Hát ru: Nét văn hóa độc đáo của người Bahnar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nếu có dịp về thăm các buôn làng Bahnar, chúng ta sẽ được thưởng thức những làn điệu hát ru êm đềm, lắng đọng như tâm hồn và cốt cách của những người gắn bó với núi rừng, sông suối trên cao nguyên hùng vĩ.

Cũng như nhiều dân tộc bản địa ở Tây Nguyên, từ ngàn đời nay, bằng con tim, khối óc, khát vọng vươn lên, đồng thời với việc bảo vệ, giữ gìn cuộc sống bình yên cho cộng đồng, người Bahnar đã sản sinh ra một kho tàng âm nhạc dân gian vừa phong phú vừa độc đáo. Trong đó, có những khúc hát ru lay động lòng người. Tính độc đáo của hát ru được thể hiện từ việc đặt tên cho các điệu hát đến đối tượng, nội dung, tính chất, không gian và thời gian thể hiện.

Người Bahnar gọi hát ru là Hơri pơlung/Hơri pơ lung/Pơ lung. Hát ru như tên gọi của nó, là hát để ru. Thế nhưng, người Bahnar không bao giờ gọi hát ru một cách chung chung mà lúc nào cũng dành cho một đối tượng cụ thể: Hơri pơ lung kon (Hát ru con), Hơri pơ lung oh (Hát ru em), Hơri pơ lung sâu (Hát ru cháu), Hơri pơ lung mon (Hát ru cháu). Cần phải nói thêm rằng, trong ngôn ngữ của người Bahnar thì từ sâu/sôu có nghĩa là cháu (được dùng trong mối quan hệ ông bà đối với các cháu và ngược lại); từ mon cũng có nghĩa là cháu nhưng được dùng trong mối quan hệ cô chú, bác gái, bác trai đối với các cháu và ngược lại. Do đó, “Pơ lung sâu” có nghĩa là bà hoặc ông ru cháu; “Pơ lung mon” có nghĩa là cô, chú hoặc bác gái, bác trai ru cháu. Tuy nhiên, cũng có lúc căn cứ vào đối tượng và nội dung mà người ta đặt tên riêng cho từng bài hát ru. Chẳng hạn như các bài sau đây: Gô me tanh brai (Chờ mẹ dệt vải), Nơr akhan (Lời khuyên), Pơ lung Krem (Hát ru Krem)...

Hội làng. Ảnh: Quốc Nguyễn

Hội làng. Ảnh: Quốc Nguyễn

Về ca từ, trong các khúc hát ru của người Bahnar, lời ca ngắn gọn, mộc mạc, đơn giản nhưng không kém phần tinh tế, bay bổng với lối so sánh, ví von độc đáo. Vẻ đẹp của con/em/cháu thường được so sánh với cỏ cây hoa lá, chim muông. Nội dung bài hát ru thường khuyên em bé đừng khóc (oh ’ne hmoi), bố đang bận việc rẫy nương, đi săn; mẹ đang bận dệt vải, xúc cá, nấu ăn; con/em/cháu hãy ngủ cho ngoan, cha mẹ về sẽ cho quà. Bên cạnh đó là những lời ca ca ngợi cảnh đẹp buôn làng và những lời khen con, cháu khỏe, đẹp: “Cháu ở nơi cảnh đẹp nhất rồi đó/Cháu phải ngoan/Bước đi của cháu nhẹ nhàng như ngọn tre đung đưa trong gió/Cháu khỏe như măng mọc/Cháu đẹp lắm cháu ơi” (Ru cháu). Và đây nữa: “Ơ hỡi em/Như con chim bé xinh/Chim ch’rao đáng yêu/Chim non chưa biết bay/Chim non chưa hát hay/Trong vòng tay chị yêu” (Ru em ngủ)...

Cái mà em bé cảm nhận là những âm thanh trầm bổng, nhẹ nhàng, âm điệu vỗ về được vang lên từ lời hát của cha mẹ, ông bà, cô bác... Những âm thanh ấy là những tín hiệu văn hóa đầu tiên mà em bé được tiếp xúc, hấp thụ. Đó là “dòng sông văn hóa cội nguồn”, là tâm hồn và cốt cách của dân tộc.

