Phú Thiện: Độc đáo nhà sàn mái tranh vách tre của người Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Kiểu nhà sàn mái tranh vách tre phổ biến trước đây của người Jrai ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) dần vắng bóng. Những ngôi nhà còn sót lại đã tạo nên nét văn hóa riêng, độc đáo trong kiến trúc nhà ở của người dân bản địa nơi đây.
Nhờ được tu bổ thường xuyên nên trải qua gần 50 năm, căn nhà sàn mái tranh vách tre của gia đình bà Ksor H'Pem vẫn khá vững chãi. Ảnh: Vũ Chi

Nhờ được tu bổ thường xuyên nên trải qua gần 50 năm, căn nhà sàn mái tranh vách tre của gia đình bà Ksor H'Pem vẫn khá vững chãi. Ảnh: Vũ Chi

Theo chân thầy Nguyễn Đức Minh-cựu giáo viên Trường Tiểu học Kpă Klơng (xã Ia Peng) ghé thăm căn nhà sàn mái tranh vách tre của bà Ksor H’Pem (buôn Ling, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện). Hứng chịu nắng mưa gần 50 năm nhưng căn nhà vẫn vững chãi. Căn nhà chứa đựng biết bao kỷ niệm của gia đình nên dù con cháu, người thân khuyên dỡ bỏ nhưng bà H’Pem quyết tâm giữ lại.

Trong không gian ấm cúng của căn nhà sàn 3 gian, bà H’Pem cho biết: Căn nhà được dựng lên từ năm 1977 khi bà vừa hạ sinh con gái đầu lòng. Trong đó, phên vách được đan bằng tre, nứa và mái lợp bằng cỏ tranh, sàn nhà là những cây tre già đập dập. Tất cả được gắn kết với nhau bằng dây mây, hoàn toàn không sử dụng đinh vít để cố định. Để làm được ngôi nhà sàn này, ngày ấy cả gia đình bà phải lên núi 1 tuần, đàn ông chặt tre, đàn bà tìm kiếm dây mây, cắt cỏ tranh.

Nhờ có khói bếp, những thanh tre cũng như lớp cỏ tranh lợp mái nhà không bị mối mọt, hư hỏng. Ảnh: Vũ Chi

Nhờ có khói bếp, những thanh tre cũng như lớp cỏ tranh lợp mái nhà không bị mối mọt, hư hỏng. Ảnh: Vũ Chi

Để căn nhà vững chãi, không bị mối mọt thì khâu chọn vật liệu rất quan trọng. Tre nứa, mây, cỏ tranh đều phải chọn loại tốt, to, dài và già. Trước khi đưa tranh lên lợp mái phải khéo léo chải sạch cỏ rác rồi bó thành từng bó nhỏ bằng dây mây. Khi lợp, mỗi bó cỏ tranh được bẻ cong 1 đầu khoảng 5-7cm cột cố định vào khung tre tạo sự chắc chắn khi trời có giông bão.

Cũng giống như những ngôi nhà sàn dài của người Jrai, bếp được bố trí gần cửa phía cuối nhà. Khói bếp bốc lên mỗi ngày giúp cỏ tranh không bị mối mọt. Căn nhà cũng có 2 cửa sổ ở giữa nhà đón ánh mặt trời và những luồng gió mát lành. Để tiết kiệm diện tích, căn nhà được bố trí thêm gác xếp bên trên. Đây là nơi chứa đựng những vật dụng chưa dùng đến của gia đình như gùi, thúng, nia….

Các thế hệ trong gia đình bà Ksor H'Pem sống hoàn thuận trong căn nhà sàn mái tranh vách tre có tuổi đời gần 50 năm. Ảnh: Vũ Chi

Các thế hệ trong gia đình bà Ksor H'Pem sống hoàn thuận trong căn nhà sàn mái tranh vách tre có tuổi đời gần 50 năm. Ảnh: Vũ Chi

Bà H’Pem nhớ lại: “Ban đầu, ngôi nhà sàn của vợ chồng tôi chỉ có 1 gian, sau này con cái ngày càng đông đúc, nhu cầu chỗ ở tăng lên, chúng tôi tiếp tục nới dài căn nhà thêm 2 gian nữa. Mặc dù 3 gian nhưng ngôi nhà không có vách ngăn, giúp các thế hệ ở trong nhà luôn được sống trong tình cảm chan hòa, đoàn kết”.

