Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 6: Tài chẹc lũ khu Đại thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tài chẹc lũ (đại lực sĩ) là cách gọi tôn trọng của người Hoa ở Chợ Lớn dành cho những ông già U.80 nhưng vẫn đều đặn tập thể thao để giữ vóc dáng cân đối như trai tráng ở khu Đại thế giới trước đây (Q.5, TP.HCM).

Họ còn là những 'ông vua' giàu có nổi tiếng đi lên từ 2 bàn tay trắng ở vùng Chợ Lớn xưa - nay.

PHÒNG TẬP KIẾN CÀNG Ở SÒNG BẠC XƯA

Trung tâm văn hóa Q.5 (TP.HCM) ngày nay từng là địa điểm một sòng bạc lớn nhất Đông Dương thời Pháp thuộc. Ban đầu sòng bạc này được đặt tên "Grand Monde" (Đại thế giới) vào thời Pháp thuộc, ông chủ lúc đó là Bảy Viễn, một người gây tranh cãi trong lịch sử Nam kỳ vì vừa có tài vừa lắm tật.

Các tài chẹc lũ Chợ Lớn trà đàm. ẢNH: L.V
Các tài chẹc lũ Chợ Lớn trà đàm. ẢNH: L.V

Đã có thời, sòng bạc Đại thế giới đóng góp 1/10 tiền thuế nộp cho nhà nước của cả xứ Nam kỳ vào thời Pháp thuộc. Sau năm 1975, nơi đây trở thành Trung tâm văn hóa Q.5 với một phòng tập tạ, thể hình có tên Phòng tập kiến càng của lực sĩ Trương Sang, một thời nổi danh trong giới lực sĩ Sài Gòn. "Kiến càng là hình ảnh lực sĩ với eo thon, ngực nở và các cơ bắp 2 cánh tay, bắp đùi nổi lên giống như 2 chiếc càng mạnh mẽ của loài kiến này. Đó là hình tượng mà các lực sĩ Sài Gòn ở thập niên 80 - 90 của thế kỷ 20 nhắm tới để tập luyện", ông Trương Sang lý giải.

A Tỷ, một tài chẹc lũ mê trà đạo. ẢNH: L.V
A Tỷ, một tài chẹc lũ mê trà đạo. ẢNH: L.V

"Muốn tìm hiểu về Chợ Lớn mà không đến Đại thế giới nghe các tài chẹc lũ kể chuyện là một thiếu sót", ông vua nút "Khánh Tim đỏ", một doanh nhân cố cựu người Hoa, dẫn chuyện.

Buổi sáng ở phòng tập tạ Trương Sang, nằm bên trong Trung tâm văn hóa Q.5, luôn có một bàn trà - nơi đàm đạo của các tài chẹc lũ khu Chợ Lớn. Họ là những người Hoa nằm trong "Ngũ bang" nhưng đồng thời là nhóm bạn thân thiết. Bàn trà là do A Tỷ, chủ một hãng nội thất lớn ở vùng Chợ Lớn từ năm 1975 đến nay, mang đến đặt trước phòng tập tạ. Bữa trà sáng có món trà hảo hạng của người Tiều, mứt tần bì sấy khô, đậu phộng sấy giòn mà A Tỷ đặc biệt đặt hàng từ Trung Quốc qua để đãi bạn già.

Thiên Hồng Cường ngày trước, nay là một tài chẹc lũ chăm chỉ luyện tập sức khỏe mỗi ngày. ẢNH: L.V
Thiên Hồng Cường ngày trước, nay là một tài chẹc lũ chăm chỉ luyện tập sức khỏe mỗi ngày. ẢNH: L.V

A Tỷ cẩn thận nấu một bình nước sôi rồi ủ trà mời đồng đạo. Ông Trương Sang, chủ phòng tập tạ, khum nhẹ 2 ngón tay, gõ xuống bàn, trước tách trà nóng hổi mà A Tỷ vừa đưa cho ông. Đó là cử chỉ thể hiện lời cảm ơn của người Hoa khi được mời trà ngon. Bàn trà là nơi tụ hội của những người bạn đồng khố từ thời cơ hàn, tới nay đã là các doanh nhân nổi danh thành đạt ở Chợ Lớn.

