Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 4: Khi cây dâu “thắp sáng” làng nghề

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau gần nửa thế kỷ những đoàn người di dân đến từ các vùng Hà Đông, Tầm Xá, Đông Anh, Gia Lâm của Thủ đô Hà Nội mang theo nghề truyền thống ngàn năm trồng dâu, nuôi tằm, kéo tơ để sinh cơ, lập nghiệp trên vùng kinh tế mới Nam Ban, Lâm Hà của tỉnh Lâm Đồng.

Nghề này đã lan tỏa phạm vi rộng lớn đến ngày nay. Là thế hệ thứ hai tiếp nối nghề của cha ông trên vùng đất mới, nông hộ Nguyễn Ngọc Huy kết nối nhiều nông hộ khác tìm kiếm, xây dựng và phát triển thị trường tơ tằm trong và ngoài nước để phát triển đồng dâu nguyên liệu hàng trăm ha “thắp sáng” những làng nghề địa phương.

Mỗi năm Công ty TNHH Huy Vạn Hạnh bao tiêu 900 tấn kén của nông hộ liên kết trong và ngoài làng nghề khu vực Nam Ban, Lâm Hà
Mỗi năm Công ty TNHH Huy Vạn Hạnh bao tiêu 900 tấn kén của nông hộ liên kết trong và ngoài làng nghề khu vực Nam Ban, Lâm Hà

LIÊN KẾT NÔNG DÂN PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ TRỒNG DÂU, NUÔI TẰM

Theo tuyến du lịch canh nông Đà Lạt - Nam Ban khoảng 30 cây số, phóng viên vào làng nghề dâu tằm tơ Đông Anh, thị trấn Nam Ban được trải nghiệm quy trình vận hành chế biến tơ xuất khẩu sang thị trường lớn các nước châu Á của Công ty TNHH Huy Vạn Hạnh. Trên tổng diện tích 8.000 m2, công ty phân bổ 3.000 m2 xây dựng nhà xưởng với 6 dây chuyền máy móc hiện đại chế biến xuất khẩu trên dưới 120 tấn tơ mỗi năm. Diện tích 5.000 m2 còn lại gồm mặt bằng văn phòng làm việc, hệ thống kho, bãi đậu xe, khu vực tập kết nguyên liệu đầu vào, nguyên liệu đầu ra cho nhà máy. Quan sát quy trình chế biến tơ trong nhà máy khá đồng bộ và nhịp nhàng, từng bộ phận, từng công nhân thao tác từng phần việc thuần thục trong dây chuyền khép kín. Cụ thể, quy trình ươm tơ tự động bắt đầu đưa kén vào thùng nước đun sôi lớn đảo trộn đều để làm mềm các sợi tơ, phân phối từng chiếc thùng nước sôi nhỏ chạy dọc theo đường mương hệ thống máy. Khi lớp áo kén bung ra, máy tách các sợi tơ mỏng manh sau đó se lại với nhau thành tơ thành phẩm xuất khẩu.

Dẫn phóng viên sang vườn dâu cao sản sạch bệnh, năng suất cao, Giám đốc Huy cho biết, đây là nguồn giống mới do Công ty TNHH Huy Vạn Hạnh cung cấp cùng với giống tằm con chất lượng cao, kỹ thuật canh tác cây dâu, chăm nuôi con tằm và bao tiêu toàn bộ sản phẩm kén của nông dân liên kết với giá cộng thêm giá thị trường trung bình 2.000 đồng/kg. Trường hợp giá trị thị trường những ngày kế tiếp giảm xuống, Công ty TNHH Huy Vạn Hạnh vẫn thu mua kén của nông hộ liên kết bằng hoặc cao hơn giá thị trường của những ngày liền kề trước đó. Để chế biến thành phẩm 120 tấn tơ xuất khẩu mỗi năm, Công ty TNHH Huy Vạn Hạnh phải bao tiêu khoảng 900 tấn kén của 200 nông hộ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng. “Để tạo ra chất lượng kén cao nhất cho yêu cầu chế biến tơ xuất khẩu, công đoạn đầu tiên phải hái lá dâu cho tằm ăn vào lúc trời mát, không có mưa, sương ướt. Lá dâu non hái về, băm nhỏ cho tằm con tuổi 1 đến 3 ăn; lá dâu màu xanh đậm cho tằm tuổi 4 ăn; lá dâu già, nhiều xơ cho tằm tuổi 5 ăn. Kén sau khi thu hoạch phải đưa vào nhà máy chế biến trong thời gian sớm nhất để đạt chất lượng tơ cao nhất, đáp ứng nhu cầu thị trường cạnh tranh trong và ngoài nước...”, Giám đốc Huy giải thích với phóng viên.

