Những bí ẩn xung quanh nhà báo được cho là điệp viên Nga

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, nhiều phóng viên từ khắp nơi trên thế giới tập trung ở khu vực biên giới Ba Lan-Ukraine để đưa tin về cuộc di cư của những người tị nạn chạy trốn chiến sự.

Trong số đó có Pablo González, một nhà báo tự do đến từ Tây Ban Nha, đã sống tại Ba Lan từ năm 2019, làm việc cho hãng thông tấn Tây Ban Nha EFE, một đài của Mỹ và các hãng tin khác.

Các đồng nghiệp ở Warsaw mô tả González là người hướng ngoại, thích uống bia và hát karaoke đến tận sáng sớm.

Pablo González khi đang làm phóng viên tự do.

Pablo González khi đang làm phóng viên tự do.

Sau 2 năm rưỡi bị giam giữ tại nhà tù an ninh ở Ba Lan với cáo buộc làm gián điệp cho Nga, González vừa được đưa về Mátxcơva trong cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất giữa Nga và Mỹ kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Sự kiện đó có thể là câu trả lời cho nhiều băn khoăn và tranh cãi về con người thực sự của người đàn ông này và cách Ba Lan xử lý trường hợp bị buộc tội là điệp viên Nga.

Trong những ngày đầu của cuộc xung đột, González đưa tin cho khán giả truyền hình ở Tây Ban Nha với bối cảnh là những người tị nạn đến ga tàu ở thị trấn biên giới Przemysl của Ba Lan. Nhưng chưa đầy 1 tuần sau cuộc xung đột, các đặc vụ an ninh Ba Lan xông vào phòng nơi González đang ở và bắt giữ người đàn ông này.

González bị cáo buộc "tham gia các hoạt động tình báo nước ngoài chống lại Ba Lan" và cho rằng ông là điệp viên của Cơ quan Tình báo quân sự Nga (GRU). Bạn bè và đồng nghiệp của ông rất kinh ngạc, và khi Ba Lan giam giữ González mà không xét xử trong thời gian dài, nhiều người tổ chức biểu tình ở Tây Ban Nha để đòi trả tự do cho nhà báo này.

Chính quyền Ba Lan chưa bao giờ giải thích cụ thể về cáo buộc trên. Nhưng vào tối 1/8, người đàn ông 42 tuổi cạo trọc đầu và râu cùng những người khác được Tổng thống Vladimir Putin chào đón trở về.

Tổng thống Nga Putin phát biểu trước González, Vadim Krasikov - người bị bỏ tù ở Đức vì bản án giết người, và những người khác: “Tôi muốn cảm ơn các bạn đã trung thành với lời thề, với nghĩa vụ và với đất nước của mình, đất nước không bao giờ quên các bạn”.

Có những ý kiến cho rằng việc ông được đưa vào danh sách trao đổi có vẻ đã xác nhận nghi ngờ rằng González là một điệp viên Nga sử dụng vỏ bọc là nhà báo.

Sinh ra tại Mátxcơva năm 1982 với tên Pavel Rubtsov, González đến Tây Ban Nha cùng mẹ vào năm 9 tuổi, sau khi bố mẹ ly hôn. Sau đó, người đàn ông này trở thành công dân Tây Ban Nha và lấy tên là Pablo González Yagüe. Ông làm phóng viên tự do và gửi tin bài cho các báo Público, La SextaGara.

Không rõ lý do gì khiến Ba Lan bắt giữ người đàn ông này. Cuộc điều tra vẫn được giữ bí mật.

Cơ quan an ninh Ba Lan cho biết, González được đưa vào thỏa thuận trao đổi tù nhân do hợp tác chặt chẽ giữa Ba Lan và Mỹ cũng như "lợi ích an ninh chung".

Tuyên bố của Ba Lan cho biết: "Pavel Rubtsov, một sĩ quan GRU bị bắt tại Ba Lan năm 2022, (đã) thực hiện các nhiệm vụ tình báo ở châu Âu".

Ông Richard Moore, giám đốc cơ quan tình báo nước ngoài của Anh (MI6), phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen năm 2022 rằng González là "người bất hợp pháp" bị bắt tại Ba Lan sau khi "giả dạng thành nhà báo Tây Ban Nha".

Thuật ngữ "bất hợp pháp" ám chỉ những điệp viên hoạt động dưới vỏ bọc không chính thức, nghĩa là họ không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao.

Các nguồn tin từ cơ quan tình báo Tây Ban Nha tin rằng người đàn ông này là một đặc vụ Nga. González phủ nhận mọi cáo buộc.

Gonzalo Boye - luật sư của González, khẳng định ông không phải là gián điệp và nhấn mạnh rằng Ba Lan chưa bao giờ buộc tội thân chủ của mình.

Một manh mối khác về González đến từ hãng tin độc lập Agentstvo của Nga. Agentstvo đưa tin, vào năm 2016, Rubtsov đã kết bạn và theo dõi Zhanna Nemtsova, con gái của lãnh đạo đối lập Nga Boris Nemtsov.

Các nhà báo tác nghiệp tại Ba Lan nói rằng González dùng căn cứ của mình ở Ba Lan để đến các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, bao gồm Ukraine và Georgia.

Người đàn ông này có giấy phép điều khiển máy bay không người lái và đã dùng phương tiện này quay phim trại tập trung Auschwitz-Birkenau từ trên cao, nhân dịp diễn ra lễ kỷ niệm 75 năm ngày giải phóng khu trại năm 2020. Một đài của Mỹ xác nhận González làm việc cho họ trong một thời gian ngắn, nhưng sau đó đã xóa hết các bài viết.

Tổ chức Phóng viên Không biên giới là một trong những nhóm từng kêu gọi đưa González ra xét xử, cho rằng người đàn ông này không nên bị giam giữ lâu như vậy mà không được xét xử.

Sau khi González được đưa về Nga, tổ chức này nói rằng González cần đưa ra lời giải thích.

Jaap Arriens, một phóng viên quay phim người Hà Lan làm việc ở Warsaw, đã đi chơi với González ở Warsaw và Kiev trước khi người này bị bắt.

Arriens nhớ González từng nói: “Cuộc sống rất tốt đẹp, quá tốt đẹp”, và Arriens đáp lại rằng cuộc đời làm việc tự do không bao giờ quá tốt.

Vợ của González ở Tây Ban Nha đã tham gia các hoạt động đòi trả tự do cho chồng khi ông đang bị giam giữ ở Ba Lan, dù họ không sống cùng nhau vào thời điểm González bị bắt.

Trong mấy năm qua, những người ủng hộ González dùng các tài khoản Twitter của họ (nay là X) để kêu gọi trả tự do cho người đàn ông này.

Những người theo dõi González từ lâu đang chờ xem ông sẽ làm gì tiếp theo. Ông có hộ chiếu Tây Ban Nha và có quyền trở về Liên minh châu Âu. Vợ của ông nói với báo chí Tây Ban Nha rằng bà hy vọng chồng có thể trở về Tây Ban Nha.

Theo Bình Giang (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Đức thông qua dự luật sửa đổi, cho phép bắn hạ máy bay không người lái xâm nhập trái phép

Đức thông qua dự luật sửa đổi, cho phép bắn hạ máy bay không người lái xâm nhập trái phép

(GLO)- Sau nhiều lần phát hiện thiết bị bay không người lái bay trên các cơ sở quân sự mà không được cấp phép, Chính phủ Đức đã thông qua dự luật sửa đổi Đạo luật An ninh Hàng không, cho phép lực lượng vũ trang nước này bắn hạ các máy bay không người lái xâm nhập trái phép.