Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh - Bài 4: Thợ rèn cuối cùng ở phố cổ Hà Nội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cả phố Lò Rèn trong phố cổ Hà Nội giải nghệ, chỉ mỗi ông làm nghề. Một mình “bao sân”, lại giỏi nghề nên khách nườm nượp. Ông nói: “Nhờ tinh thông nghề, tôi đã xây được nhà, nuôi các con ăn học và trưởng thành”.

Ông Nguyễn Phương Hùng đang nung những chiếc đục trong lò. Ảnh: KIẾN NGHĨA
Ông Nguyễn Phương Hùng đang nung những chiếc đục trong lò. Ảnh: KIẾN NGHĨA

Ký ức “nghệ tinh”

Một sáng mùa thu, tôi đến phố Lò Rèn (Hà Nội) gặp ông Nguyễn Phương Hùng. Ông Hùng đang ngồi uống trà một mình bên chiếc bàn nhỏ kê trước cửa hàng. Nghe tôi đặt vấn đề muốn viết về người “nhất nghệ tinh” như ông, chủ nhân cười khà, giọng khoát hoạt: “Cũng nhờ hưởng chút gen từ các cụ lẫn chịu khó làm công việc này vài chục năm qua, có thể nói tôi cũng là người thạo nghề”.

Trước khi nói về bản thân, ông Hùng kể về ông nội và cha mình, những người cả đời gắn bó với nghề rèn. Từ đầu thế kỷ trước, ông nội của ông Hùng từ làng rèn Hòe Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm (nay là phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) ra lập nghiệp trên phố Lò Rèn của đất Kinh kỳ. Hồi đó nghề rèn phát triển, các bễ lò rèn tập trung trên một con phố nhỏ của Hà Nội luôn đỏ lửa. Sau đó, con phố của những bễ lò rèn này đã mang tên Lò Rèn.

“Khi ông nội tôi già yếu, bễ lò rèn của gia đình truyền lại cho bố tôi”, ông Hùng nói. Rồi ông kể, ngày ấy khi còn nhỏ, sau khi học xong là ông lại quanh quẩn bên bễ lò rèn của gia đình để phụ giúp cha nhặt than, nhóm bễ. Một lần, lúc rỗi việc, Phương Hùng lỡ ngồi lên chiếc đe liền bị cha kéo đứng dậy phát cho mấy cái vào mông, rồi dạy: “Người làm nghề phải biết trân quý dụng cụ hành nghề thì mới giữ được nghề”.

Ông Hùng cho biết, nghề thợ rèn không đơn thuần chỉ cần sức khỏe để “quai búa vào đe” mà rất cần sự khéo léo lẫn kinh nghiệm làm nghề. Trong ký ức, ông Hùng nhớ cha mình là người giỏi nghề, làm ra những sản phẩm vừa đẹp vừa chất lượng. Đơn cử như rèn một con dao, bố của ông đã tôi thép để rèn những con dao vừa sắc vừa bền, dùng rất lâu mới phải mài.

“Ngày ấy, không chỉ bố tôi, mà nhiều người trên phố Lò Rèn này rất thạo nghề. Tại đây, có lần một số thợ lành nghề rèn những con dao rồi mang ra thi chặt thanh sắt “phi 6”.

Khi thanh sắt bị chặt đứt, vết cắt của ai “ngọt” hơn, không một vết gợn trên bề mặt của vết cắt sẽ thắng cuộc. Phần thưởng cho người thắng cuộc là cốc bia, đĩa lạc, nhưng là niềm vui của những người trong nghề với nhau”, ông Hùng cho biết.

Móc quạt trần bằng thép i-nốc và thép gai do ông Hùng làm
Móc quạt trần bằng thép i-nốc và thép gai do ông Hùng làm

Có thực tế lẫn ký ức với nghề rèn là thế, nhưng đến khi trưởng thành, Nguyễn Phương Hùng lại đi học trung cấp cơ khí rồi làm nghề sửa chữa ô tô. Có bậc cha chú cùng nghề rèn khi biết chuyện đã nói với bố của Phương Hùng: “Thằng bé khi phụ nghề đã có dáng ngồi giống hệt ông, có tư chất của thợ rèn, nay không tiếp nối nghề thật phí”.

Nghe vậy, cha của Phương Hùng chỉ biết thở dài. “Nhà tôi có bốn anh em trai, tôi là trai út, nhưng sau này tôi mới biết cha kỳ vọng tôi là người tiếp nối nghề rèn của gia đình hơn cả”, ông Hùng nói. Rồi ông cho biết, khi làm sửa chữa ô tô, thỉnh thoảng ông Hùng vẫn phụ giúp cha làm nghề rèn. Nhiều hôm nhìn cha tuổi đã cao vẫn cần mẫn bên bễ lò rèn, Phương Hùng thấy thương.

