Gia Lai từng bước thực hiện xã hội hóa nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lần đầu tiên chủ trương xã hội hóa nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) được thực hiện ở Gia Lai. Đây là một trong những điểm nhấn nổi bật để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng các CCN trên địa bàn, từ đó đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm đa dạng hóa sản phẩm công nghiệp của địa phương.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai các CCN

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch 31 CCN, trong đó đã thành lập 13 cụm công nghiệp và đã quy hoạch chi tiết với diện tích 466,53 ha, trong đó 8 CCN đã tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng toàn bộ hoặc một phần với tổng vốn đầu tư 184 tỷ đồng. Các CCN đã thu hút 72 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư với diện tích 119,56 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 2.279 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2023, có 54 dự án đầu tư và đi vào hoạt động với diện tích 75,33 ha, vốn đầu tư 1.634 tỷ đồng, các dự án đi vào hoạt động đã thu hút 1.165 lao động, doanh thu hàng năm đạt 1.286 tỷ đồng.

CCN Ia Grai có diện tích 52,69 ha, tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Ảnh: V.T
CCN Ia Grai có diện tích 52,69 ha, tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Ảnh: V.T

Triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa, đến nay Gia Lai đã thu hút được 4 đơn vị đăng ký với UBND các huyện để làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư 1.541 tỷ đồng; gồm: CCN số 2 huyện Đak Đoa; CCN Ia Grai huyện Ia Grai; CCN số 1 huyện Đak Pơ; mở rộng CCN-TTCN huyện Mang Yang. Sau khi được UBND tỉnh trao quyết định thành lập CCN số 2 huyện Đak Đoa, CCN số 1 huyện Đak Pơ, quyết định điều chỉnh việc thành lập CCN Ia Grai, Sở Công thương đã ban hành các văn bản hướng dẫn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN triển khai các bước tiếp theo theo quy định nhằm đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện.

CCN số 2 huyện Đak Đoa do Công ty cổ phần Shinec Gia Lai làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN, có quy mô diện tích 75 ha, được triển khai thực hiện tại xã Tân Bình, huyện Đak Đoa; tổng mức đầu tư hơn 369 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm. Ông Nguyễn Văn Thuận-Trưởng ban Kinh tế đối ngoại Công ty cổ phần Shinec Gia Lai, cho biết: “Được sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành, địa phương, hiện CCN đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500. Công ty đang tiến hành thiết kế cơ sở và thiết kế kinh tế kỹ thuật, đánh giá tác động môi trường. Công ty đang phối hợp với UBND huyện Đak Đoa và Công ty TNHH một thành viên cao su Mang Yang triển khai các bước thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định. Công ty dự kiến trong thời gian từ tháng 6-8/2024 sẽ khởi công xây dựng hạ tầng CCN. Trước mắt, đã có khoảng 10 nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đang quan tâm đăng ký vào CCN, một số nhà đầu tư đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư. Nếu lấp đầy diện tích, thì CCN số 2 huyện Đak Đoa sẽ có khoảng 25-30 nhà đầu tư triển khai dự án. Công ty phấn đấu trong thời gian từ nay đến năm 2027 sẽ lấp đầy diện tích tại CCN để Công ty tiếp tục triển khai các CCN khác trên địa bàn”.

Ngành chức năng đang vận động các tuyên truyền, vận động để các chủ thể sản xuất trên địa bàn tiến hành đăng ký đầu tư sản xuất tại CCN. Ảnh: V.T
Ngành chức năng đang vận động các tuyên truyền, vận động để các chủ thể sản xuất trên địa bàn tiến hành đăng ký đầu tư sản xuất tại CCN. Ảnh: V.T

Đối với CCN Ia Grai, huyện Ia Grai, chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư Cụm công nghiệp Ia Grai-Gia Lai 3 đã lựa chọn và ký hợp đồng với các nhà thầu tư vấn lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định; nhà thầu tư vấn đo đạc, khảo sát địa hình và tư vấn lập quy hoạch chi tiết 1/500. Ông Nguyễn Đức Thừa-Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Ia Grai, cho hay: “CCN Ia Grai có diện tích 52,69 ha, tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Hiện nay, CCN đã hoàn thành công tác quy hoạch chi tiết và được UBND tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Qua chỉ đạo, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cho địa phương, cũng như phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh thống nhất phương án đền bù, thu hồi đất và tổ chức xác định ranh giới, kiểm đếm tài sản trên đất là cây cao su để hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục thu hồi đất”. Theo ông Thừa, khi dự án CCN Ia Grai đi vào hoạt động sẽ thu hút các ngành chế biến nông sản, may mặc, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp… từ đó tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 4.000 lao động. Qua nắm tình hình, hiện nay đã có khoảng 40% doanh nghiệp đăng ký vào CCN, đây là con số bước đầu rất khả quan trong việc thu hút đầu tư để lấp đầy diện tích. Huyện cũng đang tiếp tục tuyên truyền, vận động để các chủ thể sản xuất trên địa bàn thuộc diện phải di dời tiến hành đăng ký đầu tư sản xuất tại CCN”.

