Những giọt nước mắt tự hào ở Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
'Cha ơi con tới được đây rồi'. Đó là tiếng nấc nghẹn ngào của thiếu tá Lê Thị Minh Thủy, con gái duy nhất của liệt sĩ Lê Đình Thơ, người đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trong trận chiến Gạc Ma năm 1988.

Thăm cha hy sinh ở Gạc Ma

Trong hải trình đến với quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 (tỉnh Khánh Hòa) của đoàn công tác số 10 năm 2023, có một đại biểu rất đặc biệt là thiếu tá Lê Thị Minh Thủy (36 tuổi, Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển, Bộ Tham mưu Hải quân), con gái duy nhất của liệt sĩ Lê Đình Thơ, người đã anh dũng hy sinh trong khi bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa Tổ quốc tại đảo Gạc Ma năm 1988. Đây cũng là lần đầu tiên sau 35 năm cha hy sinh trên Biển Đông, chị mới có dịp được ra "gặp" cha giữa muôn trùng sóng gió.

Thiếu tá Lê Thị Minh Thủy xúc động trong lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ở quần đảo Trường Sa. Ảnh: Thùy Liên

Thiếu tá Lê Thị Minh Thủy xúc động trong lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ở quần đảo Trường Sa. Ảnh: Thùy Liên

Chị Thủy chia sẻ, năm cha hy sinh, chị mới được 1 tuổi 9 ngày. Vì thế, trong tâm trí của chị không có ký ức về cha, mà chỉ nhìn thấy qua những tấm ảnh và qua lời kể của ông bà và các cô chú trong đơn vị. "Cha tôi quê ở Thanh Hóa, công tác ở Đoàn Đo đạc biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển. Lúc cha đi công tác thì tôi mới được vài tháng tuổi, đến ngày 14.3.1988 cha tôi hy sinh, tôi mới vừa bước qua sinh nhật mình", chị Thủy nghẹn ngào chia sẻ.

Cú sốc đau đớn đó đã khiến mẹ chị suy nghĩ nhiều rồi đột quỵ, nằm liệt giường mấy tháng và mất ngày 20.12.1988. Vậy là chỉ trong 1 năm, chị thành trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Chị được đưa về ông bà ngoại ở Hà Tây (cũ), nay là Hà Nội, nuôi dưỡng, đến 5 tuổi thì về quê nội ở cho đến khi trưởng thành. "Sau khi học xong THPT, tôi quyết định nộp hồ sơ vào Quân chủng Hải quân vì muốn theo nghề của cha mình. Sau đó, tôi thi đỗ vào Trường ĐH Mỏ địa chất, học ngành trắc địa bản đồ và quay về làm việc ở nơi cha tôi đã từng công tác", chị Thủy chia sẻ. Yêu màu áo hải quân, chị cũng lấy chồng làm cùng đơn vị và hiện gia đình chị đang sinh sống ở Hải Phòng.

Ngay từ khi còn nhỏ, chị đã nuôi khát khao được ra quần đảo Trường Sa, thăm nơi cha đã chiến đấu, hy sinh. "Mỗi khi xem hình ảnh về biển đảo, hay đi dâng hương ở các đài tưởng niệm, tôi lại nhớ cha mình, vì cha mất mà không có mộ", chị nghẹn ngào kể. Nhưng rồi do hoàn cảnh không cho phép nên suốt bao nhiêu năm qua, chị vẫn chưa thực hiện được mong ước của mình. Năm nay, chị đã mạnh dạn bày tỏ mong muốn với đơn vị, may mắn được tạo điều kiện tham gia hành trình cùng đoàn công tác số 10.

Thiếu tá Lê Thị Minh Thủy tới thăm khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma và không thể rời tay khỏi tên cha mình được ghi ở khu mộ gió. Ảnh: Minh Thể

Thiếu tá Lê Thị Minh Thủy tới thăm khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma và không thể rời tay khỏi tên cha mình được ghi ở khu mộ gió. Ảnh: Minh Thể

Giây phút kỳ diệu giữa biển khơi

Trước khi đến với quần đảo Trường Sa, đoàn công tác tổ chức đi dâng hương ở khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (H.Cam Lâm, Khánh Hòa). Tại đây, chị Thủy đã được "gặp" cha trên tấm di ảnh cùng 63 liệt sĩ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma. Tại khu mộ gió, chị đã khóc nghẹn ngào khi sờ tay lên tấm ảnh cha và dừng lại mãi ở dòng chữ liệt sĩ Lê Đình Thơ…

Điều khó quên nhất là buổi lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa. Chiều tối 9.5, con tàu KN390 chở đoàn đại biểu dừng lại trên vùng biển giữa các đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma - vùng biển linh thiêng nhất Trường Sa. Cách đây 35 năm, tại nơi này, để bảo vệ đảo Gạc Ma trước sự tấn công của kẻ thù, 64 cán bộ, chiến sĩ đã mãi mãi nằm lại giữa lòng biển khơi. Trước lúc hy sinh, các anh đã kết thành một vòng tròn, bám trụ giữ đảo đến hơi thở cuối cùng và hóa thành vòng tròn bất tử nơi Trường Sa thiêng liêng.

Chia sẻ khi đến đây, chị Thủy xúc động nói: "Với tôi, đây là thời khắc quan trọng và thiêng liêng nhất. Tôi vẫn thường mong mỏi từng phút, từng giờ, từng ngày, từng đêm để có thể được đặt chân tới nơi này. Kể cả trong mơ tôi vẫn không ngừng hy vọng. Tôi chỉ mong thắp nén hương bày tỏ lòng thành kính trước anh linh của cha mình, cùng 63 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến Gạc Ma năm 1988".

