Tham dự chương trình có ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh Gia Lai; ông Mahesh Giri-Lãnh sự-Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh.
Trong bầu không khí thắm tình hữu nghị, các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên của Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San và nhóm Kuchipudi đã mang đến cho khán giả Phố núi những tiết mục văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia, dân tộc.
Một tiết mục mang đặc trưng văn hóa Tây Nguyên của Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San giới thiệu đến khán giả và bạn bè Ấn Độ. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San tái hiện không gian văn hóa cồng cồng chiêng đầy mê hoặc, huyền ảo với các tiết mục dân gian truyền thống, qua đó giúp những người bạn Ấn Độ hiểu thêm về văn hóa Tây Nguyên.
Khán giả cũng mãn nhãn với nghệ thuật múa cổ điển Ấn Độ đầy quyến rũ do các nghệ sĩ nổi tiếng trình diễn. Tái hiện câu chuyện của những vị thần-một đặc trưng trong văn hóa tâm linh của cư dân sông Hằng-các nghệ sĩ Ấn Độ đã để lại ấn tượng đẹp về một quốc gia có nền văn minh, văn hóa rực rỡ.
Nghệ sĩ múa nổi tiếng của Ấn Độ Nivedita Avikara Pulliveri trình diễn nghệ thuật múa cổ điển tại chương trình giao lưu. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Phát biểu trong chương trình giao lưu, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Ngọc Nhung cho biết, thời gian qua, quan hệ hợp tác cấp địa phương giữa tỉnh Gia Lai và nước Cộng hòa Ấn Độ thông qua Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ đã có bước phát triển và mở rộng trên nhiều lĩnh vực như: thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, lao động và mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Đặc biệt, tháng 6 năm 2023 vừa qua, theo lời mời của nước Cộng hòa Ấn Độ, đoàn công tác của tỉnh Gia Lai đã đến thăm và làm việc tại bang Tamil Nadu và bang Telagana để mở rộng cơ hội hợp tác, liên kết, đầu tư.
Khán giả Phố núi đến thưởng thức chương trình nghệ thuật. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Mối quan hệ giao lưu, hợp tác giữa tỉnh Gia Lai với các doanh nghiệp, địa phương của Ấn Độ những năm gần đây có nhiều khởi sắc, các mặt hàng nông, lâm sản của Gia Lai như: hạt tiêu, hạt điều, cà phê…đã có mặt tại thị trường Ấn Độ; số lao động mang quốc tịch Ấn Độ làm việc trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã được tăng lên.
Năm 2018, tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. HCM tổ chức thành công Ngày quốc tế Yoga lần thứ tư. Gia Lai cũng tiếp nhận dự án “Xây dựng hệ thống cấp nước sạch tập trung” tại huyện Chư Prông với tổng trị giá 50 ngàn đô la, 27 bộ máy vi tính trị giá gần 400 triệu đồng ủng hộ cho chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh tài trợ, trao tặng.
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: “Chương trình giao lưu nghệ thuật một lần nữa khẳng định và thắt chặt thêm mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, đoàn kết giữa tỉnh Gia Lai với các địa phương của Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực như: văn hóa nghệ thuật, y tế, giáo dục, du lịch, dịch vụ, công nghệ thông tin, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao… Tôi tin rằng, sự kết nối của Gia Lai với các doanh nghiệp Ấn Độ thời gian tới sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư phù hợp với chiến lược, định hướng của mỗi bên”.