Phục hồi vụ bà Lê Hoàng Diệp Thảo tố giác "cướp" nhà máy cà phê Trung Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Bình Dương) vừa có quyết định phục hồi giải quyết nguồn tin tội phạm vụ “cướp” nhà máy cà phê hòa tan Trung Nguyên đối với đơn tố cáo của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, CEO King Coffee.

 

Vợ chồng
Vợ chồng "vua cà phê" Trung Nguyên (Ảnh: IT)



Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Dương nhận được tố giác về tội phạm của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, CEO King Coffee, tố giác ông Nguyễn Duy Phước - Trưởng phòng pháp lý Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, có hành vi sử dụng tài liệu giả, gồm: Biên bản họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) không ghi ngày, tháng 12/2011 và quyết định của ĐHĐCĐ không ghi ngày, tháng 12/2011 của Tập đoàn Trung Nguyên để cung cấp cho TAND tỉnh Bình Dương, chứng minh ông Đặng Lê Nguyên Vũ đại diện toàn bộ vốn góp của Tập đoàn Trung Nguyên tại Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên.

Theo bà Thảo, việc làm này nhằm tước đoạt quyền sở hữu và quyền quản lý của bà tại Công ty CP Cà phê hòa tan Trung Nguyên (Trung Nguyên IC), gây thiệt hại cho công ty tính từ tháng 11/2015 đến nay với số tiền ước tính là 4.075,1 tỷ đồng.


 

Thông báo của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương về việc phục hồi giải quyết nguồn tin tố cáo tội phạm theo đơn tố cáo của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (Ảnh: Quốc Hải)
Thông báo của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương về việc phục hồi giải quyết nguồn tin tố cáo tội phạm theo đơn tố cáo của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (Ảnh: Quốc Hải)



Ngay khi nhận được đơn tố giác của bà Thảo, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Bình Dương) đã tiến hành kiểm tra, xác minh và ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm số 05/PC03 (D94) ngày 20/1/2020 để chờ kết luận giám định. Đến nay đã có kết luận giám định.

Căn cứ điều 56, 145, 146 và 147 Bộ luật Tố tụng Hình sự, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Bình Dương) ra quyết định phục hồi việc giải quyết nguồn tin về tội phạm số 06/PC03 (D94) đối với tố giác về tội phạm nêu trên.

Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, bà Lê Hoàng Diệp Thảo nhận được tài liệu mà TAND tỉnh Bình Dương yêu cầu cần xác minh lại có giá trị chứng cứ hay không (tài liệu do người của Tập đoàn Trung Nguyên nộp lên tòa). Nghi ngờ Tập đoàn Trung Nguyên nộp các tài liệu giả mạo, bà Thảo đã có đơn tố cáo, đồng thời đề nghị trưng cầu giám định gửi tòa án vào ngày 2/10/2018. Sau đó, tòa án nhận thấy có cơ sở nên đã ra quyết định số 32 và văn bản số 63 để thu thập chứng cứ. Trong đơn, bà Thảo tố cáo, cho rằng 2 tài liệu này đều có dấu hiệu cắt ghép, về nội dung còn thể hiện sự mâu thuẫn giữa các trang với nhau, có dấu hiệu giả mạo.

“Có sự cắt dán, photo chứ không phải chữ ký của tôi trong tài liệu. Tôi chắc chắn người giao nộp các chứng cứ đã lừa dối tòa”, bà Thảo thông tin.

Chia sẻ với Dân Việt, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng cho biết, việc bà cùng các nhân viên, công nhân nhà máy Công ty Hòa tan đã bị phía Tập đoàn Trung Nguyên chiếm nhà máy, "thất thủ" hoàn toàn tại Bình Dương như “phim hành động” trong đêm 13/5/2016.

Cụ thể, trong bảng tường trình gửi đến Công an đồn Sóng Thần, Công an thị xã Dĩ An, Ban Quản lý các KCN Dapark (tỉnh Bình Dương), bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã trình bày về sự việc xâm nhập bất hợp pháp và hành vi phá hoại gây ảnh hưởng xấu và nặng nề đến tinh thần làm việc của công nhân từ ngày 11/5 đến 13/5/2016 như sau: "Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên (TNG) đã mua chuộc lực lượng bảo vệ Thắng Lợi Toàn Cầu (theo hợp đồng số 09/2016/HĐDV ngày 22/4/2016) đang chốt chặn tại cửa chính, để mở cửa cho nhân sự TNG vào Công ty Hòa tan của tôi. Lực lượng bảo vệ Thắng Lợi Toàn Cầu đã bỏ chốt kiểm tra, rời vị trí ra về. Các chứng cứ đều được camera đính kèm. Phía TNG cho người ập vào công ty, tự động mở cửa khống chế tổ bảo vệ và chốt chặn các cổng ra vào xưởng phía sau của công ty. Nhân sự TNG mở cửa chính (cửa cuốn) cho xe vào và còn vào phòng họp công ty, mời các cấp quản lý vào phòng, đọc các giấy tờ pháp lý yêu cầu bàn giao công ty mà không có sự có mặt của tôi".



