Những giọt nước mắt tự hào ở Trường Sa: Thắp lên tình yêu đất nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong đoàn công tác số 10 ra thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 (tỉnh Khánh Hòa), chúng tôi vô cùng cảm phục khi gặp hai vợ chồng già vượt sóng tới Trường Sa và một cô gái có tình yêu mãnh liệt với biển đảo Tổ quốc. Họ đã thắp lên tình yêu đất nước trong trái tim mỗi người.

Hai vợ chồng già vượt sóng đến Trường Sa

Đó là ông Lê Trọng Cát (72 tuổi) và vợ là bà Nguyễn Thị Thu Hà (66 tuổi), trú ngõ Xã Đàn 2 (phố Nam Đồng, Q.Đống Đa, Hà Nội). Trong đoàn công tác với hơn 200 đại biểu, ông Cát là người cao tuổi nhất và có lẽ cũng là một trong những người hiếm hoi ở tuổi U.80 vẫn dấn thân đến với Trường Sa, bởi đây là hành trình gian nan, thử thách.

Không chỉ dũng cảm bước đi, mà họ còn là cặp đôi rất tích cực tham gia các hoạt động trẻ do T.Ư Đoàn và Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp tổ chức trong suốt hành trình. Ngay đêm đầu tiên trên tàu, khi diễn ra buổi giao lưu văn nghệ kỷ niệm Ngày truyền thống Hải quân nhân dân VN, mặc dù có hàng trăm người say sóng, không thể tham dự chương trình nhưng họ vẫn xuất hiện trên sân khấu biểu diễn văn nghệ với các đại biểu. Đặc biệt, hai vợ chồng ông Cát đã rất hào hứng tham gia các cuộc thi trên tàu với những tiết mục ấn tượng. Khi tham gia cuộc thi "cặp đôi hoàn hảo", họ đã lên sân khấu trình diễn bằng ngôn ngữ ký hiệu và cho biết đó là câu: "Chúng tôi yêu Trường Sa" của người khiếm thính.

Hai vợ chồng ông Lê Trọng Cát nắm tay nhau trên nhà giàn DK1/2 Phúc Tần

Hai vợ chồng ông Lê Trọng Cát nắm tay nhau trên nhà giàn DK1/2 Phúc Tần

Bà Hà chia sẻ trước đây hai vợ chồng là giáo viên dạy trẻ khiếm thính, nên rất thấu hiểu thiệt thòi của các em. Với lần đi Trường Sa này, hai vợ chồng bà sẽ về lan tỏa những thông tin về Trường Sa tới người khiếm thính, để không một đối tượng nào không biết về Trường Sa.

Nói về hành trình đến với Trường Sa, bà Hà tâm sự hai vợ chồng bà thường xuyên cùng nhau đến các vùng biên giới, hải đảo vì có một tình yêu rất lớn với những nơi này. "Chồng tôi từng là người lính, chúng tôi đã trải qua các cuộc chiến tranh nên rất thấu hiểu những mất mát, đau thương của dân tộc và sự gian lao của người lính. Mặc dù tuổi đã cao, chúng tôi vẫn mong một lần được đặt chân tới Trường Sa, một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, để động viên các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ cao cả giữ vững chủ quyền nơi đảo xa", bà Hà chia sẻ.

Lan tỏa tình yêu biển đảo

Mặc dù tuổi cao, nhưng vợ chồng ông Cát đi hết các điểm của hành trình và không bỏ qua điểm đảo nào. Vào những lúc biển động, chiếc cano chở đại biểu lên đảo có lúc bị sóng đẩy lên cao rồi lại vùi xuống biển, nhưng hai ông bà vẫn vững vàng vượt sóng để đến với 7 đảo. Thậm chí, nhà giàn là điểm gian nan nhất vì không dễ tiếp cận và rất nguy hiểm cho những ai sợ độ cao, nhưng hai vợ chồng già vẫn chiến thắng bản thân leo lên và trở về an toàn.

Vợ chồng ông Lê Trọng Cát tự hào đứng trên “quảng trường” ở đảo Trường Sa lớn

Vợ chồng ông Lê Trọng Cát tự hào đứng trên “quảng trường” ở đảo Trường Sa lớn

"Trước khi đi, chúng tôi đã tìm hiểu từ rất nhiều người đã đi rồi, nên đã chuẩn bị thuốc men và rèn luyện sức khỏe. Dù chân đau nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đi và không bỏ điểm nào, bởi nhất định phải đến được và hạnh phúc vì đến được Trường Sa", ông Cát hào hứng nói.

Khi đã trải qua các điểm đảo, bà Hà xúc động nói: "Khi đến đây, chúng tôi đã rất cảm phục tinh thần của chiến sĩ và người dân, vì ở tuyến đầu xa xôi, sự giao lưu liên lạc với con người rất khó khăn, nhưng họ rất kiên cường, bản lĩnh, vững vàng bảo vệ Tổ quốc". Ông Cát cũng chia sẻ dù tuổi cao nhưng khi nhìn thấy lớp trẻ, lại như thấy mình ngày xưa đã vượt Trường Sơn đi chiến đấu.