Tính ra 1 ha trồng dâu, nuôi tằm theo quy trình kỹ thuật của Công ty TNHH Huy Vạn Hạnh, nông hộ liên kết đạt doanh thu trên 3 tấn kén mỗi năm. Hạch toán chi tiết mỗi năm canh tác trên 0,1 ha cây dâu, tương ứng nuôi 10 hộp tằm, thu hoạch tổng cộng 400 kg kén. Nhân lên quy mô canh tác 1 ha trồng dâu nuôi tằm liên kết với Công ty TNHH Huy Vạn Hạnh, trừ tất cả chi phí đầu vào, nông hộ đạt lợi nhuận khoảng 350 triệu đồng.

Giám đốc Công ty TNHH Huy Vạn Hạnh Nguyễn Ngọc Huy thống kê đến thời điểm tháng 10/2024, Công ty TNHH Huy Vạn Hạnh liên kết hơn 200 nông hộ trồng dâu, nuôi tằm theo chuỗi giá trị gia tăng tổng diện tích 300 ha trên địa bàn từ làng nghề Đông Anh, thị trấn Nam Ban; các xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Phi Tô, Tân Hà, Tân Thanh thuộc huyện Lâm Hà đến các xã Tân Hội, Tân Thành, Liên Hiệp của huyện Đức Trọng. Hộ sản xuất diện tích dâu tằm ít nhất 0,3 ha; nhiều nhất khoảng 3 ha. Đây là kết quả gần 35 năm định cư trên vùng kinh tế mới Nam Ban, Lâm Hà, khởi tạo từ một cơ sở chế biến thủ công của cha mẹ truyền nghề lại cho anh Huy, sản xuất năm, mười ký tơ mỗi ngày. Miệt mài, cần mẫn giữ nghề truyền thống cho đến khi chính sách khuyến khích, hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết mới dần dần “khơi sáng” cho cây dâu, con tằm. Dấu ấn năm 2016 thành lập Công ty TNHH Huy Vạn Hạnh với 2 dãy máy tự động đầu tiên đã đưa sản phẩm tằm tơ của làng nghề tỉnh Lâm Đồng đến với nhiều khu vực thị trường trong nước. Bên cạnh nâng cấp chất lượng sản phẩm, giám đốc Nguyễn Ngọc Huy chủ động kết nối đối tác thông qua các hoạt động thương mại điện tử, xúc tiến thương mại, đã không ngừng xây dựng và mở rộng thị trường xuất khẩu tằm tơ của làng nghề Lâm Đồng sang các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Campuchia đến ngày nay.

THẮP SÁNG LÀNG NGHỀ GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Để “thắp sáng” nghề trồng dâu, nuôi tằm theo chuỗi liên kết gắn với chế biến tơ xuất khẩu nói riêng, lan tỏa nghề truyền thống địa phương nói chung đến năm 2030, huyện Lâm Hà hỗ trợ phát triển gắn với điểm du lịch, tuyến du lịch, du lịch cộng đồng, Chương trình OCOP và xây dựng nông thôn mới. Ở phạm vi toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 30 làng nghề, trong đó 9 làng nghề, 21 làng nghề truyền thống. Chia ra gồm 5 nhóm ngành nghề: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản (7 làng nghề); sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (3 làng nghề); xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp nông thôn (6 làng nghề); sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ (9 làng nghề); sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh (5 làng nghề). Tổng doanh thu bình quân hoạt động làng nghề, làng nghề truyền thống đạt trên 8.000 tỷ đồng/năm.

Theo đánh giá chung, tỉnh Lâm Đồng có nguồn nhân lực dồi dào, số người trong tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao, nguồn tài nguyên và nguyên liệu phong phú cho phát triển ngành nghề, làng nghề, nổi bật tài nguyên rừng, nông sản, khoáng sản. Các cơ sở ngành nghề, làng nghề có thể phát triển ở nhiều loại hình từ hộ sản xuất đến những tổ hợp tác, hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ và vừa và có thể làm vệ tinh cho những doanh nghiệp lớn, có khả năng linh hoạt giải quyết những đơn đặt hàng dài hạn...

(CÒN NỮA)

Theo Văn Việt (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.