Pleiku nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thành phố Pleiku là một trong những địa phương có số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) cao ở Gia Lai với 718 trường hợp. Vì vậy, ngành Y tế thành phố đang tập trung triển khai nhiều biện pháp nhằm khống chế, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trên diện rộng.

Ghi nhận nhiều trường hợp mắc SXH

Em Vi Trần Thùy Dung (8 tuổi, trú tại thôn 1, xã Diên Phú) đang điều trị bệnh SXH tại Khoa Nội-Nhi nhiễm của Trung tâm Y tế TP. Pleiku. Theo lời kể của chị Trần Thị Hằng (mẹ em Dung) thì: “Thôn 1 đang là tâm điểm SXH ở xã Diên Phú. Thời gian gần đây, số người mắc SXH gia tăng đáng lo ngại. Riêng gia đình tôi có 3 người lần lượt mắc SXH. Trong 3 người thì bé Dung bị nặng nhất. Khi thấy bệnh diễn tiến ngày càng nặng, gia đình chuyển cháu vào Trung tâm Y tế TP. Pleiku điều trị. Sau hơn nửa tháng điều trị, sức khỏe của con tôi đã dần hồi phục”.

Thăm khám bệnh cho bệnh nhân nhí điều trị SXH tại Trung tâm Y tế TP. Pleiku
Thăm khám bệnh cho bệnh nhân nhi điều trị SXH tại Trung tâm Y tế TP. Pleiku. Ảnh: Thiên Di



Tại phường Thắng Lợi, sau một thời gian tham gia xử lý các ổ dịch SXH, y sĩ Hoàng Văn Hường-Phó Trạm trưởng phụ trách Trạm Y tế phường cũng đang phải điều trị căn bệnh này. “Tôi mới phát bệnh chừng 2 ngày nay. Do liên tục có mặt tại các ổ dịch nên tôi bị muỗi đốt lây truyền bệnh”-y sĩ Hường chia sẻ. Cũng theo y sĩ Hường, từ đầu năm đến nay, phường Thắng Lợi ghi nhận 56 trường hợp mắc SXH. Số bệnh nhân gia tăng khoảng 3 tháng gần đây với ổ dịch ở các tổ: 3, 4 và 7.

Phường Yên Thế cũng đang là tâm điểm của dịch SXH. Phó Trạm trưởng phụ trách Trạm Y tế phường Nguyễn Thị Thu Hương cho hay: “Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn phường ghi nhận 111 trường hợp mắc SXH với 16 ổ dịch. Trong các tháng 7, 8 và 9, số lượng người mắc SXH gia tăng nhanh, nhiều nhất là ở tổ dân phố 1”.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế TP. Pleiku, hiện nay, trên địa bàn ghi nhận 718 trường hợp mắc SXH. Trong đó, phường Yên Thế ghi nhận 111 trường hợp, phường Hội Phú 57 trường hợp, phường Thắng Lợi 56 trường hợp. Xã Gào và Ia Kênh có số ca bệnh ít nhất, với 3 trường hợp/xã. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố tăng 667 trường hợp. Thống kê của Sở Y tế cho thấy, hiện nay,  TP. Pleiku có số bệnh nhân mắc SXH nhiều thứ 2 trong tỉnh, sau huyện Đak Pơ với 744 ca.

Tập trung khống chế dịch bệnh

Theo bác sĩ Phạm Thanh Hưng-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Pleiku: Nguyên nhân SXH bùng phát là do chu kỳ 3 năm/lần của bệnh. Cùng với đó, thời tiết nóng ẩm, trên địa bàn tập trung đông người, ý thức tự phòng bệnh của nhiều hộ dân chưa cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi, lăng quăng/bọ gậy sinh sôi, truyền bệnh. Ngoài ra, ngành Y tế thành phố đang thiếu hóa chất phun diệt muỗi tại các ổ dịch.

 Đoàn viên, thanh niên phường Thắng Lợi ra quân dọn vệ sinh môi trường để phòng ngừa SXH. Ảnh: Thiên Di
Đoàn viên, thanh niên phường Thắng Lợi ra quân dọn vệ sinh môi trường để phòng ngừa SXH. Ảnh: Thiên Di



Trước diễn biến phức tạp của SXH, ngành Y tế thành phố đã và đang triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Trong đó, hoạt động được chú trọng nhất là dọn vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy kênh mương, lật úp chai lọ và nước bẩn chứa trong lốp xe ô tô hỏng... để diệt lăng quăng/bọ gậy. Phó Trạm trưởng phụ trách Trạm Y tế phường Thắng Lợi thông tin: “Khi bệnh nhân SXH trên địa bàn có dấu hiệu gia tăng, chúng tôi đề xuất UBND phường phát động dọn vệ sinh môi trường. Các lực lượng xung kích của phường và Trạm Y tế phát dọn cây cỏ, khơi thông cống rãnh, thu gom phế thải trên các tuyến đường như: Lạc Long Quân, Âu Cơ, Nguyễn Tuân… Lực lượng y tế phường cũng trực tiếp đến nhà có người mắc bệnh hướng dẫn xử lý môi trường để các hộ dân lân cận làm theo. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên số lượng hóa chất mua được rất ít và mức chi trả nhân công phun hóa chất thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc khống chế sự lây lan của bệnh”.

Tại phường Yên Thế, y sĩ Nguyễn Thị Thu Hương cho biết: “Trạm Y tế tham mưu giúp UBND phường củng cố đội xung kích phòng-chống SXH ở 10 thôn, làng, tổ dân phố để phối hợp triển khai các hoạt động ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh; phát động dọn vệ sinh môi trường 2 đợt giữa tháng 6 và tháng 9. Chúng tôi được Trung tâm Y tế thành phố cấp hóa chất, còn UBND phường cấp kinh phí để triển khai phun hóa chất chủ động toàn bộ tổ 1 và 16 ổ dịch khác. Đến nay, dịch bệnh có dấu hiệu chững lại”.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Pleiku cho biết thêm: Trung tâm đang tập trung triển khai đồng bộ các hoạt động nhằm khống chế SXH. Chúng tôi chỉ đạo các trạm y tế tiếp tục vận động người dân tự diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy; giám sát và kịp thời xử lý ổ dịch ngay khi phát hiện. Trung tâm sẽ giám sát véc tơ trọng điểm tại 2 phường Yên Thế, Yên Đổ cùng các địa điểm có nguy cơ cao mắc bệnh để có biện pháp phòng-chống phù hợp. Khi hóa chất diệt muỗi được cung ứng, chúng tôi sẽ phun trên diện rộng. Cùng với đó là đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân về phòng ngừa SXH.

 

THIÊN DI

 

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.