Chỉ thị 40 "thắp sáng" buôn làng Tây Nguyên - Kỳ 1: “Điểm tựa” của người dân vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của cả nước. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để tạo động lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững.

Một trong những chính sách nhân văn, thiết thực nhất là Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Tây Nguyên đang là vùng “đi sau” so với một số vùng miền khác trong cả nước. Tuy nhiên, các địa phương trong khu vực này luôn quan tâm bố trí nguồn lực cho công tác tín dụng chính sách xã hội (CSXH). Đặc biệt, Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH (Chỉ thị số 40) đã trở thành “điểm tựa” vững chắc của người dân Tây Nguyên.

“Vốn mồi” ở huyện 30a

Là một trong những địa phương nằm trong danh sách thuộc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững (Chương trình 30a) của cả nước, huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) có 6 xã (với 73 thôn, bon, bản) thì có đến 2 xã biên giới và 3 xã vùng III. Do đó, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của huyện còn nhiều trở ngại, đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Theo kết quả điều tra hộ nghèo đến cuối năm 2023, huyện Tuy Đức có 16.674 hộ, trong số 6.893 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thì có đến 3.131 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều (chiếm 18,78% tổng số hộ) và 2.135 hộ cận nghèo (chiếm 12,8% tổng số hộ).

Chị Thị Ngum (dân tộc M'nông, trú tại bon Bu Prăng, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) có chồng mất sớm, một mình phải bươn chải để trang trải cuộc sống và nuôi 2 con nhỏ ăn học nên cái nghèo cứ mãi đeo bám chị.

Năm 2020, chị được vay 30 triệu đồng theo Chương trình cho vay hộ nghèo của Ngân hàng CSXH để đầu tư cho vườn cà phê 1,3 ha của gia đình. Nhờ nguồn vốn này, năng suất cà phê của gia đình chị Ngum đã cải thiện rõ rệt. Xác định được hướng đi đúng đắn, đầu năm 2024 chị Ngum mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng của Ngân hàng CSXH theo Chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để tiếp tục đầu tư mạnh vào cây cà phê.

“Nhờ có tiền đầu tư, vườn cà phê tưởng như “bỏ đi” của tôi giờ đã cho sản lượng hơn 4 tấn cà phê nhân. Năng suất được nâng lên cộng với giá bán tăng cao nên thu nhập của gia đình tôi đã được cải thiện đáng kể. Nhờ đó tôi có điều kiện để trả bớt tiền vay cho ngân hàng, các con được học hành đầy đủ”, chị Ngum phấn khởi nói.

chi-thi-40-ps-9673-1074.jpg
Chị Thị Ngum (bon Bu Prăng, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) bên vườn cà phê xanh mướt, trĩu quả được đầu tư từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

Ở một huyện thuộc diện 30a khác của tỉnh Đắk Nông là huyện Đắk Glong, tín dụng CSXH cũng đã trở thành “phao cứu sinh” cho bà con DTTS trong nhiều năm qua. Nhìn vào cuộc sống gia đình chị H Liêm (bon KNur, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong) hôm nay, ít ai biết rằng đây là một trong những hộ thuộc diện “nghèo bền vững” của xã Quảng Khê. Chị H Liêm chia sẻ, tuy vợ chồng chị có đất sản xuất do bố mẹ cho nhưng lại thiếu vốn đầu tư nên không thể phát huy được giá trị của mảnh vườn này.

Để trang trải cuộc sống vợ chồng chị phải bươn chải làm thuê khắp nơi. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi những đứa con lần lượt ra đời. Năm 2016, sau một thời gian tích lũy, vay mượn bà con xóm giềng, vợ chồng chị mới mua được 1.000 cây giống cà phê và một ít phân bón.

Trong lúc đang "khát" vốn thì gia đình chị được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đắk Glong phê duyệt cho vay 30 triệu đồng. Có vốn, vợ chồng chị múc ao, mua máy tưới và ống tưới nên đã bảo đảm được nước tưới mùa khô, giúp vườn cà phê phát triển tốt. Sau 4 năm, vườn cà phê đã cho thu hoạch 4 tấn nhân, từ đó cuộc sống gia đình đã bớt khó khăn hơn. Đến năm 2021, gia đình chị trả nợ và xin vay vốn theo Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, với số tiền là 50 triệu đồng để tiếp tục mở rộng trồng mới 1 ha cà phê.

“Tôi rất khao khát làm giàu trên mảnh đất quê hương mình, nhưng nếu không có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, sự hỗ trợ vốn của Ngân hàng CSXH thì chẳng bao giờ gia đình tôi dám mong có một nguồn thu ổn định từ cây cà phê, dựng được căn nhà khang trang, mua được xe máy để đi lại, con cái được đến trường học hành như ngày hôm nay” chị H Liêm bộc bạch.

Trường hợp như chị Thị Ngum, chị H Liêm ở các huyện vùng khó của tỉnh Đắk Nông đang ngày một nhiều hơn. Và để có được điều đó, nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH đã phát huy tối đa vai trò “vốn mồi” để tạo động lực giúp bà con vươn lên vượt qua nghèo khó.

“Bệ đỡ” nơi vùng biên

Giữa cái nắng nóng hầm hập, cây cối xác xơ của mùa khô Tây Nguyên, khu vườn của gia đình bà Nguyễn Thị Xê (thôn 11, xã Ia R’vê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) như một điểm nhấn xanh mát.