Chiều hôm ấy trước khi diễn ra buổi lễ, đoàn đại biểu nghe tin biển động vì có áp thấp nhiệt đới. Rồi một cơn mưa rào ào ạt đổ xuống, con tàu lắc lư, tròng trành trên sóng lớn. Với những cơn say sóng mệt lả, chị Thủy sợ mình không đủ sức đứng trên boong tàu để dự buổi lễ đặc biệt này. Nhưng một điều kỳ diệu đã diễn ra, khi buổi lễ bắt đầu thì sóng yên, biển lặng. Đặc biệt, khi ban tổ chức bắt đầu làm lễ và thông báo các đại biểu sẽ thả hoa và hạc giấy tưởng niệm bên mạn phải của con tàu, thì lập tức trên bầu trời có những rặng mây đen ùn ùn kéo đến, kết với nhau thành hình một con rồng bao quanh mạn thuyền bên phải và hùng vĩ như một dãy núi trên đất liền.

Trên "dãy núi" hình rồng ấy bỗng xuất hiện một chiếc cầu vồng tỏa sáng một góc trời, y như vòng tròn bất tử được thiết kế ở Tượng đài chiến sĩ Gạc Ma. Ai nhìn thấy hình ảnh đó cũng đều cảm nhận được rằng các liệt sĩ đã ở đây, trong lễ tưởng niệm linh thiêng này. Anh linh của họ đã hòa quyện cùng bóng hình sóng nước, giữa biển trời Trường Sa. "Về đây các anh ơi! Hãy về đây...", bài ca Linh thiêng Việt Nam được các nghệ sĩ của đoàn công tác cất lên đầy da diết.

"Tôi cảm nhận được cha đang rất gần và cha hiểu những điều tôi muốn nói. Thương cha vô hạn! Tôi nức nở, không kiềm chế được nỗi lòng mình: Cha ơi con tới được đây rồi! Cuối cùng, tôi đã thực hiện được tâm nguyện của mình. Tôi đã làm được. Tôi muốn nói với cha rằng: Con đã ở đây, ở rất gần bên cha, con có thể cảm nhận được hơi thở, được huyết mạch của tình phụ tử. Suốt 35 năm qua, cha vẫn mong mỏi được gặp con tại nơi này. Giờ đây, cha có thể mỉm cười mà khoe cùng đồng đội là con gái đến thăm cha rồi, cha nhé!", chị Thủy rưng rưng kể lại giây phút được tâm sự với cha mình.

Lễ tưởng niệm diễn ra trong không gian linh thiêng giữa biển trời Trường Sa. Ảnh: Vũ Thơ

Lễ tưởng niệm diễn ra trong không gian linh thiêng giữa biển trời Trường Sa. Ảnh: Vũ Thơ

"Con sẽ viết tiếp ước mơ của cha"

Thả xuống biển những con hạc giấy, những bông hoa và cả những bộ quần áo giấy, trong ánh nến lung linh, chị Thủy đã cầu mong cha, cùng 63 liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trong trận chiến Gạc Ma 1988, sẽ yên nghỉ ngàn thu và luôn phù hộ

độ trì cho tất cả những cán bộ, chiến sĩ hải quân mạnh khỏe, giữ vững tay súng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. "Con sẽ tiếp tục giấc mơ của cha, vẽ nên những tấm hải đồ biển đảo VN", chị hứa với cha mình.

Khi buổi lễ kết thúc, chị đã nhờ một người đồng đội lấy giúp một chút nước biển tại nơi này, để mang về đưa lên bàn thờ cha. "Tôi tin cha sẽ hiểu điều tôi làm", chị chia sẻ.

Đến đảo Trường Sa, chị Thủy lên chùa lễ Phật và bày tỏ tâm nguyện với sư thầy xin một chút cát sỏi ở Trường Sa để mang về đặt lên bàn thờ cha. "Đây là tâm nguyện mà bao năm tôi luôn ấp ủ. Cầm trên tay chiếc hũ thầy tặng và chiếc túi đựng cát sỏi nơi này, tôi cảm thấy thật thiêng liêng, bởi trong đó có máu thịt của cha mình. Tôi vui! Và tôi biết cha cũng đang cảm nhận được từng suy nghĩ của tôi", chị trải lòng.

Chị Thủy cũng cho biết, trong hành trình đến với Trường Sa, chị không chỉ hoàn thành tâm nguyện của cuộc đời mình, mà chuyến đi đã giúp chị được tận mắt quan sát địa hình những hòn đảo nổi, đảo chìm phục vụ cho công tác biên tập hải đồ của mình. Đặc biệt, chị càng tự hào hơn về cha mình, hiểu và cảm thông hơn với công việc của đồng đội mình, những người lính hải quân ngày đêm anh dũng, kiên cường bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

(còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

Sau 70 năm giải phóng, mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng có rất nhiều thay đổi đáng tự hào trên. Để làm rõ hơn kết quả đạt được của Điện Biên trong 70 năm qua và định hướng sắp tới, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

Có lẽ, ít ở đâu trên nước ta, quyết tâm đưa điện về bản lại cao như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Địa bàn nghèo nên không thể cấp cho dân “cá”, muốn cấp “cần câu” cũng khó nên chính quyền chọn cách đưa cho dân “mồi câu”. “Mồi câu” ở đây chính là điện lưới quốc gia.
Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".

Giải cứu thú rừng

Giải cứu thú rừng

Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách, đôi tay rớm máu gỡ lấy những chiếc bẫy thú. Trọng trách của họ là bảo vệ, giải cứu thú rừng mắc bẫy trong những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn ở Quảng Nam.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.