Nhiều cái khó khi trẻ lớp 1 học online

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trẻ chưa biết đọc biết viết, phải học online nên nảy sinh nhiều vấn đề buộc giáo viên và phụ huynh phải nỗ lực.



Ngày 3-9, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội tổ chức tọa đàm chủ đề "Chuẩn bị hành trang tâm lý và kiến thức cho trẻ vào lớp 1 trong bối cảnh giáo dục trực tuyến".

Tiết học chỉ nên 30 phút

PGS-TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, cho hay theo khảo sát từ hãng bảo mật Kaspersky, có 55% tổng số trẻ em trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải chuyển sang hình thức học trực tuyến vì đại dịch. Tuy nhiên, 74% trẻ em không thích học trực tuyến vì phải dành quá nhiều thời gian trước màn hình; 57% học sinh (HS) cảm thấy bài giảng trực tuyến khó hiểu hơn, khó tập trung hơn so với học trên lớp. Tuy vậy, học trực tuyến sẽ sớm trở thành một hình thức học chính thức.

PGS-TS Trần Thành Nam nhấn mạnh phụ huynh và giáo viên cần hiểu tâm lý của trẻ, những khó khăn khi các em học trực tuyến và cần có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường giúp trẻ vượt qua trở ngại tâm lý. Trẻ lớp 1 dễ mất tập trung với những yếu tố xung quanh. Đây là độ tuổi rất hiếu động, khoảng chú ý ngắn nên rất khó khăn khi phải ngồi một chỗ, phải tập trung trong thời gian dài.

Mặt khác, các em không thể thực hiện nhiều thao tác cùng lúc như vừa nghe, vừa nhìn, vừa thao tác do kỹ năng phối hợp thính giác - vận động hoặc thị giác - vận động vẫn đang phát triển. Chưa kể những khó khăn thiếu thốn cơ sở vật chất của các trường học và gia đình.

TS Nguyễn Quang Tiệp, Trưởng Bộ môn Giáo dục tiểu học, cho biết những trường đủ điều kiện dạy trực tuyến thì giải pháp then chốt là phải cấu trúc lại bài giảng phù hợp, không thể mang bài giảng truyền thống vào bài giảng trực tuyến. Giáo viên phải "game" hóa nhiều nội dung, tạo hứng thú cho trẻ, tiết học chỉ nên cấu trúc 30 phút, không quá 2 giờ/buổi học.


 

 Với học sinh lớp 1 học trực tuyến, Sở GD-ĐT Hà Nội quy định chỉ tối đa 3 tiết/ ngày
Với học sinh lớp 1 học trực tuyến, Sở GD-ĐT Hà Nội quy định chỉ tối đa 3 tiết/ ngày


PGS-TS Trần Thành Nam lưu ý thầy cô dành tuần đầu tiên cho việc thiết lập mối quan hệ, làm quen và các trò chơi để kết nối với trẻ. Đồng thời, thống nhất về nội quy lớp học, hướng dẫn cha mẹ thực hiện các hoạt động chuẩn bị tại gia đình như hình thành thói quen học tập, ngồi đúng tư thế, cầm bút đúng cách, rèn cách làm việc với sách và đồ dùng học tập. Giáo viên nên giới hạn thời gian cho mỗi phiên học với 15 phút làm việc với màn hình, nghỉ 5 phút và tiếp tục phiên học 15 phút khác. Sau 4 phiên như vậy thì sẽ nghỉ vì khoảng chú ý của HS lớp 1 không dài quá 15 phút. Việc thiết kế thời khóa biểu, thiết kế các phiên học phải dựa trên các đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em.

Phản hồi câu hỏi của ông Hoàng Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường TH-THCS Chiềng Chăn (tỉnh Sơn La), về việc dạy học thế nào ở vùng HS không có máy tính, điện thoại, internet…, TS Nguyễn Quang Tiệp cho rằng giải pháp về công nghệ là tất yếu. Nhưng công nghệ cũng chưa đến được thì sử dụng công cụ học tập thủ công, dạy học qua truyền hình, đến khi dịch bệnh được kiểm soát thì sẽ tổ chức dạy học theo các nhóm trẻ, để các em tương tác với nhau. Nhà trường phải hết sức linh hoạt để thích nghi với điều kiện bình thường mới.

Linh hoạt, phù hợp đối tượng

TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT, khẳng định với HS lớp 1, lớp 2, việc đầu tiên và quan trọng nhất là nhà trường phải liên hệ phụ huynh để biết hoàn cảnh gia đình cũng như đáp ứng khả năng học tập đến đâu.

Trường hợp HS hoàn cảnh khó khăn thì phải báo cáo chính quyền để có giải pháp hỗ trợ. Gia đình không đủ điều kiện để học trực tuyến thì các trường phải chuyển sang học qua truyền hình. Có thông tin đầy đủ của HS, nhà trường mới xác định được hình thức dạy phù hợp. Việc xếp lớp học trực tuyến cũng phải linh hoạt, phù hợp đối tượng, hoàn cảnh gia đình của HS. Các em còn nhỏ, khi học luôn phải có người hỗ trợ bên cạnh.

Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP Hà Nội, từ ngày 1 đến 12-9, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 thống nhất với phụ huynh về khung thời gian học tập cụ thể (có thể ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ cuối tuần) để phụ huynh đồng hành với HS trong giai đoạn làm quen việc học trực tuyến, hướng dẫn theo dõi chương trình "Dạy học tiếng Việt" kênh VTV7 (từ ngày 6-9). Từ ngày 13 đến 30-9, nếu học sinh chưa trở lại trường, các trường giảng dạy chương trình năm học 2021-2022 theo hình thức trực tuyến, thời lượng tối đa 3 tiết/ngày.

Bài và ảnh: Yến Anh
(Dẫn nguồn NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.