Nhà giáo Nay Der 2 lần được chụp ảnh với Bác Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sinh thời, nhà giáo Nay Der (1895-1987) từng tham gia giảng dạy và làm quản lý tại nhiều ngôi trường ở miền Bắc, trong đó có Trường Cán bộ dân tộc miền Nam ở Chi Nê, Lạc Thủy, Hòa Bình. Thời gian công tác tại đây, thầy trò nhà trường đã nhiều lần được đón Bác Hồ đến thăm. Nhà giáo Nay Der còn có vinh dự được mời đến Phủ Chủ tịch và chụp ảnh lưu niệm với Bác.

Bảo tàng Hồ Chí Minh (thuộc Bảo tàng tỉnh) hiện đang trưng bày 2 bức ảnh quý về tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc thiểu số, đó là bức “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc thiểu số” và “Anh hùng Núp báo công với Bác Hồ”. Hai bức ảnh đều có sự hiện diện của nhà giáo Nay Der.

Năm 2019, khi tiến hành thu thập tư liệu, xác minh, bổ sung thông tin, hoàn thiện hồ sơ di tích Khu mộ nhà giáo Nay Der để trình UBND tỉnh xếp hạng, chúng tôi gặp ông Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) để hỏi thêm thông tin về 2 bức ảnh trên. Trước đó, trong thời gian công tác tại Bảo tàng tỉnh, ông Tuệ là người trực tiếp sưu tầm 2 bức ảnh lịch sử này. Ông Tuệ vui vẻ cho chúng tôi biết: Bức ảnh “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc thiểu số” được ông sưu tầm tại nhà thầy Nay Der ở phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa; còn bức ảnh “Anh hùng Núp báo công với Bác Hồ” ông tìm thấy trong tập ảnh của ông Lê Tam-nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, sau đó mang về trưng bày tại bảo tàng.

Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dân tộc thiểu số (nhà giáo Nay Der đứng phía sau, sát bên tay trái Bác Hồ, ảnh Bảo tàng tỉnh cung cấp).

Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dân tộc thiểu số (nhà giáo Nay Der đứng phía sau, sát bên tay trái Bác Hồ, ảnh Bảo tàng tỉnh cung cấp).

Nội dung 2 bức ảnh trên, về trực quan chúng ta có thể nhận ra ngay Bác Hồ và Anh hùng Núp. Nhưng đối với nhà giáo Nay Der thì chúng tôi không dám khẳng định vì đây là ảnh chụp lúc thầy còn trẻ. Theo gợi ý của ông Tuệ, chúng tôi đã tìm đến nhà con cháu của nhà giáo Nay Der để xác minh thông tin tấm ảnh. Người đầu tiên chúng tôi tìm đến là bà Nay Loan-con gái ông Nay Der ở hẻm 29 đường Lạc Long Quân, TP. Pleiku. Tại nhà bà Nay Loan, chúng tôi may mắn được gặp Đại tá Rơ Chăm Soan-nguyên Trưởng Công an huyện Ia Pa, là cháu ngoại nhà giáo Nay Der. Khi chúng tôi đưa 2 tấm ảnh cho bà Nay Loan và ông Rơ Chăm Soan xem, cả hai đều bày tỏ sự bất ngờ và xúc động vì bản thân họ cũng chưa nhìn thấy bức ảnh quý này. Không mất nhiều thời gian, cả hai người đã chỉ ra và khẳng định ngay vị trí ông Nay Der ở trong ảnh. Chúng tôi vui mừng nhờ bà Nay Loan và ông Rơ Chăm Soan ghi mấy dòng chứng thực lên ảnh để làm căn cứ. Sau đó, chúng tôi còn tìm gặp ông Nay Đoa, ông Nay Nô... để xác minh thêm. Họ đều khẳng định đó chính là nhà giáo Nay Der.

Năm 1987, nhà giáo Nay Der qua đời tại thị xã Ayun Pa. Khu mộ của ông được xây dựng theo kiểu nhà mồ truyền thống của người Jrai, tọa lạc trong khuôn viên rộng hơn 1.000 m2 rợp bóng cây xanh tại số 01 Đào Duy Từ, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa. Trước mộ lập bia ghi lược sử về thân thế, sự nghiệp của người trí thức đầu tiên của cộng đồng dân tộc Jrai. Ngày 31-12-2019, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 1190/QĐ-UBND xếp hạng di tích Khu mộ nhà giáo Nay Der là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến nhà giáo Nay Der như: Huân chương Kháng chiến hạng nhất do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Pháp; Huân chương Độc lập hạng nhì được Hội đồng Nhà nước tặng vì có nhiều cống hiến trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc; thẻ đảng viên... Nhưng hiện vật mang nhiều ý nghĩa nhất vẫn là 2 bức ảnh nhà giáo Nay Der được chụp với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nội dung ảnh cho chúng ta cảm nhận được tình cảm sâu sắc của Bác dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Tây Nguyên nói riêng cũng như tình cảm của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Bác.

Có thể bạn quan tâm

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

(GLO)- Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Bỏ xét tuyển sớm, bổ sung ngưỡng đảm bảo đầu vào đối với nhóm ngành sư phạm, nhóm ngành Sức khỏe - Y dược (có cấp chứng chỉ hành nghề) là hai điểm mới trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2025 mà Ban soạn thảo vừa điều chỉnh.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.