Nếp nhà sàn truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong xu thế phát triển của xã hội, đồng bào H'rê ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi đã tích cực "hội nhập", tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất để cải thiện cuộc sống. Cũng chính sự học theo đó mà nhiều nét văn hóa của người H'rê mai một mất dần. Riêng đồng bào H'rê thôn làng Zút 1 xã Ba Nam (Ba Tơ) thì vẫn giữ gìn nếp nhà sàn truyền thống còn nguyên vẹn như giữ hồn thiêng của dân tộc mình.     

Giữ nếp nhà sàn

Chúng tôi đã có nhiều chuyến công tác đến các huyện miền núi trong tỉnh Quảng Ngãi-nơi có đồng bào H'rê sinh sống và cũng đã có nhiều lần ở lại để cùng ăn, cùng ở, trò chuyện với bà con. Từ trong những câu chuyện, chúng tôi hiểu bây giờ đồng bào đã thay đổi nhiều về cách nghĩ, cách làm để phát triển sản xuất để cuộc sống của mình khá dần lên. Đồng bào ở thôn Làng Zút 1 xã Ba Nam huyện miền núi Ba Tơ cũng không ngoại lệ. Nhưng điều đặc biệt là bà con vẫn gìn giữ nếp nhà sàn như giữ hồn riêng của dân tộc mình. Già làng Phạm Văn Men, tự hào: "Nếu như người Kinh chọn cho mình mảnh đất bằng phẳng cách xa núi rừng để làm nhà ở thì đồng bào H'rê thường làm nhà bên sườn đồi, trên những con suối. Điều này bắt nguồn từ xưa kia rừng còn rậm, để tránh thú dữ tấn công và mùa đông trời giá lạnh, bà con phải làm nhà sàn để ở, sinh hoạt cho tiện".  
 

Nếp nhà sàn của đồng bào H'rê tọa lạc trên triền núi thôn Làng Zút 1 đẹp như tranh vẽ. Ảnh: Trường An
Nếp nhà sàn của đồng bào H'rê tọa lạc trên triền núi thôn Làng Zút 1 đẹp như tranh vẽ. Ảnh: Trường An

Thế là hết lớp này đến lớp khác, người H'rê vừa lọt lòng mẹ đã nằm trên nhà sàn và lớn lên cũng từ nếp nhà sàn. Do vậy, nhà sàn là một trong những nét đặc trưng về bản sắc văn hóa của dân tộc H’rê.

Bây giờ, xã hội phát triển, nhưng đồng bào H'rê vẫn sống trên núi, làm nhà sàn để ở. Nhiều người trong thôn, kiếm được khá nhiều tiền nhưng rồi bà con cũng không học theo cách làm nhà của người Kinh mà vẫn giữ nguyên nếp cũ. Vì vậy, ở thôn Làng Dút 1 hiện còn hoàn toàn là nhà sàn.

Làng Zút 1 chỉ cách trung tâm xã Ba Nam hơn 1 km. Làng nằm dưới chân núi Nước Kê, Nước Sốc, bên cạnh con Suối Lếch-một trong những con suối đầu nguồn của Sông Liêng. Làng hình thành khá lâu rồi nên bên những ngôi nhà sàn chắc chắn còn có những hàng cau cao vút. Chiều xuân trời bắt đầu lạnh, khói bếp bay la đà trên những nóc nhà sàn thấy thật ấm áp. Từ dưới trung tâm xã nhìn lên triền núi Nước Kê thấy nhà sàn nhấp nhô đẹp như tranh .
 

Nhà sàn ở triền núi Nước Kê, Nước Sốc nhìn từ trung tâm xã
Nhà sàn ở triền núi Nước Kê, Nước Sốc nhìn từ trung tâm xã. Ảnh: Trường An

Làng có 45 nóc nhà, mỗi nhà sàn dựng lên cơ bản giống nhau, nhưng kích cỡ khác nhau. Nhà nào khấm khá thì sử dụng 8 trụ bằng cây ké chắc chắn kèm theo 8 trụ cột phụ để đỡ sàn nhà. Nhà phần lớn rộng 4 mét, dài 12 mét. Ở phía đầu tra (đầu nhà) thường dành cho đàn ông trai tráng trong nhà tiếp khách, đầu tra phía dưới thường dành cho phụ nữ con cái sinh hoạt, hay để cày bừa, thúng, gùi. Ngăn bên trong nhà được phân ra làm nhiều khoảnh nhỏ. Khoảnh để làm bếp, khoảnh để ngủ. Nhiều nhà, có vài ba thế hệ sống chung. Khách có thể phân biệt mỗi gia đình ở một ngăn bên trong qua từng cửa sổ để tiện bề sinh hoạt.

Mỗi người làng là một người thợ
     
Nhiều đồng bào dân tộc H’Rê trong làng cho hay: Làm được ngôi nhà sàn, nhiều gia đình phải chuẩn bị vật liệu nhiều năm trời. Bắt đầu là chuẩn bị cây để làm cột, thứ đến là nứa, lồ ô hay ván để lót sàn, rồi đến chuẩn bị dây mây, dây rừng và cây làm đòn tay, đòn dông... Bên cạnh chuẩn bị vật liệu, bà con còn chuẩn bị lương thực như lúa, gạo, thịt rừng và cả củ mì để làm rượu cần, để ngày dựng nhà người làng có cái ăn và cả thức uống.

