Thoát nghèo dưới chân núi Ngọc Linh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đi trên con đường do chính mình cũng như bà con trong thôn cùng nhau xây dựng, chị Hồ Thị Búp, thôn 2, xã Trà Linh (Nam Trà My, Quảng Nam) không thể quên được không khí sôi động, chỉ chưa đầy một tháng đã làm xong 2 km đường bê-tông.

Mỗi đảng viên là nòng cốt giảm nghèo

Chi bộ thôn 2 có 45 đảng viên, trong đó có 2 đảng viên là công chức xã, còn lại là các đảng viên đồng bào dân tộc Xơ Đăng. Hầu hết các gia đình đảng viên đều thuộc diện hộ nghèo, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy.

Năm 2017, khi cây sâm Ngọc Linh được Chính phủ xác định là sản phẩm quốc gia, tỉnh Quảng Nam đã khuyến khích và hỗ trợ giống cho người dân ở Trà Linh trồng sâm phát triển kinh tế. Tại thôn 2, các đảng viên như ông: Hồ Văn Du, Hồ Văn Đuôi, Hồ Văn Dũng hay bà Hồ Thị Bích Thảo… là những người tiên phong trồng sâm để vươn lên thoát nghèo.

Ông Hồ Văn Dũng cho biết, những năm gần đây, các đảng viên cùng nhau xây dựng vườn sâm Ngọc Linh chung của chi bộ địa phương. Gia đình nào có thì góp mấy cây, năm sau cây phát triển rồi chia đều cho mỗi người để cùng bảo vệ và chăm sóc. Đặc biệt, Nghị quyết số 4 kèm cặp giúp nhau thoát nghèo được Chi bộ 2 thuộc Đảng bộ xã Trà Linh ban hành vào năm 2019 đã thống nhất mỗi đảng viên có trách nhiệm kèm cặp giúp đỡ từ 10 hộ gia đình trở lên.

“10 hộ có một người đảng viên quản lý, giúp đỡ họ chăm sóc, trồng trọt rồi làm ruộng rẫy; rồi có người cho họ sâm, hạt sâm, giống sâm, giúp qua giúp lại”, ông Dũng nói.

Từng là một trong số huyện nghèo nhất cả nước, giờ đây, tỷ lệ hộ nghèo tại huyện miền núi Nam Trà My đã giảm còn khoảng 30%. Có được kết quả này nhờ đóng góp không nhỏ của những đảng viên là đồng bào. Những câu chuyện về giao thông đi lại trắc trở, hình ảnh người dân phải đi bộ trèo đèo, lội suối hay những căn nhà treo tạm bợ giờ đã bớt đi rất nhiều.

Nhớ lại những vất vả trước đây, anh Hồ Văn Đuôi không khỏi bùi ngùi bởi giai đoạn đầu mọi thứ đều cực kỳ khó khăn. Để đến được xã Trà Linh, người ta phải đi bộ từ thị trấn Tắk Pỏ, đi mất hai ngày đường.

“Khó khăn thứ nhất là thiếu thốn thực phẩm như: muối ăn, mì chính. Muốn ăn cá chuồn, cá khô là xuống Tắk Pỏ cõng hai ngày mới được có đồ ăn. Nhà tre, dột nát…”, anh Đuôi nhớ lại.

Sau hơn ba năm, được sự giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm của các đảng viên trong chi bộ 2, cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ Hồ Văn Dân thật sự đã thoát nghèo. Điều ước giản đơn của vợ chồng anh Dân chính là có chiếc xe máy để không phải đi bộ nữa, điều ước nay đã thành hiện thực.

“Đảng viên Hồ Văn Đuôi cũng qua giúp đỡ em, cũng nhắc nhở vợ chồng em phải lo làm ăn, con cái lo học hành. Năm nay em thu hoạch lá sâm được 15 kg, hạt sâm 10 lon, bán ra cũng được 1 tỷ, mới mua xe máy, phấn khởi, khỏi phải lo đi bộ” - anh Dân chia sẻ.

Từ những lời động viên, rồi giúp giống sâm, hướng dẫn chăm sóc, tìm thị trường đầu ra cho cây sâm… của những người đảng viên Chi bộ 2 đã giúp cho hàng loạt hộ thoát nghèo từ cây sâm Ngọc Linh. Chỉ tính trong 3 năm, từ 2019 đến 2022, thôn 2 xã Trà Linh có 150 hộ thoát khỏi hộ nghèo, nhiều hộ mua được xe ô-tô, xây nhà kiên cố.

Người dân chung tay làm đường.

Người dân chung tay làm đường.

