Phép màu trên hành trình tìm con

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lấy nhau 8 năm không có con, 3 lần làm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm), những tưởng được làm cha, làm mẹ khi ông trời thương cho họ đậu thai. Nào ngờ, tới tháng thứ 6 của thai kỳ, người vợ gặp biến cố, nguy cơ phải cắt bỏ tử cung, đứa trẻ sinh non sau 2 ngày nằm trong lồng ấp đã vĩnh viễn rời xa cha mẹ…
Với nhiều người, có được mụn con tương đối thuận lợi, nhưng với 10 cặp vợ chồng là quân nhân mà chúng tôi gặp, điều đó lại là ước mơ thật xa vời. Trên hành trình gian nan đi tìm con của họ, chúng tôi được nghe nhiều tâm sự khắc khoải, những câu chuyện đau đớn đến bật khóc…Với họ, không có khát khao nào hơn là có tiếng cười trẻ thơ trong nhà, được một lần làm cha, làm mẹ.
“Niềm hạnh phúc nghe tiếng tim đập của con đã xa vời”
Người phụ nữ gầy gò trong bộ quân phục, đôi mắt buồn vời vợi, ít ai nghĩ rằng, chị đã phải trải qua bao biến cố của cuộc đời, đã từng mắc trầm cảm khi đứa con mong mỏi suốt 8 năm chạy chữa phải sinh non và ra đi mãi mãi. Đó là Thượng úy Nguyễn Thị Hạnh, công tác tại Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng). Mấy ngày nay, chị và chồng – Thượng úy Ngô Văn Cường (cùng đơn vị công tác) ra Hà Nội chăm mẹ chị Hạnh điều trị ung thư tại Bệnh viện K.

Gia đình Thiếu tá Hoàng Đức Cảnh hạnh phúc với “trái ngọt” là 2 bé gái sau 8 năm hiếm muộn.
Gia đình Thiếu tá Hoàng Đức Cảnh hạnh phúc với “trái ngọt” là 2 bé gái sau 8 năm hiếm muộn.
Dù ốm yếu, nhưng bà vẫn luôn canh cánh thương con gái hiếm muộn nhiều năm. Kết hôn năm 2014, sau một thời gian dài không có con, vợ chồng chị đi khám thì phát hiện anh Cường tinh trùng yếu. Chạy chữa khắp nơi, 3 lần làm IVF thì 2 lần chuyển phôi thất bại, lần thứ 3 họ làm tại Bệnh viện Tâm Anh thành công. “Hay tin vợ đậu thai, tôi mừng lắm. Chúng tôi mong ngày mong đêm thai vào tử cung, rồi lại mong ngóng đến ngày siêu âm nghe thấy tim thai… Cứ chờ đợi từng bước như vậy”, anh Cường nói. Ở Hà Nội theo dõi thai đến tháng thứ 5, chị Hạnh gọi điện cho chồng muốn về nhà. “Tôi đồng ý cho vợ về quê và không ngờ đó là sai lầm rất nghiêm trọng”, anh Cường day dứt kể lại.
Vào tháng thứ 6 của thai kỳ, trong một đêm, chị Hạnh đau bụng dữ dội, anh Cường tức tốc đưa vợ đến Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc cách nhà 10km cấp cứu. Siêu âm có dịch trong ổ bụng, phải cấp tốc chuyển bệnh nhân ra TP Vinh. Anh Cường ôm vợ suốt chặng đường dài 100km và chỉ biết cầu nguyện. “Nhưng tới nơi, vợ tôi được chẩn đoán có nguy cơ vỡ tử cung, buộc phải cho sinh nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng cả hai mẹ con, mọi thứ như sụp đổ trước mắt”, anh Cường buồn rầu kể lại. Đối với anh, ký ức đêm cấp cứu đó mãi là nỗi đau không thể nào quên. Khi bồng con trên tay để mang sang Bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An nằm lồng ấp, người đàn ông mạnh mẽ là thế mà lúc này như thấy mình lạc trong bóng tối mờ mịt, chỉ biết nguyện cầu cho sinh linh bé nhỏ có sức mạnh kiên cường để vượt qua cửa ải sinh – tử, dẫu rằng anh biết đây là điều khó khăn đến nhường nào với một em bé còn quá non tháng.
Và lời nguyện cầu đó đã không thành. Sau 2 ngày, đứa con mà họ mong mỏi suốt nhiều năm tìm kiếm, sức khỏe xấu đi rất nhanh. Vào thăm con lần cuối, người cha nước mắt giàn giụa vỗ về con, chà vào lòng bàn tay bé nhỏ của con, thấy con có phản xạ, anh khẽ nói: “Con cố lên, mẹ sắp sang với con rồi”. “2 giờ sáng, nhận được điện thoại của bác sĩ, nói con đã mất. Lúc đó tôi sụp đổ tất cả. Biết nói thế nào với vợ đây, cô ấy rất yếu, không thể chịu đựng nổi”, anh Cường đau xót nhớ lại. Và quả thật, mất con, chị Hạnh đau khổ đến cùng cực. Người mẹ lâm vào trạng thái ngơ ngẩn, rồi trầm cảm. “Bao khó khăn cũng vì con mà vượt qua tất cả. Năm 2018 được nghe nhịp tim đập của con thấy rất hạnh phúc. Nhưng từ đó đến giờ, niềm hạnh phúc đó đã xa vời với vợ chồng mình”, chị Hạnh nghẹn ngào.
Sau khi con mất được 1 tháng, anh Cường lại tái phát bệnh viêm đa dây thần kinh, phải đi điều trị dài ngày. Từ đó đến nay đã 4 năm trôi qua, vợ chồng họ chưa có tin vui, cũng không còn tiền để tiếp tục làm IVF. Cách đây một tuần, họ nhận được tin vui, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội miễn phí 100% thụ tinh trong ống nghiệm cho anh chị. Cả hai vợ chồng ôm nhau khóc, niềm hy vọng lại thắp lên sau nhiều năm tuyệt vọng.

