Phân chia quyền lực và tiền bạc của vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vẫn chưa thể định đoạt số phận của Trung Nguyên khi bà Thảo đòi 20% cổ phần để cấp dưỡng cho 4 người con, còn ông Vũ chỉ đồng ý 20% cổ tức.
Mới đây, ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên) thêm lần nữa xuất hiện tại phiên tòa hòa giải vụ ly hôn với vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Điều đáng chú ý là việc phân chia tài sản khi ly hôn.
Theo đó, số tài sản bao gồm bất động sản, tiền mặt, các tài sản tương đương với tiền mặt (đá quý, sổ tiết kiệm, ngoại tệ,…) và cổ phần trong công ty chung. Việc phân định các loại tài sản khá dễ dàng, trừ vấn đề cổ phần. 
Trước đó, trong buổi hòa giải ngày 3/8, tại TAND TP HCM, bà Thảo yêu cầu được nuôi dưỡng 4 người con chung, còn ông Vũ cấp dưỡng mỗi người con là số cổ phần với tỉ lệ 5%. Như vậy, ông Vũ sẽ phải chia lại 20% số cổ phần của mình tương ứng với 4 người con.
Nguồn: BCTC Đầu tư Trung Nguyên
Nguồn: BCTC Đầu tư Trung Nguyên
 
Trong khi đó, ông Vũ lại cho biết ông yêu cầu được nuôi dưỡng 4 người con chung, không yêu cầu bà Thảo cấp dưỡng, nhưng quyết định cuối cùng nằm ở nguyện vọng của các con.
Trong trường hợp các con muốn sống với mẹ và tòa án phán quyết cho bà Thảo nuôi dưỡng 4 người con chung, ông Vũ đề nghị cấp dưỡng cho mỗi người con 5% số cổ tức của ông, tương ứng với 20% số cổ tức cho 4 người. Ông Vũ cũng sẽ cấp dưỡng nuôi cho cho đến khi thành niên, tốt nghiệp đại học.
Sự khác biệt về cổ phần và cổ tức là rất rõ. Số phận của Trung Nguyên sau này cũng phụ thuộc vào cách thức chia lại số cổ phần của ông Vũ và bà Thảo khi ly hôn.
Thông tin cho thấy số cổ phần của ông Vũ vượt trội bà Thảo ở Trung Nguyên. Vì vậy có thể hiểu tranh chấp nhiều năm qua nằm ở vướng mắc này.
Theo đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên được “nâng cấp” từ công ty khởi đầu của ông Vũ vào năm 1996. Tuy nhiên, đến năm 2009, Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên được thành lập và khi đó, 2 vợ chồng mới cấu trúc lại tài sản công ty theo kiểu “công ty sở hữu công ty”.
Cụ thể, sở hữu CTCP Tập đoàn Trung Nguyên bao gồm ông Vũ (20%) và bà Thảo (10%) và Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (70%).
Đầu tư Trung Nguyên sở hữu các công ty con như Tập đoàn Trung Nguyên (70% như đã nêu), Công ty Đầu tư Du lịch Đặng Lê và Công ty Vũ Nguyên Đăk Nông.
Đây là cơ cấu sở hữu kiểu hiện đại, không chỉ tách quyền sở hữu công ty, ông Vũ và bà Thảo cũng chuyển thương hiệu sang cho Đầu tư Trung Nguyên sở hữu, bao gồm các nhãn hàng, nhãn hiệu công ty, cà phê hạt, cà phê chuỗi, cà phê hòa tan.
Xét về cơ cấu sở hữu của Đầu tư Trung Nguyên hiện nay, tính đến cuối năm 2017, các cổ đông bao gồm có ông Vũ (61,66%), bà Ước năm 6,68% (mẹ ông Vũ), và bà Thảo là 30%.
Như vậy, tổng số cổ phần của 2 vợ chồng là 91,66%, nếu chia đôi thì mỗi người có 45,83% cổ phần trong Đầu tư Trung Nguyên. Bà Thảo vì thế vẫn có quyền phủ quyết những quyết định của công ty này, tức ảnh hưởng đến Trung Nguyên nói chung.
Bây giờ, nếu ông Vũ chia 20% cổ phần cho các con như đề nghị của bà Thảo, thì số cổ phần của ông Vũ giảm đáng kể, chỉ còn 32,51% (tính cả mẹ ông Vũ). Còn bà Thảo có cơ hội ra quyết định khi sức mạnh của ông Vũ đã giảm đáng kể.
Trước đó, hai vợ chồng xảy ra nhiều tranh chấp liên quan đến công ty này, từ đó dẫn đến nhiều vụ kiện hành chính, kinh tế giữa hai vợ chồng ông Vũ. Nếu bà Thảo khởi kiện về việc bị bãi nhiệm không hợp lệ thì ông Vũ cũng đi kiện bà vì bị chiếm đoạt con dấu của Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên, công ty mấu chốt trong vụ tranh chấp tài sản được định giá cả nghìn tỷ đồng.
Dũng Nguyễn (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.