Kiên trì con đường

Tiếp tục phát huy tính tiên phong gương mẫu trong làm kinh tế và giúp đỡ người dân thoát nghèo, 3 năm trước, Chi bộ 2 đã suy nghĩ và thống nhất xây dựng quỹ bằng mô hình “Vườn sâm Chi bộ”. Mỗi năm, các đảng viên tự giác đóng góp thêm sâm giống vào “Vườn sâm Chi bộ”. Đến nay, sau hơn 3 năm thì vườn sâm đã có gần 1.000 cây sâm nhiều năm tuổi, với giá trị lên đến gần 500 triệu đồng. Qua 3 năm, Chi bộ 2 đã hỗ trợ hơn 50 hộ dân hạt giống, cây sâm giống để mở rộng diện tích vùng trồng. Là một trong nhiều hộ gia đình thoát nghèo từ mô hình “Vườn sâm chi bộ”, giờ đây, gia đình anh Hồ Văn Thô ở thôn 2, đã có của cải để dành, chăm lo cho con cái đi học ở miền xuôi.

“Phát triển được vườn sâm, trong gia đình rất vui mừng. Chi bộ 2 đã quan tâm giúp đỡ cho dân để dân phát triển mô hình trồng sâm, xóa đi cái đói, cái nghèo”, anh Thô nói.

Khi cái nghèo không còn đeo bám thì những đảng viên ở Chi bộ 2 lại bàn bạc đưa ra sáng kiến mới, đó là “góp công, góp của làm đường giao thông nông thôn”. Năm 2022, Nam Trà My phân bổ chỉ tiêu cho 5 xã là 10 km, riêng xã Trà Linh được giao làm 4 km đường. Trong đó, thôn 2 đã mạnh dạn nhận 2,2 km đường bê-tông theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Sau khi những đảng viên cốt cán như ông Đuôi, ông Dũng phân tích đúng, sai, lợi ích khi con đường hoàn thành… bà con Xơ Đăng đã đồng thuận góp mỗi người trong gia đình 500 nghìn đồng dùng để mua công cụ lao động và nấu ăn cho cả làng khi tham gia làm đường. Từ nguồn hỗ trợ 800 triệu quy bằng xi-măng, cát sạn của nhà nước, người dân

thôn 2 đã đối ứng bằng ngày công là gần 500 triệu đồng. Trong đó, phụ nữ, người già thì vận chuyển cát sạn, xi-măng, thanh niên thì đổ bê-tông, thi công đường.

Không khí làm đường ở thôn 2 không khác gì ngày hội dưới chân núi Ngọc Linh. Những đảng viên hăng hái đi đầu cùng với bà con thi công tuyến đường trong niềm vui hân hoan của tất cả mọi người. “Từ ngày đầu tiên làm đường liên thôn này, tôi vừa cõng con vừa cõng cát, làm đường để việc vận chuyển củi, lúa trở nên dễ dàng hơn”, chị Hồ Thị Búp cho hay.

Mỗi đảng viên ở Chi bộ 2 luôn quán triệt Nghị quyết của Đảng và học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Những sáng kiến và đóng góp ý nghĩa của các đảng viên ở Chi bộ 2 đã thúc đẩy các phong trào thi đua lao động sáng tạo, giảm nghèo, tăng giàu, mở đường giao thông, giữ rừng trồng sâm”.

Bí thư Đảng ủy xã Trà Linh Hồ Văn Bút cho biết, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng bộ, các Bí thư Chi bộ rất quan tâm đến công tác phân công phụ trách nhiều hộ, đặc biệt là hộ nghèo. Để từ đây đến năm 2025, xã Trà Linh cơ bản hoàn thành chỉ tiêu thoát nghèo bền vững.

Thực tế đã chứng minh rằng, ở những nơi điều kiện còn nhiều khó khăn như Nam Trà My, tinh thần của người đảng viên được thể hiện rõ nét qua những công việc cụ thể. Bí thư Huyện ủy Nam Trà My Lê Thanh Hưng khẳng định rằng, cán bộ và đảng viên vùng cao này luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết, tiên phong đi đầu để trở thành tấm gương sáng cho cộng đồng noi theo. Nhờ đó, các chủ trương và chính sách được đưa vào cuộc sống, nâng cao nhận thức của người dân và góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam. Từ thành công ở Chi bộ thôn 2, huyện Nam Trà My muốn nhân rộng mô hình ra 10/10 xã với 29 chi bộ cơ sở. Theo đó, những ngôi nhà xập xệ nằm vắt vẻo giữa sườn đồi trước đây phải nhường chỗ cho những ngôi nhà kiên cố, khang trang bằng bê-tông. Thành quả này đến từ những nỗ lực trong việc gương mẫu đi đầu của đảng viên đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Việc người dân tự nguyện đã giúp tiết kiệm cho Nhà nước không dưới 1 tỷ đồng. Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Nam Trà My, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, cho biết, từ người già đến trẻ nhỏ đều tham gia, nhờ sự tuyên truyền vận động nhiệt tình của các cán bộ đảng viên trong Chi bộ. Ông đã báo cáo với Thường vụ Huyện ủy rằng “chưa có Chi bộ nào làm được như thế”.

Theo Bài và ảnh: DUYÊN DUYỀN, YẾN THAN (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.