Trong khi đó, sau khi lập gia đình rồi có con, thu nhập từ nghề sửa chữa ô tô của Phương Hùng đã không đủ để trang trải cuộc sống. Rồi một ngày, người cha nói với Phương Hùng: “Tay nghề con bình thường trong nghề sửa chữa ô tô, đi làm nhiều năm có để dư được gì đâu. Nay tiếp nối nghề rèn đi, con có tư chất nên sẽ giỏi nghề. Nhất nghệ tinh sẽ nhất thân vinh, con ạ”.

“Nhiều năm qua, có không ít du khách nước ngoài khi qua đây đã dừng lại xem và chụp ảnh tôi làm nghề rèn. Chắc họ ngạc nhiên bởi thời đại công nghệ 4.0 này, ở Việt Nam vẫn có ông thợ rèn cần mẫn làm nghề thủ công giữa phố thị sầm uất của Thủ đô. Còn tôi thì nghĩ rằng, thời nào cũng vậy, nếu mình giỏi nghề và sống được với nghề thì đó là điều cũng đáng để tự hào”.

Ông Nguyễn Phương Hùng

Cả phố giải nghệ, riêng mình một cõi

Nghe lời cha, năm 1992, khi 32 tuổi, Nguyễn Phương Hùng xin nghỉ việc sửa chữa ô tô để về tiếp quản bễ lò rèn của gia đình. Sẵn trong mình “dòng máu” của một thợ rèn chính hiệu, ông chẳng mất mấy thời gian để tiếp quản nghề lẫn thạo nghề. Nhờ giỏi nghề, làm lại có trách nhiệm, trong khi tại phố Lò Rèn ngày càng nhiều thợ rèn chuyển nghề nên cửa hàng của ông Hùng luôn đông khách...

Trò chuyện một lúc, đến giờ làm việc, ông Hùng đi thay quần áo, đốt than nhóm bễ lò rèn. Gẩy than trong lò, ông Hùng nói chỉ cần nhìn ánh lửa là ông biết khi nào nhiệt độ lò đã đạt chuẩn để vào việc. Rồi ông cho hay, vài năm gần đây, khi đã ngoài sáu mươi tuổi, ông chủ yếu làm những mặt hàng tinh, ít đòi hỏi sức lực như rèn lại những mũi đục hoặc làm móc quạt trần.

Vừa rèn cái móc quạt trần bằng thép i-nốc, ông Hùng cho biết nếu không thạo nghề khó mà uốn cái móc này cho đẹp và chuẩn “Móc bằng thép i-nốc này tôi bán 70-80 ngàn đồng một chiếc, trong khi cũng cái móc quạt trần làm bằng thép gai trông thô hơn giá chỉ 10 ngàn đồng”, ông Hùng nói.

Những chiếc đục được ông Hùng làm xong. Ảnh: KIẾN NGHĨA
Những chiếc đục được ông Hùng làm xong. Ảnh: KIẾN NGHĨA

Vẫn tiếp chuyện tôi, ông Hùng với tay lấy cái kẹp chuyên dụng gắp một chiếc đục cũ, mũi đã bị tù và đặt vào bễ than đỏ rực để nung. Nung đủ thời gian, ông gắp cái đục ra, đặt lên đe và bắt đầu dùng búa đập. Dưới lực đập của búa, tàn lửa bắn ra tung tóe, chẳng mấy chốc mũi đục trở nên sắc nhọn. Sau đó, chiếc đục được đưa lại bếp lò nung lần nữa rồi cho vào dầu để tôi cho rắn, khi hoàn thành trông như mới.

“Những chiếc đục dùng để phá bê tông này là hàng Trung Quốc, giá khoảng 75 ngàn đồng một chiếc. Tôi không rõ đục này có được tôi hay không nhưng thép rất yếu, chỉ dùng ít lâu lại bị mòn mũi nên thợ mang đến đây để tôi sửa lại, lấy công 13 ngàn đồng một chiếc.

Có những người thợ nghe tôi khuyên, khi mua đục mới đã mang đến đây để cho vào lò tôi trước, sau đó khi dùng thấy bền hơn hẳn. Làm thế này, tôi lấy công 5 ngàn đồng một chiếc thôi”, ông Hùng nói.

Nói chuyện và xem ông Hùng làm đến gần trưa, cũng là lúc ông tạm nghỉ tay. Ông Hùng cho biết, ông có người con trai nhưng không tiếp nối nghề của bố. “Thực ra mỗi người đều có quyền chọn một nghề cho mình, nếu nghề được lựa chọn mà họ càng giỏi thì càng tốt. Nhất nghệ tinh sẽ nhất thân vinh. Nghề rèn đã mang lại cuộc sống tốt cho tôi, nên tôi sẽ làm đến khi nào sức lực không cho phép nữa mới thôi”, ông Hùng chia sẻ.

(Còn nữa)

Theo Kiến Nghĩa (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.