Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 2: Người đặt nền tảng cho nhiều dự án bảo mật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

TS Nguyễn Văn Sơn, giảng viên khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Công nghệ-ĐHQG HN, đã tạo tiền đề cho nhiều dự án bảo mật bằng công trình CodeJIT.

“Một lý tưởng luôn dẫn dắt tôi trong suốt hành trình nghiên cứu khoa học chính là khát khao đóng góp cho xã hội thông qua công nghệ. Tôi tin rằng, khoa học và công nghệ không chỉ là những con số, lý thuyết, hay các bài báo mà còn có thể mang lại những thay đổi tích cực cho cuộc sống con người”, TS Nguyễn Văn Sơn (SN 1993), giảng viên khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội, chia sẻ.

Thành công nhờ không bỏ cuộc

TS Nguyễn Văn Sơn (Quả cầu vàng năm 2024) sở hữu bảng thành tích “khủng” với một bằng độc quyền sáng chế quốc gia; 7 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế uy tín nhất hiện nay thuộc danh mục Q1; 9 bài báo đăng trên hội thảo khoa học quốc tế Q1 và Q2 (xếp hạng A*/A). Đặc biệt, sản phẩm Hệ thống hỗ trợ nâng cao chất lượng văn bản - DoiT thực hiện từ năm 3 đại học giúp TS Sơn và nhóm nghiên cứu giành giải Nhì Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, được ứng dụng rộng rãi trong nước.

Hệ thống DoiT gồm hai tính năng cơ bản là kiểm tra lỗi chính tả và phát hiện trùng lặp cho tài liệu tiếng Việt. Hệ thống có thể xử lý tài liệu ở phần lớn các định dạng phổ biến hiện nay như doc, docx, pdf, ppt… Với chức năng kiểm tra lỗi chính tả, ngoài việc chỉ ra các từ bị lỗi, DoiT còn đề xuất từ đúng thay thế. Chức năng phát hiện trùng lặp, sản phẩm có ý nghĩa quan trọng trong việc chống sao chép tài liệu của các đồ án, khóa luận, luận văn…

Thành công của dự án đã tạo tiền đề, tiếp thêm niềm tin, động lực mạnh mẽ để anh theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Sơn quyết định thực hiện chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Texas (Mỹ). Tại đây, định hướng khoa học của anh rẽ sang hướng mới - nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) và phần mềm.

nhung-tien-si-tre-va-khat-vong-doi-thay-bai-2-ps.jpg
TS Nguyễn Văn Sơn trao đổi với sinh viên tham gia nhóm nghiên cứu

“Khoảng thời gian 5 năm làm nghiên cứu sinh ở Mỹ là giai đoạn đầy thử thách, nhưng vô cùng giá trị. Tôi thức trắng nhiều đêm để viết bài, nhiều lần thất bại khi công trình bị từ chối. Đặc biệt, trong gần hai năm đầu chương trình nghiên cứu sinh, tôi đã gửi đi nhiều kết quả nghiên cứu nhưng không được chấp nhận công bố. Từ sự háo hức ban đầu, có những lúc tôi dần tự hoài nghi khả năng của chính mình”, anh Sơn kể.

Theo anh Sơn, khó khăn lớn nhất trong nghiên cứu chính là những lần bế tắc không tìm ra hướng đi đúng cho các ý tưởng. “Ý tưởng hay không phải lúc nào cũng xuất hiện. Nhiều lần tôi cảm thấy như mình đi vào ngõ cụt”, anh nói.

Nhờ những lời động viên của một đàn anh trong nhóm nghiên cứu rằng “cứ có nhiều ý tưởng, chắc chắn sẽ có ý tưởng hay”, anh dần vượt qua cảm xúc tiêu cực bằng sự kiên nhẫn làm việc, và đặt niềm tin vào bản thân. Cuối cùng, sự kiên trì của anh đã được đền đáp khi các nghiên cứu dần được công nhận vào cuối năm 2019.

“Những thất bại ban đầu đã dạy tôi rất nhiều. Chúng không chỉ giúp tôi rèn luyện sự kiên trì mà còn giúp tôi nhận ra rằng thất bại là một phần tất yếu của quá trình nghiên cứu. Mỗi lần vấp ngã đều mang lại một bài học quý giá, và chính nhờ những bài học đó, tôi mới có thể trưởng thành và tiếp tục trên con đường khoa học của mình”, anh Sơn nói.

