Lý do Nga hạ thấp vai trò hội nghị hòa bình cho Ukraine ở Thụy Sỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trang web chính thức của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa đăng tải thông báo nêu, Thụy Sỹ và Ukraine mong đợi 80-100 quốc gia tham dự Hội nghị bàn về hòa bình cho Ukraine sắp tới.
Nga tuyên bố không tham gia hội nghị hòa bình của Ukraine diễn ra ở Thụy Sỹ. Ảnh: Alamy Stock Photo

Nga tuyên bố không tham gia hội nghị hòa bình của Ukraine diễn ra ở Thụy Sỹ. Ảnh: Alamy Stock Photo

Nhà lãnh đạo tin tưởng, Hội nghị thượng đỉnh có ý nghĩa to lớn khi tập hợp các đối tác của Kiev để xây dựng lộ trình cho các bước tiếp theo nhằm chấm dứt xung đột.

Tuy nhiên, thông báo không đề cập danh sách các nước tham dự mà chỉ cho biết Ukraine đang thảo luận với Thụy Sỹ về danh sách khách mời.

Ngày 8/4, hãng Bloomberg đưa tin, Hội nghị có thể diễn ra tại thành phố Lucerne vào ngày 16 và 17/6 tới.

Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Thụy Sỹ, nước này đang liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và Saudi Arabia, đều là các quốc gia từ khu vực Nam bán cầu và được đánh giá là đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Nga vào tiến trình này.

Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Ấn Độ NDTV hôm 28/3, Ngoại trưởng Ukraine Kuleba nhấn mạnh, những người tham gia hội nghị được tự do lựa chọn những điểm trong đề xuất của Kiev mà họ muốn thực hiện, chẳng hạn như an ninh lương thực hoặc năng lượng hay trao đổi tù nhân.

“Sau đó, giữa các hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất và lần thứ hai, việc liên lạc với Nga có thể diễn ra theo những quy tắc được các bên tham gia đồng ý. Chúng tôi phải đảm bảo Nga không có cơ hội cản trở hội nghị thượng đỉnh hay tiến trình hòa bình như vậy”, ông Kuleba nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Nga tiếp tục hạ thấp tầm quan trọng của hội nghị hòa bình trên. Ngày 9/4, TASS dẫn lời quan chức phụ trách Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) thứ 2 thuộc Bộ Ngoại giao Nga Alexey Polishchuk cho hay, Moscow lấy làm tiếc khi Kiev và các nước phương Tây vẫn cứng nhắc tiếp tục chuẩn bị hội nghị hòa bình ở Thụy Sỹ.

Theo đài RT, Moscow khẳng định sẵn sàng đàm phán với Kiev. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hồi đầu tháng tuyên bố, Moscow sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh do Thụy Sỹ đăng cai ngay cả khi được mời, vì việc đó “sẽ giúp thúc đẩy tối hậu thư dưới mác ‘kế hoạch hòa bình’ của ông Zelensky’”.

Bà Zakharova lưu ý thêm, Thụy Sỹ, nước tham gia áp các lệnh trừng phạt của phương Tây chống Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine, "khó có thể đóng vai trò là nền tảng cho các nỗ lực gìn giữ hòa bình khác nhau".

Có thể bạn quan tâm

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

(GLO)- Sau khi tổng thống Biden quyết định cho Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga, Anh và Pháp cũng liền có động thái tương tự. Một số nguồn tin dự đoán vài ngày tới có thể Ukraine sẽ tiến hành những đợt tấn công đầu tiên vào đối phương với tên lửa có tầm bắn tới 306 km.

Đức xuống nước thừa nhận sai lầm, Tổng thống Trump nói Nga và Ukraine phải dừng lại

Đức xuống nước thừa nhận sai lầm, Tổng thống Trump nói Nga và Ukraine phải dừng lại

(GLO)- Hãng tin Reuters ngày 15/11 đưa tin Thủ tướng Đức Scholz trong cuộc phỏng vấn với báo Sueddeutsche Zeitung, thừa nhận Đức phải thay đổi mức chi tiêu để ứng phó với "tình trạng khẩn cấp về tài chính" do xung đột ở Ukraine gây ra, sau khi phe đối lập trung hữu đề cập chính sách "phanh nợ".