữa vá víu đồ da này, tôi đến cơ sở số 2 của chuỗi hệ thống tại Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) để gặp “thuyền trưởng” của Morino - anh Nguyễn Trọng Nghĩa.

Anh Nghĩa kể, năm 2015, khi đang kinh doanh lĩnh vực vệ sinh giày thể thao, anh thấy nhu cầu sửa chữa, phục chế các loại đồ da hàng hiệu như túi xách, ví, vali, áo… cũng rất cao. Nhìn thấy tiềm năng phát triển của lĩnh vực này, anh và các nhân viên bắt đầu lên mạng tự tìm tòi, học hỏi cách sửa chữa, phục chế đồ da. Hệ thống Morino cũng ra đời từ đó.

Nhưng thời gian đầu không mấy suôn sẻ. Làm việc với đồ da khó hơn rất nhiều so với giày thể thao, vì cấu tạo của những chiếc ví, túi xách, vali phức tạp hơn rất nhiều. Mỗi loại da lại có một cách vệ sinh, phục chế khác nhau. Chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể làm hỏng cả món đồ hiệu đắt tiền.

Anh nhận ra mình và các nhân viên cần phải được đào tạo bài bản hơn. Anh liền tìm và liên hệ với các xưởng chế tác ví, túi xách, giày da thủ công, xưởng bọc da nội thất xe hơi… rồi xin vào học việc.

“Tôi muốn tự tay làm để hiểu tường tận về đặc điểm, tính chất, quy trình sản xuất và cách phục chế các loại da khác nhau, hay cấu tạo của những chiếc ví, túi xách… Trăm hay không bằng tay quen mà! Khi nắm được những điều này thì mới xây dựng được quy trình sửa chữa chuẩn, tránh phạm sai lầm”, anh Nghĩa nói.

Không chỉ vậy, anh còn đi “bái sư” các thợ kim hoàn để học cách xi mạ các phụ kiện kim loại trên đồ hiệu. Sau mỗi buổi học, anh lại về cửa hàng truyền đạt lại kiến thức cho nhân viên. Mới đây, anh lại đi du học nước ngoài để nâng cao tay nghề.

“Tôi vừa tham gia một khoá học phục chế đồ da tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Sang đó mới thấy vẫn còn nhiều cái phải học quá. Càng đi nhiều, làm nhiều, tôi lại càng tha thiết học hơn nữa”, anh Nghĩa chia sẻ.

Anh Nguyễn Trọng Nghĩa, nhà sáng lập của hệ thống Morino
Anh Nguyễn Trọng Nghĩa, nhà sáng lập của hệ thống Morino

Thuật “chẩn đoán” và “điều trị” bệnh cho da

Anh Nghĩa dẫn tôi lên tầng 2- khu vực sửa chữa, phục chế đồ da để trực tiếp tham quan. Một không gian rộng chừng 40m2 với rất nhiều đồ nghề như dao, kéo, thước kẻ, máy sấy và những chai, lọ đủ sắc màu đựng hoá chất, sơn, dung dịch làm sạch... Trên tay các nhân viên là những chiếc ví, túi xách của các thương hiệu xa xỉ như Chanel, Louis Vuitton, Hermes… Họ cẩn thận lau chùi, đánh bóng từng chi tiết dù là nhỏ nhất, ân cần như bác sĩ đang chăm sóc cho bệnh nhân.

Cầm lên một chiếc túi da bò vân caviar (vân hạt trứng cá tầm - PV) của Chanel có giá khoảng 50 - 60 triệu đồng, anh Nghĩa vừa “chẩn đoán” bệnh, vừa đưa ra hướng “điều trị”. Theo anh, bề mặt da đang có vài vết xước, vân trứng cá bị mòn, mờ, những đường chỉ khâu bị mốc, các phụ kiện kim loại như logo và khoá bị xỉn màu do lâu không bảo dưỡng.

Để khắc phục, đầu tiên, da sẽ được vệ sinh bằng các dung dịch chuyên dụng để loại bỏ nấm mốc. Với những vết xước ăn sâu vào bề mặt và tạo thành “sẹo”, người thợ sẽ dán keo bạc trám vào đó trước khi sơn bả, tức quá trình sơn kèm theo bả matit để làm nhẵn, mịn bề mặt. Sơn bả đòi hỏi tay nghề của thợ phải cao, vì chỉ quá tay một chút là sẽ tạo ra những vết “sẹo lồi”, rất khó để khắc phục. Hay nói vui là “chữa lợn què thành lợn… liệt”!

