PGS-TS Phạm Văn Linh: Gia Lai tiếp tục có những giải pháp phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Sáng 11-4, đoàn công tác Hội đồng Lý luận Trung ương đã làm việc, khảo sát quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và xây dựng các văn kiện Đại hội XIV của Đảng tại tỉnh Gia Lai.

PGS-TS Phạm Văn Linh-Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương, Trưởng Tiểu ban Văn hóa-xã hội và con người, Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Hội đồng Lý luận Trung ương làm trưởng đoàn công tác.

PGS-TS Phạm Văn Linh: Gia Lai tiếp tục có những giải pháp phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển bền vững  ảnh 1

PGS-TS Phạm Văn Linh nhấn mạnh một số nội dung mà đoàn công tác quan tâm. Ảnh: P.D

Làm việc với đoàn công tác, về phía tỉnh Gia Lai có Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy cùng các sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện lãnh đạo Trường Chính trị tỉnh và các Đảng ủy: Công an tỉnh, Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh.

Báo cáo tại buổi làm việc nêu rõ: Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Gia Lai cơ bản thực hiện tốt “mục tiêu kép”, các chỉ tiêu nghị quyết đề ra có khả năng đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, tốc độ tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (theo giá so sánh 2010) giai đoạn 2021-2023 đều tăng qua các năm; GRDP bình quân đầu người đạt 59,84 triệu đồng. Tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng-chống cháy rừng được quan tâm chỉ đạo; tỷ lệ che phủ rừng đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Sản xuất công nghiệp, các ngành dịch vụ, du lịch tiếp tục phục hồi, phát triển. Tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp tục thu hút các dự án đầu tư và hoạt động ổn định. Việc thực hiện 4 chương trình trọng tâm Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đạt nhiều kết quả tích cực.

Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, khoa học và công nghệ, thông tin truyền thông, giải quyết việc làm; chính sách đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội được triển khai có hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 31.502 hộ nghèo (chiếm 8,11%). Có 3 đơn vị cấp huyện đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 91 xã, 131 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới. Quốc phòng-an ninh được giữ vững; các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật. Công tác ngoại giao, hợp tác quốc tế, nhất là phối hợp với một số tỉnh của Lào, Campuchia tiếp tục được tăng cường. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm; việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ngày càng đi vào chiều sâu.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: P.D

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: P.D

Về thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm xây dựng, phát triển văn hóa, xã hội và con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng có nhiều chuyển biến tích cực. Việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động được đẩy mạnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh. Môi trường văn hóa từng bước được cải thiện, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các hủ tục gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước hạn chế, xóa bỏ. Văn hóa trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo được khuyến khích, nhất là công tác từ thiện, nhân đạo. Công tác nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn tỉnh được chú trọng. Việc bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm bằng nhiều hình thức... Nhờ đó, môi trường văn hóa có những thay đổi, chuyển biến rõ rệt, tạo được nét văn hóa mới theo định hướng vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc dân tộc.

Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới luôn được chú trọng. Việc tăng cường thông tin, đổi mới công tác tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực đã góp phần định hướng dư luận và ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành đã thông tin, làm rõ thêm những nội dung mà các thành viên đoàn công tác quan tâm. Đồng thời nêu kiến nghị, đề xuất Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao tại địa phương; tăng nguồn lực hỗ trợ đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa đối với khu vực nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; ban hành cơ chế, chính sách đặc thù nhằm bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh,...

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung cũng làm rõ thêm một số giải pháp của tỉnh trong việc nắm bắt tình hình tư tưởng và dư luận xã hội, việc giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, công tác đối ngoại trong tình hình mới,... Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổng hợp ý kiến từ đoàn công tác và tham mưu Thường trực Tỉnh ủy phân công các đơn vị liên quan tiếp tục cung cấp thông tin, làm rõ các nội dung mà đoàn quan tâm.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: P.D

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: P.D

Kết luận tại buổi làm việc, PGS.TS Phạm Văn Linh ghi nhận, đánh giá cao các kết quả mà tỉnh Gia Lai đã đạt được trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI cũng như việc chuẩn bị tài liệu, nêu ý kiến làm rõ các vấn đề mà đoàn công tác quan tâm. Đây đều là những vấn đề gợi mở, những tài liệu quan trọng để đoàn công tác tổng hợp và nghiên cứu chuyên sâu.

Trưởng đoàn công tác Hội đồng Lý Luận Trung ương nhấn mạnh: Gia Lai là vùng đất giàu tiềm năng về tự nhiên, sinh thái và hội tụ các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số. Do đó, mong muốn tỉnh tiếp tục có những giải pháp cụ thể nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài. Cùng với đó, tiếp tục quan tâm, gắn kết hơn nữa giữa việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, góp phần phát triển kinh tế-xã hội; lựa chọn các lĩnh vực phù hợp để tạo đột phá trong phát triển văn hóa; chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền về tôn giáo-dân tộc,... Mặt khác, tỉnh tiếp tục chú trọng việc bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ và tăng cường công tác phòng ngừa từ sớm, từ xa nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết 35.

Có thể bạn quan tâm