Nét độc đáo của hát ru của người Bahnar còn được thể hiện ở chỗ, tuy không nhắc đến bé trai hay bé gái nhưng ta vẫn biết được người mẹ đang hát ru em bé nào. Bởi lẽ, theo phong tục của người Bahnar nói riêng, một số tộc người thiểu số Tây Nguyên nói chung, con gái phải biết dệt vải, may áo; con trai phải biết đan gùi, đi săn. Đây là lời hát ru bé gái: “Con ơi, con ngủ nhé/Để cha lên rẫy, để mẹ lên nương/Ngoan nhé, con của mẹ/Rồi ngày mai khôn lớn/Con sẽ dệt vải giỏi, để may áo đẹp” (Ru con).

Cũng như nhiều dân tộc khác, trên cơ sở giai điệu của hát ru, đồng bào Bahnar đã sáng tạo ra nhiều lời ca mới. “Nín đi con để cha mẹ lên rẫy/Nín đi con để mẹ đi hái quả chín, mẹ trồng lúa, hái cà phê/Chị cõng con đi chơi nhé/Thấy chim đỏ bắt về chơi/Thấy chim xanh bắt về đùa/Con ngoan nhé” (Ru con). Như vậy, rõ ràng ca từ của bài hát ru này đã có sự “đổi mới” cho phù hợp với đời sống xã hội hiện nay. Xưa kia, người Bahnar chỉ biết làm nương rẫy thì nay còn biết trồng cà phê, trồng mía... “Nín đi con để mẹ đi hái quả chín, mẹ trồng lúa, hái cà phê”. Chỉ một câu hát ru ngắn gọn nhưng đã giúp cho người thưởng thức biết được cuộc sống mới với cung cách làm ăn mới đã và đang bừng lên trong các buôn làng Bahnar.

Bên mẹ. Ảnh: Quốc Nguyễn

Bên mẹ. Ảnh: Quốc Nguyễn

Về âm nhạc, hát ru của người Bahnar cũng mang tính chất chung của thể loại hát ru, giai điệu mềm mại, ít thấy hoặc nói đúng hơn là không có những bước nhảy quãng rộng (quãng 5, quãng 8 như hát ru của người H’Mông); tốc độ (tempo) chậm vừa, có lúc vừa phải (moderato). Cấu trúc âm nhạc khá chặt chẽ. Thông thường, bài hát ru có 2 câu hoặc 4 câu nhạc được lặp đi, lặp lại nhiều lần tùy theo nội dung ca từ. Thậm chí, có bài hát ru nội dung lời ca chỉ là một câu văn vần nhưng được thể hiện trên nhiều cung bậc khác nhau bằng các thủ pháp phát triển giai điệu: nhắc lại nguyên câu, hạ thấp độ cao... Chính điều đó làm cho tuyến giai điệu của bài hát ru có thay đổi cho phù hợp với ngữ âm của lời ca. Thế nhưng, tất cả bài hát ru nói riêng, dân ca nói chung của người Bahnar đều được xây dựng trên điệu thức 5 âm đặc trưng, trong đó, giai điệu thường phát triển xung quanh âm điệu 4 tăng mà các dân tộc khác không có. Do đó đã tạo nên những giai điệu huyền ảo như thực, như mơ. Mặt khác, các bài hát ru thường vào nhịp ngay từ đầu, kết thúc cũng vậy. Nghĩa là, người hát ru luôn luôn giữ đúng nhịp của bài hát từ đầu cho đến lúc kết thúc. Không thấy có trường hợp “dạo đầu láy đuôi” như người Thái hay “à ơi” dạo đầu trong hát ru của người Kinh.

Qua nhiều năm điền dã, nghiên cứu, chúng tôi được biết, chẳng mấy khi trẻ em ngủ trên sàn nhà lúc vắng người lớn, đặc biệt là trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo, mà lúc nào cũng thấy trẻ em được người lớn mang theo bên người (có thể sau lưng hoặc trước bụng). Trong các buôn làng của người Bahnar xưa kia không thấy bóng dáng của chiếc nôi hay chiếc võng. Những đặc điểm này đã tạo ra một không gian và thời gian hát ru không giới hạn. Hát ru được vang lên bất cứ thời gian nào trong ngày khi mà người lớn có nhu cầu cho em bé ngủ. Thông thường, người ta chỉ hát ru trong 2 hoàn cảnh điển hình: đến lúc cần phải ngủ mà em bé không chịu ngủ và em bé đang ngủ, vì một lý do nào đó chợt tỉnh dậy, khóc. Tất nhiên, cũng có lúc người ta hát ru chơi đùa với con cháu hoặc lúc con cháu đã ngủ và cũng có thể người ta hát (hát ru) cho nhiều người cùng thưởng thức. Đặc điểm của hát ru Bahnar còn được thể hiện ở chỗ: người hát ru bao giờ cũng vừa hát vừa vỗ nhẹ vào người em bé, vừa nhún người hoặc đung đưa người sang trái, sang phải (nếu đứng hát) nhẹ nhàng theo nhịp điệu của bài hát.

