Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài cuối: Cùng viết lên 'kỷ nguyên vươn mình của dân tộc'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Gặt hái nhiều thành tựu ở lĩnh vực công nghệ sinh học, TS Lê Bá Vinh (Quả cầu Vàng 2024) đặt mục tiêu không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu mà còn mở rộng, phát triển các sản phẩm có lợi cho sức khỏe cho cộng đồng.

Anh mong muốn các nhà khoa học trẻ đoàn kết, cùng cộng đồng viết lên “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Cải thiện sức khỏe cộng đồng

TS Lê Bá Vinh (SN 1993) hiện là nghiên cứu viên Trường Dược - Đại học Korea (Hàn Quốc). Anh chia sẻ, đến thời điểm này, thành tựu khoa học tự hào nhất của anh chính là sự đa dạng trong nghiên cứu, đặc biệt là cơ hội làm việc tại các quốc gia phát triển mạnh về khoa học và công nghệ. Anh tham gia các nghiên cứu có tính ứng dụng cao, những dự án liên ngành quan trọng tại Hàn Quốc. Trong đó, anh và nhóm nghiên cứu đã tìm ra các hợp chất có tác dụng chống viêm, tăng cường hệ miễn dịch, chống oxy hóa từ đương quy và sâm Hàn Quốc.

TS Lê Bá Vinh, nghiên cứu viên Trường Dược - Đại học Korea (Hàn Quốc), tham gia Hội nghị Khoa học Dược châu Á - AFPS năm 2023
TS Lê Bá Vinh, nghiên cứu viên Trường Dược - Đại học Korea (Hàn Quốc), tham gia Hội nghị Khoa học Dược châu Á - AFPS năm 2023

“Những kết quả nghiên cứu không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà còn được chuyển giao và ứng dụng vào thực tiễn thông qua sự hợp tác với các công ty bào chế. Chúng tôi đã phát triển thành công các sản phẩm đạt tiêu chuẩn GMP (tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt) của Hàn Quốc, đóng góp tích cực vào việc cải thiện sức khỏe cộng đồng”, TS Vinh nói.

TS Vinh bắt đầu hành trình nghiên cứu tại Hàn Quốc từ năm 2016 khi anh theo học chương trình kết hợp thạc sĩ và tiến sĩ tại trường Đại học Quốc gia Chungnam. Sau 4 năm nỗ lực, anh nhận bằng tiến sĩ vào năm 26 tuổi. Ngay sau đó, anh tiếp tục làm nghiên cứu viên sau tiến sĩ tại ba trường đại học lớn của Hàn Quốc, gồm: ĐH Quốc gia Chungnam, ĐH Wonkwang và ĐH Korea.

Hơn 8 năm qua, các nghiên cứu của anh tập trung vào việc khai thác các hợp chất có nguồn gốc từ tự nhiên, đặc biệt là từ dược liệu và sinh vật biển, nhằm phát triển các sản phẩm có lợi cho sức khỏe, như: thuốc hỗ trợ điều trị viêm, tiểu đường, tăng cường miễn dịch.

Anh là tác giả chính của công trình “Xác định các chất ức chế triterpenoid saponin của interleukin IL-33 truyền tín hiệu từ rễ cây hoàng kỳ”. Theo TS Vinh, cây hoàng kỳ đã được ghi nhận trong y học cổ truyền như một vị thuốc quý để điều trị nhiều loại bệnh, bao gồm: bệnh tim mạch, tiểu đường và các vấn đề liên quan đến miễn dịch. Với khả năng tăng cường hệ miễn dịch và chống viêm, cây hoàng kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sức khỏe. Ở Việt Nam, bệnh viêm da dị ứng rất phổ biến, đặc biệt trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm ướt. Bệnh này thường do dị ứng và ô nhiễm môi trường gây ra, dẫn đến các triệu chứng ngứa ngáy và viêm đỏ.

“Nghiên cứu của tôi và cộng sự đã chỉ ra rằng, các hợp chất hoạt tính trong cây hoàng kỳ có thể giúp giảm các triệu chứng này. Nghiên cứu đã mở ra tiềm năng cho việc phát triển liệu pháp điều trị các bệnh viêm mạn tính và dị ứng, như viêm da dị ứng, từ hợp chất của cây hoàng kỳ”, TS Vinh cho biết.

Đến nay, nghiên cứu đã được trích dẫn hơn 10 lần, khẳng định tính mới mẻ cũng như tiềm năng ứng dụng của nó trong phát triển liệu pháp điều trị các bệnh viêm mạn tính, đặc biệt là viêm da dị ứng.