Ông Kpă É (chồng bà H’Pem) cho biết, trước kia đời sống đồng bào Jrai khó khăn lắm nên bà con tận dụng những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên để làm nhà sàn mái tranh vách tre. Những năm gần đây, đời sống ngày càng nâng cao, những nguyên vật liệu như tre nứa, mây, cỏ tranh ngày càng khan hiếm nên người dân phá nhà cũ để làm nhà sàn kiên cố ván gỗ, mái lợp tôn hoặc nhà xây.

Cũng giống như những căn nhà sàn dài của người Jrai, căn nhà mái tranh vách tre của bà H'Pem có 2 cửa sổ được đan bằng tấm tre nứa nhỏ có thể dịch chuyển để đón ánh mặt trời và những luồng gió mát lành. Ảnh: Vũ Chi

Cũng giống như những căn nhà sàn dài của người Jrai, căn nhà mái tranh vách tre của bà H'Pem có 2 cửa sổ được đan bằng tấm tre nứa nhỏ có thể dịch chuyển để đón ánh mặt trời và những luồng gió mát lành. Ảnh: Vũ Chi

Ông É chia sẻ: Phần cỏ tranh gần gian bếp nhờ được hun khói nên rất bền chắc song phần mái phía trước nhà khoảng 5 năm phải thay mới một lần để không bị mưa tạt, gió lùa. Đầu năm 2023, gia đình phải huy động con cháu lên tận núi Chư Băh giáp huyện Ea H’leo (tỉnh Đak Lak) để cắt cỏ tranh và dây mây về lợp lại mái nhà. Thấy gia đình vất vả sửa nhà, nhiều người bảo ông bà dỡ bỏ xây nhà mới nhưng ông bà không đồng ý vì nơi đây chất chứa bao kỷ niệm. Ông bà cũng dặn con cháu nếu sau này có tiền cũng không phá để xây nhà mới mà hãy cải tạo để căn nhà kiên cố hơn.

“Căn nhà là nhân chứng cho tình cảm vợ chồng tôi, cho 11 người con lần lượt sinh ra và trưởng thành. Vì vậy, dù vất vả ra sao chúng tôi cũng quyết tâm giữ lại để con cháu sau này biết đến nét văn hóa độc đáo trong kiến trúc dựng nhà của đồng bào mình”-ông É trải lòng.

Chị Ksor H’Nian (con gái thứ 9 của bà H’Pem) bộc bạch: “Biết được nỗi niềm của cha mẹ nên vợ chồng tôi luôn phụ giúp lên núi tìm kiếm nguyên liệu về sửa nhà khi cần. Trải qua gần 50 năm nhưng căn nhà mái tranh vách tre này vẫn là nơi anh chị em tôi quây quần lại vào mỗi dịp cuối tuần hay lễ, Tết. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì điều đó. Tuy nhiên điều tôi lo ngại nhất là việc vót những thanh tre dài đều nhau làm vách hiện chỉ có những người lớn tuổi mới làm được. Khi họ dần khuất núi, con cháu chúng tôi rất khó để tu bổ lại ngôi nhà khi nó xuống cấp”.

