Những bông hoa trên đá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Không chỉ dám đứng lên đấu tranh với hủ tục ngàn đời để giành lấy hạnh phúc, những phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn góp phần giải phóng cho nhiều thế hệ phụ nữ, đóng góp cho sự bình đẳng và tiến bộ xã hội.

Thủ lĩnh của sự thay đổi

Theo tập tục, người Jrai cùng họ không được lấy nhau. Cặp đôi nào phạm vào luật tục sẽ bị phạt vạ rất nặng. Nếu năm nào xảy ra hạn hán hay lũ lụt, cộng đồng lại ngẫu nhiên có cặp cùng họ lấy nhau thì sẽ phải gánh chịu mọi tội lỗi.

Chị Ksor H’Lui (buôn Dù, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) kể: “Cũng vì tôi và anh Ksor Toan cùng họ nên khi lấy nhau, chúng tôi bị làng phạt phải ăn cơm trong máng heo và 2 con trâu to. Nhưng nhờ có người chú làm cán bộ huyện can thiệp nên giảm bớt được 1 con trâu. Phải chịu phạt như vậy mình mới được coi là một phần của cộng đồng và không bị xa lánh”.

Nhiều phụ nữ như chị H’Lui biết lấy người cùng họ không có gì xấu hay sai trái nhưng họ không đủ lý lẽ để “chống” lại cộng đồng. Họ còn mang nỗi sợ bị dè bỉu, xa lánh. Đây cũng là nỗi sợ lớn nhất với mỗi cá nhân, bởi từ nhỏ, họ luôn sống trong cộng đồng và đặt cộng đồng lên trên mọi lẽ sống và hạnh phúc cá nhân.

Người Jrai theo chế độ mẫu hệ. Con cái mang họ mẹ nên muốn lấy nhau khác họ, rất dễ rơi vào tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Cũng bởi quan niệm đó mà nhiều phụ nữ đã phải chịu nỗi đau khi sinh ra những đứa trẻ không khỏe mạnh.

Chị Nay H’Nhao (buôn H’Lang, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa) chia sẻ: Năm 2001, chị sinh đứa con trai nhưng nuôi mãi không thấy lớn. Suốt ngày, con chỉ lặng lẽ như một cái bóng và đau ốm triền miên.

Buồn hơn, mỗi khi dân làng nhìn thấy thằng bé ốm đau quặt quẹo thường chỉ trỏ rồi nói: “Thằng này không biết lớn” hay “Cái thằng con khỉ”. “Chồng mình thường đi làm ăn xa. Mình vừa chăn bò, làm rẫy, vừa nuôi con bệnh tật, rất vất vả, áp lực. Nhiều khi buồn lắm nhưng không biết kể với ai”-chị H’Nhao bày tỏ.

Phụ nữ Krông Pa có nhiều hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa tại địa phương. Ảnh: M.C

Phụ nữ Krông Pa có nhiều hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa tại địa phương. Ảnh: M.C

Nói về những tập tục lạc hậu còn tồn tại trong cộng đồng, chị Rơ Ô Lễ-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Krông Pa-cho biết: Từ xa xưa, người Jrai đã đề ra các hình thức phạt vạ nhằm ngăn chặn những điều xấu, cũng như duy trì nền nếp trật tự trong cộng đồng buôn làng.

Tuy nhiên, cũng có những hình thức phạt vạ vô lý, những hủ tục còn tồn tại dai dẳng, để lại hậu quả nặng nề. Ví như trong nhà có đứa con ốm đau vừa là gánh nặng kinh tế và việc chăm lo con cái cũng luôn đè nặng lên đôi vai người phụ nữ. Bản thân chị cũng là nạn nhân của những luật tục truyền đời nên càng thấu hiểu nỗi khổ của người phụ nữ.

Chị tâm sự: “Khi còn đi học, tôi yêu một người cùng họ là Rơ Ô Jiết và cũng bị ngăn cấm, dè bỉu. Nhưng vì tiếng gọi của tình yêu, chúng tôi chấp nhận bị làng phạt vạ để đến với nhau”.