Đối với CCN số 1 huyện Đak Pơ, do Công ty TNHH Đầu tư phát triển công nghiệp Đak Pơ làm chủ đầu tư, hiện đã triển khai thực hiện công tác rà phá bom mìn. Đồng thời, chủ đầu tư đang phối hợp triển khai các bước thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định. Dự kiến, từ tháng 7-2024 bắt đầu thi công đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN.

Tương tự, việc triển khai mở rộng CCN-TTCN huyện Mang Yang hiện đã được Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng công nghiệp Sao Mai Gia Lai hoàn thiện hồ sơ xin cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo ý kiến tham gia của các sở, ngành liên quan và đã trình Sở Kế hoạch và Đầu tư để tham mưu UBND tỉnh. Sau khi được UBND tỉnh cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, Sở Công thương sẽ trình UBND tỉnh ban hành quyết định mở rộng CCN theo quy định.

Tạo động lực trong thu hút đầu tư

Theo đánh giá của ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương Gia Lai, việc thành lập CCN có quy mô dưới 75 ha thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương. Trước khi công bố quy hoạch tỉnh Gia Lai, Sở Công thương xin ý kiến của Bộ Công thương bổ sung cho Gia Lai 4 CCN với tính kết nối rất cao, hệ thống giao thông thuận lợi. Đây là lần đầu tiên chủ trương xã hội hóa nhà đầu tư hạ tầng CCN được thực hiện ở Gia Lai, và sẽ tạo nên nhân tố mới để làm cú hích kêu gọi đầu tư. Việc đầu tư hạ tầng CCN sẽ được triển khai đồng bộ, hiện đại theo xu thế kinh tế xanh. Khi các CCN đi vào hoạt động ổn định sẽ phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh để góp phần tăng trưởng giá trị ngành công nghiệp của tỉnh, giải quyết việc làm ổn định cho nhiều công nhân lao động, góp phần ổn định kinh tế-xã hội tại địa phương; đồng thời sẽ góp phần khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư do các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ra.

Các CCN thực hiện theo chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng đều có tính kết nối cao, thuận lợi về thông thương. Ảnh: V.T
Các CCN thực hiện theo chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng đều có tính kết nối cao, thuận lợi về thông thương. Ảnh: V.T

Nêu các giải pháp phát triển CCN trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Công thương cho rằng, ngành đang tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phương án phát triển CCN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sở sẽ theo dõi, phối hợp với đơn vị chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tham mưu xử lý các vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng CCN, nhất là vấn đề thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết CCN. Hướng dẫn các địa phương có nhu cầu thành lập, mở rộng CCN về công tác lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN. Tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, ưu tiên lựa chọn các tập đoàn, doanh nghiệp các dự án đầu tư thứ cấp có năng lực, kinh nghiệm đảm bảo các yếu tố như suất đầu tư cao, công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường vào đầu tư tại các CCN; tập trung phát triển công nghiệp chế biến, ưu tiên thu hút, phát triển các nhà máy chế biến sản phẩm từ nông nghiệp, các sản phẩm có lợi thế về nguyên liệu trong vùng như cây ăn quả, cà phê, hồ tiêu, điều...; ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến nông-lâm sản để tạo ra sản phẩm nằm ở chuỗi giá trị cao, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hình thành các CCN theo hướng là các cụm vệ tinh cho các khu công nghiệp tại Pleiku, sản xuất hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; ưu tiên các CCN có vị trí nằm gần các tuyến quốc lộ 19, 14, 25 gắn với các đô thị trung tâm, có tính kết nối cao. Ngoài ra, để tận dụng nguồn vốn xã hội hóa nhằm đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, nhất là các CCN đã được nhà nước đầu tư một phần, Sở Công thương tiếp tục kiến nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính hướng dẫn việc chuyển giao CCN đã được nhà nước đầu tư một phần từ nhiều nguồn vốn khác nhau để chuyển đổi sang cho các nhà đầu tư hạ tầng theo hình thức xã hội hóa.

Có thể bạn quan tâm

Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree tiến hành khảo sát và lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: M.P

Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree tiên phong lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng

(GLO)- Sau khi khảo sát và làm việc với đơn vị chủ rừng, Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree (TP. Hồ Chí Minh) đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh đề nghị chủ trương thí điểm lập dự án trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng trên địa bàn tỉnh.

Gia Lai: Tập huấn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

Gia Lai: Tập huấn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

(GLO)- Trong 2 ngày (11 và 12-12), tại khách sạn Tre Xanh, Sở Xây dựng phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) tổ chức lớp tập huấn các nội dung của Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nhiều hoạt động được Gia Lai triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, trong đó có việc triển khai thu thập kiến nghị qua Google Form. Ảnh: H.D

Phản ánh kiến nghị, đề xuất qua Google Form, doanh nghiệp còn thờ ơ

(GLO)- Thời gian qua, Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc thu thập, tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua ứng dụng Google Form. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ và chưa tận dụng triệt để kênh kết nối nhanh chóng, hiệu quả này