Với gia đình bà Ksor H'Pem (buôn Ling, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện) căn nhà sàn mái tranh vách tre là nơi chất chứa nhiều kỷ niệm của gia đình nên bà không muốn dỡ bỏ. Ảnh: Vũ Chi

Với gia đình bà Ksor H'Pem (buôn Ling, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện) căn nhà sàn mái tranh vách tre là nơi chất chứa nhiều kỷ niệm của gia đình nên bà không muốn dỡ bỏ. Ảnh: Vũ Chi

Ông Lê Thanh Hùy-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Hiao cho biết: Những năm 1980 trở về trước, do đời sống còn nhiều khó khăn và tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên nên người Jrai ở xã Ia Hiao chủ yếu dựng nhà bằng mái tranh, vách tre. Tuy nhiên, cùng với tiến trình hiện đại hóa, từ những năm 1990 đến nay, những ngôi nhà theo kiến trúc cổ này dần được thay thế theo hướng hiện đại. Căn nhà của gia đình bà H'Pem là căn nhà mái tranh vách tre còn lại duy nhất tại xã. Việc tu bổ căn nhà hiện gặp không ít khó khăn do nguồn nguyên liệu khan hiếm và những người có kinh nghiệm không còn nhiều...

Từng đi rất nhiều nơi, tìm hiểu và nghiên cứu về văn hóa của người Jrai, thầy Nguyễn Đức Minh cho rằng sự thay đổi của môi trường sống làm cho kiến trúc nhà ở của người Jrai chịu nhiều biến động. Những ngôi nhà sàn mái tranh vách tre dần vắng bóng. Đây là điều tất yếu khi những vật liệu có sẵn trong tự nhiên ngày càng khan hiếm trong khi vật liệu công nghiệp lại tiện lợi, giá cả phù hợp hơn. Người dân dần chuyển sang dùng tôn để lợp nhà, thậm chí dùng tôn để che chắn xung quanh thay cho vách tre, vách gỗ của những ngôi nhà sàn truyền thống. Để thế hệ tương lai biết đến nét văn hóa độc đáo trong kiến trúc nhà ở của đồng bào Jrai, rất cần ngành chức năng, chính quyền địa phương có kế hoạch bảo tồn, gìn giữ những căn nhà theo kiến trúc cổ còn lại này.


Có thể bạn quan tâm

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

(GLO)- Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của một vùng quê. Nơi ấy, tình yêu và nỗi nhớ không thể phai mờ. “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến chính là một trong những ca khúc như thế.

Tháng Tư ở thành phố mang tên Bác

Tháng Tư ở thành phố mang tên Bác

(GLO)- Một ngày giữa tháng Tư, tôi có chuyến thăm TP. Hồ Chí Minh. Như tín hiệu của vũ trụ, có điều gì đó thôi thúc tôi phải về với nơi mà 50 năm về trước, cả dân tộc vỡ òa trong niềm vui của ngày đại thắng, thống nhất non sông.

Nhớ bếp lửa nhà sàn

Nhớ bếp lửa nhà sàn

(GLO)- Gần 50 năm gắn bó với vùng đất Tây Nguyên, tôi đã đi qua nhiều buôn làng, tiếp xúc với bao con người hiền lành như đất, mộc mạc như cây rừng. Và trong những buôn làng đó, từng bếp lửa nhà sàn đã để lại trong tôi ấn tượng đậm sâu với không gian đầm ấm và chân tình

Tháng Tư về nguồn

Tháng Tư về nguồn

(GLO)- Chúng tôi đến TP. Hồ Chí Minh giữa những ngày tháng Tư lịch sử, vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Mưa đầu hạ

Mưa đầu hạ

(GLO)- Pleiku vào hạ không báo trước bằng cái nóng gắt gao, cũng chẳng cần đến tiếng ve râm ran hay sắc phượng rực trời. Chỉ cần một cơn mưa đầu mùa, bất chợt, ào ạt mà vô cùng êm dịu là biết hè đã chạm ngõ.

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.

Hương ngọc lan

Hương ngọc lan

(GLO)- Hương ngọc lan là mùi hương thanh khiết nhất mà tôi được biết trong tuổi thơ của mình. Đó là sự dịu ngọt nhẹ nhàng và vô cùng gây thương nhớ cho người lữ khách.

Đọc để hiểu mình

Đọc để hiểu mình

(GLO)- Khi nhìn một người ngồi đọc sách, tôi thường có cảm giác rất bình an. Sự bình an như nguồn năng lượng được truyền đến từ hình ảnh rất đẹp trước mắt.