Kỷ niệm về đợt sưu tầm hát ru Bahnar, Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần 40 năm hoạt động âm nhạc ở Tây Nguyên, tôi không thể nhớ hết là mình đã đi qua bao nhiêu dòng sông, con suối, bến nước, buôn làng, bao lần hòa mình trong không gian lễ hội của các dân tộc bản địa với âm thanh vang vọng của tiếng cồng, tiếng chiêng. Tuy vậy, tôi không thể nào quên được kỷ niệm về những ngày đầu mới đặt chân đến Gia Lai với những khúc hát ru Bahnar, Jrai.

Tháng 3-1992, tôi được Giám đốc Nhà Văn hóa trung tâm Lê Hoài Ba phân công xây dựng chương trình nghệ thuật hát ru để tham gia Liên hoan hát ru toàn quốc lần thứ I do Bộ Văn hóa tổ chức, diễn ra tại Huế. Theo đó, chương trình phải có ít nhất 2 bài hát ru đại diện cho 2 dân tộc Bahnar và Jrai.

 Đoàn nghệ thuật hát ru Gia Lai chụp ảnh lưu niệm tại Huế năm 1992. Ảnh: Lê Xuân Hoan
Đoàn nghệ thuật hát ru Gia Lai chụp ảnh lưu niệm tại Huế năm 1992. Ảnh: Lê Xuân Hoan


Để hoàn thành công việc được phân công, tôi tìm đến một số nghệ sĩ danh tiếng là người Bahnar và Jrai đang hoạt động nghệ thuật ở Gia Lai để tìm hiểu và nhờ họ giúp đỡ. Trò chuyện với nghệ sĩ Thảo Giang, ông cười nói: “Hát ru của người Bahnar nhiều lắm nhưng lâu ngày mình không còn nhớ. Em ra gặp chị HBen, chị ấy biết và hát hay nữa. Ngoài ra, em có thể xuống Mang Yang (Mang Yang lúc ấy chưa chia tách huyện) gặp Hanh ở Phòng Văn hóa huyện”. Vậy là tôi đạp xe ra Trường Văn hóa Nghệ thuật để gặp chị HBen. Sau khi nghe tôi trình bày lý do, ý nghĩa của cuộc liên hoan hát ru, chị HBen hát cho tôi nghe bài Pơlung sou (Ru cháu) và vui vẻ nhận lời tham gia liên hoan. Vài ngày sau, tôi và anh bạn quá cố Đào Xuân Thành xuống Mang Yang gặp anh Hanh. Với sự hướng dẫn của anh Hanh, chúng tôi về xã Hneng gặp chị Mai Xanh. Biết chúng tôi đang đi tìm những khúc hát ru và những người biết hát ru Bahnar để xây dựng chương trình tham gia liên hoan hát ru toàn quốc, chị Mai Xanh vui vẻ nhận lời và hát cho chúng tôi nghe bài hát: Pơlung òh tep (Ru em).

Vậy là, chúng tôi đã có 2 bài hát ru, đủ chỉ tiêu mà Bộ Văn hóa giao. Tuy nhiên, Gia Lai là địa bàn cư trú ngàn đời của 2 dân tộc Bahnar và Jrai nên chương trình tham gia liên hoan không thể thiếu vắng bài hát ru của người Jrai được. Từ nhận thức ấy, lại được sự mách bảo của ông Nay Quách-Phó Giám đốc Sở Văn hóa, chúng tôi xuống Ayun Pa để sưu tầm và tìm nghệ nhân. Sau 2 ngày đi bộ từ thị trấn Ayun Pa (lúc ấy Ayun Pa chưa chia tách huyện) qua buôn Thăm (xã Ia Trok) rồi sang xã Chư Mố mà không tìm được nghệ nhân nào. Cuối cùng, chúng tôi về buôn Jứ (xã Ia Tul) tìm được nghệ nhân Ksor HLim với bài hát Ană anăm hia (Con đừng khóc).

Sau đó, cả 3 nghệ nhân được mời về Pleiku để tập luyện chuẩn bị tham gia chương trình. Trong quá trình tập luyện, với tư cách là một người làm chuyên môn, mặc dù chưa hiểu lắm về ngôn ngữ Bahnar và Jrai nhưng về âm nhạc, tôi thấy cả 3 bài hát ru đều rất hay, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Để giúp mọi người hiểu hơn về hát ru của người Bahnar và Jrai, tôi đã mạnh dạn sáng tác lời Việt cho bài Ană anăm hia và bài Pơlung òh tep rồi tập cho Ksor HLim và Mai Xanh thể hiện song ngữ: Jrai-Kinh, Bahnar-Kinh. Rất mừng là sau một thời gian luyện tập, cả 2 hát ru bằng ngôn ngữ phổ thông cũng rất tốt.

Kết quả, tại Liên hoan hát ru toàn quốc lần thứ I-1992, chương trình nghệ thuật của tỉnh Gia Lai đoạt 2 huy chương vàng (Pơlung sou, Ană anăm hia) và 1 huy chương bạc (Pơlung òh tep). Và, toàn bộ chương trình đã được Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh ngay sau khi các nghệ nhân vừa diễn xong (tôi vẫn còn lưu giữ băng cassette này). Sau khi xem chương trình biểu diễn của các nghệ nhân Gia Lai, nhạc sĩ Trần Hoàn-Bộ trưởng Bộ Văn hóa-đã đến chúc mừng và chụp ảnh lưu niệm với các nghệ nhân. Kết quả này là niềm vui, niềm tự hào của các nghệ nhân và tất cả những người tham gia xây dựng chương trình nghệ thuật năm ấy; đồng thời là nguồn khích lệ, động viên chúng tôi tiếp tục đến với kho tàng âm nhạc dân gian phong phú và độc đáo của người Bahnar và Jrai.

 

LÊ XUÂN HOAN

Có thể bạn quan tâm

Trúc Nhân quái dị

Trúc Nhân quái dị

Với ca khúc "Không ra gì", Trúc Nhân đầu tư kinh phí tiền tỷ để thực hiện Music Video dài hơn 5 phút. Nam ca sĩ đã liều lĩnh nhưng chính điều này giúp sản phẩm tạo dấu ấn.