Vợ chồng Thượng úy Ngô Văn Cường chia sẻ hành trình đầy gian nan suốt 8 năm đi tìm con tại chương trình “Hạt mầm khát vọng”.
Vợ chồng Thượng úy Ngô Văn Cường chia sẻ hành trình đầy gian nan suốt 8 năm đi tìm con tại chương trình “Hạt mầm khát vọng”.
Thắp lên niềm hy vọng
Cũng hiếm muộn 8 năm như vợ chồng chị Hạnh, vợ chồng Thượng úy Sùng A Dình (34 tuổi, công tác tại Đồn Biên phòng huyện Mường Nhé, Điện Biên) và chị Hờ Thị Vá (30 tuổi, ở bản Nậm Sa, huyện Mường Nhé), đã 1 lần làm IVF nhưng không thành công. Năm 2014 họ kết hôn, ngay sau đó anh Dình được điều động công tác đến nước bạn Lào, sau đó là các điểm bản xa, thời gian xa nhà đằng đẵng nên nghĩ rằng vì thế mới hiếm muộn. Nhưng sau khi được chuyển công tác về gần nhà mà mãi vẫn chưa có con, đi khám mới biết, nguyên nhân phần lớn do anh. Kể từ đó, tháng nào anh cũng xuống Hà Nội điều trị theo lịch hẹn của bác sĩ. Khi làm IVF, vợ chồng họ phải vay ngân hàng 200 triệu và hồi hộp chờ đón may mắn. Nhưng số phận đã không mỉm cười với họ, lần IVF này không thành công, hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc. Không còn tiền để tiếp tục làm IVF, họ động viên nhau trả nợ rồi tính tiếp.
Năm 2021, đơn vị của anh Dình thông báo có chương trình hỗ trợ quân nhân 20% làm IVF. Dù rất mong mỏi tìm kiếm mụn con, song vợ chồng họ không biết lấy đâu ra tiền để tiếp tục hành trình gian nan này. “Hôm 27/11 vừa qua, tôi nhận tin mình được hỗ trợ 100% làm IVF thì mừng quá, điện thoại ngay cho vợ, cô ấy hỏi đi hỏi lại có thật không. Hiện nay khoa học phát triển, tôi hy vọng ước mơ có được con của chúng tôi sẽ thành hiện thực”, anh Dình chia sẻ.
Cùng niềm vui giống vợ chồng anh Dình, anh Cường, còn là 8 gia đình quân nhân khác được nhận hỗ trợ 100% thụ tinh trong ống nghiệm. Có người đóng quân ở hải đảo, có người ở tận biên giới xa xôi, thời gian về nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Với người bình thường, điều trị vô sinh, hiếm muộn đã rất khó khăn, nhưng đối với quân nhân, thì việc chạy chữa lại càng khó khăn gấp bội. Mặc dù lấy nhau mới 4 năm, song vợ chồng Trung úy trẻ Phan Tuấn Anh và Đỗ Thị Lan (Cao Phong, Hòa Bình) lại khao khát tiếng cười trẻ thơ đến cháy bỏng. Biết nguyên nhân hiếm muộn từ mình, Tuấn Anh đã rất sốc. Mỗi lần đi khám, lại thêm một lần suy sụp vì bác sĩ đánh giá tình trạng lại xấu đi. Có những lúc, trung úy trẻ nghĩ, hay là từ bỏ, giải thoát cho vợ, để cô ấy bớt khổ. Song, tình yêu của Lan đã giúp chồng có thêm nghị lực và niềm tin trên con đường chạy chữa. “Chúng em đã tính đến làm IVF rồi nhưng chưa có tiền. Đúng ngày em định ra ngân hàng để thế chấp vay tiền thì lại may mắn được chọn là 1 trong 10 cặp vợ chồng thụ tinh miễn phí. Em vừa đi về vừa khóc về nhà báo tin cho vợ. Chúng em rất hy vọng may mắn lại đến để chúng em có được mụn con”, Tuấn Anh nói.

