Lễ cúng Yă Pum bên bờ sông Ayun

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau một thời gian dài gián đoạn, UBND xã Ia Peng (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) vừa phục dựng lễ cúng Yă Pum của người Jrai tại thôn Sô Ma Hang A. Đây là hoạt động tâm linh với ý nghĩa xua đuổi tà ma, cầu bình an, sức khỏe cho dân làng.

Trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc thiểu số luôn tồn tại các vị thần linh che chở, phù hộ cho dân làng, trong đó có thần Yă Pum. Trong tiếng Jrai, “Yă” có nghĩa là bà, “Pum” có nghĩa là bụi rậm. Yă Pum được ví như nữ thần, không ai nhìn thấy.

Chính vì khả năng tàng hình của mình, Yă Pum giúp dân làng đánh đuổi giặc ngoại xâm, xua đuổi tà ma, diệt trừ dịch bệnh. Đây cũng là vị nữ thần duy nhất trong thế giới đa thần của người Jrai bên bờ sông Ayun.

1vc-3778.jpg
Mô hình Yă Pum là một hình nộm làm bằng rơm mới, phía trước đeo mặt nạ và gắn cung tên, phía sau đeo lồng gà để ngụy trang, giúp cất giấu vũ khí đánh đuổi kẻ thù. Ảnh: V.C

Để tưởng nhớ đến công lao của Yă Pum, hàng năm, vào khoảng tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch, trước lễ cúng bến nước 1 tuần, người dân thôn Sô Ma Hang A đều tổ chức lễ cúng Yă Pum ngay khu vực cổng làng, hướng mặt về phía bờ sông. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cùng một số lý do khác, lễ cúng bị gián đoạn một thời gian dài.

Với mục đích bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương, vừa qua, UBND xã Ia Peng phối hợp với buôn Sô Ma Hang A tổ chức phục dựng lễ cúng Yă Pum.

Lễ vật gồm 1 con gà trống tơ, 1 ghè rượu, 1 mô hình Yă Pum làm bằng rơm và 1 chuỗi nghệ đen thái mỏng treo trên 3 cây tre dựng thành khung tượng trưng cho cổng vào làng. Ngay từ sáng sớm, bà con và thầy cúng đã có mặt tại bãi đất trống đầu làng để dọn vệ sinh, chuẩn bị lễ cúng. Bếp lửa được nhóm lên, con gà trống tơ được thui sạch lông, mổ bụng và nướng chín tại chỗ làm vật hiến tế.

Trong khi hầu hết các lễ cúng đều không có biểu tượng của thần linh, không ai biết các vị thần có hình dạng như thế nào thì thần Yă Pum được người dân khắc họa rất chi tiết, kỳ công.

Hình nộm tạo thành từ rơm mới, phía trước đeo một chiếc mặt nạ làm bằng bìa carton tô than đen với ý nghĩa giúp thần lẩn tránh dễ dàng trong bóng tối. Phía sau lưng Yă Pum đeo một chiếc lồng gà nhỏ. Tương truyền, đây là cách Yă Pum ngụy trang cất giấu vũ khí đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Trước ngực Yă Pum cắm một mũi tên mô phỏng cảnh bị thương khi đang chiến đấu với kẻ thù. Mô hình Yă Pum được gắn lên cổng làng cùng chuỗi nghệ đen như nhắc nhở người dân tưởng nhớ về một vị thần có công bảo vệ dân làng trong thời gian dài chống giặc ngoại xâm. Sự đan xen giữa 2 yếu tố thực và ảo giúp thần Yă Pum luôn hiện hữu trong đời sống tâm linh của người dân địa phương hàng trăm năm qua.

Khi tất cả lễ vật đã chuẩn bị xong, thầy cúng Ksor Buch bắt đầu thực hiện nghi lễ: “Hỡi thần nước, thần rừng, thần củi… Hỡi Yă Pum! Hôm nay, dân làng ta tụ tập về đây tổ chức cúng lễ cầu xin Yă Pum và các vị thần về chứng giám. Cả làng có ghè rượu, con gà, mong Yă Pum và các vị thần linh che chở cho bà con được mạnh khỏe, xua đuổi tà ma để thôn làng được bình yên. Hãy ban cho thanh niên trai làng sức khỏe, cường tráng; hãy ban cho các cô gái dịu dàng, nết na; để con cháu sinh sôi, nảy nở; dân làng trồng trỉa được mùa, bình an, hạnh phúc mãi đời sau…”.

Vừa đọc lời khấn, thầy cúng vừa lấy chiếc bát đồng múc nước đổ đầy ghè rượu rồi vít cần uống cạn cang rượu đầu tiên. Sau thầy cúng, lần lượt già làng, khách mời và dân làng cùng uống rượu chung vui. Ai cũng mang trong mình niềm tin rằng lòng thành của họ đã được thần linh nói chung, thần Yă Pum nói riêng chứng giám, tiếp nhận. Các vị thần sẽ tiếp tục chở che, phù hộ cho dân làng bình an và hạnh phúc.

2vc.jpg
Sau lễ cúng Yă Pum, già làng cùng các đại biểu, bà con dân làng uống rượu chung vui. Ảnh: Vũ Chi

Là phụ tá đắc lực của thầy cúng trong thực hiện nghi lễ, anh Rmah Khiêm-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Sô Ma Hang A-cho biết: Đã lâu lắm rồi thôn mới tổ chức lễ cúng Yă Pum. Vì vậy, trước khi lễ cúng diễn ra, thôn đã tổ chức họp dân để thông báo và huy động sự đóng góp của mọi người.

