Đây là một trong những nền tảng để phát triển hệ sinh thái số trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ trực tuyến thuộc Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Hỗ trợ người dân thích ứng với chuyển đổi số
Vừa qua, em Ksor H’Thoan (18 tuổi, làng Bông Lar, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) đến Đội Hướng dẫn đăng ký, quản lý cư trú; cấp, quản lý căn cước công dân (thuộc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh) để đăng nhập lại tài khoản định danh điện tử.
H’Thoan kể: “Em được gia đình mua cho chiếc xe máy. Khi em đến trụ sở Công an xã để đăng ký biển số xe lần đầu thì các anh Công an hướng dẫn đăng nhập tài khoản VNeID để làm thủ tục. Em bị quên mật khẩu, số điện thoại lại thay đổi nên em đi đăng ký số điện thoại chính chủ, sau đó đến đây để xác minh danh tính và đặt lại mật khẩu mới. Từ nay, em sẽ luôn sử dụng số điện thoại này và giữ gìn, bảo mật tài khoản VNeID để thuận lợi trong công việc”.
Trường hợp như của H’Thoan không hiếm gặp. Tại trụ sở Công an xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa), chúng tôi gặp anh Y Đê (làng Ring Rai). Khi lên UBND xã làm thủ tục liên quan đến tư pháp, được cán bộ một cửa hướng dẫn đăng nhập VNeID, anh Y Đê mới nhớ ra trong điện thoại mình có app này nên mở ra đăng nhập nhưng không được. Anh liền qua nhờ cán bộ Công an xã.
Sau khi đăng nhập được tài khoản định danh điện tử của mình, anh phấn khởi quay lại gặp cán bộ ở bộ phận một cửa. Nhưng vừa đến nơi thì anh quên mật khẩu đăng nhập, cán bộ Công an xã lại hỗ trợ thêm một lần nữa mới thành công.
Thượng úy Nguyễn Hùng Minh-Cán bộ Công an xã Hà Bầu-cho hay: “Nhiều người dân trên địa bàn xã sử dụng sim điện thoại không chính chủ để được miễn phí cước điện thoại và dung lượng internet trong thời gian khuyến mãi sim mới. Sau khi sử dụng một thời gian thì đổi sim khác. Đây là yếu tố gây ra khó khăn, bởi lẽ khi đăng nhập hoặc xác thực giao dịch, hệ thống VNeID gửi mã OTP về số điện thoại đăng ký. Nếu sim điện thoại không chính chủ hoặc đã bị khóa, người dùng không thể nhận mã, dẫn đến mất quyền truy cập vào tài khoản.
Nếu quên mật khẩu hoặc bị khóa tài khoản mà số điện thoại không chính chủ, việc khôi phục sẽ rất khó khăn, thậm chí có thể bị chiếm đoạt tài khoản VNeID.
Để khắc phục hạn chế trên, giúp người dân thích ứng với việc chuyển đổi số, chúng tôi phối hợp với các nhà mạng đến tận xã để đăng ký sim chính chủ, đồng thời tuyên truyền bà con quan tâm tới việc giữ gìn tài khoản định danh của mình và ghi nhớ mật khẩu đăng nhập”.
VNeID-Tài khoản duy nhất khi tham gia dịch vụ công trực tuyến
Năm 2024, các ngành đã triển khai nhiều ứng dụng, tiện ích được phát triển, tích hợp trên ứng dụng VNeID. Đây là ứng dụng định danh điện tử do Bộ Công an phát triển, giúp người dân thực hiện các thủ tục hành chính và giao dịch trực tuyến một cách nhanh chóng, an toàn, tiện lợi.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo chuyển đổi, sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại bộ phận một cửa các cấp, cơ quan, đơn vị tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; thông báo, hướng dẫn trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính về việc chuyển đổi tài khoản Cổng dịch vụ công quốc gia sang VNeID.
Từ ngày 1-1-2025, tất cả dịch vụ liên quan thủ tục hành chính đều bắt buộc sử dụng tài khoản định danh mức độ 2 để đăng ký phương tiện giao thông, cập nhật sinh trắc học trong hệ thống ngân hàng, do đó số lượng người dân đến cơ quan Công an làm thủ tục liên quan ngày một tăng cao.
Ủy ban nhân dân phường Yên Thế là một trong những đơn vị dẫn đầu của TP. Pleiku trong giải quyết thủ tục hành chính trên dịch vụ công trực tuyến, đạt trên 90% hồ sơ giải quyết dịch vụ công qua tài khoản định danh điện tử VNeID trong năm 2024.
