Phạm nhân Trại giam Gia Trung mong mỏi ngày về...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trại giam Gia Trung (Bộ Công an) một ngày cuối tháng 8 bỗng nô nức tiếng cười vui xen lẫn nỗi nghẹn ngào. Đó là ngày đơn vị tổ chức hội nghị đại biểu gia đình phạm nhân với sự tham gia của hàng trăm phạm nhân cùng thân nhân của họ. Những người mẹ, người cha, người vợ đã có dịp thăm hỏi phạm nhân và càng vui mừng khôn xiết khi biết người thân của mình đang phấn đấu từng ngày trong nỗi khắc khoải mang tên “ngày về”.
Chị S.H. (SN 1996, trú tại xã An Phú, TP. Pleiku) dáo dác tìm chồng trong hàng trăm người mặc chiếc áo phạm nhân. Trên tay chị là đứa con gái mới hơn 2 tuổi. Cách đây gần 2 năm, chồng chị lãnh án 4 năm 5 tháng tù do đua đòi cùng chúng bạn ăn chơi sa đọa rồi túng thiếu dẫn đến cướp giật tài sản. Ngày chồng bị bắt, con gái chị còn đỏ hỏn. Một mình gồng gánh nuôi 2 đứa con (bé gái đầu hơn 4 tuổi), nhiều lúc chị tưởng chừng gục ngã bởi hoàn cảnh khó khăn, may thay còn có sự động viên, hỗ trợ phần nào của hai bên gia đình. “Thấy 3 mẹ con khổ quá nên anh ấy cũng thương. Mỗi lần tôi vào thăm, anh đều nói hãy chờ anh về, rồi anh sẽ chăm chỉ làm ăn bù đắp cho gia đình. Những lần như vậy, cả vợ chồng con cái đều khóc. Tôi mong anh ấy rèn luyện tốt, học lấy cái nghề để khi trở về có việc làm ổn định. Hy vọng anh ấy được giảm án để sớm về với vợ con”-chị H. chia sẻ. 
Niềm vui xen lẫn cảm xúc nghẹn ngào của những phạm nhân khi được dùng bữa cơm gia đình. Ảnh: Văn Ngọc
Niềm vui xen lẫn cảm xúc nghẹn ngào của những phạm nhân khi được dùng bữa cơm gia đình. Ảnh: Văn Ngọc
Đại tá Nguyễn Đình Ba-Giám thị Trại giam Gia Trung: “Đơn vị luôn tạo điều kiện tốt nhất để thực hiện thắng lợi công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân. Cụ thể như việc giải quyết chính sách đúng, đủ; xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đời sống phạm nhân; tổ chức cho phạm nhân học tập và thực hiện việc giáo dục, cảm hóa. Công tác xét giảm án cũng được đơn vị đặc biệt quan tâm nhằm tạo không khí thi đua lao động, cải tạo. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tổ chức các hoạt động lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của phạm nhân cùng thân nhân trong gia đình để phối hợp giáo dục một cách hiệu quả hơn”. 

Để kịp bắt chuyến xe sớm nhất đến thăm chồng, chị L.T.S. (SN 1998, trú tại thị trấn Kbang) đã dậy từ 4 giờ sáng thu xếp đồ đạc rồi bế con theo. Chị ngậm ngùi kể: Cưới nhau xong, gia đình nhỏ của chị có thêm cậu con trai kháu khỉnh. Tưởng chừng hạnh phúc sẽ đến với đôi vợ chồng trẻ, nào ngờ một ngày chị S. bàng hoàng khi Công an đến bắt chồng chị vì đã gây ra một vụ trộm cắp tài sản. “Chỉ mong anh ấy sẽ tu chí hơn, vì con mà cố gắng cải tạo để sớm về đoàn tụ với gia đình. Sau này có khó khăn thì vợ chồng cùng cố gắng nuôi con, đói cho sạch, rách cho thơm. Chồng tôi cũng hứa với vợ, với con ra tù sẽ làm lại từ đầu. Tôi tin anh ấy sẽ làm được”-chị S. khấp khởi hy vọng.
Hơn 3 năm kể từ ngày Huỳnh Văn Tiến (SN 1993, trú tại phường An Phú, thị xã An Khê) bị bắt thì cũng là chừng ấy thời gian bà N.T.A. (mẹ Tiến) sống trong đau buồn. Đó là một ngày giữa tháng 8-2016, khi Tiến đi đánh bóng chuyền rồi xảy ra va chạm với anh C.N.Q.T. (SN 1990, trú tại xã Cư An, huyện Đak Pơ). Bực tức, anh T. đánh vào mặt Tiến dẫn đến xô xát, sau đó được mọi người can ngăn nên cả 2 ra về. Tuy nhiên, vì vẫn ấm ức  nên Tiến đã cầm dao đi tìm anh T. và chém nhiều nhát khiến anh này tử vong. 
Ngày Tiến lãnh mức án 13 năm tù, bà A. phải bán căn nhà đang ở để lo tiền đền bù cho gia đình nạn nhân. Mất nhà, bà về ở với gia đình con gái, còn vợ Tiến cùng cậu con trai chưa đầy 1 tuổi phải về ở nhà ngoại. Mọi thứ như đổ sụp trước mặt bà. Thấu hiểu nỗi đau của người mẹ già, Tiến thổ lộ: “Con đã gây ra tội ác, bất hiếu với mẹ. Con xin lỗi mẹ và mong mẹ cố gắng giữ gìn sức khỏe để chờ ngày con trở về. Con sẽ phấn đấu cải tạo thật tốt để sớm về với mẹ, với vợ con”. Nghe những lời thấu tận tâm can ấy, bà A. đã không kìm được những giọt nước mắt lăn dài trên gò má. Chồng mất sớm từ khi 2 con còn rất nhỏ, bà đã phải vượt qua nghịch cảnh để gồng gánh nuôi con. Nay con gây ra lỗi lầm, bà phải một lần nữa kiên cường vượt qua nỗi đau để chờ con trở về. “Các cán bộ trại giam nói rằng nó vào đây rất ngoan, chịu khó cải tạo, nghe vậy tôi cũng rất mừng. Còn lâu lắm mới đến ngày nó chấp hành án xong và hoàn lương, nhưng tôi sẽ chờ...”-bà A. trải lòng. 
 LÊ GIA

Có thể bạn quan tâm