Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường liên quan thế nào tới sai phạm tại VEC?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngoài những sai phạm về việc cổ phần hoá các Tổng công ty thuộc Bộ GTVT bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra, ông Nguyễn Hồng Trường, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT còn liên quan tới hàng loạt sai phạm tại VEC khi Tổng công ty này chỉ định thầu các dự án trạm dừng nghỉ.
Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra sai phạm của ông Đinh La Thăng nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT cùng với 4 Thứ trưởng Bộ GTVT gồm: Ông Nguyễn Hồng Trường, ông Nguyễn Văn Công, ông Nguyễn Ngọc Đông và ông Nguyễn Nhật về vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT đang được dư luận quan tâm.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, ngoài những sai phạm về việc thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại các Tổng công ty trực thuộc Bộ GTVT, ông Nguyễn Hồng Trường khi còn là Thứ trưởng Bộ GTVT còn liên quan tới các sai phạm về việc chỉ định thầu các trạm dừng nghỉ trên cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý và sai phạm thu phí trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
 
Ông Nguyễn Hồng Trường - nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT (Ảnh: I.T)
Cụ thể, bà Vũ Thị Hoan (người đã bị khởi tố và bắt giam) với vai trò là Giám đốc công ty Yên Khánh đã “thâu tóm” quyền thu phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình theo hình thức chỉ định thầu. Qua đó, đã để xảy ra các sai phạm khi tổ chức thu phí đường bộ trên tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Thời điểm ông Nguyễn Hồng Trường còn làm Thứ trưởng Bộ GTVT, công ty CP Yên Khánh của bà chủ 8X Vũ Thị Hoan đã có văn bản 84/2012/CV-ĐB đề xuất bộ GTVT cho thuê dịch vụ quản lý thu phí đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Ngay sau đó 5 ngày, ông Nguyễn Hồng Trường đã ký văn bản số 5249/BGTVT-TC gửi tới VEC “giới thiệu” công ty Yên Khánh của bà Vũ Thị Hoan thực hiện thu phí và đề nghị VEC đàm phán với nhà đầu tư.
Nhận được văn bản do ông Nguyễn Hồng Trường ký, đến 3 tháng sau đó, VEC có văn bản số 2792/VEC-BC ngày 19.10.2012 do ông Mai Tuấn Anh, thời điểm đó là Tổng giám đốc VEC, báo cáo Bộ GTVT xin chủ trương ký hợp đồng về dịch vụ thu phí đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của bộ GTVT về việc quản lý thu phí nhằm giảm chi phí gián tiếp, nâng cao hiệu quả  đầu tư và đề xuất của Công ty Yên Khánh, VEC đã làm việc và xem xét các nội dung cụ thể như: Phạm vi công việc gồm trạm Đại Xuyên, Vực Vòng, Liêm Tuyền, Cao Bồ với nhân sự 231 người. Đề xuất chi phí trọn gói là 21,3 tỷ đồng/năm. Thời gian thực hiện chỉ 12 tháng.
Sau khi nhận được báo cáo của VEC, bộ GTVT có văn bản 9067/BGTVT-TC ngày 26.10.2012 “bật đèn xanh” gửi VEC về việc thu phí trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Qua đó, HĐTV VEC đã ra Nghị quyết số 468/NQ-VEC-HĐTV thống nhất giao công ty Yên Khánh của cháu gái “Út trọc” Vũ Thị Hoan thực hiện thu phí Cầu Giẽ - Ninh Bình. Trong hợp đồng, công ty Yên Khánh chỉ được thu phí 1 năm, thế nhưng công ty đã thực hiện thu phí trong suốt 5 năm qua.
Đáng chú ý, đến tháng 1.2019 Bộ GTVT đã kết luận nội dung tố cáo đối với Hội đồng thành viên, tổ chức cá nhân VEC chỉ định thầu 8 trạm dừng nghỉ trên 3 tuyến cao tốc. Trong đó có một trạm dừng nghỉ trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được chỉ định cho Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn của Đinh Ngọc Hệ (tức Út trọc). Vụ việc này đã giao cho cán bộ thanh tra Bộ thực hiện.
Sau 6 tháng xác minh, đoàn xác minh của Bộ GTVT kết luận VEC chỉ định nhà đầu tư các trạm dừng nghỉ trái luật trên 3 tuyến cao tốc gồm: tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và đây là nội dung tố cáo có cơ sở.
Theo Bộ GTVT, sai sót trên được xác định từ việc Chủ tịch hội đồng thành viên VEC ký hợp đồng với các nhà đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ trên 3 tuyến cao tốc không thông qua đấu thầu.
Nguyên nhân để xảy ra sai sót do lỗi chủ quan của Hội đồng thành viên mà trách nhiệm chính là Chủ tịch Hội đồng thành viên, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, các cá nhân tổ chức tham mưu ký hợp đồng với nhà đầu tư. Tổng cộng có 8 trạm dừng nghỉ ở 3 tuyến cao tốc trên được thực hiện không thông qua đấu thầu. Trong đó, một trạm dừng nghỉ trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được chỉ định do Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn của ông Đinh Ngọc Hệ (Út trọc) thực hiện.
Chủ tịch hội đồng thành viên VEC đã ký hợp đồng với công ty này triển khai đầu tư xây dựng trạm giai đoạn 1 hơn 39 tỉ đồng, giai đoạn 2 hơn 47,4 tỉ đồng với thời gian tạm xác định hoàn vốn 20 năm.
Ngày 5.5, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa mới chỉ ra sai phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ GTVT vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT.
Cụ thể, ông Vũ Văn Ninh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ có vi phạm, khuyết điểm trong việc quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT.
Ngoài ra, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng (BCSĐ), nguyên Bộ trưởng Đinh La Thăng (đã bị khai trừ ra khỏi Đảng và đang chấp hành hình phạt tù) chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ và Bộ GTVT.  Cá nhân ông Đinh La Thăng vi phạm rất nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Các Ủy viên BCSĐ, Thứ trưởng gồm: ông Nguyễn Hồng Trường, ông Nguyễn Văn Công, ông Nguyễn Ngọc Đông và ông Nguyễn Nhật cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Những sai phạm nêu trên, đã gây thất thoát lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành GTVT, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

Thế Anh (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.