Vừa bổ những trái dừa ngọt lịm mời khách, bà Xê vừa kể về câu chuyện xây dựng cuộc sống mới trên vùng đất cằn khô này. Năm 2006, vợ chồng bà Xê từ tỉnh Bến Tre di cư đến huyện biên giới Ea Súp lập nghiệp. Khi đó tuy có 2,5 ha đất sản xuất nhưng cằn cỗi, thường xuyên thiếu nước tưới nên vợ chồng bà phải cải tạo đất rồi trồng điều để có kế sinh nhai.

Thế nhưng, trên vùng đất khó này, điều - loại cây chịu hạn tốt cũng chỉ cho vụ được vụ mất. Không chấp nhận nghèo khó, gia đình tìm cách chuyển hướng phát triển kinh tế. Vốn xuất thân là nông dân “xứ dừa” nên bà luôn đau đáu ý định đưa loại cây này lên trồng ở vùng đất mới.

Từ năm 2016, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách “tiếp sức”, gia đình bà vay 65 triệu đồng theo Chương trình cho vay hộ nghèo để phát triển mô hình trồng dừa. Ban đầu, gia đình bà cải tạo đất, múc mương, khoan giếng trồng thử 300 cây dừa dứa và dừa xiêm xanh. Nhờ cần cù chăm sóc, áp dụng đúng kỹ thuật mà cây sinh trưởng và phát triển tốt, sau 4 năm đã bắt đầu cho thu hoạch. Nhận thấy cây dừa “bén duyên” được với vùng đất cằn nên gia đình bà tiếp tục đầu tư trồng thêm 700 cây giống.

Bà Xê chia sẻ: “Tất cả cơ ngơi này đều từ vốn vay Ngân hàng CSXH mà ra. Hiện tại, vườn dừa của gia đình tôi cho thu hoạch quanh năm, được thị trường ưa chuộng và hút hàng, nhất là những đợt nắng nóng. Bên cạnh bán dừa tươi, tôi còn ươm giống phục vụ gia đình và bà con tại địa phương. Hiện tại, gia đình tôi đã phát triển được 1.000 cây dừa các loại, mỗi năm thu lãi khoảng 60 - 70 triệu đồng từ mô hình này”.

2thithi-40-8101-8135.jpg
Khu vườn dừa mang lại thu nhập 60 - 70 triệu đồng/năm cho gia đình bà Nguyễn Thị Xê (thôn 11, xã Ia R’vê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk).

Bà Kim Thị Thanh cũng theo chủ trương của Nhà nước đến lập nghiệp ở vùng biên Ea Súp từ 20 năm trước. Những năm đầu trên quê hương mới, cuộc sống của gia đình bà gặp rất nhiều khó khăn bởi thiếu nước tưới, nước sinh hoạt, đất đai chẳng trồng được cây gì hiệu quả. Từ năm 2008, gia đình bà tiếp cận được nguồn vốn CSXH từ Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường. Sau đó tiếp tục được vay hai lần từ Chương trình cho vay hộ nghèo. Từ nguồn vốn này, bà đã đầu tư đào giếng và mua bò giống về chăn nuôi. Nhờ đó, cuộc sống gia đình dần vượt qua khó khăn, kinh tế ổn định. Thu nhập từ chăn nuôi bò không những giúp bà trả nợ ngân hàng, thoát khỏi diện hộ nghèo mà còn mua thêm được đất canh tác. Năm 2018, bà vay tiếp 40 triệu đồng theo Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để đầu tư cải tạo, chăm sóc vườn cây. Hiện gia đình bà có 2 ha đất trồng mía và cây ăn trái, mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng.

Ea Súp là huyện vùng biên nghèo, gồm 10 đơn vị hành chính, trong đó có 8 xã vùng khó khăn, 66 thôn thuộc đặc biệt khó khăn. Huyện có 34 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có hơn 8.200 hộ đồng bào DTTS (chiếm 40,89% dân số toàn huyện). Đời sống, kinh tế của người dân trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn do vị trí địa lý không thuận lợi, thiên tai, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm thường xuyên xảy ra. Do đó, nguồn vốn tín dụng CSXH trở thành “bệ đỡ” quan trọng giúp bà con nơi đây vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế.

Trong chuyến làm việc với các tỉnh Tây Nguyên vào tháng 6/2024, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Ngân hàng CSXH Việt Nam Nguyễn Minh Phương chia sẻ, ông từng có thời gian công tác ở địa bàn này, bây giờ trở lại thì rất ấn tượng với sự thay đổi lớn lao của Tây Nguyên. Nhiều hộ vay vốn tín dụng chính sách xã hội ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập cao từ vườn cà phê, sầu riêng hay mô hình chăn nuôi... Điều này khẳng định hiệu quả lớn từ một mô hình, chính sách tài chính ưu việt của Đảng và Nhà nước trên vùng đất này.

(Còn nữa)

Theo Nguyễn Minh Vũ (baodaklak)

-------------------

Kỳ 2: Chung sức vì người nghèo

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Sông Mê Kông đang ngày càng cạn kiệt về các loài cá quý hiếm. Ông Bảy Bon - lão nông ở Cần Thơ trên dòng sông Hậu dành gần cả đời sưu tầm và bảo tồn các loài cá quý với hy vọng chúng sẽ không biến mất. Kết hợp du lịch, ông đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn mỗi khi khách đến cồn Sơn của TP Cần Thơ.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.