Chống lãng phí - Bài 3: 'Đất vàng' phơi mưa nắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những khu đất công ở vị trí đắc địa thuộc trung tâm TPHCM bị bỏ hoang cả chục năm có khu bị hô biến hợp thức hóa gây lãng phí thất thoát nhưng đến nay vẫn chưa có hướng xử lý triệt để.

“Hô biến” đất vàng

Hơn 10 năm nay, khu “đất vàng” tại số 8-12 Lê Duẩn, quận 1 trở thành nơi giữ xe máy, ô tô cho người dân. Năm 2010, khu đất 8-12 Lê Duẩn thuộc sở hữu nhà nước do 4 đơn vị thuộc Bộ Công Thương thuê sử dụng làm trụ sở. Công ty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM là đơn vị được giao quản lý, cho thuê khu nhà đất này.

Hàng loạt “đất vàng” bị bỏ hoang ở trung tâm TPHCM nhiều năm qua. Ảnh: Duy Anh
Hàng loạt “đất vàng” bị bỏ hoang ở trung tâm TPHCM nhiều năm qua. Ảnh: Duy Anh

Năm 2010, 4 công ty thuộc Bộ Công thương đã chuyển nhượng quyền góp vốn cho công ty TNHH Đầu tư Kido. Sau vụ chuyển nhượng này, Cty Hoa Tháng Năm và công ty Kido cùng Cty Quản lý kinh doanh nhà TPHCM lập ra Cty Cổ phần Lavenue.

Đến tháng 6/2011, UBND TPHCM đã có quyết định chấp thuận cho Cty Cổ phần Đầu tư Lavenue sử dụng 4.896m2 đất tại 8-12 Lê Duẩn để xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại- dịch vụ, căn hộ cho thuê. Thời hạn sử dụng đất là 50 năm, hình thức sử dụng đất: Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với khu đất tại số 8 Lê Duẩn và Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê hằng năm đối với khu đất số 12 Lê Duẩn.

Ngày 30/6/2016, Cty Cổ phần Đầu tư Lavenue đã nộp đủ số tiền sử dụng đất và tiền thuê đất vào ngân sách Nhà nước, sau đó Sở TN&MT đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lavenue.

Khu đất công 3 mặt tiền rộng 3,1ha tại số 152 Trần Phú, quận 5 cũng bỏ hoang nhiều năm nay. UBND TPHCM cho biết đang thực hiện các thủ tục pháp lý để thu hồi khu đất 3 mặt tiền đường Trần Phú - Lê Hồng Phong - Trần Nhân Tôn này. Đáng nói nhiều năm qua, “đất vàng” đã bị Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam góp vốn vào công ty tư nhân. Thanh tra Chính phủ kết luận việc Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam góp vốn bằng khu đất là vi phạm và năm 2023, UBND TPHCM ra quyết định thu hồi.

Vậy là từ đây, khu đất công rơi vào tay tư nhân. Năm 2015, Thanh tra Chính phủ vào cuộc và phát hiện ra vi phạm về việc giao đất, cho thuê đất không đúng quy định tại khu “đất vàng” này. Năm 2016, Thanh tra Chính phủ có báo cáo kết luận: UBND TPHCM có sai phạm không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản trên đất tại khu nhà đất 8-12 Lê Duẩn.

“Trách nhiệm chung thuộc về Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, trách nhiệm trực tiếp thuộc về cá nhân ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2011 - 2015” - Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Ông Tài và một số người liên quan sau đó bị bắt giữ và bị tuyên phạt gần chục năm tù. Điều đáng nói, việc không thông qua đấu giá khiến Nhà nước thất thu khoảng 2.000 tỷ đồng. Mặc dù vào tháng 9/2022, Cục Thi hành án dân sự đã bàn giao khu đất này cho UBND TPHCM quản lý nhưng đến nay, khu đất này vẫn án binh bất động.