Hai cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn nhiều năm hạnh phúc khi được nhận làm IVF miễn phí, tiến gần tới ước mơ được làm cha, làm mẹ.
Hai cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn nhiều năm hạnh phúc khi được nhận làm IVF miễn phí, tiến gần tới ước mơ được làm cha, làm mẹ.
Hạnh phúc đón trái ngọt
ThS.BS Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, đây là năm thứ 2 Bệnh viện triển khai chương trình hỗ trợ 100% chi phí thực hiện IVF cho các gia đình quân nhân hiếm muộn. Với đặc thù thường xuyên xa gia đình, thực hiện nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi biên cương, hải đảo… đứa con chính là sợi dây gắn kết giữa những người lính với hậu phương nơi quê nhà. Từ tháng 5/2021, Bệnh viện đã triển khai chương “Yêu thương lan tỏa” để hỗ trợ quân nhân hiếm muộn và phối hợp với Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội xét duyệt hồ sơ. Năm đầu tiên triển khai (2021), đã có 6 em bé chào đời, 3 cặp vợ chồng đang chờ sinh con, số còn lại đang chờ chuyển phôi. Năm nay, sau quá trình tổng hợp, xét duyệt hồ sơ công tâm, hội đồng chuyên môn Bệnh viện đã quyết định hỗ trợ miễn phí IVF cho 10 gia đình quân nhân hiếm muộn trong toàn quân.
Hiếm muộn đã 8 năm, 3 lần sảy thai, vợ chồng Thiếu tá Hoàng Đức Cảnh (Sư đoàn 316) và chị Đặng Thị Hoài Trang (Đoan Hùng, Phú Thọ) đã lặn lội đi thăm khám tại nhiều bệnh viện để tìm con. Có những lúc, mệt mỏi quá, họ nghĩ, hay là từ bỏ. Nhưng khát khao có tiếng cười trẻ thơ lại tiếp cho họ thêm động lực trên hành trình tưởng chừng vô vọng. Là gia đình hiếm muộn lâu năm nhất trong đơn vị, vợ chồng họ được đồng nghiệp động viên, quyết định làm hồ sơ và may mắn được xét duyệt. Vợ chồng anh chị bắt đầu quá trình điều trị tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn. 3 tháng sau, hạnh phúc đã mỉm cười khi chị Trang đậu thai ngay ở lần chuyển phôi đầu tiên. Vào ngày 2/11/2022, hai bé gái xinh xắn, đáng yêu của cặp vợ chồng quân nhân đã chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của hai bên gia đình.
Trong ngôi nhà nhỏ ở bản Nậm Ké, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, vợ chồng Thượng úy Vừa A Ninh (Đội trưởng Đội trinh sát, Đồn Biên phòng Na Cô Sa, Điện Biên) đang hạnh phúc chuẩn bị đón đứa con đầu lòng chào đời. Kết hôn năm 2017, do đặc thù công việc, chồng là Bộ đội Biên phòng, vợ là giáo viên mầm non, cả hai thường xuyên phải làm việc tại các điểm bản xa, nên cơ hội có con càng khó khăn. Hiếm muộn đã 5 năm, nhưng do chưa có điều kiện, họ không thể làm IVF. Tết năm 2021, họ được làm thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí ở Bệnh viện Nam học. “Trái ngọt” đầu tiên đã đơm hoa kết trái với gia đình người chiến sĩ biên phòng. Sau bao nhiêu khó khăn, hy vọng rồi lại thất vọng trong hành trình đi tìm con, hạnh phúc đã mỉm cười khi chỉ còn ít ngày nữa, vợ chồng Thượng úy Ninh được cảm nhận hạnh phúc thiêng liêng làm cha mẹ.
Câu chuyện của các gia đình quân nhân nhận hỗ trợ miễn phí IVF đã có trái ngọt trong năm 2021 đã là nguồn động lực cho các gia đình hiếm muộn khác đang khắc khoải mong con vừa bắt đầu vào hành trình tìm con. Có thể, điểm khởi đầu sẽ vô cùng gian nan, khó khăn, vất vả, tưởng chừng sẽ phải bỏ cuộc, nhưng với tình yêu thương, sự chia sẻ của cộng đồng, với niềm tin và sự kiên trì, thì phép màu sẽ đến.
Theo Trần Hằng (cand.com.vn)

https://antg.cand.com.vn/Khoa-hoc-Ky-thuat-hinh-su/phep-mau-tren-hanh-trinh-tim-con-i677089/

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.