Nỗi buồn trên cây cầu treo dây võng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Là cây cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam cho đến thời điểm này (dài 1.856m), cầu Thuận Phước nhìn từ trung tâm thành phố Đà Nẵng như dải lụa dài nên thơ bắc qua điểm cuối sông Hàn đổ ra biển. Cầu là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng cũng như sự mến mộ của du khách. Nhưng tần suất gia tăng các vụ gieo mình tự vẫn tại đây khiến bao người lo ngại.
Bài 1: Đồn thổi về “cây cầu xóa nợ”
Đã không có trường hợp nào sống sót khi nhảy cầu Thuận Phước. Bởi, cầu được thiết kế với độ tĩnh không thông thuyền lên đến 27m, nếu nhảy từ lan can cầu xuống sông Hàn thì độ cao lên đến khoảng 30m. Có lẽ vì nơi đây thường xuyên xảy ra các vụ nhảy cầu, chủ yếu do nợ nần từ việc cá độ bóng đá các mùa World Cup, Euro khiến Thuận Phước một dạo chết danh là “cây cầu xóa nợ”.
Ông Trịnh Văn K (trú ở phường Thuận Phước) là hàng xóm của nạn nhân trong vụ nhảy cầu Thuận Phước sáng 8/3 tâm sự "Khi thi thể được đưa về nhà làm đám tang, nhiều đêm, tôi vẫn nghe tiếng khóc than đau lòng vọng lại “Tại sao vậy con”, “Sao lại bỏ mẹ mà đi”… Là một người cha của 2 đứa con, tôi thấm thía được nỗi đau xé lòng của bậc làm cha làm mẹ".
Cầm trên tay tệp hồ sơ các vụ nhảy cầu mới đây, đại úy Vũ Minh Khoa - Trưởng Công an phường Thuận Phước (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: Chưa khi nào, tần suất nhảy cầu nhiều dồn dập đến thế. Chỉ trong sáu ngày kể từ ngày 7/3/2022, đã có 5 người lần lượt bước qua thành cầu có ý định tự tử, trong đó 3 người tử vong, 2 người từ bỏ ý định muốn chết sau khi được khuyên can.
Thiếu tá Lê Văn Lưu, Phó trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - cứu nạn cứu hộ trên sông (PCCC - CNCH) Công an TP Đà Nẵng cũng nhận định, tần suất nhảy cầu tự vẫn gần đây trở nên dày đặc. Trong năm 2021, số vụ gieo mình xuống sông đến 46 vụ, tính từ đầu năm 2022 cho đến nay đã là 10 trường hợp. Trong đó, một trường hợp hi hữu vào ngày 7/3 vừa qua, ông V.T (43 tuổi) đang đi thì bất ngờ dừng ô tô ngay giữa cầu Thuận Phước, leo ra khỏi lan can cầu ngồi chênh vênh trên một mái sắt nhỏ dốc đứng. Nhận được tin báo, đơn vị đã cử lực lượng đến hiện trường, đồng thời liên hệ với gia đình để thuyết phục ông T. Trò chuyện thuyết phục liên tục từ 9 giờ sáng đến khuya 7/3, người đàn ông này mới chịu hợp tác. Tuy nhiên, đến sáng sớm hôm sau ngày 8/3, ông T đã từ nhà gần đó quay trở lại và nhảy cầu tự tử cũng tại vị trí trên.

Cầu Thuận Phước - cây cầu treo dây võng dài nhất nước, nơi chứng kiến những cái chết do tự tử Ảnh: Thái Lâm
Cầu Thuận Phước - cây cầu treo dây võng dài nhất nước, nơi chứng kiến những cái chết do tự tử. Ảnh: Thái Lâm
Mấy hôm sau, chiều 12/3, chị L.Th (47 tuổi, trú tại phường Hòa Cường, quận Hải Châu), sau khi chạy chiếc xe máy wave đến cầu thì bất ngờ dựng xe, leo ra trụ cầu. Trước sự ngỡ ngàng của người dân đi đường, chị đã gieo mình xuống sông nhưng không may rơi vào phần mố cầu thiệt mạng. Chứng kiến nạn nhân Th nhảy cầu, anh Trương Công Trí Dũng (trú quận Hải Châu) cho biết khi thấy một người phụ nữ trèo ra thành cầu của trụ cầu thứ nhất rồi nhảy xuống, anh bất ngờ và hoảng loạn không biết làm gì nên hô hoán người dân đi trên đường. Thấy vậy, có người gọi điện báo cho trực ban công an phường Thuận Phước và lực lượng cứu hộ. "Khi được hỏi lấy lời khai, tôi rùng mình, nổi da gà không dứt. Tối về, tôi vẫn bị ám ảnh mãi cảnh tượng đó", anh Dũng kể.
