Đa dạng chủng loại
Đã quá trưa nhưng bà Nguyễn Thị Hoa (thôn An Thượng 3, xã Song An) vẫn cặm cụi chăm sóc vườn lay ơn. Bà chia sẻ: “Gia đình tôi trồng hoa cung ứng thị trường Tết từ năm 2011 đến nay. Với hoa cúc, cần bấm ngọn để cây phát triển nhiều nhánh.
Gần Tết, nếu thời tiết quá lạnh, tôi sử dụng bóng điện thắp sáng để tăng nhiệt độ môi trường, kích thích hoa nở. Còn hoa lay ơn phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Nếu nắng ấm, lay ơn mau ra hoa. Nếu trời lạnh kéo dài, cây lâu ra hoa hơn. Những ngày cận Tết, tôi thường xuyên có mặt tại vườn, theo dõi thời tiết để có hướng xử lý kịp thời, phù hợp”.
Với đa dạng chủng loại, màu sắc rực rỡ, hoa truyền thống và hoa giống mới được nhà vườn tại thị xã An Khê duy trì trồng trọt cung ứng thị trường Tết. Ảnh: Ngọc Minh |
Bà Hoa cho biết thêm: Ngày thường, hoa cúc có giá 3-5 ngàn đồng/cây, ngày Tết có thể lên 5-10 ngàn đồng/cây; lay ơn dao động 6-12 ngàn đồng/bông; thương lái đến tận vườn thu mua. Mỗi vụ hoa Tết đem lại thu nhập cho gia đình hơn 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Nắm bắt nhu cầu chơi hoa dịp Tết, gần 10 năm nay, bên cạnh duy trì nghề trồng hoa cúc chậu, anh Trịnh An (tổ 3, phường Ngô Mây) còn trồng một số hoa truyền thống và giống hoa mới, kiếm thêm thu nhập.
Anh An cho hay: “Năm nay, tôi trồng 300 chậu mai dạ thảo màu hồng, cam, đỏ; 200 chậu vạn thọ màu vàng cam, vàng chanh; 450 chậu cẩm chướng, thu hải đường, cúc mâm xôi mini, hoa sống đời. Để hoa ra đúng dịp Tết, giữa tháng 10 âm lịch, tôi xuống giống. Đến đầu tháng Chạp, cây bắt đầu ra nụ”.
Ông Lê Thành Tùng-Chủ tịch UBND phường Ngô Mây-cho biết: “Vụ hoa Tết năm nay, người dân trong phường trồng khoảng 30 ngàn chậu cúc, hoa truyền thống và cây lá màu. Trong đó, 90% là giống cúc đại đóa, pha lê, kim cương, mâm xôi; còn lại 10% là hoa truyền thống, cây lá màu và một số giống hoa mới như: hoa hồng chậu, hoa xác pháo, hoa lan...
Cùng với nghề trồng hoa cúc chậu, người dân duy trì trồng hoa truyền thống, đồng thời chủ động đưa nhiều giống hoa mới về trồng bán trong dịp Tết giúp nâng cao thu nhập”.
Sẵn sàng cung ứng thị trường
Những ngày này, gia đình ông Trần Ngọc Sơn (tổ 1, phường An Tân) thuê nhân công hái bỏ nụ cúc thừa. Ông Sơn cho biết: Cúc bắt đầu ra nụ từ giữa tháng 11 âm lịch. Ngoài nụ chính, xung quanh có nhiều nụ con. Để dồn chất dinh dưỡng nuôi nụ hoa chính, buộc phải loại bỏ nụ thừa. Công việc này bắt đầu từ ngày 2 đến ngày 10 tháng Chạp.
“Bên cạnh kỹ thuật thắp đèn để cúc ra hoa đúng dịp Tết, nhà vườn phải căn thời điểm hái bỏ nụ thừa nhằm cho ra những chậu cúc có bông to, đều, đẹp. Cùng với đó, chúng tôi tập trung chăm sóc, tưới nước, chỉnh sửa dáng chậu cúc cho cân đối, đều đẹp là có thể bán ra thị trường Tết”-ông Sơn giải thích.
Hơn 1.000 chậu cúc của gia đình ông Trần Ngọc Sơn (tổ 1, phường An Tân) đã được thương lái đặt mua. Ảnh: N.M |
Năm nay, ông Sơn trồng 200 chậu cúc loại 40 cm, 800 chậu cúc loại 50 cm và 80 chậu cúc loại 70 cm. Đầu tháng Chạp, thương lái đã đặt cọc mua hết số hoa nhà trồng. “Năm ngoái, tôi bán sỉ được hơn 80 triệu đồng. Hy vọng từ nay tới Tết Nguyên đán, thời tiết tiếp tục thuận lợi và giá cả ổn định”-ông Sơn kỳ vọng.
Vụ hoa Tết năm nay, 22 hộ dân trên địa bàn phường Ngô Mây trồng 9.000 chậu cúc. Đến nay, khoảng 50% đã được thương lái đặt cọc mua.
Anh Lê Anh Tuấn (phường Trà Bá, TP. Pleiku) kể: “Hơn 8 năm nay, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, tôi đến thị xã An Khê mua 100-150 chậu cúc về bán kiếm thêm thu nhập. Năm nay, giá cả dao động trong khoảng 200-550 ngàn đồng/chậu, cao hơn năm ngoái 20-30 ngàn đồng/chậu, nhưng bù lại lá xanh, bản dày cứng cáp, nụ to, đều, đẹp hơn năm trước. Đến ngày 22 tháng Chạp, tôi sẽ xuống chở hoa về bày bán”.