Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Lực lượng bảo vệ rừng ở đâu?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhiều ngày có mặt tại rừng phòng hộ Bù Đăng (tỉnh Bình Phước), PV Thanh Niên phát hiện nhiều cây ươi bị tỉa cành, đốn hạ san sát nhau nằm cách chốt kiểm tra của cơ quan chức năng không xa.

Điều này cho thấy việc kiểm tra, giám sát chưa quyết liệt, nếu không muốn nói là có sự buông lỏng của lực lượng bảo vệ rừng.

ƯƠI RỪNG TRƯỚC NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG

Ông Điểu K'Tuyen (người dân tộc S'Tiêng, 50 tuổi ngụ H.Bù Đăng, Bình Phước) cho hay: "Tôi cũng là người thường xuyên vào rừng nhặt quả ươi bay hơn 10 năm nay. Cứ vào mùa, tôi thường men theo các cánh rừng nằm tiếp giáp với xã Phước Sơn và xã Đồng Nai để tìm và nhặt những quả già, chín rụng (được gọi là ươi bay - PV). Cây ươi mọc thẳng đứng, ít nhánh và cành, thông thường những cây có quả phải cao tầm 20 - 30 m, độ tuổi từ 20 năm trở lên, có cây đến hơn trăm năm tuổi, nếu leo trèo sơ sẩy là mất mạng như chơi. Chính vì thế, nhiều người đã dùng cách cưa cây để tận diệt. Bản thân là dân nhặt ươi, tôi không đồng tình với việc chặt hạ cây ươi như thế. Nếu ai cũng vào rừng chặt hạ thì làm gì còn ươi mà nhặt, chưa kể việc chặt hạ cây là bị cấm".

Cây ươi nằm la liệt trong cánh rừng phòng hộ Bù Đăng

Cây ươi nằm la liệt trong cánh rừng phòng hộ Bù Đăng

Một cán bộ UBND xã Đồng Nai (H.Bù Đăng) cho biết khoảng hơn 1 tháng nay, có tình trạng người dân tụ tập thành từng nhóm trên dưới 10 người vào rừng hái quả ươi, có ngày đi như trẩy hội. Họ thường xuất phát từ ngã ba chợ Đồng Nai, rồi đi thẳng các khu rừng đệm và rừng phòng hộ Bù Đăng, cũng có nhóm lội qua sông từ thôn Ó (thuộc xã Đồng Nai) đi vào rừng Nam Cát Tiên. "Những người này đến từ nhiều nơi khác nhau, trong địa phương cũng có và ngoài địa phương cũng nhiều", cán bộ này nói.

Vị cán bộ cho biết thêm: "Việc người dân rủ nhau vào rừng hái ươi không thuộc phạm vi quản lý của xã. Vì các khu rừng này do Ban Quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng và lực lượng kiểm lâm tiếp quản nên có tình trạng chặt hạ cây ươi hay không thì xã không thể biết. Nhưng theo quan điểm của tôi, việc chặt hạ cây ươi hay cắt cành tỉa ngọn để hái quả là không đúng và vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng". Cũng theo vị này, hằng ngày, trên loa phát thanh của xã Đồng Nai thường xuyên tuyên truyền đến người dân về việc bảo vệ cây rừng cũng như phòng chống cháy rừng vào mùa khô, nếu vi phạm sẽ bị xử lý, kể cả hình sự. Còn việc chấp hành hay không là do mỗi cá nhân tự ý thức, chứ không thể kiểm soát được.

Cây ươi sau khi bị cắt trụi cành, nhưng vẫn bị hàng đinh 10 ghim chặt

Cây ươi sau khi bị cắt trụi cành, nhưng vẫn bị hàng đinh 10 ghim chặt

THỪA NHẬN NHIỀU CÂY ƯƠI BỊ ĐỐN HẠ

Trong những ngày có mặt và theo chân nhiều nhóm vào rừng phòng hộ Bù Đăng khai thác quả ươi, PV Thanh Niên nhận thấy trên tuyến đường từ UBND xã Đồng Nai vào khu vực trảng cỏ Bù Lạch có một chốt của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng. Đi tiếp thêm 2 km có thêm 2 chốt của Tổ kiểm lâm địa bàn (thuộc Hạt kiểm lâm Bù Đăng và chốt bảo vệ rừng cộng đồng thôn 5), cả hai đều nằm sát với khu rừng đệm trước khi đi vào rừng phòng hộ.

Người săn ươi dễ dàng vào rừng sau khi vượt qua nhiều chốt kiểm tra

Người săn ươi dễ dàng vào rừng sau khi vượt qua nhiều chốt kiểm tra

Về tình trạng nhóm người săn ươi đi qua 3 chốt (2 chốt kiểm lâm, một chốt của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng) vào rừng mà vẫn ngang nhiên đốn hạ cây ươi lấy quả, ông Nguyễn Văn Hiệp, quyền Hạt trưởng Hạt kiểm lâm H.Bù Đăng, nói: "Khu rừng mà hạt kiểm lâm được giao quản lý rộng đến 7.000 ha, trong khi chỉ bố trí 9 cán bộ phụ trách. Với diện tích rộng, đường sá xa xôi, hẻo lánh nên công tác tuần tra phải chia theo tuyến và tiểu khu, nay đi khu này mai đi khu khác". Từ đó, ông Hiệp cho rằng: "Chính vì điều này nên các đối tượng vào rừng và cho người cảnh giới canh chừng lực lượng kiểm lâm. Khi phát hiện lực lượng tuần tra vào rừng, họ thông báo cho nhau chọn lối khác hoặc tìm cách né tránh. Khi lực lượng tuần tra đi khuất, họ quay ra để thực hiện hành vi vi phạm".

