Nhớ Đại võ sư Năm Tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tân Tạo là tên thật của Đại võ sư Năm Tạo (1933-2021), nguyên quán xã Bình An, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Ông học võ cổ truyền từ năm lên 12 tuổi, bái các danh sư người cùng thôn Háo Nghĩa quê ông như quý thầy Xã Nung, Tám Thự, Hương Kiểm Đào, Hồ Ngạnh. 
Năm 2017, bởi cống hiến đặc biệt vào việc bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam, Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam cấp bằng Đại võ sư, môn phái Hồ Ngạnh-Tây Sơn-Bình Định cho võ sư Tân Tạo. Năm 2008, gia đình võ sư Năm Tạo chuyển từ TP. Kon Tum về sống ở số 269 Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku cho đến lúc ông qua đời.
Tôi chưa hề thu nhận được chiêu thức gì về võ cổ truyền từ Đại võ sư Năm Tạo dù ông nhận tôi là môn đệ cuối cùng trong sự nghiệp hơn nửa thế kỷ dạy võ của mình. Bởi lẽ, bước qua cái tuổi “tri thiên mệnh”, thể trạng lại gầy yếu, xương khớp va vào nhau “lục cục”, cơ gân nhão nhoẹt, chỉ cố thực hiện bài tập khởi động đã “bở hơi tai” chứ nói gì đến các động tác xuống tấn, lên gồng, thân pháp linh hoạt, ra đòn mạnh mẽ, dứt khoát, chính xác và đẹp mắt… vốn là những yêu cầu bắt buộc của môn võ cổ truyền. Vì lẽ đó, huynh đệ đồng môn thường nói đùa rằng, tôi theo học “bí kíp” của sư phụ về tinh thần lạc quan vui sống, yêu đời và yêu người dù trong hoàn cảnh nào. Mà kể cũng đúng, ở con người dũng lược như võ sư Năm Tạo, trải non thế kỷ với bao thăng trầm cuộc sống, trải nghiệm và chiêm nghiệm việc đời, đạo làm người, nghiệp võ, hẳn sẽ để lại cho môn sinh nhiều bài học quý giá.
Khi biết tôi là cháu họ gần của Năm Chấn-đệ tử chân truyền của mình, lão võ sư Năm Tạo dành tình cảm đặc biệt ấm áp trong cách xưng hô ông-cháu; xem tôi như con xếp theo thứ bậc tuổi tác các con ông và dặn con cháu mình xưng hô với tôi theo mối quan hệ đó.
Đại võ sư Năm Tạo biểu diễn quyền thuật. Ảnh: Đ.P
Đại võ sư Năm Tạo biểu diễn quyền thuật. Ảnh: Nguyễn Đình Phê 
Có nhiều thời gian trò chuyện, đàm đạo, tôi mới nhận ra ở Đại võ sư Năm Tạo vốn kiến thức uyên thâm về sử lược, cổ văn Trung Hoa và Việt Nam. Với tinh thần “Cổ cựu, nghinh tân”, ông từng lý giải: Đại thập bát ban binh khí là đúc kết vũ khí trải mấy ngàn năm chống ngoại xâm, dẹp nội loạn, gìn giữ hòa bình, giao lưu võ học của ông cha, được chia ra “9 dài và 9 ngắn”. Binh khí thuộc nhóm 9 dài được gắn nơi đầu roi, vì vậy, tiên (roi) là ban binh khí vừa căn bản, vừa quyết định cho các ban binh khí khác. Qua đó, ông dẫn chuyện sang sư phụ của mình-ông Chín (cách gọi thân mật đường roi huyền thoại của võ sư Hồ Ngạnh) cùng những “cơ lý” trong từng đường roi, bài quyền, thế võ được võ sư Năm Tạo khẳng định là “rất khoa học”, kung fu và trí tuệ! Võ sư Năm Tạo lấy làm tiếc, trong thi đấu đối kháng, võ cổ truyền loại bỏ đòn gối, chỏ vốn thuộc môn võ tự do làm nên thương hiệu võ Việt Nam. Trong khi đó, Muay Thái (quyền Thái) lại được sử dụng, làm nên môn võ quốc tế công nhận. Tuy thế, võ sư cũng rất cổ súy các môn võ khác cả nội sinh và ngoại nhập, bởi phương châm: “Luyện võ để nâng cao sức khỏe và tầm vóc con người, đồng thời rèn luyện kỹ năng tự vệ và chiến đấu để bảo vệ giống nòi”.
Đại võ sư Năm Tạo được giới võ thuật đương thời đánh giá cao về võ tài, võ trí, võ lược, võ đức hoàn toàn không bởi trọng thị bậc tiền bối mà chính bởi chân-tài-trí-lược-đức đã xây nên một “tượng đài Năm Tạo” trong làng võ nước nhà. Võ sư Hà Trọng Khánh-truyền nhân, con trai võ sư Hà Trọng Sơn, nói về sư thúc: “Đọc sách nhiều, hiểu biết rộng; hoạt ngôn như một nhà hùng biện; tinh thông võ học, khiêm tốn nói về mình; trải lòng, cầu thị với lớp hậu bối; đức dày với võ sinh nên Đại võ sư Năm Tạo đặc biệt có sức hút với những ai đã tiếp xúc với ông, dù lần đầu. Và, cũng là lý do để các võ sư thành danh thuộc môn phái Năm Tạo lấy võ danh Năm cho sự tiếp nối võ đường”.
Thật đau buồn, sau 2 tháng chống chịu với căn bệnh ung thư quái ác, Đại võ sư võ cổ truyền Việt Nam-Năm Tạo đã vĩnh viễn ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của con cháu, người thân, huynh đệ, môn sinh, những người yêu mến võ thuật, người có tinh thần võ đạo! Tuy thế, chúng ta tin rằng, ngọn lửa đam mê võ cổ truyền từ vị Đại võ sư vẫn cháy, tiếp nối thế hệ trong cả nước thắp sáng. Riêng tôi, luôn nhớ những lần hầu chuyện cùng ông để học “bí kíp” sống lạc quan, yêu đời, yêu người như anh em nói vui! Nhưng, tôi có một vị “sư phụ” để “xốc” lại tinh thần mình bằng tình yêu võ thuật.
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm