(GLO)- Hình ảnh những thân cau thẳng tắp vươn lên cạnh giàn trầu xanh mơn mởn nơi mỗi góc vườn quê hay khuôn miệng bỏm bẻm duyên dáng nhai trầu của các bà, các mẹ dần trở nên hiếm hoi trong cuộc sống hiện đại. Điều ấy khiến bao người đau đáu với văn hóa cau trầu không khỏi trăn trở, ngày qua ngày tìm cách níu giữ. Ở Phố núi Pleiku, tôi may mắn khi gặp được những con người như thế.
Nếp cũ ngàn xưa
Tương truyền, tục ăn trầu và mời trầu của người Việt có từ thời Hùng Vương và gắn liền với “Sự tích trầu cau”. Vậy nên, ăn trầu không đơn thuần là một thói quen, tập tục mà còn là yếu tố cấu thành những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Mọi sinh hoạt từ tiếp khách, cưới hỏi, tang ma, cúng kính, hội hè… đều không thể thiếu miếng cau, lá trầu. Không chỉ đi vào những câu ca dao mộc mạc, trầu cau còn trở thành một biểu tượng nghệ thuật độc đáo trong thơ ca, nhạc họa của người Việt tự bao đời.
|
Một góc vườn xanh mát của gia đình ông Nguyễn Văn Hải (phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Ảnh: H.T |
Mới đây, tôi may mắn được gặp những người rất tâm huyết với văn hóa trầu cau. Sinh ra ở Bình Định-vùng đất chuyên trồng cau trầu, ông Trần Ngọc Thắng (91 tuổi, trú tại 33 Ama Quang, TP. Pleiku) vẫn không thể nào quên hình ảnh hàng cau với dây trầu quấn quanh ở chốn quê xưa nhà cũ. “Ngày trước, cùng với ấm nước trà đặc, một cơi trầu gồm có vài miếng cau bổ, lá trầu, bình vôi, rễ cây, thuốc rê… lúc nào cũng được ba má tôi đặt trên bàn để mời khách. Vì miếng trầu là đầu câu chuyện nên trầu cau không lúc nào thiếu trong nhà”-ông Thắng nhớ lại. Ngồi cạnh đó, vợ ông Thắng là bà Nguyễn Thị Mỹ Châu (75 tuổi) mỉm cười kể với tôi rằng, lúc bà còn nhỏ vẫn thường thấy anh trai treo 2 chiếc giỏ xách bên hông chiếc xe đạp đòn dông rồi hì hục đạp xe hơn 20 cây số từ Phù Mỹ lên tận An Lão để mua cau trầu về cho mẹ bán. “Bán trầu cau có được bao nhiêu tiền đâu, nhưng mẹ tôi bảo vẫn phải có cho mọi người mua về mời khách, lễ lộc hay cúng kiếng ông bà. Đã là truyền thống thì không thể bỏ. Sức ổng thanh niên nên khi đi mua kiêm cả việc thu hái, cứ mỗi tháng đi 1-2 chuyến”-bà Châu chia sẻ.
Tại một góc nhỏ ở cuối chợ Hoa Lư, bà Nguyễn Thị Chợ (90 tuổi) đang sửa soạn bày biện hàng hóa để bán. Ngoài vài loại trái cây, dong riềng, gừng, nghệ…, gian hàng của bà lúc nào cũng có một rổ lá trầu xanh mướt và quẩy cau tròn trĩnh, quả nào quả nấy bóng bẩy. Thấy tôi cầm quả cau lên ngắm nghía, bà Chợ nhanh nhảu mời chào bằng giọng Quảng Nam chân chất: “Trầu cau vườn mới hái mang xuống, tươi và đẹp lắm cô ơi. Đảm bảo chất lượng nên cô cứ yên tâm mua nhé”. Khi biết tôi muốn tìm hiểu về những quả cau, lá trầu, bà vui vẻ mở lòng. Trước khi bắt đầu câu chuyện, theo thói quen, bà với tay lấy con dao nhỏ bổ tép cau đặt lên lá trầu đã phết vôi sẵn từ trước, kéo thêm vài sợi thuốc rê cuộn lại rồi bỏ vào miệng nhai bỏm bẻm. Khuôn miệng chốc đã thắm đỏ màu trầu. Bà Chợ phân trần: “Ăn quen nên nghiện rồi, từ lúc mới 35 tuổi tới giờ, không nhai trầu là miệng nhạt thếch. Có hôm bỏ quên đãy đựng trầu ở chợ, người cứ bứt rứt chẳng yên, bà lại phải lội bộ lên lấy đem về cho bằng được”.
|
Dù đã 90 tuổi nhưng ngày nào cụ Nguyễn Thị Chợ vẫn ngồi ở góc chợ quen thuộc để bán cau trầu. Ảnh: Hồng Thi |
Bà Chợ kể rằng, những người phụ nữ cùng thời với bà trở về trước, cứ độ 15-20 tuổi là đã nhuộm răng, ăn trầu. Ngày ấy, nhai trầu làm cho đôi môi thắm đỏ, má hây hây hồng, tạo nên nét đẹp rất riêng của người con gái. Mọi người ăn trầu còn để bảo vệ răng miệng, bởi chất chát của trầu cau sẽ làm cho lợi co lại ôm sát chân răng, giúp hàm răng chắc khỏe hơn. Thế nhưng giờ đây, những người đã sống cùng trầu cau hơn nửa đời người như bà Chợ lại cảm thấy trống vắng khi xung quanh chẳng còn mấy ai ăn trầu nữa, có chăng chỉ vài người cao tuổi trót “nghiện” cái vị cay cay, nồng ấm, chan chát quen thuộc. “Ông bà ta nói ăn theo thuở-ở theo thời, tùy vào thời điểm hay hoàn cảnh mà chúng ta chọn cho mình một cách sống phù hợp. Việc ăn trầu cũng vậy thôi con à. Bà mừng là ngày nay, miếng trầu vẫn hiện diện trong các sính lễ cưới hỏi, tượng trưng cho cái duyên của người con gái, cho tình yêu lứa đôi và là biểu tượng cho sự tôn kính trong các dịp lễ Tết, cưới hỏi”-bà Chợ lặng lẽ giãi bày.
Lưu giữ hồn quê
Xuôi con dốc từ cầu vượt đầu đường Phạm Văn Đồng, theo chỉ dẫn của bà Nguyễn Thị Chợ, tôi tìm đến vườn cau trầu của ông Nguyễn Văn Hải ở tổ 2, phường Hoa Lư. Ngôi nhà cấp 4 lọt thỏm giữa thung lũng mênh mông, bao quanh là những cây cau thẳng tắp, vươn cao lên nền trời xanh thẳm. Vài giàn trầu sum suê lá nằm xen lẫn với thửa rau diếp cá, xà lách tốt tươi. Một khung cảnh rất đỗi yên bình giữa lòng phố thị làm tôi cứ mãi xuýt xoa. Ông Hải vui vẻ cùng tôi đi tham quan một vòng quanh khu vườn. Chỉ tay về phía cây cau cao nhất cạnh hiên nhà, ông khoe: “Nó cao hơn 14 m và đã 35 năm tuổi rồi đấy. Hàng năm vẫn cho quả đều đặn. Đây là cây cau còn lại trong tổng số 11 cây đầu tiên thuở tôi mới bắt đầu trồng”.
|
Ông Trần Ngọc Thắng (TP. Pleiku) bên những buồng cau đầu tiên của gia đình sau 7 năm chăm sóc. Ảnh: H.T |
Năm 1984, với mong muốn tạo cảnh quan thanh bình cho ngôi nhà nhỏ, ông xin 11 quả cau già về gieo. Đếm đợi từng ngày, cuối cùng mầm cau xanh đã bật lên mạnh mẽ. Chờ cây cao, ông đem trồng dọc lối vào nhà và ngày ngày chăm bón cẩn thận. 8 năm sau, khi những cây cau ấy bắt đầu cho lứa quả đầu tiên, ông Hải lại chọn lựa những quả to đẹp đem gieo giống tiếp. Cứ thế, trung bình mỗi năm, ông ươm và nhân rộng trong vườn 30-40 cây cau mới, ngoài ra còn kết hợp trồng thêm trầu. Đến nay, vườn ông Hải có tất thảy khoảng 300 cây cau lớn nhỏ, đủ độ tuổi (gồm cả giống cau cao và cau lùn) cùng 3 giàn trầu xanh mướt rợp lá. “Có những năm ươm nhiều quá không có đất xuống gốc, tôi đem cho bạn bè, hàng xóm hơn 100 cây cau giống để cùng trồng. Với tôi, cau trầu gắn liền với ký ức tuổi thơ dung dị mà khó quên. Tôi đặc biệt yêu thích cây cau bởi nó đẹp, dễ trồng, dễ chăm sóc, sống rất bền, không chiếm nhiều diện tích mà lại tạo ra một môi trường sinh thái trong lành, thoáng đãng. Riêng trầu thì khó tính hơn, sinh sôi nảy nở rất nhanh nhưng đổi lại cũng rất dễ chết như trồng hồ tiêu vậy. Ngoài thỏa niềm đam mê, tôi mong muốn lưu giữ chút hương sắc cau trầu của những làng quê xưa cũ khi nó dần mờ nhạt và trở nên hiếm hoi trong cuộc sống hiện đại này”-ông Hải tâm sự.
Nhiều năm qua, ông Hải cung cấp cho thị trường khá nhiều cau trầu mỗi dịp lễ, Tết. Cứ vào độ tháng 7 đến hết tháng 11 Âm lịch, thương lái khắp nơi trên địa bàn tỉnh lại về tận nhà ông để “săn” những buồng cau ngon, những lá trầu đẹp. Họ hàng, bè bạn cũng tìm đến vườn để chọn mua cau trầu kết sính lễ cưới vợ cho con. Ngoài ra, ông còn ươm giống và cung cấp cau con cho những đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu với số lượng tăng dần qua các năm. Ông Hải bảo, giờ ngẫm lại cảm thấy vô cùng ấm lòng bởi những gì mình làm đã góp phần nhỏ trong việc lưu giữ nét đẹp văn hóa trầu cau của dân tộc.
Còn tôi, khi nghe những lời này của lão nông Nguyễn Văn Hải thì lại chợt nghĩ về bà Chợ, ông Thắng. Có lẽ cũng chính tâm niệm ấy mà ông Thắng không ngần ngại bỏ số tiền lương hưu hơn 4 triệu đồng mua hơn chục cây cau về trồng dọc lối đi từ cổng vào nhà, rồi tỉ mẩn chăm chút cho chúng suốt 7 năm ròng đến khi đơm bông kết trái. Bà Chợ dù tuổi cao sức yếu, gối mỏi chân run, vẫn ngày qua ngày lặng lẽ bán cau trầu nơi góc chợ quen thuộc, dẫu cho lá trầu, trái cau đôi khi “đợi khách mòn mỏi” đến héo khô. Thế mới thấy, cho dù khoa học công nghệ phát triển nhanh chóng với nhiều thứ hiện đại, tiện lợi đến đâu thì cau trầu vẫn là một nét văn hóa truyền thống đẹp cần được bảo vệ, giữ gìn.
HỒNG THI