"Những gian nan, khó khăn bây giờ còn lớn hơn cả ngày xưa. Ở Trường Sơn, tôi vẫn được giao tiếp với nhiều người, nhưng ở đây thì không thể. Họ phải xa gia đình, xa đất liền và sống với biển khơi. Ý chí, nghị lực, sự hy sinh của các chiến sĩ ở đây là không gì so sánh nổi", ông Cát rưng rưng chia sẻ.

Bà Hà cho biết với những gì đã trải nghiệm, bà sẽ về nói với con cháu mình và thế hệ trẻ về sự tri ân và lòng biết ơn với những người đã sẵn sàng hy sinh bảo vệ đất nước. "Mình đã quay và chụp nhiều hình ảnh xúc động, sau khi về mình sẽ họp gia đình và họp bạn bè, kể về hành trình của mình để chia sẻ về tình yêu biển đảo", bà Hà cho biết.

Chị Hà My tặng quà chiến sĩ trên đảo Đá Thị. Ảnh: V.T

Chị Hà My tặng quà chiến sĩ trên đảo Đá Thị. Ảnh: V.T

Mang Trường Sa về đất liền

Trong đoàn công tác, một người trẻ đã gây xúc động lớn bằng những vần thơ viết về Trường Sa.

Đó là chị Đào Thị Hà My (30 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH NAMY (Đà Nẵng). Chị đã đoạt giải nhất cuộc thi "Sáng tác văn, thơ, ca khúc Trường Sa trong tôi" do T.Ư Đoàn phát động trên tàu. Trong bài thơ Đêm cuối ở Song Tử Tây, nữ "thi sĩ" đã lột tả được sự can trường của các chiến sĩ nơi đảo xa khi ngày đêm canh gác bảo vệ chủ quyền. Giữa biển khơi bao la, họ trải qua những phiên gác đêm chỉ có con "đốm" (tên con chó - PV) làm bầu bạn và mùi hoa bàng vuông phảng phất trong gió biển. Dù có buồn nhưng họ vẫn vững vàng cầm chắc tay súng và sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Trong hành trình ra đảo, chị đã sáng tác hàng chục bài thơ để tặng chiến sĩ. Mỗi khi lên đảo, chị đi đến từng phòng ở của các anh, đặt lên đầu giường mỗi người một món quà nho nhỏ, có thể là quyển sổ, cây bút hoặc cái móc khóa xinh xắn với những lời đề tặng rất xúc động như: "Quà xinh vượt sóng gió. Ra tới tận Trường Sa. Thương mong anh gắn bó. Vững vàng trước phong ba"; "Xin chào anh những người con đẹp nhất. Của biển khơi, của trời đất Việt Nam. Sắt ý chí như ánh sao quân hàm. Đẹp tâm hồn tựa màu lam của biển"...

"Mình mong muốn ra Trường Sa từ rất lâu rồi, bắt nguồn từ tình yêu biển đảo và sự cảm kích của mình với những anh lính biển, nhưng tình cảm đó mới chỉ là "lý luận". Mình muốn trải nghiệm thực tế, để biến tình cảm thành hành động và có những dự án dành cho Trường Sa", chị My cho biết.

Nữ "thi sĩ" cũng chia sẻ quê ở Nghệ An nhưng chị học và tốt nghiệp ĐH Đà Nẵng, rồi khởi nghiệp tại Đà Nẵng với công việc tổ chức sự kiện và một tiệm bán hoa tươi. Là người trẻ, chị muốn thể hiện tình cảm với Trường Sa bằng cách riêng của mình.

"Lĩnh vực kinh doanh của tôi có đối tác là những khách hàng trẻ, doanh nghiệp trẻ, những tiểu thương ít khi được tiếp xúc với các chương trình tuyên giáo về biển đảo. Vì vậy, tôi muốn trong sản phẩm của mình sẽ lồng ghép hình ảnh về biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa, để từ đó mọi người sẽ hiểu biết hơn về biển đảo. Ví dụ, trên mỗi lẵng hoa gửi tới khách hàng sẽ gắn tên các đảo của quần đảo Trường Sa", chị chia sẻ, đồng thời bày tỏ mong muốn sẽ gây quỹ vì Trường Sa và ra mắt những tác phẩm của mình để mang Trường Sa về đất liền.

Không chỉ là ý tưởng, ngay sau khi trở về từ Trường Sa, chị đã kết nối với các doanh nhân, doanh nghiệp để đồng hành cùng Vùng 3 Hải quân, làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển như: nhận đỡ đầu con ngư dân mồ côi; tặng quà, trao học bổng cho con ngư dân khó khăn; thăm và tặng quà các đơn vị vũ trang đang làm nhiệm vụ nơi tiền tiêu Tổ quốc... "Từ Trường Sa về, tôi đã thấy rõ hơn sứ mệnh của mình, không chỉ là phát triển kinh tế để đóng góp cho quê hương, mà phải thắp lên tình yêu đất nước cho những người xung quanh, bằng những hành động cụ thể", chị My chia sẻ. (còn tiếp)

Hành trình "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" năm 2023 với chủ đề "Tuổi trẻ đồng hành vì Trường Sa xanh" nhận được sự đồng hành của Tập đoàn dầu khí VN (Petrovietnam).

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.