Mở rộng hợp tác quốc tế

TS Lê Bá Vinh đang nỗ lực đi sâu vào con đường nghiên cứu, khám phá và ứng dụng những thành phần tự nhiên từ dược liệu, sinh vật biển để tạo ra sản phẩm an toàn, hiệu quả cho sức khỏe con người. Anh cho rằng, việc phát triển các sản phẩm như vậy không chỉ có lợi cho sức khỏe mà còn góp phần vào phát triển bền vững. “Tôi tin rằng, bằng cách kết hợp tri thức hiện đại với những giá trị truyền thống, chúng ta có thể tạo ra những sản phẩm tự nhiên, thân thiện với môi trường và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về sức khỏe”, anh chia sẻ.

Hiện, TS Vinh làm việc tại Đại học Bergen (Na Uy), trong một dự án quốc tế quy tụ 37 nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm trên thế giới (theo một chương trình hợp tác ngắn hạn). Bergen là một trường đại học hàng đầu tại Na Uy, với định hướng nghiên cứu tập trung vào các thách thức liên ngành, đặc biệt là trong các lĩnh vực như: phát triển bền vững, khoa học biển và công nghệ sinh học. “Sự chuyển đổi từ môi trường nghiên cứu tại Hàn Quốc sang Na Uy đã mang lại cho tôi nhiều góc nhìn mới mẻ về cách tiếp cận các vấn đề toàn cầu, đồng thời, mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế”, TS Vinh chia sẻ.

TS Vinh cho biết, với kinh nghiệm và mối quan hệ rộng lớn trong hơn 8 năm làm việc ở môi trường quốc tế, anh dự định hợp tác với các nhà khoa học, tổ chức và doanh nghiệp từ Hàn Quốc và các nước Bắc Âu, những nơi có nền công nghệ sinh học phát triển mạnh mẽ. “Mục tiêu của tôi là tận dụng thế mạnh của họ trong việc sàng lọc, đánh giá và phát triển dược liệu, cũng như sinh vật biển của Việt Nam, từ đó, tạo ra các sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Những hợp tác này không chỉ giúp nâng cao giá trị khoa học mà còn góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp dược phẩm và chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam”, anh nói.

“Các bạn hãy luôn đặt mục tiêu cao, nuôi dưỡng khát vọng lớn, học hỏi các tiêu chuẩn quốc tế và không ngừng đột phá. Trong kỷ nguyên 4.0, các bạn hãy khai thác sức mạnh của khoa học để phát triển các giải pháp thân thiện với môi trường và chăm sóc sức khỏe con người một cách toàn diện. Những nỗ lực cùng khát vọng ấy chính là yếu tố then chốt để chúng ta cùng nhau viết lên “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, nâng tầm vị thế Việt Nam trên trường quốc tế”.

TS Lê Bá Vinh, nghiên cứu viên
Trường Dược - Đại học Korea (Hàn Quốc)

Theo TS. Vinh, sự chăm chỉ, kiên trì của người Việt đã giúp nhiều bạn trẻ đạt được những thành tựu không nhỏ trong môi trường học thuật. Điều này không chỉ thể hiện sự cố gắng cá nhân mà còn khẳng định giá trị và tiềm năng của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Anh cho biết, các giáo sư Hàn Quốc đặc biệt yêu thích và đánh giá cao sinh viên Việt Nam. Nhiều bạn trẻ Việt Nam đã thành công trong việc trở thành giáo sư, trưởng nhóm nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu danh tiếng của Hàn Quốc.

“Họ không chỉ tạo dựng được sự nghiệp vững chắc mà còn góp phần quan trọng vào các nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, khẳng định sự hiện diện của người Việt trong cộng đồng học thuật quốc tế. Tôi tin rằng, với những nỗ lực và đoàn kết, người Việt sẽ tiếp tục góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế”, TS. Lê Bá Vinh chia sẻ.

TS Vinh là 1 trong 10 nhà khoa học trẻ nhận Giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu Vàng năm 2024, thuộc lĩnh vực Công nghệ sinh học. Đây là giải thưởng cao quý được T.Ư Đoàn phối hợp với Bộ KH&CN trao hằng năm, mỗi năm có tối đa 10 cá nhân là những tài năng trẻ không quá 35 tuổi. Giải thưởng xét trao 5 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa; Công nghệ y - dược; Công nghệ sinh học; Công nghệ môi trường và Công nghệ vật liệu mới.

TS Vinh là chủ nhân của 56 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục Q1, Q2 (17 bài Q1); 6 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học trong nước.

Theo Lưu Trinh (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.