Dù vậy, ai cũng hiểu, bác sĩ Bùi Ngọc Lan đã phải quyết liệt, sâu sát thế nào trong vai trò “thủ lĩnh” của Trung tâm Ung thư thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương.
Thêm nhiều cơ hội sống
Bác sĩ Bùi Ngọc Lan vẫn còn nhớ ca bệnh năm 2021, một bé gái ở Hà Nội được phát hiện u nguyên bào gan ác tính khi mới 11 tháng tuổi. Ngay từ khi phát hiện, bệnh của bé đã ở giai đoạn muộn. Dù trải qua nhiều đợt điều trị hóa chất và nút mạch song khối u vẫn phát triển nhanh, không có khả năng cắt bỏ và có nguy cơ di căn.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 quyết định ghép gan cho bệnh nhi. Đây chính là ca ghép gan đầu tiên cho trẻ bị ung thư gan tại Việt Nam. Ca mổ khó khăn, phức tạp, kéo dài cuối cùng đã thành công, mở ra cánh cửa hy vọng cho các trẻ em không may mắc bệnh hiểm nghèo.
Trong thời khắc đó, bác sĩ Bùi Ngọc Lan là một trong những người vui sướng nhất, bởi chị nhìn thấy thêm một cơ hội sống cho trẻ, điều mà gần suốt cả cuộc đời gắn bó bệnh nhi ung thư chị luôn đau đáu kiếm tìm. Chị hồ hởi khoe, bệnh nhi đầu tiên ghép gan đó đã sống được qua 2 năm khỏe mạnh.
Mới đây trung tâm ung thư của chị đã cùng với các chuyên khoa tiến hành ghép gan cho 3 trẻ nữa. Một trường hợp nữa được bác sĩ Bùi Ngọc Lan nhắc tới là bệnh nhi ở Nghệ An, bị khối u thận hai bên. Nếu như trước đây, không có đủ điều kiện ra nước ngoài chữa chạy, bệnh nhi này gần như không có cơ hội sống. Lại thêm một “lần đầu tiên” nữa, bác sĩ Bùi Ngọc Lan đã cùng các cộng sự triển khai một kỹ thuật mới, cắt thận bán phần.
Mặc dù phải sau 5 năm mới kết luận được bệnh nhân khỏi hoàn toàn hay không nhưng với tình trạng khả quan hiện nay, hy vọng sống cho trẻ đang được mở ra. Bác sĩ Bùi Ngọc Lan chia sẻ, đây là các kỹ thuật y khoa đã được thực hiện thành công ở những nước có nền y học hiện đại, nhưng gần đây Việt Nam mới thực hiện được, chính là do khâu điều trị khoanh vùng ung thư đã tốt hơn, sự phối hợp giữa các chuyên khoa cũng ăn ý hơn.
Trước đó, tên tuổi bác sĩ Bùi Ngọc Lan còn được gắn với một kỹ thuật được coi là “cuộc cách mạng” trong điều trị ung thư: ghép tế bào gốc. Dưới bàn tay của chị, hàng chục bệnh nhân được ghép tế bào gốc tạo máu thành công, khỏi bệnh hoàn toàn, có cuộc sống như bao con người bình thường.
Trong cuộc gặp mặt các bệnh nhi ung thư mang tên “Con thuyền mơ ước” do Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức vừa qua, chị gặp lại nhiều bệnh nhân, trong đó có A.H. (Đà Nẵng), đứa trẻ chị trực tiếp điều trị ung thư máu cách đây hơn 10 năm, nay là sinh viên một trường đại học; có C.Q. (Nghệ An) đứa trẻ èo uột năm nào nay trở thành chàng thanh niên khỏe mạnh… Chị bảo, đó là phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời làm bác sĩ.
Không được nản chí
Bác sĩ Bùi Ngọc Lan kể, lúc 17 tuổi chị đã quyết định chọn ngành y với mong muốn được mang sứ mệnh cứu người. Khi đó, cha mẹ chị đã vô cùng ái ngại không biết cô con gái có vóc dáng nhỏ bé, nặng chưa đầy 40kg có thể chịu đựng được môi trường khắc nghiệt của ngành y. Vậy mà chị đã vượt qua xuất sắc, thi đậu bác sĩ nội trú, sau đó về công tác tại Khoa Huyết học lâm sàng Bệnh viện Nhi Trung ương.