Xưa kia, tiếng hát ru của người Bahnar chỉ vang lên trong không gian văn hóa làng. Ngày nay, nhờ sự phát triển của khoa học và công nghệ với sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện thông tin truyền thông, nhiều bài hát dân ca, trong đó có hát ru của người Bahnar đã vượt không gian văn hóa truyền thống đến với bạn bè trong và ngoài nước, được bạn bè đón nhận một cách nồng nhiệt.

Có thể bạn quan tâm

Xuân về khoe áo mới

Xuân về khoe áo mới

Tết đến, Xuân về ai cũng muốn mọi điều đều mới mẻ, tốt đẹp. Nên cùng với việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa thì việc được quan tâm nhiều, háo hức nhiều là sắm sửa quần áo mới.

Những người giữ hồn dân ca Jrai

Những người giữ hồn dân ca Jrai

(GLO)- Nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Jrai, nhiều nghệ nhân ở xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) từng ngày âm thầm lưu giữ những làn điệu dân ca như một cách thể hiện tình yêu với cội nguồn.

Hoa mùa xuân

Hoa mùa xuân

(GLO)- Mùa này, trên khắp nẻo núi đồi, thung xa hay trong mỗi vườn nhà, những chồi non lộc biếc bắt đầu mởn xanh trong gió, rực rỡ đón chào năm mới.

Dốc xưa

Dốc xưa

(GLO)- Nhìn từ trên cao xuống, bạn sẽ thấy đèo dốc như những dải lụa mềm mại. Ấy vậy mà khi đặt chân đến đó, bạn sẽ thấy nó như một thách thức lớn khiến ta phải ngẫm nghĩ thật nhiều. Nhưng, không phải lúc nào chênh vênh cũng làm ta ngã mà lại bồi đắp nên nghị lực và ý chí vượt khó.

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

(GLO)- Hiện nay, nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở Gia Lai vẫn giữ nghề ủ rượu cần truyền thống từ men lá tự nhiên. Theo thời gian, họ đã cùng nhau lưu giữ “men say” của đại ngàn, giúp cho thức uống mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên được chắp cánh bay xa.

Ra Bắc, vào Nam

Ra Bắc, vào Nam

(GLO)- Hơn nửa đời người, tôi loay hoay đi về giữa 2 miền Nam-Bắc. Miền Bắc là quê hương, là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Còn miền Nam là nơi tôi học tập và trưởng thành.

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

(GLO)- "Tinh khôi mùa xuân" của Lê Vi Thủy thể hiện cảm xúc tươi mới, ngọt ngào của mùa xuân và tình yêu trong sáng, thuần khiết. Từ hình ảnh thiên nhiên gần gũi như "cánh hoa trắng", "giọt sương ban mai" đến những ẩn dụ về tình yêu, tất cả đều mang lại cho người đọc cảm giác ấm áp, đầy hy vọng.

Ảnh minh họa: Phùng Tuấn Ngọc

Mùi Tết

(GLO)- Có một ngày, tôi bỗng ngồi nhớ nhung mùi Tết, để rồi tự hỏi mùi của Tết là gì? Phải chăng đó là mùi của nồi bánh chưng đang sôi lục bục ở góc sân đêm 29 Tết hay là mùi thơm nồng của dưa hành dưa kiệu mới ngấu?

“Mùa đi cùng tháng năm”

“Mùa đi cùng tháng năm”

(GLO)- Rồi thời gian cũng sớm vẫy mùa xuân trở lại. Tôi đoán thế khi đang đứng ở hành lang một dãy phòng học nhìn ra buổi sáng mà mọi vật như còn bỡ ngỡ với “cơn nắng se ngang trời đông”. Như thể ngày hôm qua và cả hôm kia nữa, chưa hề gió lạnh.