(GLO)- Ngày 10-8, tại TP. Pleiku, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Phát huy vai trò người tiêu biểu có uy tín các dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong việc tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn, cùng đại diện Ban Dân vận Trung ương, Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Về phía tỉnh có đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hồ Văn Điềm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Nữ Thu Hà, đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cùng 40 đại biều là cá nhân tiêu biểu trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên.
Vẹn nguyên giá trị tư tưởng đại đoàn kết
Đề dẫn buổi tọa đàm do Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bà Bùi Thị Thanh trình bày và phát biểu chào mừng của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Dương Văn Trang - đại diện lãnh đạo địa phương diễn ra, đã nhấn mạnh: Việt Nam là quốc gia đa dân tộc. Trong tiến trình phát triển lịch sử, 53 dân tộc thiểu số (DTTS) trong đại gia đình 54 dân tộc chung sống trên đất nước Việt Nam đã đoàn kết gắn bó, chung sức, đồng lòng, sát cánh bên nhau dựng nước và giữ nước, làm nên lịch sử vẻ vang và truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã xác định công tác dân tộc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc. Để tập hợp, đoàn kết các dân tộc, ngay sau ngày độc lập, Đảng và Bác Hồ đã tổ chức 2 Đại hội đại biểu các DTTS ở hai miền Nam - Bắc để biểu dương truyền thống đoàn kết và động viên tinh thần yêu nước của đồng bào các DTTS đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và xây dựng đất nước.
Cách đây 70 năm, Đại hội các DTTS miền Nam được tổ chức tại Pleiku (tỉnh Gia Lai) vào ngày 19-4-1946. Bác Hồ đã gửi thư chúc mừng Đại hội: “Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào. Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Êđê, Xê Đăng hay Bahnar và các DTTS khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc của chúng ta và con cháu chúng ta”. Bức thư thể hiện tất cả tâm huyết, tình cảm thiết tha của Đảng, của Bác đối với các DTTS.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.N |
Bức thư như lời hiệu triệu, khích lệ hàng triệu con tim đồng bào DTTS miền Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng đoàn kết đi theo Đảng, Bác Hồ, làm nên biết bao kỳ tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Qua đó, Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh cũng đã biểu dương 40 đại biểu người uy tín, đại diện cho gần 5 ngàn người tiêu biểu có uy tín cụm thi đua Tây Nguyên, là những bông hoa tươi thắm nhất trong rừng hoa “người tốt, việc tốt” của khối đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên dự hội thảo.
Quan tâm chính sách dân tộc và người uy tín
Tham luận của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam của 5 tỉnh Tây Nguyên, cùng các đại diện người uy tín trong đồng bào DTTS Tây Nguyên như ông A Kheoh (dân tộc Bahnar, Bí thư Chi bộ thôn Kon Drei, xã Đak Blà, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum), ông Y Bhem Knul (dân tộc Ê Đê, Chủ tịch Hội người cao tuổi huyện Krông Pắc, tỉnh Đak Lak), ông Ra Lan Juk (dân tộc Jrai, Trưởng ban công tác Mặt trận làng Chuét 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku), bà Tạ Thị Trúc Mai (dân tộc Hoa-thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng)..., đã nêu bật trong những năm qua, người tiêu biểu có uy tín đã gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước gắn liền với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tích cực trong công tác vận động quần chúng chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; thực hiện định canh-định cư, chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp tăng hiệu quả sản xuất, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, thôn, làng, khu dân cư văn hoá và gia đình văn hóa.
Bên cạnh đó, đã tích cực vận động đồng bào xóa bỏ những tập tục lạc hậu trong sản xuất và đời sống, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các DTTS; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác hòa giải, xây dựng quỹ “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, vận động đồng bào DTTS trong các tôn giáo sống “Tốt đời-Đẹp đạo”. Thông qua đó, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững quốc phòng an ninh, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên ngày càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước...
Các chính sách dân tộc của Nhà nước đã được các tỉnh Tây Nguyên triển khai kịp thời, phát huy hiệu quả, nhiều đổi thay cho bộ mặt nông thôn, vùng DTTS. Chương trình định canh định cư đã tạo điều kiện cho hộ đồng bào DTTS ổn định chỗ ở, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Chương trình 135 đã tác động tích cực đến phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn. Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đã cơ bản theo mục tiêu đề ra.