Trưởng thôn Làng Zút 1 Phạm Văn Hải, chia sẻ: "Ngày xưa, trong làng có người làm nhà là cả làng vui, nhộn nhịp lắm. Già làng thường huy động đàn ông, trai tráng trong làng lên núi Nước Kê, Nước Sốc kiếm cây về làm nhà giúp cho gia chủ. Khi vật liệu đầy đủ, mỗi đàn ông đều trở thành người thợ đảm đang. Họ tập trung lại, người xẻ gỗ, đào lỗ chôn cột, người đập cây lồ ô thành miếng, kết thành tấm. Sau 3 ngày chuẩn bị vật dụng đầy đủ người làng cùng nhau hò dô dựng nhà. Còn phụ nữ, con gái thì cùng nhau nấu ăn cho gia đình và cả bà con đến giúp sức xây dựng. Nhờ giúp đỡ nhau nên nhiều ngôi nhà sàn xinh xắn cứ thế mọc lên bên sườn đồi.

Chuyện xây dựng nhà sàn ngày xưa đơn giản là thế nhưng chứa đầy tính nhân ái, tương trợ lẫn nhau. Bây giờ, dẫu truyền thống đoàn kết giúp nhau vẫn còn nguyên vẹn nhưng cây rừng thì không còn. Kể từ khi Nhà nước đã đóng cửa rừng, đồng bào có muốn làm nhà đều phải tận dụng gỗ vườn, hoặc lên núi xa. Nhiều người khẳng định: "Cây keo bây giờ có giá lắm, đường cái lại thông thương, rừng không còn thì bán cây nguyên liệu keo để dành mua ngói, mua xi măng đổ trụ cột làm nhà sàn". Chính vì cách nghĩ này, mà nếp nhà sàn của bà con ở thôn Làng Zút 1 vẫn cứ tồn tại theo năm tháng. Nó tồn tại một cách bền bỉ, chắc chắn, kiên cố, tọa lạc bên những sườn đồi.
 

Đồng bào H'rê sinh hoạt ở nếp nhà sàn tiện hơn nhà trệt (đánh chiêng, thổi kèn bên nếp nhà trong mùa xuân về). Ảnh: Trường An
Đồng bào H'rê sinh hoạt ở nếp nhà sàn tiện hơn nhà trệt. Ảnh: Trường An

Mùa xuân về, trên các nhà sàn ở các bản làng miền núi tỉnh Quảng Ngãi, đây đó đồng bào bày ra những ché rượu cần rồi quây quần bên nhau, đánh chiêng, hát, nhảy múa ca lêu. Hơi men bắt đầu ngấm vào cơ thể của người trai, đàn ông làng, họ nằm lăn ra sàn nhà ngủ say. Những người phụ nữ lại vào bếp nhà sàn lấy những món thịt được hong khói xuống chế biến thành những món ăn đặc trưng của núi rừng để giải rượu cho đàn ông. Không gian nhà sàn cứ thế mà tồn tại theo nếp sống sinh hoạt của đồng bào H'rê từ đời này qua đời khác như hồn thiêng của dân tộc mình.
 

Phó Chủ tịch UBND xã Ba Nam Nguyễn Chí Duy Minh Phụng cho biết: Ở xã Ba Nam chỉ có Làng Zút 1 bà con còn giữ nguyên vẹn nếp nhà sàn. Xã đã khuyến khích đồng bào trong thôn và cả trong xã nên phát huy, giữ gìn nếp nhà sàn truyền thống. Trong thời gian đến, xã có dự định bảo tồn nét văn hóa nhà sàn của người H'rê nhưng kinh phí có hạn, mong ngành chức năng, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi sớm hỗ trợ để nếp nhà sàn của bà con được giữ gìn mãi theo thời gian.

Trường An

Có thể bạn quan tâm

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Nhà văn Sơn Nam từng hóm hỉnh: "Là nhà văn thì phải chấp nhận nghèo, nếu viết văn để làm giàu thì ở Sài Gòn, dân Chợ Lớn làm hết rồi, không tới mình đâu". Tất nhiên, "ông già Nam bộ" chỉ nói đùa nhưng chuyện dân Chợ Lớn làm đủ mọi ngành nghề và đều ăn nên làm ra là có thật. Trong đó có nghề thợ bạc.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

(GLO)- Trong ngôi nhà nhỏ ở làng Ia Tum (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có 1 cặp vợ chồng đều trải qua “thời hoa lửa” Trường Sơn huyền thoại. Đó là ông Lê Đức Chinh (SN 1952) và bà Lê Thị Chỉnh (SN 1951). Ông Chinh hiện là Trưởng ban liên lạc Hội Truyền thống Trường Sơn huyện Đức Cơ.

Người mở cánh cửa hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Người mở cánh cửa hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Trong suốt câu chuyện, bác sĩ Bùi Ngọc Lan luôn nhắc, để có được những thành tựu trong việc chữa trị cho bệnh nhi ung thư là nhờ có teamwork (nhóm làm việc) mạnh, với nhiều bác sĩ giỏi từ các chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, ung thư, ngoại khoa, di truyền, giải phẫu bệnh...