Nuôi bò nhốt chuồng: Lợi ích kép

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Mô hình nuôi bò nhốt chuồng đã mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi ở huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) khi không chỉ đạt hiệu quả kinh tế cao mà còn tận dụng được nguồn phân bón cho cây trồng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Giàu lên nhờ nuôi bò nhốt chuồng

Thời gian qua, nhiều hộ dân ở thị trấn Phú Hòa đã áp dụng thành công mô hình nuôi bò nhốt chuồng, mang lại nguồn thu nhập cao. Trên địa bàn thị trấn có trên 130 hộ nuôi bò nhốt chuồng với 1.173 con bò.

Có kinh nghiệm hơn 5 năm chăn nuôi bò nhốt chuồng, anh Phạm Thanh Huy (thôn 2) cho biết: Trước đây, gia đình anh chủ yếu chăn thả bò tại các vùng đồi hay dưới chân núi; nguồn thức ăn ít, chủ yếu là cỏ dại và lá rừng.

Việc nuôi bò chăn thả dễ gặp rủi ro bởi nguồn thức ăn, nước uống không đảm bảo, dễ bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Chưa kể, dịch bệnh và thời tiết khắc nghiệt cũng khiến vật nuôi bị ảnh hưởng. Sau một thời gian tìm hiểu, anh Huy quyết định chuyển đổi cách nuôi chăn thả kết hợp với nhốt chuồng.

Anh Phạm Thanh Huy (thôn 2, thị trấn Phú Hòa) đã áp dụng thành công mô hình nuôi bò nhốt chuồng. Ảnh: Đ.Y

Anh Phạm Thanh Huy (thôn 2, thị trấn Phú Hòa) đã áp dụng thành công mô hình nuôi bò nhốt chuồng. Ảnh: Đ.Y

Hiện gia đình anh Huy đang nuôi 40 con bò nhốt chuồng. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc, đàn bò phát triển tốt. Ngoài mua bò về nuôi vỗ béo để bán, anh còn lựa chọn những con bò giống chất lượng trong đàn để đáp ứng nhu cầu nhân đàn của các hộ dân.

“Việc nuôi bò nhốt chuồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi chăn thả rông. Mỗi năm, từ việc bán bò giống, bò vỗ béo, bò thịt mang lại thu nhập cho gia đình hơn 300 triệu đồng”-anh Huy cho biết.

Tương tự, gia đình ông Rơ Châm ALuynh (làng Jruang, xã Ia Ka) cũng là một trong những điển hình trong việc nuôi bò nhốt chuồng tại địa phương. Năm 2015, thấy một số hộ dân trên địa bàn huyện nuôi bò nhốt chuồng cho hiệu quả kinh tế khá cao, ông ALuynh liền học hỏi làm theo. Hiện gia đình ông có 30 con bò sinh sản. Ngoài nuôi để bán bê giống, ông còn nuôi thêm bò thịt.

“Tôi thấy việc nuôi bò nhốt chuồng không tốn nhiều công chăm sóc, tranh thủ được thời gian để làm công việc khác. Đàn bò lớn nhanh hơn, hạn chế được nhiều bệnh và rút ngắn thời gian sinh sản. Nhờ đó, gia đình có được nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm”-ông ALuynh khoe.

Ông Ksor Sum-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Ka-cho biết: “Mô hình nuôi bò nhốt chuồng phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Nhiều hộ dân đã nắm vững kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn bò; đồng thời, tận dụng đất vườn rộng hoặc chuyển đổi sang trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn chăn nuôi.

Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức các buổi tập huấn nhằm giúp người dân có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận được kỹ thuật chăm sóc bò”.

Góp phần bảo vệ môi trường

Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại, mô hình nuôi bò nhốt chuồng còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường. Trước đây, gia đình anh Nguyễn Ngọc Tâm (thôn 2, thị trấn Phú Hòa) nuôi bò theo kiểu chăn thả tự do, lượng chất thải không được kiểm soát nên gây ô nhiễm môi trường và gia tăng dịch bệnh. Từ năm 2015 đến nay, anh chuyển sang nuôi bò vỗ béo theo mô hình trang trại.

“Bên cạnh việc lựa chọn giống bò tốt, tôi chú trọng xây dựng chuồng trại đảm bảo quy định, đáp ứng tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, tạo không gian thoải mái cho bò phát triển, giảm thiểu các loại dịch bệnh”-anh Tâm nói.

Ông Võ Xuân Bảo-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Păh: Hiện nay, tổng đàn bò của huyện hơn 20.000 con, phần lớn là bò lai giống 3B. Thời gian qua, việc áp dụng nuôi bò nhốt chuồng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi mà còn góp phần giúp địa phương thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Với quy mô 80 con bò, trong quá trình chăn nuôi, anh Tâm luôn chú trọng trong việc xử lý chất thải. Anh sử dụng vôi bột và các chất tẩy rửa trong danh mục cho phép để tẩy rửa chuồng trại; nước thải tẩy rửa sau đó được xử lý đúng cách để đảm bảo vệ sinh môi trường. Lượng phân bò được đưa vào khu riêng biệt. Một phần xử lý vi sinh, vỏ cà phê ủ hoai để chăm sóc cây trồng; một phần anh đem bán cho các thương lái, mang lại nguồn thu tăng thêm cho gia đình mỗi năm khoảng 100 triệu đồng.

Cũng nhờ nuôi bò nhốt chuồng, gia đình anh Phạm Thanh Huy đã tận dụng được lượng phân bò để bón cho 1,5 ha cà phê và 1 ha sầu riêng, giảm đáng kể chi phí đầu tư sản xuất. “Phân bò rất phù hợp cho việc chăm sóc cây cà phê. Cũng nhờ đó mà 1,5 ha cà phê của gia đình tôi đang kinh doanh năm thứ 15 cho thu gần 7 tấn nhân. Nguồn phân dư, tôi bán cho các hộ dân khác thu được 70-80 triệu đồng/năm”-anh Huy phấn khởi nói.

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.