Bà Sử Thị Thu Hòa-Phó Chủ tịch UBND phường Yên Thế-chia sẻ kinh nghiệm: “Ban Chỉ đạo Đề án 06 của phường đã triển khai xây dựng kế hoạch trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của cơ quan cấp trên. Phường đã xây dựng các tổ tuyên truyền, vận động người dân cài đặt, kích hoạt VNeID. Đa phần người dân khi đến bộ phận một cửa của phường đều được cán bộ hướng dẫn nộp hồ sơ qua dịch vụ công. Vì được tuyên truyền sâu rộng tiện ích của Đề án 06 nên hầu hết công dân đều ủng hộ”.
Chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế-xã hội
Hướng đến mục tiêu phát triển công dân số, hiện nay, các ứng dụng thanh toán số, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, chữ ký số cá nhân, đặc biệt là thuế, phí, lệ phí được triển khai rộng khắp. Đơn cử, Cục Thuế tỉnh đã kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế; tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử.
Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh phối hợp các tổ chức tín dụng trên địa bàn tổ chức triển khai thực hiện, tuyên truyền về sản phẩm cho vay tín chấp không tài sản đảm bảo để người dân biết, tiếp cận, sử dụng. Đến nay, tổng dư nợ cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công đạt trên 500 tỷ đồng.
172 ngân hàng đã triển khai thu thập đối chiếu thông tin sinh trắc học với căn cước công dân gắn chip hoặc tài khoản VNeID của khách hàng để tăng cường tính bảo mật, an toàn cho khách hàng khi giao dịch.
Năm 2024, Cục Thuế tỉnh đã đưa vào quản lý thuế 33 doanh nghiệp với doanh thu 12.275 tỷ đồng, số thuế phát sinh là 1,2 tỷ đồng; 67 cá nhân, hộ kinh doanh với doanh thu 137 tỷ đồng, số tiền thuế thu được khoảng 3,6 tỷ đồng. 100% doanh nghiệp nộp thuế bằng phương thức điện tử hàng tháng trung bình trên 500 tỷ đồng; 90% số hộ kinh doanh nộp qua ứng dụng trên điện thoại thông minh; 8.254 người nộp thuế sử dụng hóa đơn điện tử… Toàn tỉnh hiện có 374/374 cửa hàng bán lẻ xăng dầu của 194 doanh nghiệp triển khai các giải pháp để lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng.
Hiện nay, toàn tỉnh có 252/252 cơ sở khám-chữa bệnh triển khai khám-chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip hoặc qua ứng dụng VNeID; tích hợp 112.641 sổ sức khỏe điện tử, 132.596 thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VNeID.
Sở Giáo dục và Đào tạo khai thác, sử dụng các hệ thống, thông tin phần mềm, cơ sở dữ liệu của ngành trong dạy và học cũng như công tác quản lý, triển khai thí điểm học bạ số bậc tiểu học; tuyển sinh đầu cấp qua dịch vụ công trực tuyến; tra cứu kết quả thi tốt nghiệp THPT; 758 trường học đã triển khai thực hiện các khoản thu không dùng tiền mặt.
Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, đánh giá hiện trạng cơ sở dữ liệu đất đai, tiếp tục triển khai công tác xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh.
Sở Tư pháp hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch, tiếp tục triển khai làm sạch để sử dụng, cắt giảm thủ tục hành chính cho người dân. Phó Giám đốc Sở Tư pháp Dương Văn Thành cho biết: “Tiếp tục triển khai, thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch theo lộ trình, đến ngày 30-11-2024, Sở đã hoàn thành 100% nội dung số hóa. Từ ngày 8-11-2024, Sở đã triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. Đến nay đã tiếp nhận trên 300 hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, tỷ lệ tiếp nhận giải quyết cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID đạt trên 70%”.
Trên lĩnh vực giao thông-vận tải, tỉnh đã chỉ đạo tập trung rà soát, cập nhật, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện theo chỉ đạo của Bộ Giao thông-Vận tải. Đến làm thủ tục đăng kiểm xe, anh Lê Tiền Phong (tổ 3, phường Yên Thế, TP. Pleiku) vui vẻ nói: “Tôi thấy đăng ký và sử dụng dịch vụ công trực tuyến rất thuận lợi. Mới đây, tôi truy cập ứng dụng VNeID thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe máy. Chỉ sau 3 ngày truy cập lại ứng dụng, tôi thấy đã thực hiện thành công.
Qua thông tin báo, đài, tôi được biết sắp tới thẻ bảo hiểm y tế, sổ sức khỏe điện tử được triển khai đồng bộ trên ứng dụng VNeID. Trong gia đình tôi, mọi người đều đã cài đặt và làm quen dần với việc sử dụng tài khoản VNeID trong thực hiện mọi thủ tục hành chính”.