Chị Rơ Ô Lễ-Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Pa. Ảnh: M.C

Chị Rơ Ô Lễ-Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Pa. Ảnh: M.C

Với vai trò là người đứng đầu phong trào phụ nữ ở địa phương, chị Rơ Ô Lễ đã chủ động đấu tranh cho sự công bằng của người phụ nữ. Là một người con Jrai nên những điều chị Rơ Ô Lễ tuyên truyền, vận động đã chạm đến trái tim cùng niềm khao khát về hạnh phúc, sự bình đẳng của biết bao phụ nữ ở vùng đất hạ du sông Ba.

Chị cho hay: “Tôi may mắn được tiếp cận những vấn đề mới, chủ trương mới, các chính sách mới phù hợp với sự phát triển của thời đại. Khi gặp gỡ, tiếp cận với chị em phụ nữ Jrai lại dễ tìm được đồng cảm, đồng điệu về cảm xúc. Tôi nói lên tiếng lòng mình, đồng thời vận động chị em cái nào lạc hậu nên bỏ, cái nào văn minh tiến bộ, giúp phụ nữ có cơ hội phát triển thì phát huy nên được mọi người rất ủng hộ.

Ví như huy động chị em tham gia câu lạc bộ dệt để gìn giữ bản sắc và tạo thêm sinh kế. Hay chuyện ngày xưa, phụ nữ chịu nhiều rào cản, bó buộc, nhất là tư tưởng không cần học nhiều, lấy chồng sớm, ở nhà chăm lo làm ăn vì theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ là trụ cột gia đình.

Còn ngày nay, chị em được giải phóng khỏi những tập tục lạc hậu, được tạo cơ hội học hành, được hỗ trợ phát triển kinh tế. Chị em vẫn là trụ cột gia đình nhưng ở vị thế khác, bình đẳng hơn, tiến bộ hơn”.

Chị Rơ Ô Lễ (bìa trái)-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Krông Pa thăm gia đình hội viên phụ nữ có người thân bị tai nạn giao thông. Ảnh: M.C

Chị Rơ Ô Lễ (bìa trái)-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Krông Pa thăm gia đình hội viên phụ nữ có người thân bị tai nạn giao thông. Ảnh: M.C

Cũng theo chị Rơ Ô Lễ, hoạt động của các cấp Hội phụ nữ trong huyện không chỉ thu hút đông đảo chị em tham gia mà còn có sự vào cuộc của đội ngũ người uy tín, các già làng, trưởng thôn.

Đặc biệt là từ khi triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, toàn huyện đã thành lập được 42 tổ “Truyền thông cộng đồng”, 4 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” góp phần hiệu quả vào công tác bình đẳng giới tại địa phương.

Khi phụ nữ có quyền năng kinh tế

Phụ nữ sẽ như thế nào nếu hạnh phúc gia đình không trọn vẹn, lại không làm chủ được kinh tế gia đình. Liệu họ có đủ tự tin trong cuộc sống, với những mối quan hệ xung quanh. Đó là nỗi niềm trăn trở chị H’Hanh-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Mơ Nú (xã Chư Á, TP. Pleiku), người đã 2 lần đổ vỡ và loay hoay với bài toán kinh tế để nuôi 2 đứa con. Nhưng bằng sức mạnh của một người mẹ, chị H’Hanh đã có những quyết định bước ngoặt. Đó là tham gia vào các lĩnh vực kinh tế ngoài nông nghiệp.

Chị H’Hanh nhớ lại: “Hồi đó, hầu hết phụ nữ trong làng đều làm nông và không có nghề phụ để tạo thêm thu nhập. Mình nhận làm gia công hạt điều cho một công ty ở Khu Công nghiệp Trà Đa, mang hạt điều về làng cho chị em bóc tách hạt. Làm lâu sẽ quen tay, có chị làm nhanh nên thu nhập từ bóc hạt điều 1-3 triệu đồng/tháng. Đến nay, tổ đã hoạt động hiệu quả được hơn 6 năm”.

