Nông dân Đak Krong thu nhập khá nhờ trồng dâu nuôi tằm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Vài năm nay, nhiều hộ dân xã Đak Krong (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã chuyển đổi vườn cà phê, hồ tiêu kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập khá.
Trước đây, gia đình ông Quách Văn Thủ (thôn 3, xã Đak Krong) mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ canh tác 4 sào hồ tiêu. Tuy nhiên từ năm 2017, vườn hồ tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm nên gia đình ông mất nguồn thu nhập chính, rơi vào cảnh khó khăn.
Đầu năm 2020, ông được người thân hướng dẫn cách trồng dâu nuôi tằm. Sau đó, ông Thủ cải tạo toàn bộ 4 sào hồ tiêu để trồng giống dâu Bầu Đen mua từ tỉnh Lâm Đồng với giá 7.000 đồng/kg hom giống. Ông tận dụng hệ thống béc phun nước tự động của vườn hồ tiêu để tưới nên cây dâu phát triển rất nhanh.
Khi vườn dâu đã vươn cao, ra lá xanh tốt, ông Thủ mua 1 hộp tằm giống từ Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang về nuôi. Vừa nuôi, vừa học hỏi kinh nghiệm nên tằm phát triển tốt. Sau 15 ngày chăm sóc, lứa tằm đầu tiên ông thu được 48 kg kén, bán với giá 74.000 đồng/kg.
Ông Thủ cho hay: “Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên tôi cũng hơi lúng túng trong việc chăm sóc. Vì vậy, sản lượng kén thu được chưa cao. Sau khi tham quan vườn dâu tằm của người dân trong xã, tôi học hỏi thêm kinh nghiệm nên sản lượng và chất lượng kén thu được tăng lên”.
Trong khuôn viên chừng 36 m2, ông kê chạn gác nong nuôi tằm. Mỗi ngày, ông cho tằm ăn lá dâu 4-5 lần. Theo ông Thủ, cho tằm ăn càng nhiều thì năng suất kén thu được càng cao. Con tằm cũng ít bị nhiễm bệnh.
Bà Đào Thị Huề (làng Đê Hóch) chăm sóc tằm. Ảnh: R'Ô Hok
Bà Đào Thị Huề (làng Đê Hóch) chăm sóc tằm. Ảnh: R'Ô Hok
Cũng theo ông Thủ, điều kiện thời tiết và đất đai ở địa phương rất phù hợp với việc trồng dâu nuôi tằm. Ông tận dụng nguồn chất thải từ con tằm rồi bón lại cho cây dâu. Ngoài ra, ông còn nuôi gà thả trong vườn dâu. Đến nay, gia đình ông đã xuất bán 3 lứa tằm và thu được hơn chục triệu đồng. “Trồng dâu nuôi tằm hàng tháng thu nhập đều đặn và có thêm thời gian nhàn rỗi thì mình làm việc khác nữa”-ông Thủ cho hay.
Tương tự, hộ bà Đào Thị Huề (làng Đê Hóch) cũng trồng dâu nuôi tằm gần một năm nay. Bà Đào chia sẻ: Tháng 5-2019, bà phá bỏ 5 sào hồ tiêu bị bệnh chết chuyển sang trồng dâu. Vài tháng sau, cây dâu phát triển thì nhập giống tằm từ Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang về nuôi. Bà tận dụng 20 m2 sàn nhà để kê chạn gác nong tằm.
Sau 1 năm, bà Huề đã nuôi tằm ổn định; bình quân mỗi tháng thu hoạch 2 lứa khoảng 120 kg kén. Nhờ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mang Yang nên bà bán ổn định với giá 120.000 đồng/kg, mỗi tháng thu về 14 triệu đồng.
“Tôi thấy nuôi tằm không vất vả, giá cả lại ổn định hơn cà phê và hồ tiêu. Sắp tới, tôi sẽ mở rộng thêm diện tích vườn dâu và quy mô nhà xưởng để tăng nguồn thu nhập cho gia đình”-bà Huề cho hay.
Trao đổi với P.V, bà Vũ Thị Diệu Dung-Chủ tịch Hội Nông dân xã Đak Krong-cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã hỗ trợ bà con lập dự án để Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương cung cấp 450 triệu đồng cho các hộ trong xã vay đầu tư sản xuất. Trong đó, mỗi hộ trồng dâu nuôi tằm được vay 4-5 triệu đồng trong thời gian 2 năm. Toàn xã có hơn 10 hộ trồng dâu nuôi tằm với diện tích dâu trên 5 ha. Sắp tới, Hội nông dân xã sẽ tiếp tục tuyên truyền cho các hộ dân chuyển đổi diện tích hồ tiêu bị chết sang trồng dâu nuôi tằm để có nguồn thu nhập ổn định”.  
R’Ô HOK

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.