“Tôi không xem mình là người dẫn đầu, mà là người đồng hành, mong muốn tạo ra một môi trường nơi mà các bạn trẻ có thể phát huy tối đa khả năng, cùng nhau sáng tạo và xây dựng những giải pháp công nghệ hữu ích cho xã hội. Chính điều này đã tiếp thêm sức mạnh để tôi không ngừng phấn đấu, vượt qua khó khăn, và chinh phục những đỉnh cao tri thức mới” TS Nguyễn Văn Sơn, Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội)

Thúc đẩy ứng dụng AI vào đời sống

Từ năm thứ hai của chương trình nghiên cứu sinh, anh Sơn quyết định con đường đi dứt khoát, rõ ràng của mình: quay trở lại Việt Nam để cống hiến.

Để chuẩn bị cho sự trở về đó, anh sớm bắt tay hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học trong nước và nghiên cứu sinh Việt Nam ở nước ngoài nhằm hình thành mạng lưới nhà khoa học. Vì thế, khi trở về Việt Nam từ năm 2022, sau 2 năm, anh và nhóm nghiên cứu đã có hơn 10 công trình nghiên cứu được công bố, trong đó, 7 công trình được đăng trên các tạp chí và hội nghị quốc tế uy tín nhất thuộc nhóm Q1/A*. Trong đó, có công trình CodeJIT giúp phát hiện sớm các lỗ hổng bảo mật ngay từ giai đoạn phát triển phần mềm. Đây là dự án đầu tiên của anh khi trở về Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng. Giải pháp này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro cho các dự án phần mềm mà còn tiết kiệm thời gian và chi phí sửa chữa. Thực nghiệm cho thấy, CodeJIT đạt độ chính xác cao lên tới 90%, vượt gần hai lần so với các phương pháp tiên tiến không tập trung vào mã nguồn.

ps3.jpg
TS Nguyễn Văn Sơn - giảng viên khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội)

Theo TS Sơn, giải pháp này có tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong các dự án phần mềm nhằm tăng cường bảo mật từ giai đoạn phát triển. Giải pháp CodeJIT đặc biệt có ý nghĩa với các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng, y tế, tài chính - những nơi việc phát hiện lỗ hổng sớm và chính xác là rất quan trọng. Bên cạnh đó, các công ty phần mềm có thể tích hợp CodeJIT vào quy trình kiểm tra mã để phát hiện sớm lỗi bảo mật trước khi được đưa vào hệ thống.

“Đây là công trình tôi đặc biệt tự hào, không chỉ đặt nền tảng cho nhiều dự án bảo mật tiếp theo của nhóm nghiên cứu mà còn đóng góp vào việc cải thiện chất lượng của phần mềm”, anh Sơn chia sẻ.

Mục tiêu của TS Sơn trong thời gian tới là tiếp tục theo đuổi hai hướng nghiên cứu chính: kỹ nghệ phần mềm tự động và kỹ nghệ AI tự động lấy dữ liệu làm trọng tâm. “Tôi mong muốn đóng góp vào việc nâng cao năng suất và chất lượng phần mềm, đặc biệt trong bối cảnh AI ngày càng có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển phần mềm. Bên cạnh đó, tôi hy vọng có thể thúc đẩy ứng dụng AI vào đời sống, giúp nhiều người tiếp cận được với các giải pháp AI, đặc biệt là những đối tượng chưa có nhiều cơ hội và điều kiện tiếp cận công nghệ này”, chủ nhân Quả cầu vàng 2024 nói.

Trong vai trò giảng viên đại học, TS Sơn được xem là người thầy truyền lửa nghiên cứu khoa học cho các bạn sinh viên. Với anh, việc giúp đỡ các bạn trẻ phát huy tối đa khả năng của mình trong nghiên cứu khoa học và đóng góp cho xã hội không chỉ là hoài bão cá nhân mà còn là sự kết nối giữa thế hệ này với thế hệ khác, giữa khoa học với đời sống.

Theo Lưu Trinh (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.