“Kiến càng” Trương Sang thời trẻ. ẢNH: L.V
“Kiến càng” Trương Sang thời trẻ. ẢNH: L.V
Trương Sang hiện tại. ẢNH: L.V
Trương Sang hiện tại. ẢNH: L.V
"Kiến càng" Trương Sang thời trẻ. ẢNH: L.V
"Kiến càng" Trương Sang thời trẻ. ẢNH: L.V
Bằng huấn luyện viên của lực sĩ Trương Sang. ẢNH: L.V
Bằng huấn luyện viên của lực sĩ Trương Sang. ẢNH: L.V

Nhắc tới Trương Sang, giới vận động viên của thập niên 90 nhiều người biết tới ông. Năm nay dù đã 70 tuổi nhưng vóc dáng "vua cử tạ" một thời vẫn khiến nhiều người trẻ ngưỡng mộ. 25 tuổi, Trương Sang đã có nhiều huy chương vàng toàn thành. Gia đình ông gốc Chợ Lớn nhưng sinh sống ở khu vực Q.1 trước năm 1975. Ít ai biết về câu chuyện Trương Sang từng trúng số độc đắc vào năm 1990, nhờ đó mà ông mới có vốn để mở phòng tập tạ.

Cựu nhà báo Carl Robinson (bìa phải) trò chuyện với các tài chẹc lũ. ẢNH: L.V
Cựu nhà báo Carl Robinson (bìa phải) trò chuyện với các tài chẹc lũ. ẢNH: L.V

"Gia đình tôi từng giàu có, nhưng ông già mê á phiện nên của cải cũng hết. Má cho tôi đi học nghề điện lạnh, nhưng sau năm 1975, có phong trào tập cử tạ sôi nổi ở TP.HCM, tôi xin má theo học cho biết, cũng là có sức khỏe phòng thân. Ai dè bén duyên và nhờ đó mà kiếm được công việc làm bảo vệ cho các khách sạn. Đồng thời tôi cũng bắt đầu "ẵm giải" các cuộc thi thể hình thời đó", ông Trương Sang nhớ lại. Nhờ giật giải nhất thể hình liên tục trong mấy năm phong trào cử tạ lên cao ở TP.HCM, Trương Sang được đặt cho biệt danh "vua cử tạ".

Bàn trà các tài chẹc lũ rôm rả khi ông Trương Sang nhắc lại câu chuyện từng trúng số, nhờ đó mới có vốn liếng mở phòng tập tạ tới giờ. Phòng tập tạ Trương Sang ở khu Đại thế giới xưa khai trương năm 1990, thời mà cả nước còn khốn khó khiến không ít người nghi ngờ sự tồn tại của nó. Ấy vậy mà tới nay phòng tập tạ vẫn còn, trở thành một ký ức xưa nhưng vẫn sống tới hôm nay cùng các tài chẹc lũ khu Chợ Lớn.

Sòng bạc Đại thế giới xưa vẫn còn dấu tích bằng tên bảng hiệu một quán cà phê ở Trung tâm văn hóa Q.5 ngày nay. ẢNH: L.V
Sòng bạc Đại thế giới xưa vẫn còn dấu tích bằng tên bảng hiệu một quán cà phê ở Trung tâm văn hóa Q.5 ngày nay. ẢNH: L.V

HỒI ỨC CỦA "THIÊN HỒNG CƯỜNG"

Trong nhóm tài chẹc lũ ở khu Đại thế giới xưa, có một nhân vật được nhóm bạn già rất kính trọng. Đó là ông Mã Cường (75 tuổi). Cuộc đời ông gắn với khu Đại thế giới từ khi nó còn là sòng bạc khét tiếng. Ông kể: "Thời Đại thế giới còn của ông Bảy Viễn, má tôi đã làm người chia bài tại đây. Ba tôi thì làm ở vũ trường Arc-en-Ciel thời Pháp, sau là khách sạn Cầu Vồng (Rainbow) thời trước 1975. Sau năm 1975, nơi đây đổi tên là khách sạn Thiên Hồng, vẫn ở ngay góc Tản Đà - Trần Hưng Đạo, Q.5".