“Trong lĩnh vực spa đồ hiệu, Việt Nam đang bị các nước khác bỏ lại khá xa. Vì vậy, để thu hẹp khoảng cách, không có cách nào ngoài việc luôn cầu thị và tha thiết học hỏi những điều mới. Để giúp Morino có vị thế như hiện nay, bí quyết của tôi chỉ có hai từ: học hỏi và khổ luyện”.

Anh Nghĩa chia sẻ

“Vân hạt trứng cá bị mờ sẽ được xử lý bằng cách chấm sơn lên từng hạt một, để đảm bảo cho màu sắc giữa các hạt được đồng đều. Sau đó, túi được để khô trong 1-2 ngày. Khi túi đã khô, chúng tôi phết dung dịch dưỡng khắp bề mặt da để cấp ẩm, lấy lại độ mềm cho da. Cuối cùng là công đoạn đánh bóng”, anh Nghĩa nói. Còn các phụ kiện kim loại xỉn màu sẽ được tháo rời để xi mạ, đánh bóng rồi nhúng vào một dung dịch đã được điện phân để phục hồi màu vàng ban đầu, sau đó mới lắp ráp lại.

Anh Nguyễn Đức Phi Hùng, một trong những nhân viên quản lý kỹ thuật của Morino, cũng lấy ra một chiếc vali du lịch trị giá khoảng 90 triệu đồng của Louis Vuitton để “bắt bệnh”.

“Bề mặt của chiếc vali này được phủ da canvas - loại da nhân tạo được làm từ cây bông hoặc gai dầu, với một lớp cốt bên dưới được làm từ vải canvas. Khác với da bò, da canvas dễ bị bong, tróc hơn.

Phương pháp khắc phục tốt nhất là thay những miếng da mới, vì việc dùng dung dịch dưỡng hay dán hoặc sơn lại sẽ không hiệu quả với da nhân tạo”, anh Hùng nói. Nghe xong, anh Nghĩa khẽ gật gù, hài lòng với “cánh tay phải” của mình.

Anh Nguyễn Đức Phi Hùng đang phục chế một chiếc ví của thương hiệu Yves Saint Laurent (Pháp)
Anh Nguyễn Đức Phi Hùng đang phục chế một chiếc ví của thương hiệu Yves Saint Laurent (Pháp)

Trăm hay không bằng tay quen

Trong nghề sửa chữa, phục chế đồ da hàng hiệu, mọi công đoạn đều có trình tự và quy tắc rõ ràng. Bởi khi làm việc với những món đồ xa xỉ, một sai lầm nhỏ cũng sẽ phải trả giá rất đắt. Dường như có rất ít chỗ cho sự sáng tạo, bay bổng.

Theo anh, nếu muốn theo đuổi nghề này, các bạn trẻ cần phải nằm lòng một câu “châm ngôn” của ngành thủ công mỹ nghệ: “Trăm hay không bằng tay quen”. Không có cách nào để đạt được sự cẩn thận, tỉ mỉ và chuyên nghiệp trong tay nghề bằng việc liên tục khổ luyện hàng ngày, hàng giờ. Nếu sai lầm hay vấp ngã, tuyệt đối không được nản chí. Bên cạnh việc rèn luyện, phải luôn luôn tìm tòi, học hỏi cái mới, không được bảo thủ hay “giấu dốt”.

Còn nếu muốn tiến xa hơn trong nghề, chẳng hạn như xây dựng thương hiệu của riêng mình, thì kiến thức và kỹ năng chuyên môn là chưa đủ. Theo anh Nghĩa, các bạn trẻ phải trau dồi thêm kiến thức ở các lĩnh vực khác như quản trị kinh doanh, quản lý nhân sự, xây dựng chiến lược marketing, quảng bá thương hiệu… Đó là những kiến thức không thể thiếu trong thời đại truyền thông số bùng nổ mạnh như hiện nay. Bên cạnh đó, các kỹ năng mềm như giao tiếp, quản lý thời gian, lập kế hoạch… cũng quan trọng không kém.

(Còn nữa)

Theo Việt Khôi (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.