Chị H’Hanh-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Mơ Nú, xã Chư Á, TP. Pleiku. Ảnh: M.C

Chị H’Hanh-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Mơ Nú, xã Chư Á, TP. Pleiku. Ảnh: M.C

Với phương châm không để ai thất nghiệp, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ làng Mơ Nú hễ thấy ở đâu có việc làm thêm phù hợp với chị em đều đứng ra làm cầu nối. Chị cho biết: “Đặc thù của chị em người dân tộc thiểu số ở nông thôn làm nông là chính. Ngoài ra, các chị còn phải đưa đón con đi học. Vì vậy, việc làm thêm phải phù hợp với nhịp sinh hoạt đó. Hiện có một số việc làm thêm mà các chị em thường tham gia để nâng cao thu nhập như làm chanh dây, bóc tách hạt điều…

Chi hội có 526 hội viên phụ nữ, ngoài làm nông, ai cũng có thêm thu nhập phụ”. Gần chục năm qua, chị H’Hanh còn tham gia điều hành, quản lý hiệu quả Tổ tiết kiệm và vay vốn, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển, từ đó đã hỗ trợ cho hàng trăm lượt hội viên phụ nữ vay vốn để phát triển kinh tế.

Tổ bóc tách hạt điều của phụ nữ làng Mơ Nú. Ảnh: M.C

Tổ bóc tách hạt điều của phụ nữ làng Mơ Nú. Ảnh: M.C

Mới đây, khi tham gia hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với hội viên phụ nữ theo chủ đề “Các chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế”, nhiều thông tin và cơ hội mà chị nắm bắt được càng khiến chị vững tin và tràn đầy khát vọng tham gia vào các lĩnh vực kinh tế.

Chị H’Hanh chia sẻ: “Mình tin phụ nữ dám thay đổi nếp nghĩ, lại được trao cơ hội, được hỗ trợ để phát triển, họ sẽ tiến bộ nhanh và có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của địa phương”.

Còn nói như bà Nguyễn Thị Nga-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Pleiku thì: “Tinh thần học hỏi, không ngại tiếp thu cái mới, nhất là trong lĩnh vực kinh tế của hội viên phụ nữ, trong đó có chị H’Hanh đã truyền cảm hứng rất lớn cho nhiều chị em khác, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số. Ở các chi hội có những chi hội trưởng như vậy thì phong trào kinh tế sẽ phát triển mạnh”.

Phụ nữ Gia Lai duyên dáng trong tà áo dài truyền thống. Ảnh: M.C
Phụ nữ Gia Lai duyên dáng trong tà áo dài truyền thống. Ảnh: M.C

Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 là ngày thế giới tôn vinh những thành tựu và sự cống hiến của phụ nữ cho nhân loại. Đây là dịp để biểu dương ý chí của phụ nữ khắp nơi trên thế giới. Chủ đề của năm nay được Liên hợp quốc lựa chọn là “Đầu tư cho phụ nữ: Đẩy nhanh tốc độ phát triển”, nhấn mạnh sự quan trọng của bình đẳng giới, củng cố quyền lợi và sức mạnh của phụ nữ. Đây cũng là dịp để nhìn lại việc thực hiện các cam kết quốc gia, quốc tế về trao quyền cho phụ nữ, trẻ em gái.

Với ý nghĩa đó, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ở Gia Lai cũng đã góp sức vào thành tựu chung trong công tác bình đẳng giới, đấu tranh vì sự tiến bộ bằng chính sự tiến bộ và khát vọng vươn lên của họ.

Có thể bạn quan tâm

Sức sống mới ở làng tái định cư

Sức sống mới ở làng tái định cư

(GLO)- Sau gần 30 năm chuyển về nơi ở mới, cuộc sống của người dân 5 làng tái định cư thuộc xã Đăk Trôi (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đã thay đổi tích cực. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước xây dựng cuộc sống no đầy.
Kông Chro tiếp nhận 489 đơn vị máu an toàn

Kông Chro tiếp nhận 489 đơn vị máu an toàn

(GLO)-

Ngày 26-4, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Kông Chro phối hợp với Khoa Huyết học-Truyền máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện đợt 1 năm 2024.

Rác thải điện tử về đâu?

Rác thải điện tử về đâu?

(GLO)- Trong khi cả thế giới đang loay hoay với cuộc chiến chống rác thải nhựa, rác thải thời trang thì một mối nguy khác đang ập tới, đó là rác thải điện tử.
Chư Prông: Hơn 3.500 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp

Chư Prông: Hơn 3.500 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp

(GLO)- Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Chư Prông chú trọng, phát động thường xuyên. Đến nay, huyện có trên 3.500 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2024.