 

 Kết luận
Kết luận "có dấu vết cắt ghép" của Viện Khoa học Hình sự liên quan đến những tố cáo của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (Ảnh: Quốc Hải)



Trở lại vụ án dân sự tranh chấp quyền điều hành tại Công ty Cà phê Hòa tan (có trụ sở tại khu A, KCN Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương), vấn đề xuất phát từ việc cuối năm 2015, ông Đặng Lê Nguyên Vũ bất ngờ miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đối với bà Thảo và thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty Hòa tan từ bà Thảo sang ông Vũ. Tuy nhiên, trong quá trình TAND tỉnh Bình Dương đang thụ lý giải quyết vụ kiện thì Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Dương lại bất ngờ cấp giấy phép kinh doanh của Công ty Hòa tan thay đổi người đứng đầu, đại diện pháp luật từ bà Lê Hoàng Diệp Thảo sang ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Trước quyết định này, CEO King Coffee đã khởi kiện Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Dương, yêu cầu rút lại giấy phép kinh doanh mới của Công ty Hòa tan. Ngoài ra, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cũng có đơn yêu cầu TAND tỉnh Bình Dương chuyển hồ sơ cho cơ quan công an vào cuộc điều tra vụ việc này.


 



Diễn biến tranh chấp giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Trung Nguyên IC

Ngày 5/3/2018, Tòa án tỉnh Bình Dương ban hành 2 quyết định để thu thập tài liệu chứng cứ. Theo đó Tòa án yêu cầu hai công ty là Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên (TNG) và Công ty CP Cà phê Hòa tan Trung Nguyên (Trung Nguyên IC) cung cấp các tài liệu liên quan việc cử ông Vũ làm đại diện 85% vốn góp của TNG tại Trung Nguyên IC.

Ngày 27/3/2018, Nguyễn Duy Phước – đại diện theo ủy quyền của Trung Nguyên IC cung cấp các tài liệu theo yêu cầu của Tòa, trong đó có Biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông và Quyết định của Đại hội đồng cổ đông của TNG (nhằm thể hiện nội dung ông Vũ được cử đại diện 85% vốn góp của TNG tại Trung Nguyên IC). Ông Phước cũng xác nhận Trung Nguyên IC nhận được các tài liệu này vào tháng 12/2011 (đính kèm xác nhận của ông Phước).

Trong lúc sao chụp, nghiên cứu hồ sơ theo yêu cầu của Tòa, bà Diệp Thảo phát hiện ra các tài liệu mà ông Nguyễn Duy Phước cung cấp cho Tòa là giả mạo. Vì vậy, ngày 28/9/2018, bà Diệp Thảo đã có đơn tố cáo với Tòa án tỉnh Bình Dương, đồng thời đề nghị Tòa ra quyết định trưng cầu giám định đối với các giấy tờ này.

Bà Diệp Thảo đã 3 lần gửi đơn đề nghị Tòa tiến hành trưng cầu giám định (ngày 9/10/2018, ngày 19/10/2018, ngày 5/11/2018)

Ngày 29/11/2018, tại phiên họp giải quyết vụ việc, Tòa án tỉnh Bình Dương đã ra quyết định tạm ngừng phiên họp để tiến hành trưng cầu giám định theo yêu cầu của bà Diệp Thảo và đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương.

Ngày 30/01/2019, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đưa ra kết luận giám định có dấu hiệu cắt ghép trong các tài liệu mà ông Nguyễn Duy Phước cung cấp cho Tòa án tỉnh Bình Dương.

Ngày 24/5/2019, Viện Khoa học hình sự tiếp tục đưa ra kết luận thứ 2 cho thấy dòng chữ “Công ty CP Cà phê Trung Nguyên” trong Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông bị cắt ghép.

http://danviet.vn/phap-luat/phuc-hoi-vu-ba-le-hoang-diep-thao-to-giac-cuop-nha-may-ca-phe-trung-nguyen-1070383.html


Theo Quốc Hải (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.