Hơn 170 hộ dân đầu tiên ở Thượng Thành thuộc Kinh thành Huế vừa bốc được lá thăm chọn đất tái định cư và sắp di dời đến nơi ở mới đầu năm 2020. Những ngày cuối ở nơi gắn bó với bà con ngập tràn bao cảm xúc vui buồn...
|
Ông Đinh Học Dũng bên ngôi nhà vừa hạ giải tiên phong bàn giao mặt bằng chỉnh trang, tu bổ Kinh thành Huế |
Ước mơ của cô bé bán bánh mì
Chiều áp Tết Canh Tý, cô gái Huế tên Minh Trang đưa bà ngoại đến trụ sở UBND P.Thuận Lộc ở đường Lê Thánh Tôn nội thành Huế bốc lá thăm chọn đất tái định cư để di dân ra khỏi di tích Kinh thành Huế. Trang là cựu sinh viên Đại học Huế, người từng được xem là “hot girl” của trường bởi không chỉ vẻ đẹp ngoại hình mà còn tài năng văn nghệ, hoạt bát trong hoạt động xã hội.
Từ nhỏ 4 chị em Trang sống với ông bà ngoại trên mảnh đất nhỏ thuộc một con hẻm đường Xuân 68, bên trên kinh thành (Thượng Thành), P.Thuận Lộc. Chung quanh nhà ngoại Trang đều là một “quần cư” với muôn ngôi nhà tôn, ván, xi măng tô trét tạm bợ. Từ nhỏ Trang đã bán bánh mì kiếm sống và ăn học. Lớn lên thì chạy bàn, múa dạo ở những đám cưới, sự kiện nhỏ kiếm tiền ăn học và nuôi em. Những hình ảnh thanh niên chích hút trên Thượng Thành, ngay cạnh nhà là nỗi ám ảnh cô gái này. Cô gái tuổi 27 này từng tâm sự nhiều lúc đi học, làm về đêm muộn cô không dám về nhà một mình bởi sự xuất hiện của những con nghiện.
|
Những cơ cảnh như thế này ở Thượng Thành sẽ sớm chấm dứt sau khi đại dự án di dân Kinh thành Huế thực hiện |
Niềm vui lớn ấy là bà cháu Trang bốc được lá thăm chọn được đám đất tái định cư có diện tích 102 m2 mà không tin vào mắt mình. “Có thật là 102 mét không anh, diện tích nhà ngoại thu hồi chỉ 65 mét vuông thôi? Mai này có nhà mới em có được ở với ngoại không anh?”, Trang nhìn tôi hỏi như reo. Tất nhiên theo quy định diện tích ấy là thật. Còn việc Trang có ở được với bà ngoại không thì tôi hiểu đấy là một câu hỏi đầy xúc cảm về giấc mơ chị em cô bé bán bánh mì ngày nào nay sắp thành sự thật.
Cuộc di dân lịch sử
Bà cháu Trang nằm trong số 171 hộ dân (hơn 800 nhân khẩu) ở Thượng Thành, thuộc 4 phường nội thành TP.Huế gồm Thuận Lộc, Tây Lộc, Thuận Thành và Thuận Hòa di dân đợt đầu tiên trong cuộc di dân lịch sử để thực hiện dự án bảo tồn, tu bổ, tôn tạo Kinh thành Huế. Theo khung chính sách đã được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ban hành, tùy theo hộ chính (chủ hộ), hộ phụ (con cái lập gia đình chưa tách hộ, chưa có nhà ở) mà người dân được giao diện tích đất ở khác nhau. Thấp thì khoảng 61 m2/hộ, nhiều gần 200 m2/hộ. Đợt này có 30 hộ dân thuộc diện nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được dự án hỗ trợ xây nhà theo kiểu “chìa khóa trao tay”. UBND TP.Huế cử các tổ chuyên trách giúp bà con thực hiện các thủ tục hành chính cần thiết ngay tại chỗ để sau đó nhận tiền bồi thường, hỗ trợ kinh phí để tiến hành xây dựng nhà tại P.Hương Sơ, phía bắc TP.Huế. Đây là giây phút mà bao cư dân Thượng Thành trông chờ qua nhiều thập niên tá túc tạm bợ, “tự trói mình” trên di tích tưởng như không lối thoát.