Đáng nói, khi tiếp cận thi thể chị Th, lực lượng chức năng bàng hoàng phát hiện thêm thi thể của một thanh niên 19 tuổi quê Nam Định hiện đang học ở một trường tại Hà Nội đã nhảy cầu tử vong trước đó, trên thi thể có một số giấy tờ cầm cố tài sản.

Suốt gần 15 tiếng đồng hồ thuyết phục, nhưng người đàn ông hôm sau đã nhảy cầu tự tử lần 2. Ảnh: CA
Suốt gần 15 tiếng đồng hồ thuyết phục, nhưng người đàn ông hôm sau đã nhảy cầu tự tử lần 2. Ảnh: CA
Trước những lời đồn thổi, ông Nguyễn Lê Ba, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà là ngư dân đánh bắt cá dưới cầu Thuận Phước cho biết, làm nghề ở đây gần 23 năm, ông chứng kiến biết bao vụ nhảy cầu nhưng không thấy ai sống sót vì cầu quá cao. Khi thấy người ta nhảy, nhưng tới nơi thì không thấy người đâu vì dòng nước chảy xiết, đôi khi có vòng xoáy ở dưới đáy sông.
Ông Ba kể, có lần khoảng 3 giờ sáng ngày 9/3/2013, đang ngủ nghe thấy tiếng té nước cùng loạt tiếng kêu cứu ông liền bật dậy. Biết có chuyện nên vợ chồng ông vừa gọi điện cho công an vừa chèo thuyền tới nơi xảy ra sự việc nhưng không còn thấy gì. Theo ông đây là vụ bí ẩn nhất. Sau đó được biết khoảng 3 giờ sáng, sau khi dự sinh nhật của em trai ở quán nhậu về, anh N.A (SN 1989, trú ở Đồng Phú, Bình Phước) cùng một số bạn bè đi bộ lên giữa cầu Thuận Phước dạo chơi. Không hiểu lý do gì, khi cả nhóm dạo chơi được khoảng 10 phút thì bất ngờ anh A leo lên lan can rồi gieo mình xuống dòng sông.
Người dân sống gần cầu Thuận Phước cho biết khó thể quên được vụ chiếc xe Ford Modeo biển số 43H - 3222 lao như tên bắn "leo" lên thành cầu rồi rơi xuống sông, trong xe có hai nạn nhân là chị A và anh V (trú tại phường Nại Hiên Đông). Đó là chiều ngày 30/10/2010, chiếc xe chạy từ trên cầu Thuận Phước hướng từ quận Sơn Trà sang, chẳng biết lý do gì, chiếc xe bất ngờ lao qua bên trái đường, rồi phi thẳng xuống, rơi ngay xuống mặt đường bên dưới khiến hai người trên xe tử vong.
Khi xảy ra quá nhiều vụ án tự tử bí ẩn, người dân thay nhau đồn thổi những câu chuyện xảy ra tại nơi giao giữa sông Hàn và vịnh Đà Nẵng. Nơi được cho là thủy huyệt rất linh thiêng nên hàng năm "Hà bá đòi người hiến mạng". Vì thế, vào ngày rằm, những người chài lưới, câu cá ở khu vực này đều thành kính dâng hương, khấn vái cầu mong được bình yên.
Theo thiếu tá Lê Văn Lưu, tần suất nhảy cầu mấy năm gần đây có xu hướng tăng nhanh có thể do dịch bệnh kéo dài, kinh tế khó khăn khiến nhiều người rơi vào hoàn cảnh kiệt quệ, nợ nần nên có ý định tự tử. Trước tình trạng đó, Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH trên sông Công an thành phố đã tăng cường nhiều lực lượng phối hợp tuần tra, nhắc nhở và thuyết phục nhiều trường hợp. Thế nhưng, việc ngăn chặn tự tử khi một ai đó đã quyết tâm thì quả thật là khó.
Còn về những lời đồn thổi của người dân, thượng úy Nguyễn Thành Trung - cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH trên sông chia sẻ rằng, đó là những đồn thổi không có căn cứ. Bởi mỗi một vụ nhảy cầu đều có nguyên nhân của nó nên không có chuyện hà bá hay thần sông đòi mạng. Anh khuyên mọi người không nên tin vào những tin đồn thất thiệt mà hoang mang và làm ảnh hưởng đến hình tượng nên thơ của cây cầu.
Theo Thái Lâm (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.