Ông Hiệp thừa nhận có tình trạng người dân vào rừng chặt hạ cây ươi để lấy quả, nhưng không nhiều, chủ yếu là bẻ nhánh hoặc cắt cành. Theo ông, nhóm người đi săn ươi có sự tính toán tinh vi để qua mặt lực lượng kiểm lâm. "Họ không chặt cây bằng dao hay rìu như trước đây, mà dùng cưa điện để cắt. Vì tiếng cưa điện rất êm nên lực lượng tuần tra rất khó có thể phát hiện, điều này đang là trở ngại không nhỏ đối với hạt kiểm lâm chúng tôi", ông Hiệp nói.

Cành cây ươi không còn nguyên vẹn sau khi bị chặt hạ

Cành cây ươi không còn nguyên vẹn sau khi bị chặt hạ

Trong khi đó, trả lời PV Thanh Niên, ông Hoàng Văn Tùng, Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước), xác nhận việc người dân ồ ạt vào rừng hái quả ươi tại nhiều khu rừng ở Bình Phước xuất hiện từ đầu tháng 4.2024. "Vừa qua, khi trình kế hoạch bảo vệ, phòng chống cháy rừng vào mùa khô, chúng tôi đã tham mưu đề xuất Sở NN-PTNT cũng như UBND tỉnh Bình Phước phương án tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng, đặc biệt là cây ươi", ông Tùng cho biết.

Ông Tùng nói thêm: "Khi cây ươi vào mùa rộ quả, tôi cũng đã yêu cầu tất cả cán bộ chuyên trách, cũng như lực lượng tăng cường vào rừng tuần tra thường xuyên 24/7, nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm để xử lý theo quy định. Qua báo cáo của lực lượng tuần tra, nhiều người dân chia theo từng nhóm và chọn các khu rừng rậm, sâu, không có người qua lại để dựng chòi lá, chòi bạt… làm nơi trú ngụ trong rừng săn tìm ươi. Trong quá trình tuần tra, lực lượng kiểm lâm đã phá dỡ nhiều chòi lá tạm bợ này, ngoài ra lực lượng tuần tra cũng đã theo dõi, phục kích bắt quả tang một nhóm đang chặt hạ cây ươi tại khu rừng thuộc H.Bù Gia Mập".

Quả ươi bay đang cho giá trị kinh tế rất cao

Quả ươi bay đang cho giá trị kinh tế rất cao

Ông Tùng nhìn nhận do đặc thù rừng ở Bình Phước rộng lớn, rậm rạp... nên các nhóm đi hái ươi khi phát hiện có lực lượng tuần tra sẽ né tránh hoặc trốn vào bụi, việc này cũng gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng. Chính vì thế, một số nơi xuất hiện những cây ươi bị chặt cành, tỉa ngọn thậm chí là đốn hạ.

Về vấn đề này, ông Phạm Thụy Luân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, cho biết ngay từ đầu năm, theo chỉ đạo của UBND tỉnh về việc chuẩn bị công tác phòng, chống cháy rừng có kèm theo công tác quản lý chặt những khu vực có cây ươi sinh trưởng. Đặc biệt, những cây có quả, nếu phát hiện đối tượng chặt phá cây ươi thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định. "Còn việc có người vào rừng chặt hạ cây ươi như PV Báo Thanh Niên phản ánh, tôi sẽ cho cán bộ phụ trách đi kiểm tra, rà soát lại", ông Luân nói.

Có thể bạn quan tâm

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Nhà văn Sơn Nam từng hóm hỉnh: "Là nhà văn thì phải chấp nhận nghèo, nếu viết văn để làm giàu thì ở Sài Gòn, dân Chợ Lớn làm hết rồi, không tới mình đâu". Tất nhiên, "ông già Nam bộ" chỉ nói đùa nhưng chuyện dân Chợ Lớn làm đủ mọi ngành nghề và đều ăn nên làm ra là có thật. Trong đó có nghề thợ bạc.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

(GLO)- Trong ngôi nhà nhỏ ở làng Ia Tum (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có 1 cặp vợ chồng đều trải qua “thời hoa lửa” Trường Sơn huyền thoại. Đó là ông Lê Đức Chinh (SN 1952) và bà Lê Thị Chỉnh (SN 1951). Ông Chinh hiện là Trưởng ban liên lạc Hội Truyền thống Trường Sơn huyện Đức Cơ.

Người mở cánh cửa hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Người mở cánh cửa hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Trong suốt câu chuyện, bác sĩ Bùi Ngọc Lan luôn nhắc, để có được những thành tựu trong việc chữa trị cho bệnh nhi ung thư là nhờ có teamwork (nhóm làm việc) mạnh, với nhiều bác sĩ giỏi từ các chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, ung thư, ngoại khoa, di truyền, giải phẫu bệnh...