Năm 2005, chị bắt đầu làm việc ở Khoa Ung bướu. Cả khoa chỉ có vài bác sĩ, trang thiết bị nghèo nàn, tài liệu nghiên cứu rất hiếm hoi. Ở thời điểm đó, bệnh nhân bị ung thư là coi như mang “án tử”. Không cam tâm nhìn những đứa trẻ hồn nhiên phải đau đớn rời bỏ cuộc sống, chị vừa làm vừa học, bảo vệ luận án tiến sĩ nhi khoa, tham gia các khóa đào tạo nâng cao tại Bệnh viện Trẻ em Minneapolis, Mỹ; Bệnh viện Trường Đại học Catholic, Seoul, Hàn Quốc; Bệnh viện trẻ em Westmead, Sydney, Australia…
Dần dần, chị trở thành một trong những bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực ung thư nhi tại Việt Nam. Cho đến bây giờ, chị vẫn tiếp tục tham gia và thúc đẩy các bác sĩ trẻ tại Trung tâm Ung thư tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn hàng năm tại các diễn đàn quốc tế về ung thư nhi. Chị bảo, bệnh ung thư vẫn là một thách thức đối với ngành y, dù y học thế giới đang mở ra nhiều hướng nghiên cứu, điều trị mới.
Các bác sĩ Việt Nam phải rất nỗ lực học hỏi mới có thể tiếp cận được những kỹ thuật tiên tiến, nhằm mang lại nhiều hơn cơ hội sống cho bệnh nhi ung thư. Không được nản chí, là lời nhắc nhở của bác sĩ Bùi Ngọc Lan đối với bản thân mình và cả với người bệnh. Nhưng đối với gia đình có người bệnh ung thư, gánh nặng kinh tế nhiều khi không thể vượt qua. Chị đã luôn phải sát cánh cùng họ để động viên, giúp đỡ.
Có những trường hợp bệnh nặng, nhà nghèo, gia đình muốn đưa con về, nhưng nhận thấy còn có khả năng chữa trị, chị đã vận động gia đình ở lại. Rồi chị chạy vạy tìm các nguồn quỹ, các nhà tài trợ để giúp xin tiền hỗ trợ chi phí ăn ở và điều trị các con, với mức hỗ trợ mỗi bé khoảng 100 triệu đồng. Chị cũng chính là người trực tiếp kết nối với các tổ chức quốc tế xin được tài trợ thuốc tiêu diệt tế bào ung thư cho bệnh nhi Việt Nam.
Đã có nhiều bệnh nhi đẩy lùi được bệnh tật nhờ sử dụng loại thuốc hiệu quả cao nhưng đắt đỏ này (5.000USD/lọ). Hiện chị đang thực hiện đề tài cấp bộ về u nguyên bào thần kinh. Mục tiêu chính của đề tài là đánh giá, phân loại để điều trị theo hướng cá nhân hóa từng bệnh nhân. Điều chị mừng nhất, với đề tài này, nhiều bệnh nhân nghèo sẽ được xét nghiệm chuyên sâu miễn phí, loại xét nghiệm có chi phí hàng triệu đồng.
Bao năm qua, bác sĩ Bùi Ngọc Lan giống như người mẹ, người bà của các bệnh nhi đang từng ngày từng giờ vật lộn với bệnh tật để giành lại sự sống. Ánh mắt trìu mến, nụ cười ấm áp của chị mỗi khi thăm khám khiến cho các bé và những người làm cha, làm mẹ cảm thấy an lòng. Chị tâm sự, khó khăn, vất vả đến mấy cũng không sợ mà sợ nhất là đối diện với những ca bệnh mà mình đã làm tất cả vẫn không thể cứu được.
Chị từng day dứt, thậm chí ám ảnh khi phải chứng kiến những hoàn cảnh rất éo le, có những gia đình hiếm muộn chỉ có 1 đứa con duy nhất nhưng lại ra đi vì bệnh hiểm nghèo; có những đứa trẻ hiểu chuyện đến đau lòng khi đối diện với cửa tử… Những áp lực đó đã trở thành động lực để chị và các đồng nghiệp tiếp tục làm việc, học tập không mệt mỏi.
Ở các nước phát triển, có đến 80% số bệnh nhi ung thư khỏi bệnh; nhưng ở các nước đang phát triển, con số này chỉ là 20% và đó vẫn là điều làm chị luôn trăn trở.
Bác sĩ Bùi Ngọc Lan vừa được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2024. Chị hiện là bác sĩ cao cấp, Giám đốc Trung tâm Ung thư - Huyết học, Bệnh viện Nhi Trung ương; giảng viên thỉnh giảng của Trường Đại học Y Hà Nội và nhiều trường đại học y trong nước; Chủ tịch Chi hội Ung thư Nhi, trực thuộc Hội Nhi khoa Việt Nam, Hội Ung thư Việt Nam.
Theo BÍCH QUYÊN (SGGPO)