Chính sách giải quyết đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt đã đạt được kết quả nhiều mặt, tạo những tiền đề quan trọng để ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân. Các tỉnh đã triển khai đầu tư hỗ trợ toàn diện về giáo dục, y tế, văn hóa, vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ pháp lý và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, công tác giảm nghèo đạt được những kết quả đáng kể. Cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân ở vùng DTTS ngày càng được cải thiện và nâng cao... Qua đó tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, góp phần đảm bảo tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cần phải tập trung giải quyết. Ý kiến của Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai Lâm Thế Tổng, hay phần trao đổi kiến nghị của các cá nhân như ông Điểu Gưu (dân tộc M’Nông, già làng, Trưởng ban chức việc đạo Công giáo tại Bon Bu Sê Rê 1, xã Đak Ru, huyện Đak R’lấp, Đak Nông), bà Y Pan (dân tộc Brâu, Trưởng Ban Công tác Mặt trận của thôn Đak Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), cùng nhiều ý kiến khác đã đề cập sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng DTTS còn chậm và thiếu tính ổn định, đời sống của đồng bào các DTTS nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn cao. Bên cạnh đó là một số bất cập hạn chế và chưa đồng bộ, dàn trải trong các chính sách đầu tư cho y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, xóa đói giảm nghèo... đối với vùng DTTS cần được Trung ương và các tỉnh tiếp tục xem xét điều chỉnh trong thời gian tới. Đặc biệt các ý kiến cũng phản ánh, địa bàn Tây Nguyên cũng là khu vực mà các thế lực thù địch luôn lợi dụng các vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” để phá hoại khối đoàn kết các dân tộc, nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số địa phương vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, thiếu ổn định...
Tiếp tục phát huy vai trò người uy tín ở Tây Nguyên
Phát biểu trao đổi và ý kiến chỉ đạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã tiếp tục khẳng định: Tây Nguyên là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên giàu lòng yêu quê hương, đất nước, luôn tin, nghe theo Đảng và Bác Hồ đoàn kết, anh dũng, sát cánh cùng nhân dân cả nước kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, giải phóng đất nước. Những tên đất, tên người của Tây Nguyên đã đi vào lịch sử dân tộc, cùng với nhân dân cả nước lập nên một kỳ tích vĩ đại-giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Do vậy, tọa đàm lần này là dịp phát huy vai trò người tiêu biểu có uy tín các DTTS ở Tây Nguyên trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc nhằm tiếp tục đã nhấn mạnh ý nghĩa sâu sắc tư tưởng đại đoàn kết các dân tộc trong thư Bác Hồ, tình cảm và sự quan tâm của Người đối với đồng bào các DTTS miền Nam và Tây Nguyên.
Cùng với lắng nghe, trao đổi, giải đáp những mặt tồn tại, hạn chế trong thực hiện chế độ chính sách cho người có uy tín nói riêng, các chính sách dân tộc nói chung, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã biểu dương tỉnh Lâm Đồng là địa phương có số lượng người có uy tín nhiều nhất trong khu vực Tây Nguyên. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ 5 tỉnh Tây Nguyên cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét, xây dựng, phát triển số lượng và chất lượng đội ngũ người có uy tín ở các cấp. Nên xem xét đội ngũ các già làng đương nhiên phải được công nhận là người uy tín. Nên tổ chức gắp mặt người uy tín ở cấp tỉnh 2 năm 1 lần và cấp huyện 1 năm 1 lần. Quan tâm đời sống, cũng như có chính sách động viên khen thưởng thường xuyên đối với người uy tín. Chú trọng bảo vệ an toàn cho người uy tín làm nhiệm vụ ở vùng biên giới và ở những địa bàn tiềm ẩn yếu tố nguy hiểm...
Cùng với tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung và phương thức hoạt động MTTQ Việt Nam các cấp, hướng mạnh các hoạt động của MTTQ các cấp về cơ sở và khu dân cư, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị MTTQ cơ sở phải luôn gắn bó với già làng và người uy tín. Đồng thời qua đó xây dựng và nhân rộng các mô hình xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS, phòng-chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự. Chú trọng chính sách thông tin cho người uy tín-nhất là tuyên truyền phổ biến chủ trương chính sách, pháp luật, thông tin thời sự, cấp phát báo chí và tài liệu..., góp phần tạo điều kiện để đội ngũ người uy tín và tiêu biểu trong đồng bào DTTS làm tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đấu tranh với các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, cùng các âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh.
Qua đó, tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước và địa phương, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2019.
Thanh Nhật