Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1.7.2025 với nhiều điểm mới quan trọng, nhất là việc phân quyền cho UBND cấp tỉnh trong việc kiểm soát, cấp phép khai thác khoáng sản; đồng thời siết chặt yêu cầu đối với doanh nghiệp về ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường. Những quy định mới này nhằm bảo đảm khai thác khoáng sản minh bạch, bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực và nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, thời gian qua, các sở, ban, ngành liên quan và chính quyền các địa phương trong tỉnh tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này. Đến nay, các điểm mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt camera giám sát; trong đó, 60/85 mỏ đã kết nối với hệ thống camera giám sát có chức năng đo, đếm lượt xe ra - vào và 50 điểm mỏ lắp đặt trạm cân. Nguồn thu từ khai thác khoáng sản trong 5 tháng đầu năm 2025 trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 120 tỷ đồng, góp phần phát triển KT-XH địa phương.
Tuy nhiên, quá trình thực thi quản lý nhà nước trên lĩnh vực tài nguyên khoáng sản còn tồn tại, vướng mắc do một số quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 chưa đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay. Đơn cử, thủ tục hành chính cấp phép về khoáng sản làm vật liệu san lấp khá phức tạp và việc thu tiền cấp quyền khai thác theo trữ lượng khoáng sản còn bất cập.
![]() |
Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024 trao quyền cho địa phương quản lý tài nguyên khoáng sản tạo sự minh bạch, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này. - Trong ảnh: Một điểm mỏ khai thác cát trên sông Hà Thanh (huyện Vân Canh). Ảnh: V.L |
Ông Trần Đình Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho hay: Luật Địa chất và Khoáng sản (ĐC&KS) năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025 sẽ khắc phục các bất cập, tồn tại của Luật Khoáng sản năm 2010. Trong đó, đáng chú ý là quy định về việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh thực hiện nội dung kiểm soát, cấp phép.
Cụ thể, UBND cấp tỉnh được phê duyệt đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất theo quy hoạch; điều tra địa chất về khoáng sản đối với khoáng sản nhóm III, IV. Quyết định việc cho phép thu hồi khoáng sản nhóm I, II khi thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia thuộc thẩm quyền UBND cấp tỉnh.
Ngoài ra, UBND cấp tỉnh được cấp giấy phép thăm dò, khai thác nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên. Đây là điểm mới, bởi trước kia việc cấp phép khai thác và quản lý khoáng sản chủ yếu do các cơ quan trung ương thực hiện.
Bên cạnh đó, điểm mới quan trọng nữa của Luật ĐC&KS năm 2024 là yêu cầu các DN khai thác khoáng sản phải áp dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường trong suốt quá trình khai thác. Luật cũng đặc biệt chú trọng đến việc tái chế và tái sử dụng khoáng sản nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Để thực hiện các quy định mới của Luật ĐC&KS năm 2024, tới đây, Sở Nông nghiệp và Môi trường tham mưu UBND tỉnh xây dựng các kế hoạch phát triển ngành khoáng sản bền vững. Đồng thời, ban hành các quyết định phù hợp và kịp thời, chủ động trong việc tổ chức khảo sát, thăm dò, cấp phép khai thác khoáng sản theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh.
Ngoài ra, các hoạt động khai thác khoáng sản sẽ được triển khai theo hướng đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường và cộng đồng xung quanh. Các sở, ngành và địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, với quy định phân cấp và rõ trách nhiệm của Luật ĐC&KS năm 2024, UBND cấp tỉnh sẽ là những người “gác cổng” quan trọng; góp phần tạo sự minh bạch, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực tài nguyên khoáng sản. Ngoài ra, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường trong quá trình khai thác khoáng sản, hướng đến khai thác khoáng sản bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn.
Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024 được Quốc hội thông qua vào tháng 11.2024, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025. Luật gồm 12 chương, 111 điều; với nhiều quy định mới, đặc biệt là việc phân quyền mạnh mẽ cho các địa phương trong quản lý và sử dụng tài nguyên khoáng sản.
VĂN LỰC