Bà Ô Muối, mẹ của ông Mã Cường, thời còn làm ở sòng bạc Đại thế giới. ẢNH: Tư Liệu
Bà Ô Muối, mẹ của ông Mã Cường, thời còn làm ở sòng bạc Đại thế giới. ẢNH: Tư Liệu

Ông Cường về khách sạn Thiên Hồng làm quản lý nhà hàng từ trước năm 1975 cho tới năm 1985. "Thời bao cấp, tôi được khách gọi là "Thiên Hồng Cường" vì hồi đó mua bia khó lắm. Mỗi bàn tiệc 10 người chỉ được kêu 10 chai bia Nga. Khách mới nghĩ ra cách kêu thêm mồi để có thêm bia nhưng cũng không được kêu quá một chai mỗi món. Từ đó mới có câu "bia kèm mồi" là vậy. Nhưng để mua thêm bia, khách phải là người quen thân và chỉ có thể gọi "A Cường" thì mới có thêm bia. Vì vậy mà mọi người hay giỡn nhau, nói đến Arc-en-Ciel uống bia thì phải kêu Thiên Hồng Cường. Nói vui chớ thời đó bán bia cho mấy cha bợm nhậu mà tôi cũng run quá trời, sợ bị bắt vì bán "bia lậu" nên đâu có dám bán nhiều", ông Cường chia sẻ.

Khách sạn Arc-en-Ciel ngày nay. ẢNH: L.V
Khách sạn Arc-en-Ciel ngày nay. ẢNH: L.V

Các tài chẹc lũ, nay đã là những cố cựu người Hoa ở tuổi 70 - 80, là chứng nhân đi từ thời khốn khó cho tới khi thành đạt như hôm nay. Vùng Chợ Lớn xưa, nay đã hiện đại, hòa mình vào cuộc sống mới; nhưng với họ, ký ức xưa vẫn là một gia tài quý giá để họ truyền lại cho con cháu mai sau gìn giữ, nhớ về.

Cựu nhà báo Hãng tin AP tại Sài Gòn trước năm 1975 Carl Robinson nhớ lại: "Khách sạn Arc-en-Ciel từng là một quán rượu, quán bar, nhà hàng và câu lạc bộ đêm nổi tiếng vào cuối thời Pháp, thu hút một nhóm khách hàng giàu có của Pháp và VN. Vào buổi tối, tầng trệt có một dàn nhạc sống với nhóm nhảy "Taxi dancers". Họ là những phụ nữ VN mặc đẹp và hấp dẫn, sẵn sàng để nhảy. Đối với những người tìm kiếm một đêm cho thú ăn chơi như sòng bạc, nhà thổ và thuốc phiện, thì khách sạch Arc-en-Ciel và khu sòng bạc "Grand Monde" (Đại thế giới) chỉ cách đó vài dãy nhà là nơi thật lý tưởng. Sau 1954, Arc-en-Ciel vẫn tiếp tục hoạt động nhưng bị hạn chế hơn. Các phóng viên phương Tây đưa tin về chiến tranh sống chủ yếu ở Quận Một với sự phong phú của các nhà hàng kiểu Pháp và Mỹ. Nhưng khi họ thèm một bữa ăn ngon của Hồng Kông hoặc Singapore, thì ý tưởng luôn là: "Hãy đến Arc-en-Ciel!".

Theo Lê Vân (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.