Việc lựa chọn thầy cúng cũng do dân làng bầu chọn. Ngoài biết thực hiện các lễ thức, thuộc bài cúng, chủ lễ phải là người được dân làng tin yêu, kính trọng. Trong cuộc sống, người cúng phải kiêng cữ một số điều như không ăn thịt chó, không uống rượu say…

“Đây là nghi lễ độc đáo, mang đậm màu sắc tâm linh nhằm cầu mong các vị thần, cầu mong Yă Pum xua đuổi tà ma, dịch bệnh, bảo vệ dân làng, bảo vệ lãnh thổ không bị kẻ thù xâm lấn. Hy vọng, sau lễ phục dựng này, những năm sau lễ cúng sẽ được tổ chức thường xuyên để con cháu biết thêm về nét đẹp trong đời sống văn hóa của dân tộc mình”-anh Khiêm chia sẻ.

Ông Siu Thiêm-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Peng-cho hay: Lễ cúng Yă Pum không chỉ là nghi lễ cúng thần linh mà còn là ngày vui chung của cộng đồng dân cư; là dịp thể hiện tình đoàn kết, gắn bó giữa con người với con người.

Được sự quan tâm hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, bà con thôn Sô Ma Hang A đã phục dựng nguyên bản lễ cúng Yă Pum theo nghi lễ truyền thống của đồng bào Jrai. Thông qua việc phục dựng nghi lễ, địa phương mong muốn chung tay bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Có thể bạn quan tâm

Bình Định trưng bày tài liệu lưu trữ 'Ký ức thanh xuân tập kết ra Bắc'

Bình Định trưng bày tài liệu lưu trữ 'Ký ức thanh xuân tập kết ra Bắc'

Hơn 1.500 tài liệu, tư liệu, hình ảnh tại cuộc trưng bày mang tên ‘‘Ký ức thanh xuân tập kết ra Bắc”, góp phần tái hiện một giai đoạn lịch sử đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi hàng vạn người con miền Nam rời quê hương, mang theo khát vọng thống nhất đất nước, lên đường ra Bắc.

Cứu lấy di sản nhà dài Ê Đê

Cứu lấy di sản nhà dài Ê Đê

Trong nhịp đô thị hóa, nhà dài dần vắng bóng tại các buôn làng Ê Đê. Có ngôi nhà dài gần như nguyên bản, nhưng ông Y Jui Êban ở buôn Kmrơng Prông B (xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đang lo có thể đổ sập bất kỳ lúc nào.

Tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc

Tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc

Việc Việt Nam tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc - Vesak 2025 một lần nữa khẳng định vai trò ngày càng lớn của Phật giáo Việt Nam trong đời sống tôn giáo quốc tế.

Ksor Mang nặng lòng với văn hóa Jrai

Ksor Mang nặng lòng với văn hóa Jrai

(GLO)- Nhiều năm qua, anh Ksor Mang (SN 1986, buôn Phu Ma Nher, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Jrai, nhất là việc truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ.

Xác lập 5 kỷ lục Phật giáo Việt Nam

Xác lập 5 kỷ lục Phật giáo Việt Nam

Trong khuôn khổ lễ bế mạc Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc - Vesak 2025 diễn ra ngày 8/5, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận cùng lúc 5 kỷ lục về Phật giáo. Các kỷ lục được trao tặng cho Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Lan tỏa tình yêu thổ cẩm

Lan tỏa tình yêu thổ cẩm

(GLO)- Diễn ra trong gần 1 tháng, cuộc thi “Nét đẹp trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số qua ảnh” do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức đã nhận được 33 tác phẩm dự thi. Mỗi bức ảnh là một thông điệp ý nghĩa mà những người mẫu không chuyên muốn truyền tải đến mọi người.

Nhà giáo Tạ Chí Tào tặng hiện vật quý cho Bảo tàng tỉnh

Nhà giáo Tạ Chí Tào tặng hiện vật quý cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai

(GLO)- Nhiều lần đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh (thuộc Bảo tàng tỉnh Gia Lai), nhà giáo Tạ Chí Tào rất tâm đắc với những hiện vật thể hiện tấm lòng của người dân Tây Nguyên đối với Bác. Vì vậy, ông đã quyết định trao tặng một số hiện vật liên quan đến Bác Hồ mà mình đã sưu tầm cho Bảo tàng tỉnh.

Tương lai viết nên từ bản lĩnh văn hóa

Tương lai viết nên từ bản lĩnh văn hóa

Di sản nếu không được số hóa, không được kể lại theo cách của thời đại sẽ dần bị đứt gãy trong trí nhớ cộng đồng. Một thế hệ lớn lên không thấy được những giá trị đã tạo nên cội nguồn sẽ khó tìm thấy niềm tự hào, khó kiến tạo tương lai có chiều sâu văn hóa.

Tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng của cư dân lúa nước vùng hạ lưu sông Ba

Tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng của cư dân lúa nước vùng hạ lưu sông Ba

(GLO)- Thoát khỏi không gian gò bó trên sân khấu, Ngày hội văn hóa-thể thao các dân tộc thiểu số huyện Krông Pa lần thứ III-2025 được tổ chức dưới những bóng cây cổ thụ trong Công viên Phú Túc đã tái hiện một cách chân thực không gian sinh hoạt cộng đồng của cư dân lúa nước vùng hạ lưu sông Ba.