Bỏ hoang phí nhiều năm

Một khu “đất vàng” khác rộng hơn 6.000m2 tại địa chỉ số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1 cũng bị bỏ trống đầy lãng phí. Khu đất này liên quan đến vụ án biến đất công thành đất tư, được TAND cấp cao tại Hà Nội xử phúc thẩm vào tháng 1/2022. Tháng 10/2022, Trung tâm Phát triển quỹ đất TPHCM được giao quản lý khu đất này.

Đến nay khu đất 4 mặt tiền này vẫn đang quây tôn, vừa làm xấu bộ mặt thành phố vừa lãng phí. Cạnh đó là khu “đất vàng” hơn 6.200m2 tại địa chỉ số 33 Nguyễn Du; 34-36 và 42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1 cũng bị bỏ hoang nhiều năm.

Cuối năm 2022, UBND TPHCM có quyết định thu hồi khu đất này và giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý. Đến nay khu đất này vẫn chưa triển khai đưa vào sử dụng.

Khu đất 4 mặt tiền ở số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1 đã được giao cho UBND TPHCM quản lý sau khi thu hồi từ Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn. Ảnh: Duy Anh
Khu đất 4 mặt tiền ở số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1 đã được giao cho UBND TPHCM quản lý sau khi thu hồi từ Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn. Ảnh: Duy Anh

Năm 2008, TPHCM triển khai dự án đầu tiên đầu tư theo hợp đồng BT xây dựng - chuyển giao đối với Nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Thế nhưng đến nay nó trở thành “cục nghẹn” khó nuốt. Tọa lạc ngay trung tâm thành phố với 4 mặt tiền đường hiếm hoi nhưng nhiều năm qua khu đất của dự án xây mới nhà thi đấu Phan Đình Phùng ở số 8 Võ Văn Tần, quận 3 vẫn bỏ trống.

Dự án xây mới nhà thi đấu dự kiến có tổng vốn đầu tư 1.953 tỷ đồng và hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai với nhiều vướng mắc.

Sau 16 năm triển khai, mới đây ngày 26/4/2024, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chỉ đạo dừng dự án theo hình thức đầu tư xây dựng- chuyển giao nhà thi đấu Phan Đình Phùng, để chuyển sang phương thức đầu tư công. Đáng nói, chủ đầu tư dự án này trước đó “đòi” TPHCM hoàn trả số tiền hơn 171 tỷ đồng mà họ cho rằng đã bỏ ra để… chuẩn bị đầu tư.

Ai chịu trách nhiệm khi để lãng phí, thất thoát?

Trao đổi với Tiền Phong, TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM cho biết các dự án và “khu đất vàng” bị bỏ hoang thời gian qua đều có những câu chuyện quản lý và trách nhiệm khác nhau. Theo đó, khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1 đã được giao cho UBND TPHCM quản lý sau khi thu hồi từ Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Trước đó, khu đất này liên quan đến vụ án biến đất công thành đất tư, gây thiệt hại lớn cho nhà nước.

Còn dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng đã gặp nhiều khó khăn và chậm trễ trong quá trình triển khai. Trách nhiệm quản lý thuộc về UBND TPHCM và đơn vị liên quan như Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM. “Thông tin chi tiết về tình trạng hiện tại và các cá nhân cụ thể chịu trách nhiệm cần có thêm thông tin tìm hiểu”, ông Thắng nói thêm.

Theo TS Trần Quang Thắng, việc các khu đất công bị bỏ hoang, không được sử dụng hiệu quả tại TPHCM đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, lãng phí tài nguyên đất đai là một sự lãng phí lớn khi mà nhu cầu về đất đai cho các dự án phát triển đô thị, nhà ở và cơ sở hạ tầng là rất cao.

Bên cạnh đó, các dự án bỏ hoang còn gây thiệt hại kinh tế lớn cho thành phố. Theo đó, chi phí đầu tư ban đầu, chi phí bảo trì và lãi suất ngân hàng cộng dồn qua các năm đều là những gánh nặng tài chính.

Theo Ngọc Lâm - Ngô Tùng (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.