|
Bà Trần Thị Tuyết dẫu vui mừng khi được giao đất, bồi thường hỗ trợ di dời tái định cư, nhưng vẫn canh cánh nỗi lo kế sinh nhai |
Bà Trần Thị Tuyết, 64 tuổi, ở số nhà 10/92 Ông Ích Khiêm ngồi tư lự bên đứa cháu trai học lớp 3 dẫu bà đã bốc được lá thăm chọn đất tái định cư không thể tốt hơn. Bố mẹ bà Tuyết lên định cư ở Thượng Thành đã hơn 60 năm. Ông bà cụ có đến 11 người con, bà Tuyết là con thứ 2. Lớn lên có 5 người lập gia đình làm ăn xa, 6 người ở lại lập gia đình làm những túp lều lụp xụp ở quanh nhà bố mẹ. Trên khu đất chừng 300 m2, có 6 nóc nhà nối nhau cùng địa chỉ, trong đó nhiều nhà ban ngày phải bật điện mới thấy người…
Bà Tuyết không có chồng nhưng có 4 người con gái “xin” người ta. Một trong số đó đứt gánh để lại cho bà 2 người cháu để tiếp tục đi tìm duyên mới. Để lo cháu ăn học, bà Tuyết gánh nước thuê, giúp việc và lượm chai bao. “Ra chỗ mới cách trung tâm 5 - 6 cây số đưa đón cháu đi học bằng chi? Mỗi sáng tui đưa cháu đi học, lượm chai bao quanh trường học bán cũng được 20.000 - 30.000 đồng, sắp tới sống bằng chi? Nghĩ mà bụng như có dây cuốn”, bà Tuyết bùi ngùi khi chuẩn bị chia tay ngôi nhà gần 70 m2 mà người phụ nữ đơn thân này phải xây mất 5 lần trong 30 năm mới hoàn tất.
|
Người dân Thượng Thành làm thủ tục cấp “sổ đỏ” và giấy phép xây dựng nhà ngay sau khi bốc thăm chọn đất tái định cư - Ảnh: Đình Toàn |
“Sống vì con vì cháu nữa”
Còn nhớ hồi cuối tháng 3.2019, khi phát biểu trước đông đảo bà con sống trên Kinh thành Huế, Bí thư Thành ủy Huế Huỳnh Cư khiến nhiều người xúc động khi “chạm” đến trái tim của bà con nghèo khổ này: “Chúng tôi hiểu vì nhiều lý do và hoàn cảnh lịch sử khác nhau mà bà con sống như vậy. Chứ không ai bỗng dưng lên trên ấy (Kinh thành Huế) rồi che mấy tấm tôn để ở cả”.
Hiểu được tâm tư, hoàn cảnh người dân để rồi chia sẻ gánh nặng một cách hợp lý với từng gia cảnh là một trong những khâu đột phá trong việc tìm tiếng nói đồng thuận một cách quyết liệt từ người dân của chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng như TP.Huế khi thực hiện cuộc di dân lịch sử, dẫu cho nguồn gốc sử dụng đất, thực trạng sinh sống của đại bộ phận bà con ở Kinh thành Huế là vấn đề hết sức phức tạp.
Ông Đinh Học Dũng, 68 tuổi, nhà ở Thượng Thành, đường Xuân 68, đoạn gần cửa Đông Ba, kể thật lòng là khi lên định cư trên Thượng Thành 35 năm trước ông cũng chỉ được cấp cái giấy phép ở tạm. Chồng đạp xích lô vợ may vá nuôi 4 con ăn học để rồi cả 4 đang thành danh trên con đường nghệ thuật và y khoa. Ngôi nhà của ông Dũng sau 35 năm tồn tại vừa được ông tự tay hạ giải, giao mặt bằng sớm cho UBND TP.Huế thực hiện dự án. Với việc tiên phong này, ông được quyền ưu tiên tự chọn lô đất cho gia đình mình trong sơ đồ, thay vì bốc thăm. Trên cái nền xi măng còn sót lại đây chiếc giường, kia chiếc lu cũ kỹ, ông Dũng sờ vào cái gì cũng như chạm vào từng mảng ký ức. “Kể cũng buồn, bao năm sống nơi đây giờ phải ra đi, để lại đằng sau bao ký ức, kỷ niệm. Nhưng cần dứt khoát thôi. Chúng ta sống còn vì con vì cháu nữa”, ông Dũng thổ lộ.
Dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế là “đại dự án” di dân lớn nhất ở cố đô Huế từ xưa đến nay với số người dân di dời khoảng 2 vạn người, 4.200 hộ ((Thượng Thành, Eo Bầu, Tuyến phòng lộ, Hộ thành hào…). Theo đề án, dự kiến giai đoạn 1 thực hiện trong 3 năm (2019 - 2021) với số hộ di dời là 2.938 hộ, tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 2.826 tỉ đồng. Trước mắt trong quý 1/2020 di dời là hơn 500 hộ. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương. |
Theo Đình Toàn (ThanhNiên)